Ngày 29-8 cách đây 20 năm là ngày gia đình nhỏ của Lưu Quang Vũ bất ngờ ra đi sau một tai nạn thảm khốc. NSƯT Nguyễn Thước cùng cộng sự đang thực hiện bộ phim tài liệu về anh.

* 20 năm ngày mất của gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, bộ phim sẽ kể những gì, thưa anh? Và đã có tên cho phim chưa?

- Phim được bắt đầu từ vùng đất trung du ở Phú Thọ, nơi Vũ chào đời. Rồi ngôi nhà 96 Phố Huế, nơi Vũ sống trong một căn phòng rất nhỏ hẹp, nhóm bạn thơ thân thiết ở Hải Phòng, chuyến đi định mệnh... Và những tình cảm của khán giả, nghệ sĩ, trong TP.HCM và ở Hà Nội. Phim sẽ là bức chân dung về người nghệ sĩ tài hoa này qua cảm xúc của chúng tôi. Những người làm phim cũng là những người bạn thân của cả gia đình Lưu Quang Vũ. Không thể không nói đến nhà thơ Xuân Quỳnh, người bạn đời và là đôi cánh cho tài năng của Vũ bay cao. Kịch bản phim do NSND Đào Trọng Khánh viết, anh Khánh từng là một người bạn thơ rất thân của Lưu Quang Vũ. Tên kịch bản từ đầu và cho đến hiện nay vẫn là Ngọn lửa trong gương. Nếu phim hoàn thành với một cái tên khác thì việc đó cũng không có gì là đặc biệt, bởi với phim tài liệu, quá trình làm phim là quá trình nhận thức lại.

* Những điều gì ở tính cách của Lưu Quang Vũ được các anh nhắc đến thông qua những câu chuyện sẽ kể?

- Lưu Quang Vũ là một con người có tính cách đặc biệt. Thơ dữ dội và kịch cũng dữ dội nhưng tính tình của anh thì lại rất nhẹ nhàng, lúc nào cũng rủ rỉ rù rì, chưa biết cáu giận với ai. Vũ sống bằng nội tâm, tránh những nơi ồn ào, tránh những đỉnh cao vinh quang để trở về với cuộc sống riêng của mình, cặm cụi lao động, cặm cụi cày xới. Hoạ sĩ Doãn Châu có viết về anh: “Vũ yêu quý đất nước này vô cùng, yêu từ thiên nhiên hùng vĩ với vị mặn của muối, vị đắng của măng rừng, từ con người VN quả cảm, nhân hậu cho tới những bờ cây bụi cỏ ven đường. Thậm chí có lần Vũ nói với tôi ngay cả mùi phân bò cũng làm Vũ rung động để nhớ thương một vùng quê nghèo...”

* Trong quá trình thực hiện phim, điều bất ngờ thú vị nhất anh tìm được là gì?

- Những năm tôi thân với vợ chồng anh, tôi (và có lẽ hầu hết những khán giả cả nước lúc đó) chỉ biết nhiều về anh, yêu quý anh chủ yếu qua những vở kịch. Phần thơ mọi người mới chỉ biết qua tập Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt. Một sự “trình làng” với nhiều xao động, Lưu Quang Vũ đã mang đến cho người đọc hy vọng và chờ đợi một hồn thơ lớn khi anh đã trải qua thời gian dài sống, băn khoăn, suy nghĩ, dằn vặt. Vũ là một nhà thơ của rất nhiều những con người Việt Nam đau đớn trong chiến tranh, với những chia ly, mất mát, tan vỡ... Vũ còn là một nhà thơ tình với tất cả những người bạn, những người đàn bà... Có một điều rất bất ngờ và rất thú vị đối với riêng tôi, đó là dù đã xem hầu hết các vở kịch của Vũ nhưng riêng vở chèo Muối mặn của đời em, tôi lại chưa xem. Khi quay lại những bản thảo của anh, tôi lặng người khi thấy trên bảng tên các nhân vật có một nhân vật chính tên là Thước, một nhân vật rất tốt, như trong hầu hết vở kịch của Vũ bao giờ cũng có những người rất tốt để anh gửi gắm tình cảm vào đó. Tôi biết Vũ đã luôn rất quý tôi nhưng hình như chưa bao giờ tôi cảm nhận được hết tình cảm mà anh dành cho tôi...

* Ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến Lưu Quang Vũ về nghệ thuật?

- Khi còn nhỏ, Lưu Quang Vũ học vẽ từ hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Gia Nùng ở trong vùng kháng chiến Phú Thọ. Mỗi khi bác Tỵ vẽ, Vũ rất thích ngồi bên cạnh xem, rồi cũng lấy que vạch ngang dọc trên mặt đất. Trong hồi ký của bà Vũ Thị Khánh - mẹ Lưu Quang Vũ, có viết: “Và ngày ấy, trong căn nhà lợp lá cọ ở một quả đồi vắng của vùng Phú Thọ, chồng tôi đã tin chắc rằng sau này lớn lên con trai mình sẽ trở thành nghệ sĩ”. Nhưng có lẽ người đã ảnh hưởng đến Vũ nhiều nhất cả về nghệ thuật và nhân cách sống là cha anh, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Ông đã dõi theo anh trong từng bước chân, từng suy nghĩ.

* Lưu Quang Vũ là một người đàn ông tài hoa và cũng đào hoa… vậy trong phim các anh có nhắc nhớ cho người xem đến khía cạnh này không?

- Tại sao lại không? Tình yêu trong Lưu Quang Vũ hình như chưa bao giờ cạn. Có nhiều người đàn bà yêu Vũ, đến với Vũ cũng đâu có gì ngạc nhiên. Tôi đọc được trong một bài viết tôi nghĩ là rất hay và rất chính xác về những mối tình của Vũ mà Lưu Khánh Thơ, em gái Vũ viết: “Lưu Quang Vũ là một người đàn ông may mắn. Trong cuộc đời long đong, vất vả của anh, hầu như ở giai đoạn nào anh cũng gặp một tình yêu lớn. Cho dù cái mà tình cảm đó đem lại có thể là một vết thương, một nỗi đau suốt đời”.

* Vậy khi nhắc đến thì các anh sẽ chọn cách nào để cả người còn sống và người đã mất đều không bị tổn thương?

- Đoàn làm phim đã tiếp xúc với tất cả những người đã yêu Vũ hay nói cách khác là giữa Vũ và họ đã có những tình cảm với nhau. Chúng tôi tin rằng khi bộ phim được trình chiếu sẽ không làm tổn thương đến ai, cả người sống lẫn người đã khuất. Bởi trong những câu chuyện này, tình cảm giữa họ đẹp, hồn nhiên và trong veo quá... Rồi mọi chuyện không thành nhưng họ vẫn là bạn bè tốt cho đến lúc mãi mãi xa nhau.

Bộ phim Ngọn lửa trong gương được thực hiện nhân 20 năm ngày mất của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Gia đình Lưu Quang Vũ cùng Trung tâm sản xuất phim tài liệu - Đài truyền hình VN sản xuất. Kịch bản: NSND Đào Trọng Khánh, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Thước (Hãng phim tài liệu T.Ư) và Bùi Tuấn (Đài THVN), quay phim: Hoàng Tấn Phát.

* Và có ai từ chối trả lời các anh chưa?

- Không, không có ai từ chối trả lời chúng tôi. Thậm chí có nhiều người còn thắc mắc tại sao không phỏng vấn họ. Tôi chỉ biết cảm ơn vì không thể làm gì hơn khi mọi thứ đều phải có hạn.

* Làm phim về các danh nhân văn hoá đã qua đời, theo anh, những thuận lợi và khó khăn nhất với các nhà làm phim tài liệu là gì?

- Tôi thấy khó khăn nhiều nhất là phần tư liệu. Gần như chúng tôi không có tư liệu gì về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh ngoài những bản thảo thơ và kịch, một số ảnh gia đình còn lưu giữ, một số vở kịch đài truyền hình đã quay. Duy nhất có 6 phút hình ảnh động mà chính tôi quay bằng phim nhựa để lưu giữ tư liệu cho Hãng phim tài liệu Trung ương lại là những hình ảnh đám tang gia đình Vũ! Có lẽ cái quý nhất, phong phú nhất là anh chị có rất nhiều bạn bè và ở họ còn đầy ắp những ký ức về đôi vợ chồng tài hoa này. Có bốn câu thơ trong bài Mây trắng của đời tôi là lời tựa cho tập thơ cùng tên trên in sau khi Vũ mất:

“Trên mái nhà, cao vút rừng cây, Trên rừng cây, những đám mây xô giạt, Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng, Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.

Đó cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của anh. Chúng tôi đã dành những ngày quay cuối cùng cho những người còn lại của gia đình Vũ. Có một buổi chiều với tổ ấm của con trai Vũ là “cu Kít” - Lưu Minh Vũ. Tôi hiểu, hình như những ký ức còn lại trong họ đã trở thành hành trang bất biến không thể thiếu được đi theo suốt cuộc đời.

* Cảm ơn anh.

Cát Khuê

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]