LÊ THIẾU NHƠN
Sinh 1978
Quê quán: Phú Yên
Nhà thơ, nhà phê bình, nhà báo Lê Thiếu Nhơn sinh năm 1978, tốt nghiệp cử nhân Báo chí, hiện là Thư ký toà soạn tạp chí Kiến Thức Gia Đình, Uỷ viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn TP.HCM khoá VII, tác giả nhiều tập thơ và ký sự nhân vật.
GIẢI THƯỞNG:
Hai lần được Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tặng thưởng: năm 2007 cho tập thơTrong bóng người xưa và năm 2010 cho tập thơ Bản tường trình giấc mơ đi vắng.
CẠN LÒNG
Dòng sông vào mùa nước mắt
Trôi ngang mặt kẻ lỡ đò
Đường chiều thiu thiu lá cũ
Nỗi chờ thăm thẳm em đâu?
NGỔN NGANG MỘT MÀU HOA
Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yên
Nhớ xôn xao áo người qua phố
Đi cho hết tiếng ca
Về cho đầy mâm cỗ
Ta se lạnh ngọn gió thời yêu nhau
Đôi lần ngoảnh mặt mây bay xa khuất
Đôi lần đổ vỡ sóng vỗ lang thang
Xin chào nhau trong veo giếng nước
Lẽ nào toan tính nắng tháng giêng
Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yên
Chỉ một màu hoa cũng thăm thẳm niềm riêng.
THANH THẢN CHUYỆN DỞ DANG
Viết câu thơ ngày em không đến đọc
Anh nằm dài một dấu chấm than (!)
Khung cửa nhỏ bầu trời cũng nhỏ
Cánh chim bay tiếng gió mủi lòng
Nhanh một bước ngã ba trước mặt
Chậm một chiều liễu bạt ngàn sương
Người đi vắng biết người đi vắng
Điện thoại đổ dồn mấy lần chuông
Email gửi cho mùa không hẹn
Xin đừng gặp lại chốn tình nhân
Vấp ngã con đường em xa khuất
Thanh thản cũng đành chuyện dở dang!
NGƯỜI BẬN RỘN TÌNH
Gió bỏ mùa đi dư nắng cũ
Bàn tay chật vật sự đời
Năm tháng chưa dịu nỗi ngổn ngang
Tôi chẳng thấy gì đáng trách móc nữa
Em tan trận mưa lác đác bụi đường
Ngã dúi vào số phận
Cơn mơ hạn hẹp biết nhường nhau phía nào
Cuộc sống vốn đã buồn, thương em thêm một chút
Lối ta về cỏ dại lại từng đợt sóng lao đao
Chia xa rồi tiếc cơ may gặp gỡ
Cười như một lần thuyền ngược ra khơi
Mái chiều vẫn còn hoàng hôn đẹp nhất
Người bận rộn tình thỉnh thoảng thấy vui!
ẢO GIÁC KHÔNG NGƯỜI
Từ hàng cây ùa ra một đám lá
Lịch sự đón chào ngọn gió đi qua
Chẳng hiểu vì đâu ngổn ngang thương nhớ
Dán lên nền trời ảo ảnh cành khô
Cuống quýt trong tôi dâng thành món nợ
Trả lại sông câu hát lạc cánh buồm
Người con gái trẻ dại tình duyên trước
Chiều nay cười mơ ước cũ bình yên
Những đường cong còn nguyên trong bóng áo
Treo phập phồng nỗi khao khát đàn ông!
+++
Sáng hôm nay nhớ về khoảng mười mấy năm về trước, chúng tôi Hàn Quốc Vũ và Lê Thiếu Nhơn từng hội ngộ nhau ở đường Đinh Tiên Hoàng, P. Đakao, Q. 1, TP. Hồ Chí Minh. Lê Thiếu Nhơn lúc đấy đã có làm thơ nhiều nhiều và cái cảm giác tôi luôn nhớ về anh là có nghe qua bài thơ YÊU RẤT DỄ HAY YÊU RẤT KHÓ của tôi được xuất bản trong tập thơ CÔ ĐƠN, NXB Thanh Niên, 2001. Đến hôm nay mới có dịp nghiền ngẫm kỹ về thơ của anh – một “Võ sỹ hạng gà mà có cú đấm nặng nghìn cân”.
Dù quan điểm nào đi chăng nữa về Lê Thiếu Nhơn trong thơ thì tôi vẫn thích chọn mảng thơ tình yêu của anh để mà chiêm nghiệm, phân tích cái ưu thế của nó. Một số bài thơ điển hình cho phong cách Lê Thiếu Nhơn mà tôi đã chọn ở trên gồm: “CẠN LÒNG; NGỔN NGANG MỘT MÀU HOA; THANH THẢN CHUYỆN DỞ DANG; NGƯỜI BẬN RỘN TÌNH; ẢO GIÁC KHÔNG NGƯỜI”.
Đến với bài thơ CẠN LÒNG, tác giả viết: “Dòng sông vào mùa nước mắt/ Trôi ngang mặt kẻ lỡ đò/ Đường chiều thiu thiu lá cũ/ Nỗi chờ thăm thẳm em đâu?” là sự vận dụng nội công hết mình của anh khi nói về nỗi khổ phải rơi lệ, mà nước mắt có thể như dòng sông và trôi qua mặt người lỡ làng. Ở đây, tâm lý ái tình xuất hiện để phản ảnh nên tâm trạng của một người bị bỏ rơi lại sau những lần chiến đấu với thần ái tình để có được em yêu, nhưng chàng võ sỹ hạng gà đành bất lực! Giọng thơ đang cất lên và ta thán đủ điều như vang vọng một nỗi đau đời khó tả: “thiu thiu lá cỏ; chờ thăm thẳm”, cái “thăm thẳm” ấy thật là xa xôi diệu vợi bằng biết bao nhiêu hải lý hay cách xa theo kiểu đường chim bay trong cái không gian đặc sầu cô quạnh bởi: “Đường chiều” – một cái cảm giác thật là cô đơn, trống vắng như ai đó đã cắt rời trái tim của anh và mang về nơi xa lắc. Tình yêu thật đẹp tại nơi đây, bức tranh thật đẹp của hai người về hai ngả, đẹp trong sự yêu đương ngay cả sự xót xa đầy ly biệt! Nghệ thuật dùng từ của bài thơ này mang dáng nét mỹ thuật, khơi dậy nỗi đau thương tột cùng qua cách “ngoa ngữ” là “Dòng sông vào mùa nước mắt”, vì nước mắt chảy theo dòng xuôi - ngược, ngược - xuôi vào tận trái tim anh, trái tim của người đang làm ngọn núi lửa tuôn trào ta những mắt ma, xông lên sức nóng hãi hùng để mưu cầu có em bên cạnh.
Bước thêm một bước nữa, ta hãy hoà lòng cùng bài thơ NGỔN NGANG MỘT MÀU HOA:
“Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yên
Nhớ xôn xao áo người qua phố
Đi cho hết tiếng ca
Về cho đầy mâm cỗ
Ta se lạnh ngọn gió thời yêu nhau
Đôi lần ngoảnh mặt mây bay xa khuất
Đôi lần đổ vỡ sóng vỗ lang thang
Xin chào nhau trong veo giếng nước
Lẽ nào toan tính nắng tháng giêng
Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yên
Chỉ một màu hoa cũng thăm thẳm niềm riêng.”
Phân tích đoạn thơ đầu, ta thấy: “Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yên/ Nhớ xôn xao áo người qua phố/ Đi cho hết tiếng ca/ Về cho đầy mâm cỗ/ Ta se lạnh ngọn gió thời yêu nhau” làm nên sự sống động cho cục diện ái tình bấy giờ, vì người ấy, màu hoa ấy, màu của thiếu nữ trinh nguyên, của mùi hương ngây dại đê mê đã khiến cho việc đứng ngồi không yên của một chàng trai nhỏ nhắn, gầy gò nhưng đầy nỗi yêu em không sao tận được. Với cái nhớ xôn xao ấy, Lê Thiếu Nhơn không dằn được lòng mình khi thấy con người vội bước qua nhau trên phố, chả ai biết ai là ai, một sự xa lạ ngập tràn trong dòng xoáy những gương mặt vút đi. Tác giả đã đi cho hết tiếng ca, nghĩa là đi không còn gì để đi nữa như người ta cứ đi cho tàn lụi thời gian, sạch sành sanh những bài hát ú ớ, kêu rêu lên giọng tình muôn điệu. Rồi lại về, anh nếm trải qua những mâm cỗ có đầy đủ mọi hương vị cuộc đời dù mặn, ngọt, chua, cay và đắng. Đến cái kết luận: “Ta se lạnh ngọn gió thời yêu nhau” đã nói lên cái bẽ bàng, vô duyên, vô nợ mà định mệnh nào cũng từng làm người ta hú vía, chết cõi linh hồn một ít hay dăm bảy lần. Và khi chúng ta mở món thơ cuối: “Đôi lần ngoảnh mặt mây bay xa khuất/ Đôi lần đổ vỡ sóng vỗ lang thang /Xin chào nhau trong veo giếng nước/ Lẽ nào toan tính nắng tháng giêng/ Chỉ một màu hoa cũng đứng ngồi không yên/ Chỉ một màu hoa cũng thăm thẳm niềm riêng” thì chính lời tâm sự trong thơ đã khêu lên tâm trạng cực kỳ thơ: “ngoảnh mặt mây bay; đổ vỡ/ sóng vỗ lang thang”. Ta cảm nghe ra tác giả đã biết như thế nào là cái giá của tình yêu và sự lên hay xuống giá của bản thân mình, và cũng có thể một sự hời hợt nào đấy với người yêu, với cả nàng thơ thì mây cũng chả thèm đến anh để rồi anh phải lang thang lạnh gót chân gõ nhịp vào nhau như thế! Lê Thiếu Nhơn có cái đáng yêu và chân thành khi đem tấm lòng trong vắt như nước giếng, như suối pha lê để trao nàng nhưng mà nàng nào có hay hay là có hay mà cố tình ngoảnh mặt. Chao ôi, cái ta thích thì khó lòng lấy được, cái người thích ta, ta lại cách xa! Giờ đây lý trí cùng tâm lý nhà thơ đang giằng co với nhau nhằm tìm ra phương hướng cho mình sau những lần lang thang ấy, Nhơn nhận ra em cũng là em thôi, cũng là con gái thôi! Thế thì tác giả đã đang tỉnh dậy sau cơn mê tình ái.
Hãy trèo cùng tôi thêm một dốc núi nữa, Nhơn viết NGƯỜI BẬN RỘN TÌNH:
“Gió bỏ mùa đi dư nắng cũ/ Bàn tay chật vật sự đời/ Năm tháng chưa dịu nỗi ngổn ngang/ Tôi chẳng thấy gì đáng trách móc nữa/ Em tan trận mưa lác đác bụi đường” tạo cho chúng ta suy nghĩ về một sự bộn bề chất ngất khi mà tình yêu chưa giả nhời anh, giữa cái dư, cái chật vật, cái ngổn ngang. Nhưng dầu sao cuối cùng trong thước phim đời muôn điệu anh cũng chứng kiến thấy người con gái ấy đã trình diễn số phận của mình:“Em tan trận mưa lác đác bụi đường”. Vậy là số phận cũng trêu đùa em chứ không phải để yên. Ngẫm qua đoạn thơ này: “Ngã dúi vào số phận/ Cơn mơ hạn hẹp biết nhường nhau phía nào/ Cuộc sống vốn đã buồn, thương em thêm một chút/ Lối ta về cỏ dại lại từng đợt sóng lao đao”, ta càng xác định người con gái ấy có cái nhìn hạn hẹp, một sự yêu cầu về mức sống, về tình cảm quá lớn so với sự đáp ứng của anh, nên em đi thì cứ đi là vậy, dẫu phải buồn cay xé lòng! Tác giả dùng ngôn ngữ nói trong lúc này nhằm diễn đạt sự không mong chờ ở nơi mình khi thấy em phải như vậy. Chúng ta, ai đã có lần ngộ nhận thì ai cũng có thể nghĩ ra rằng người bị ngộ nhận về hạnh phúc hay sự giàu sang ấy đã làm khổ chúng ta. Đoạn thơ này chỉ ra sức suy tưởng của tác giả rất thật. Và đến: “Chia xa rồi tiếc cơ may gặp gỡ/ Cười như một lần thuyền ngược ra khơi/ Mái chiều vẫn còn hoàng hôn đẹp nhất/ Người bận rộn tình thỉnh thoảng thấy vui!” là đoạn thơ buông xuôi cho định mệnh, buông bỏ em về với tiếng gọi của kẻ lạ xa hay chính em đã buông bỏ anh trước và anh đành phải quyết định như một nhát đao của BAO THANH THIÊN.
Tôi đang đứng lưng chừng giữa núi, bạn cũng đứng lưng chừng giữa núi. Thôi nào, ta hãy đọc tiếp xem ẢO GIÁC KHÔNG NGƯỜI: “Từ hàng cây ùa ra một đám lá/ Lịch sự đón chào ngọn gió đi qua/ Chẳng hiểu vì đâu ngổn ngang thương nhớ/ Dán lên nền trời ảo ảnh cành khô” thì dường như tác giả đang mô tả mùa lá thu ồ ạt bay đi như bao đời người ồ ạt già nua theo năm tháng rồi mất dần từng tên tuổi, từng thân hình xinh đẹp trong mắt thi ca. Hai câu thơ đầu rất thơ và tác giả cố tạo ra một cái lịch sự để ghì chặt lại một cơn gió. Vậy, mục đích là gì? Có lẽ là anh muốn minh chứng phiến lá đời anh cũng lật bay như vậy và đời ta có khác gì khi đối diện với ái ân, với ngổn ngang thương nhớ giận hờn. Dòng thơ như cứ quyện lấy nhau thật chặt: “Cuống quýt trong tôi dâng thành món nợ/ Trả lại sông câu hát lạc cánh buồm/ Người con gái trẻ dại tình duyên trước/ Chiều nay cười mơ ước cũ bình yên” là sự mơ ước trữ tình, lãng mạn giữa hai quy luật âm - dương mà yêu nhau thắm thiết. Giá được như vậy thì hay biết mấy! Nhơn nhớ: “Những đường cong còn nguyên trong bóng áo/ Treo phập phồng nỗi khao khát đàn ông!” làm nên những khát khao nhân bản của chúng ta giữa hai thái cực, giữa anh và em, giữa hai cái mắt xích ái tình.
Xét về nghệ thuật làm thơ, nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN khá thành công với dòng THƠ TÌNH YÊU như thế này, vì nó rất đời thường, rất lãng mạn mà lại khó giải thích, nên ngôn ngữ anh dùng cũng đủ tầm để thuyết phục những độc giả thân yêu hay những trái tim khó tính. Song, nếu Nhơn còn tham vọng viết thêm thơ tình nữa thì sự đột phá sau này còn hơn hẳn khi anh đã ngộ ra tình yêu là gì, và khi anh đã nếm trải mùi vị hạnh phúc với mái ấm gia đình riêng thì dòng thơ còn say đắm nữa.
Riêng tôi không nhìn Nhơn là một nhà phê bình mà chỉ thích anh qua nhân ảnh của một nhà thơ hiền hiền, vui vui và nho nhỏ dáng liêu xiêu nhưng cũng đủ làm ta bị chếnh choáng khi quả đấm của anh tung ra trong từng chiêu thức về kỹ thuật cũng như nghệ thuật làm thơ. Có lẽ sau này anh cần tiến xa và bay thật cao chót vót với lối dùng hình ảnh mượt mà và rất riêng kiểu LÊ THIẾU NHƠN này thì hay lắm! Ở góc độ khoa học, đôi khi chúng ta cần phải làm rõ ra các dấu chân của bài thơ hay thì mới định hình ai là ai vậy, tức là nhà thơ nào cũng phải có cái riêng. Nếu bỏ phiếu để chọn bài thơ tôi yêu thích nhất trong chùm thơ tình này, tôi sẽ chọn bài ẢO GIÁC KHÔNG NGƯỜI. Đây là ý kiến cá nhân tôi.
Ước mong ngày sau ta còn thấy LÊ THIẾU NHƠN dõng dạc ra những tập thơ tình yêu cho đất nước, nơi Việt Nam đầy dẫy núi thi ca.
Chúc anh và gia đình hạnh phúc ngập tràn, thành công trong sự nghiệp!

Cái Bè, Tiền Giang, tháng 8 năm 2016
Hàn Quốc Vũ