Từng nghe:
Người quân tử được gọi là “Thành Đức”, quý ở chỗ có đủ cả “thể” cả “dụng”;
Bậc Nho giả cầu “cái học vị kỷ”, thì cần phải có thuỷ có chung.

Nếu sớm tối không cần cù,
Thì công phu bị gián đoạn.

Kìa:
Bậc đại thánh như vua Hạ Vũ, còn tiếc nuối từng tấc quang âm;
Bậc đại hiền như ngài Tăng Sâm, vẫn mỗi ngày xét mình ba lượt.

Đổng Tử đời Hán, buông rèm mà khích lệ kẻ sĩ;
Xương Lê đời Đường, kiên trì mà đi tới thành công.

Kẻ kia là người, ta cũng là người, mà họ làm được như thế;
Xưa vẫn lý ấy, nay vẫn lý ấy, cốt có chí thì làm nên.

Các người:
Sinh ra ở trong vòng trời đất,
Cùng bẩm thụ khí âm dương.

Mỗi một sự vật, tuy trời phú có thuần tạp khác nhau;
Nhưng đã là người, ai cũng có chí noi theo bậc hiền bậc thánh.

Trước hết, phải tẩy rửa cho trong sạch, ứng đối, tiến lui cho phải phép;
Thứ đến, học các môn lễ nhạc, xạ ngự, thư số khác nhau.

Ngồi ngay ngắn, đứng trang nghiêm, học rồi thường xuyên luyện tập,
Tâm ngay chính, ý chân thành, đạo đức ngày càng thêm mới.

Đào sâu kỹ những điều đã học;
Hăng say tìm những điều chưa thông.

Thể loại “kinh” là thứ chở đạo, phải dốc sức mà giảng cầu;
Thể loại “sử” là sách ghi việc, phải dụng tâm mà suy cứu.

Từ đó, khảo cứu phép tắc của thánh hiền;
Từ đó, nắm vững quy luật của sự lý.

Lời đẹp chẳng gì bằng Kinh Thi, Kinh Thư, Thi, Thư cần phải có;
Hành đạo chẳng gì hơn Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Lễ, Nhạc chẳng thể không.

Lặn ngụp nơi Bát quái, Cửu trù;
Ra vào chốn Bách gia, chư tử.

Tìm bậc đại hiền làm thầy, tìm bậc thứ hiền kết bạn, gần gũi thầy bạn đúng phương châm;
Ra thờ bậc trưởng, vào thờ bậc anh, kính trưởng mến anh hết đạo.

Chớ chạy theo dòng tư dục mà làm trái sự lý;
Những nên coi việc thiện làm thầy.

Khí chất do thói quen mà đổi thay, hãy răn giới một chữ kiêu mạn;
Đạo lý cao nhất cốt ở chỗ, giữ gìn quan hệ xung quanh.

Rèn công phu thực tiễn chân thành;
Chớ mắc lỗi săn lùng danh tiếng.

Có định có tĩnh, có lự có đắc, thành quả mới cao;
Như thiết như tha như trác như ma, cầu tiến bộ mãi.

Bản thân đã có sở đắc;
Lại mong mở rộng cho người.

Người tài dạy người bất tài, người đúng dạy người chưa đúng, giúp đỡ thêm đông đảo;
Thành tựu chẳng riêng mình, lập thân chẳng mình ta, đức vọng thêm bạn hữu.

Nhân càng thục, nghĩa càng tinh;
Công càng cao, nghiệp càng lớn.

Từ đó mà ra sức áp dụng điều sở học;
Từ đó mà noi theo cổ nhân học làm quan.

Giành chức quan cao nhà Hán xưa, khác nào cúi nhặt hạt cải;
Giật lấy khoa bảng nhà Tống nọ, chỉ như nhổ đứt sợi râu.

Người tranh xem bảng hổ đề tên;
Đời ngưỡng vọng đường mây nhẹ bước.

Cùng khách đai vàng bội ngọc, tiếp gót liền vai;
Một đoàn đeo nỏ cầm roi, tiền hô hậu ủng.

Tấm lòng đăng hoả ngày xưa thật chẳng phụ;
Nguyện ước công danh thuở nọ được đền bồi.

Nhờ văn chương mà địa vị rõ ràng;
Nhờ đạo đức mà tục dân giáo hoá.

Giúp dân giúp chủ, lợi ích thấm khắp đương thời;
Bản thân cha mẹ vẻ vang, sự nghiệp lưu truyền hậu thế.

Tất thảy đều nhờ cần cù là trên hết,
Vậy nên bổng lộc sẵn ở trong.

Thế mà chẳng học, chẳng suy;
Chính là tự mình vứt bỏ.

Tối tăm lời dạy ở mô điển, ú ớ chẳng hay;
Ham mê say đắm chốn gió trăng, mịt mờ chẳng tỉnh.

Bóng quang âm nơi khe cửa thấm thoát chẳng tỏ;
Ngọn đèn nơi thành nam le lói chẳng chăm.

Ham mê các trò vui, cái tâm kê khuyển dễ buông thả;
Học mới được mấy tý, cái chí hồng hộc đã thay rồi.

Như Tể Dư, gỗ mục chẳng thể dùng;
Như Từ Tử, dòng nước chẳng biết mạch.

Núi cao chín nhẫn, thiếu một sọt đất chẳng thành;
Giếng chẳng có mạch nguồn, giữa đường đành vứt bỏ.

Cái tài cỏn con chẳng dùng được;
Công việc hèn mọn phải cam làm.

Rong ruổi làm quân dưới cờ, ngực sinh rận rệp;
Bôn tẩu làm lính trước ngựa, lưng đầy bọ giòi.

Vất vả thân đầy tớ dốt ngu;
Khúm núm hèn mọn thật xấu hổ.

Cẩu thả cày cấy, cẩu thả thu hoạch, lỗi ấy vì đâu?
Khốn khổ cái thân, khốn khổ cái tâm, hối hận sao kịp!

Há chỉ làm luỵ tới thê tử;
Mà còn phụ ơn cả mẹ cha.

Ngoảnh nhìn người áo gấm vẻ vang;
Thật đáng xấu hổ và sỉ nhục!

Kìa:
Làm người tốt và không tốt, phân biệt chỉ chỗ đó mà thôi;
Học chăm hay không chăm, còn gì khác như thế nữa!

Ta có vài lời như vậy;
Các ngươi hãy nhớ lấy!

tửu tận tình do tại