詠鵝

鵝鵝鵝,
曲項向天歌。
白毛浮綠水,
紅掌撥清波。

 

Vịnh nga

Nga nga nga,
Khúc hạng hướng thiên ca.
Bạch mao phù lục thuỷ,
Hồng chưởng bát thanh ba.

 

Dịch nghĩa

Cạp cạp cạp,
Cổ cong hướng lên trời mà hát.
Lông trắng nổi trên mặt nước xanh,
Chân hồng bơi đạp tạo sóng trong.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Minh

Cạp cạp cạp
Cổ cong hướng trời hát
Lông trắng nổi nước xanh
Chân hồng gây sóng đạp

tửu tận tình do tại
13.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng vicar

Nga nga nga
Cổ cong hướng trời ca
Lông trắng phô nước biếc
Chân hồng sóng trong qua

13.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ "Vịnh nga'' một đường hướng ngoại giao thời kỳ đầu tự chủ của nước ta. PHẦN 1 ( Tác giả : Viên Như )

Một đường hướng ngoại giao trong thời kỳ đầu tự chủ của nước ta

Trong lịch sử ngoại giao của nước ta vào thời kỳ đầu tự chủ, ngoài những văn thư qua lại, còn có một sự kiện được lưu lại dưới hình thức là một bài thơ. Dĩ nhiên ngôn từ ngoại giao mà ghi lại bằng thơ thì khung cảnh cũng nên thơ, chứ không phải là những lời lẽ đầy hậu ý cùng những lời tán tụng qua lại tại cung đình hay nơi đại sảnh. Ở đây sự việc xảy ra trên một con thuyền tại một khúc sông với hai người, một là sứ thần của nhà Tống và người kia là ông lái đò của nước Việt. Đối tượng mà cả hai người mượn để nói lên ý nghĩ của mình lại là bầy ngỗng. Bài thơ ấy được ghi lại trong lịch sử như sau :
Năm (987), nhà Tống lại sai Lý Giác sang . Khi đến chùa Sách Giang,Vua sai Pháp sư tên là Thuận giả làm người coi sông ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước. Giác vui ngâm rằng : (2)
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Ngỗng ngỗng cả bầy ngỗng
Ngửa mặt hướng ven trời.
Pháp sư đương cầm chèo theo vần làm nối đưa cho Giác xem :
Bạch mao phô lục thuỷ
Hồng trạo bãi thanh ba.
Lông trắng phơi dòng biếc
Chân hồng rẽ sóng khơi.
Việc bài thơ này được ghi lại trong chính sử cho ta suy nghĩ rằng cha ông ta ngày xưa nhất định xem trọng sự kiện này, hay nói khác hơn, bài thơ này nhất định chứa đựng một thông điệp quan trọng nào đó chứ không thể có việc bỏ thì giờ để viết một câu chuyện mà như ngày nay nhiều người cho là truyền thuyết hoá vào chính sử được. Bởi vì sự kiện Lý Giác sang nước Việt hai lần, không phải để dạo chơi, cũng chẳng phải để mà đối đáp thơ văn, mà nhất định phải mang theo một thông điệp nào đó, thế mà trong sử không thấy ghi gì ngoài hai bài thơ và một từ khúc. Điều này cho thấy rằng những gì mà chính sử ghi lại trong giai đoạn này nhất định phản ảnh những gì mà nhà Tống muốn. Do đó cần nghiên cứu kỷ lưởng xem bài thơ này ẩn chưa những gì.
Như chúng ta biết, Thiền sư Pháp Thuận là một trong những thiền sư nổi tiếng của thời kỳ đầu trong nền văn học tự chủ, ông đã đóng góp tích cực vào công cuộc ổn định chính trị thời đại Lê Hoàn, nhưng cũng như nhiều thiền sư khác, những gì liên quan đến sự nghiệp của ông chỉ còn lại hết sức giới hạn. Hiện nay, thông qua lịch sử, chúng ta chỉ biết về ông với một tiểu sử sơ sài và hai bài thơ, nói đúng hơn là một bài rưỡi, có nghĩa là một bài thơ bốn câu, trong đó ông chỉ đóng góp hai câu thôi. Một bài thơ hay như thế, nhưng một lần nữa trong lịch sử Việt Nam, bài thơ lại bị cho rằng chỉ là sửa lại một bài thơ của Trung hoa, cụ thể là của Lạc Tân Vương làm lúc 10 tuổi.
Như lịch sử cho biết, Lý Giác sang Việt Nam hai lần, lần đầu là vào năm 986 mang theo chế sách phong cho Lê Hoàn chức An Nam Đô Hộ Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Kinh Triệu Quận Hầu; đồng thời bảo lãnh cho hai tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị Lê Hoàn bắt trong trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng năm 981 về nước, lần ấy theo sử sách ông ta được tiếp đãi rất nồng hậu. Lần hai là vào năm(987).Tất nhiên, với tư cách là sứ giả của Thiên triều, chắc chắn Lý Giác phải tỏ cho vua quan nhà Tiền Lê thấy cái uy phong của kẻ bề trên, chứ làm gì có cái thiện cảm như nhiều người nghĩ. Có thể vì bị ảnh hưởng bởi bài thơ Lý Giác tặng Pháp Thuận trước khi về nước và sự khôn khéo của Khuông Việt khi trả lời Lê Hoàn về bài thơ này (3)nên người ta mới nghĩ như vậy chăng.
Tuy nhiên, may mắn thay là vẫn còn đó hai bài thơ, đây như là ADN duy nhất của người xưa để lại. Do đó ta cần phải phân tích ADN này xem thử thành phần nó ra sao, có thật là cùng gen với bài thơ của cậu bé Lạc Tân Vương không, để trả lời có hay không việc đạo văn và ai đạo của ai?
Câu 1: “Nga nga lưỡng nga nga”,
Ngỗng ngỗng cả bầy ngỗng
Câu này từ trước tới nay, hầu như ai cũng hiểu và dịch là hai con ngỗng như “song song ngỗng một đôi” chắc có lẽ người đọc thấy câu này bắt đầu bằng hai từ “nga nga” rồi lại kết thúc “nga nga” như vậy dịch là “song song và một đôi” là quá đắt rồi. Có ai ngờ chính vì hiểu và dịch như vậy nên đã định hướng cho người đọc một thông tin hoàn toàn khác hẳn những gì mà chính văn mang lại. Từ đó còn có lời khen Lý Giác; đồng thời còn phân tích cặn kẽ và cho là Phật pháp thâm hậu, ngôn từ không khác một thiền sư. Quả thật sự tưởng tượng của con người vô cùng phong phú. Trong bài viết này tôi chỉ khảo sát bài thơ trong khung cảnh bấy giờ với những con người lịch sử và vai trò mà đất nước họ giao phó trong tư cách là những nhà ngoại giao, như đã nêu từ đầu bài.
Vậy câu này nghĩa như thế nào? Để tìm hiểu nghĩa của câu này ta hãy tạm quên chuyện “song song và một đôi” đi và xem lại Lý Giác đã nói gì. Lý Giác nói “nga nga” là hai con, rồi “lưỡng” hai con, lại thêm “nga nga” hai con nữa. Như vậy chỉ trong câu thơ thôi ta thấy đã có tới sáu con ngỗng rồi sao lại cho rằng chỉ có hai con. Trong thơ Việt Nam cũng có một câu theo cấu trúc này, đó là câu đầu của bài thơ “Vịnh đèo Ba Dội” của Hồ Xuân Hương: “Một đèo, một đèo lại một đèo. Làm sao ta có thể cho rằng câu ấy chỉ nói có một đèo được. Trở lại câu thơ của Lý Giác ta thấy có đến sáu con ngỗng, nhưng vì khổ thơ năm chữ nên ông dùng chữ “ Lưỡng” vừa là hợp với khổ thơ vừa tạo âm điệu khiến cho bài thơ đẹp lên. Tuy nhiên, như ta biết ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ ước lệ, Lý Giác đâu mất công mà đếm có bao nhiêu con ngỗng dưới sông kia. Nó có thể là 5 con, 6 con mà có khi còn hơn nữa, con số mà trong tiếng Việt ta gọi là “bầy” và đây chính là ý của câu một. Ta tạm dịch câu này là “ Ngỗng, ngỗng cả bầy ngỗng”.
Câu 2: Ngưỡng diện hướng thiên nhai,
Ngưỡng mặt hướng ven trời,
Sáu con ngỗng đang bơi với tư thế ngưỡng mặt hướng về phía chân trời. Trong câu này Lý Giác dùng từ “thiên nhai” có nghĩa là chân trời . Sao ở chổ sông nước kia lũ ngỗng lại ngưỡng mặt hướng về chân trời cao xa vời vợi thế. Hơn ai hết Pháp Thuận là người trong cuộc, ông biết rằng “thiên nhai” ở đây chẳng qua Lý Giác muốn chỉ cho thiên triều nhà Tống đấy thôi. Như vậy ta thấy hai câu này đã nói lên sự ngạo mạn, trịch thượng của một sứ thần phương bắc. Ông đã ví vua quan và nhân dân nước Việt như là bầy ngỗng đang ngưỡng mặt hướng về thiên triều thần phục. Đây là thái độ phổ biến của sứ thần phương Bắc chứ chẳng riêng gì Lý Giác; tuy nhiên ở đây Lý Giác lại dùng thơ để nói, vừa thách thức Pháp Thuận về mặt kiến thức, vừa hạ thấp đối phương một cách văn vẽ, quả thật đúng là ngôn ngữ ngoại giao, hết sức nhẹ nhàng nhưng chứa đầy giông bão.
Là một công dân nước Việt, được giao phó trọng trách tiếp sứ thần lân bang, dĩ nhiên Pháp Thuận hiểu ngay những câu thơ cao ngạo ấy của Lý Giác. Tuy nhiên trong tinh thần trách nhiệm của một công dân, hơn nữa lại là một thiền sư, ông đã bình thản trả lời Lý Giác bằng hai câu thơ, hai câu này không những để đối trọng lại thái độ ngông nghênh mà Lý Giác đã nói trước đó, mà còn làm cho bài thơ hoàn chỉnh, rất hay.
Câu 3 và 4 : Bạch mao phô lục thuỷ,
Hồng trạo bãi thanh ba.
Lông trắng phơi dòng biếc,
Chân hồng rẽ sóng khơi.
“Bạch mao” là lông trắng, là biểu tượng cho sự công khai, ngày nay chúng ta vẫn thường dùng các từ như: bạch hoá, minh bạch, hay sách trắng, đó là nhiệm vụ của bộ ngoại giao là nơi công khai những chính sách của chính phủ. Rõ ràng trong câu này Pháp Thuận đã sử dụng từ bạch rất chuẩn. “Phô” là khoe ra, phô bày, làm cho ai cũng thấy, như vậy ta thấy từ phô này hoàn toàn tương hợp với từ đi trước nó là bạch. “Lục thuỷ” là chỗ rộng rãi, bằng phẳng (bình đẳng)hay chỗ công cộng, quốc tế. Như thế câu này nghĩa bóng của nó là: Về phương diện ngoại giao, một cách minh bạch và bình đẳng, nước ta công khai tính độc lập đó để các nước lân bang công nhận.
Tuy nhiên, việc yêu cầu nước khác công nhận nền độc lập không có nghĩa là chúng ta trở thành thuộc địa, hay lệ thuộc vào một nước khác, trong bài này cụ thể là nước Tống. Ở câu bốn Pháp Thuận đã minh định lập trường đó. “Hồng trạo” có nghĩa là mái chèo màu hồng, ở đây nghĩa đen là chân hồng, nghĩa bóng là nội lực tràn đầy, màu hồng là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ tràn đầy như: tuổi hồng, hồng quân, máu hồng, trạo là mái chèo, ở đây là cơ chế nội lực, “bãi” là hai tay khoát ra, ở đây là rẽ, “thanh ba” là sóng xanh. Câu này có nghĩa là nếu như ai đó gây ra sóng gió thì ta có nội lực để rẽ sóng mà tiến lên. Lời lẽ của Lý Giác đưa ra trong bài thơ là cố ý hạ thấp nước Việt, xem vua quan và nhân dân nước Việt như những kẻ hoàn toàn lệ thuộc vào triều Tống, với tư cách là những thần dân. Đây là một thái độ ngông nghênh của một kẻ đại diện cho cái gọi là Thiên triều. Trước thái độ trịch thượng đó, Pháp Thuận đã bình thản (như một tính chất phải có của một nhà ngoại giao) trả lời Lý Giác “Về phương diện ngoại giao thì nước tôi thông báo cho nước ông biết là nước Việt là một nước độc lập, như thế không phải là nước Việt là thuộc địa của bất cứ ai, vì nếu cần thiết thì chúng tôi có thừa nội lực để rẽ sóng mà đi tới”.
Cần lưu ý rằng, cách đó một năm, chính Lý Giác đã sang nước ta để bảo lãnh cho hai tướng nhà Tống bị ta bắt trong trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng. Chắc chắn dư âm thất bại đó của quân Tống vẫn còn vang vọng trong tâm thức của ông ta, nên khi thấy Pháp Thuận đáp như vậy Lý Giác giật mình và hiểu ra rằng tại sao quân Tống thất bại (quân sự) và cả chính ông nữa cũng thất bại vào lúc này(ngoại giao). Cũng từ nhận thức nầy mà thái độ sau đó của Lý Giác dè dặt hơn, điều này đã thể hiện rõ trong bài thơ ông ta tặng Pháp Thuận sau đó. Tuy cao ngạo, nhưng ít ra ông ta cũng đã công nhận giờ đây nước Việt đã là một đất nước vững mạnh. Trong bài thơ Lý Giác tặng Pháp Thuận có câu“Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu, khê đàm ba tỉnh kiến thiềm thu. Ngoài trời có trời nên xa nghĩ, khe đầm sóng lặng thấy trăng thu”. Hai câu này theo nhiều người cho rằng Lý Giác cuối cùng phải chấp nhận nước Việt cũng là trời, có nghĩa là công nhận nước Việt là một nước độc lập. Thực ra thời ấy nước ta chưa bao giờ được phương Bắc công nhận độc lập. Theo thiển ý của tôi thì câu “thiên ngoại hữu thiên”xuất phát từ Đạo Đức kinh của Lảo Tử, đã thành một thành ngữ với ý nghĩa khuyên ai đó cần phải khiêm nhường, đừng tưởng mình quan trọng, mạnh, to lớn .v.v. vì mình to lớn còn có kẻ khác to lớn hơn. Do đó có thể Lý Giác sử dụng nó như là thành ngữ với nghĩa mà tôi đã nói trên. Vì hai câu này có ý đe doạ, dạy đời nước Việt là “ngoài trời còn có trời nữa các ông nên nhìn xa trông rộng (ưng viễn chiếu), khi sóng trong khe, đầm lặng rồi thì sẽ thấy trăng thôi(kiến thiềm thu). Chúng ta thấy trong câu cuối Lý Giác nói “ba tĩnh - sóng yên” nhưng mà sóng trong “khê đàm - khe đầm” thôi. Đáng lý câu này Lý Giác có thể viết “ Hải giang ba tỉnh kiến thiềm thu”mới phải chứ. Vì đã nói sóng thì phải nói đến sông, biển chứ sao lại sóng trong khe đầm. Rõ ràng ý của Lý Giác là muốn ám chỉ những cuộc nỗi dậy của các nước chung quanh chỉ là sóng trong khe đầm thôi, nên khi bị dẹp yên rồi thì Nhà Tống cũng như trăng trên trời sẽ soi xuống và ngự trị trong những khe đầm ấy . Lời lẽ như thế thì thật quá ư cao ngạo, do vậy nếu ta hiểu câu “thiên ngoại hữu thiên” là có ý công nhận nước ta cũng là trời liệu có ổn không. Tuy nhiên là một sứ thần phương Bắc mà dùng từ như vậy thì trong lòng nhất định có sự nễ phục nước ta. Ấy vậy mà từ hai câu này nhiều người nghĩ rằng Lý Giác có cảm tình và khen nước Việt. Có lẽ ở ta luôn có mặc cảm nhược tiểu nên chi khi có ai đó nói hay làm cho ta đôi điều tốt, thậm chí cũng chẳng phải vì dân ta mà vì quyền lợi thiết thực của họ, nhưng để chứng tỏ ta là quân tử (hảo), luôn trọng nghĩa tình, lại ca ngợi đến mức nhầm lẫn giữa ranh giới của sự ghi nhận và lòng biết ơn. Trong lịch sử nước ta không hiếm những trường hợp như thế. Như trước đây thì có Cao Biền, Lý Giác và giờ đây thì Alexandre de Rhodes,Yersin.
Như thế chúng ta thấy bài thơ tuy được làm bởi hai người với hai tư tưởng đối lập, nhưng về mặt văn học thì là một bài thơ hoàn hảo, rất đẹp. Đặc biệt hai câu của Pháp Thuận chính là chuẩn mực cho đường hướng ngoại giao lúc bấy giờ, và tinh thần ngoại giao ấy xuyên suốt lịch sử về sau, mà có lẽ ngay cả trong thời đại của chúng ta nữa. Đó chính là chính sách ngoại giao “Độc lập, tự chủ, láng giềng hữu nghị”. Chính trên nguyên tắc ngoại giao này mà trải qua hàng ngàn năm, với bao biến chuyển của thời cuộc, nước Việt vẫn là một nước độc lập.
Trở lại vấn đề đạo văn của Lý Giác và Pháp Thuận. Như đã đề cập ở trên, qua phân tích chúng ta thấy đây là một bài thơ hay, không những về mặt văn chương mà cả phương thức ứng xử của hai con người đại diện cho hai quốc gia bày tỏ quan điểm của mình vỏn vẹn trong 20 chữ (mỗi người 10 chữ), chỉ bấy nhiêu thôi mà đã nói lên được chính sách của mỗi nước trong quan hệ với nước khác, thì có thể nói rằng đây là một kiệt tác văn học. Ấy thế mà cả hai nhân vật sáng tác ra bài thơ trên lại mang tiếng là đạo thơ của một cậu bé 10 tuổi ở Trung Hoa. Cụ thể là bài “Vịnh nga” của Lạc Tân Vương (khoảng 640-684). Bài thơ ấy như sau:
Nga nga nga,
Khúc hạng hướng thiên ca,
Bạch mao phù lục thuỷ,
Hồng chưởng bát thanh ba.
Như chúng ta biết, có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa thời ấy giờ đây chỉ còn lại một hai bài thơ, còn hầu hết đều thất lạc theo những cơn binh biến, loạn lạc của lịch sử. Sở dĩ nó còn lại là nhờ vào sự tập chú của các nhà viết văn học sử lúc bấy giờ. Thời ấy đâu có dễ gì được các nhà tập chú thơ quan tâm và làm gì có nhiều giấy mực và công sức mà viết đại trà, chỉ có những bài hay của những nhà thơ tên tuổi may ra mới được ghi lại; đồng thời cũng may mắn lắm mới không bị tiêu huỷ sau những nhiễu nhương của thời cuộc. Vậy mà Lạc Tân Vương được quan tâm đến mức một bài thơ làm lúc 10 tuổi lại được sưu tập, đồng thời nổi tiếng và được phổ biến tới ngày nay. Nó nổi tiếng đến mức ngày ấy hai con người tiêu biểu cho trí thức của hai đất nước phải thuộc nằm lòng. Tại sao có hiện tượng này? Vì bài thơ quá hay, làm chuẩn mực cho văn học hay vì lí do nào khác?.
Để tìm hiểu vấn đề này chúng ta hãy phân tích xem bài thơ của Lạc Tân Vương như thế nào? Đồng thời cá nhân tôi cho rằng thực chất bài này là một sự gian lận với một ý đồ nhất định, nó là sản phẩm đạo văn từ bài thơ của Lý Giác và Pháp Thuận như những gì trình bày dưới đây.
( Xin xem tiếp PHẦN 2 )

Mưa Nguồn
25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ "Vịnh nga'' một đường hướng ngoại giao thời kỳ đầu tự chủ của nước ta.PHẦN 2 ( Tác giả : Viên Như )

Câu một: Nga nga nga,
Ngỗng, ngỗng, ngỗng,
Như vậy câu này thiếu mất hai chữ, hai chữ ấy là chữ gì? Tất nhiên là “nga nga”. Nếu Lạc Tân Vương có khả năng làm bài thơ này lúc 10 tuổi, thì đâu lại quên khổ thơ này là thơ 5 chữ và có khó gì khi thêm vào hai chữ “nga nga”. Vấn đề là làm gì có cậu bé Lạc Tân Vương ở đây, mà đây là tác phẩm được nhào nặn lại từ bài thơ của Lý Giác và Pháp Thuận bởi những con người có học với một ý đồ nhất định. Do vậy việc bỏ đi hai chữ “nga nga” là cố ý dấu đi ý tưởng mà Lý Giác đã nói trong thơ ông. Đồng thời có lẽ đã có bàn tay lông lá nào đó đã thêm vào trong ĐVSKTT câu “Lúc ấy nhân có hai con ngỗng” để định hướng suy nghĩ của người đọc. Điều này cho thấy ở Trung Hoa người ta hiểu câu một là “một bầy ngỗng” chứ đâu có phải chỉ “hai con” chính vì vậy mà họ bỏ bớt hai chữ (nhưng vẫn còn ba con chứ không phải hai như ta hiểu). Có lẽ hai chữ này bị bỏ đi sau khi sửa toàn bộ bài thơ chứ không phải ban đầu vốn là như thế, lí do cho việc bỏ đi hai chữ này là làm cho ra vẻ trẻ con, để phù hợp với ngôn từ của những câu sau đó; đồng thời dấu đi ý tưởng của Lý Giác.
Câu hai : Khúc hạng hướng thiên ca.
Cong cổ lên trời mà kêu
Nhằm phục vụ cho việc vu cáo bị đạo văn, nên những người sửa cần phải làm sao phải giữ được sự giống nhau của hai bài nên ngôn từ trong bài này hết sức khiên cưỡng. Ở đây đáng lẽ ra sau phó từ “hướng” dùng một danh từ là đủ, còn nếu kết thúc bằng một động từ như trong bài thì câu sau phải thể hiện những gì thuộc về động từ đó. Ấy vậy mà câu ba không thể hiện điều này.
Câu ba: Bạch mao phù lục thuỷ
Lông trắng nổi nước xanh.
Ở câu này chỉ khác bài của Lý Giác và Pháp Thuận một chữ “phù” là nổi. Đã nói là nổi thì nổi trên nước chứ còn nước xanh làm gì. Về quy luật thì đúng ra sau động từ “phù” phải là một phó từ chứ không thể là danh từ được. Như nổi lềnh bềnh chẳng hạn. Tuy nhiên, cái sai ở đây thành cái đúng, nó đúng là vì như thế mới là thơ của con nít.
Câu bốn: Hồng chưởng bát thanh ba.
Tay hồng khoát sóng xanh.
Câu này khác hai chữ “chưởng” và “bát”. Chưởng là bàn tay, bát là khoát ra, moi, bới. Ai có chút kiến thức về chữ Hán cũng dễ nhận ra sự chông chênh của câu thơ và cách dùng từ. Tuy nhiên điều ấy có quan trọng gì, vì đây là bài thơ của đứa trẻ lên 10 thì việc bất cập đó là chuyện bình thường. Chuyện không bình thường là tại sao một bài thơ như thế mà lại được các nhà tập chú thơ ở Trung Hoa lưu truyền và trở nên nổi tiếng, nó nổi tiếng không những trong nước mà còn vượt cả biên giới sang nước Việt, khiến cho hai con người trí thức của hai đất nước như Lý Giác và Pháp Thuận phải nằm lòng. Thật có chuyện phi thường đó không? hay đây chính là một trò đánh lận con đen?.Với những gì đã phân tích trên cho ta câu trả lời rằng: Trước khi có bài thơ đối đáp giữa Lý Giác và Pháp Thuận chẳng có bài “Vịnh nga” nào cả, mà nó chỉ có mặt sau sự kiện đối đáp bằng thơ giữa sứ thần phương Bắc và ông lái đò nước Việt mà thôi. Có thể sau khi trở lại đông đô, Lý Giác vẫn còn giật mình về những lời lẽ và cung cách mà Pháp Thuận đã ứng xử nên tìm cách hạ thấp giá trị nội dung của bài thơ nhằm gỡ gạc chút đỉnh sĩ diện. Có lẽ chính Lý Giác cũng tham gia sửa cũng nên, sau khi sửa tới, sửa lui, thấy khó nên sửa đại, rồi xoá bớt hai chữ ở câu đầu và gán cho tác giả là Lạc Tân Vương làm lúc 10 tuổi thế là xong. Vì dù cho ai có nói gì về chuyện câu cú, từ ngữ chăng nữa thì số tuổi nhỏ bé của tác giả đã là câu trả lời thoả đáng rồi.
Như vậy chúng ta thấy bài “Vịnh nga”của Trung quốc đúng là một bài thơ của trẻ con, mà đã là như thế thì tại sao lại được sưu tập, lưu truyền, chắc ở Trung Hoa thời ấy có quá ít người biết chữ và làm thơ chăng? Đặt vấn đề như vậy và với những hiểu biết về lịch sử và văn học Trung Hoa cho phép ta hiểu rằng : Sự tồn tại và lưu truyền bài thơ của tác giả 10 tuổi này không phải vì giá trị văn học của nó, mà chính là vì nhiệm vụ và mục đích của nó. Nhiệm vụ của nó là biến bài thơ của Lý Giác và Pháp Thuận thành một bản sao và mục đích của nó là làm cho hậu thế ngộ nhận rằng một thiền sư nước Việt mà phải thuộc lòng thơ của một đứa con nít ở Trung Hoa, thậm chí còn đạo luôn thơ của nó nữa, đủ biết người Hán tài đến chừng nào. Mục đích ấy đã thành công hơn ngàn năm qua, nhưng có lẽ sự ngộ nhận này chỉ có giá trị chừng ấy thôi./.

Viên Như

Mưa Nguồn
45.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đất Văn Lang

Thiên nga, thiên nga
Ngoẻo cổ lên trời ca
Nước biếc bồng lông trắng
Chân hồng vẽ sóng hoa

Đất Văn Lang
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Nga nga nga,
Cong cổ hướng lên trời hát ca.
Lông trắng nổi trên mặt nước biếc,
Chân hồng bơi đạp sóng trong xa.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Nga nga nga, lại nga nga,
Hướng trời ngưỡng cổ hát ca sông thành.
Trắng lông phô mặt nước xanh,
Chân hồng bơi đạp sóng nhanh xa mờ.

15.00
Trả lời