THƠ BỨC ĐẠI TỰ ĐỎ

Nguyễn Tấn Việt

Tôi muốn đổi một bài thơ “Ông tôi”của Lê Va được tặng thưởng của báo văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam thành tên bài thơ “Bức đại tự đỏ” không chỉ vì bài thơ viết về ông nội mà còn vì bài thơ rất “xưa kia” mà cũng rất “hiện đại”.

Chất hiện hữu cộng với chất quá vãng tạo cho bài thơ phẩm chất không cũ, không mới, bài thơ tồn tại được ở các thời gian.

Đây là bài thơ về chân dung tạo lên tính cách và thấp thoáng một chút số phận- một ông già hiền từ mà nghiêm khắc, vừa dạy cháu bằng đòn roi, vừa rơi nước mắt.

Văn vắt ngọn roi, thánh thót giọt nước mắt. Ông vụt roi cháu qua loa thôi, nhưng nước mắt ông rơi thì chầm chậm. Vừa đánh cháu vừa khóc, quả thật là một ông già, vừa nhân từ, vừa quắc thước.Ngay đoạn đầu Lê Va đã vẽ lên một người ông biết làm chủ cơn giận: Khi cháu nằm úp mặt và đợi trên giường, ông cụ còn thong thả đi tìm dao,cất công đi tìm tre để kéo dài thời gian, sự kéo dài ấy được nhà thơ phân tích thật thấu đáo:

Lấy dao, tìm tre

Chẻ và vót con giận dữ

Cơn giận dữ lại chẻ và vót được ư! Cụ đã phân tích cảm xúc của mình và kiềm chế cơn giận tức thời. Một cụ già đã nhìn thấy rõ ràng cơn giận của mình là một trong những người “lão thực”. Không vì kiềm chế và nhìn thấu đáo mọi hành vi của mình mà ông bỏ qua, ngược lại người rất chi tiết.

Mười câu hỏi

Mười câu trả lời

Một nửa lời hứa

Một phần ba ngọn roi

Từ mười xuống một nửa, thực ra là mười câu trả lời và mười lời hứa, nhưng cụ trải nghiệm và biết rằng, chỉ một nửa lời hứa lúc ấy là thực hiện được thôi, tuy vậy cụ vẫn bớt đi 2/3 ngọn roi.

Hai câu thơ, một nửa lời hứa một phần ba ngọn roi, những chữ định lượng tưởng rằng chính xác một cách số học nhưng lại chính xác gợi được sự chừng mực tiết chế trong nhận thức và cảm nhận của người ông. Liên tiếp trong ba khổ thơ:

“Bẻ vụn chiếc sào...

Mở bao diêm, bới bờ để cá”...

Để cho cháu chiếc gậy vào đời, không muốn đầu cháu rỗng sầu tiếng ve, không muốn cháu phải giẫy dụa trong cuộc đời. Tất cả chứng tỏ rằng, ngay trong lúc giận dữ ông vẫn ý thức được mục đích hành vi, không cả giận mất khôn, không sa lầy vào ngõ tối, mà mỗi hành động được tính toán, cân nhắc, hướng tới một mục đích:

Vì muốn cho tôi một chiếc gậy vào đời.

Những sự việc xảy ra ở thời thơ ấu, được tác giả tái hiện, viết lại ở tuổi hoa niên, sự lùi xa khoảng cách với kỷ niệm, cộng với sự trưởng thành của lứa tuổi, tạo cho tác giả sự nhận xét sáng suốt, thấy được sự nhân ái của trừng phạt. Anh nhìn khách quan vào tuỏi thơ anh và tuổi gài của ông nội. Nên anh không phán xét, anh tham định:Sáng suốt và mẫn cảm, nên anh nhìn thất yếu tố nhân ái của ông nội vừa chất phác, vừa túc học của ông nội được tác giả nhắc lại ở hai bình độ: thứ nhất ông nội hay nói đến câu ngạn ngữ, tục ngữ. “Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi đợ”

Cái lôgíc nghèo nàn, tủi hờn ấy, như một bài kinh nghiệm, một ông già truyền đạt lại cho tuổi thơ, ông già truyền lại cho cháu bằng văn học dân gian, bằng kinh nghiệm dân gian, trong đó có kinh nghiệm của đời ông:

Thứ hai: Ông dạy cháu bằng những câu Hán- Việt

Phụ tử, tử hiếu, huynh hữu đệ cung...

Nhân vô tham hoạ bất sinh.

Là cụ già ở vùng quê nhưng cụ lại là một trí thức, thấu hiểu nhân tình thế thái, thấu hiểu quan hệ nhân quả, thấu hiểu sự khúc triết của ngôn ngữ Hán- Việt và hiểu rõ rằng: Sự kiên trì không bao giờ vô ích, là sự kiên trì dạy con người:

Đến đây ta thấy tác giả Lê Va phác hoạ rõ nét ông nội của mình đặc trưng cho một bậc ông của nông dân, nhân ái, bao dung, tinh tế, nghiêm khắc, từng trải, sâu sắc và chi ly và to tát.

Khổ thơ:

Chập tối

Ông tôi lại lau bóng đèn

Hăm hở như chuẩn bị làm rạng rỡ

thêm trái đất

Đổ dầu vào đèn

để khéo dài sự sống của lửa.

Thêm một lần nữa tác giả tỏ ra hiểu biết cái chí hướng lớn trong kiên trì dạy con người. Ông lau bóng đèn làm sáng thêm trái đất, ông đổ dầu để kéo dài sự sống của lửa. Tác giả nhìn thấy sự việc thường ngày của một đời người, lại có ý nghĩa lớn lao lâu dài, trăm năm, nghìn năm. Những cụ già như vậy đã bề bỉ âm thầm góp vào những giá trị lớn lao của cuộc đời, của đất nước, Cuối bài thơ hiện lên:

Bức đại tự đỏ

Ông tôi treo cao trong đầu xanh của con cháu.

“Đại tự” là chữ lớn, chữ to, là những chữ khái quát, khúc triết của những phương châm, của những tư tưởng, của những xử thế, của những đối nhân...

Bức đại tự 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ mà là tóm tắt sự từng trải của đời người, Cả cuộc đời của ông cụ sống 70-80 năm. Bức đại tự ấy là di sản qúy của thế hệ trước để lại cho thế hệ sau, không của riêng lớp người nào mà là của tất cả các thế hệ.

Cho nên.

Ngày kia

Ông tôi bước vào bức đại tự đỏ

Đi tạ ơn người xưa

Ông già hàm xúc, uyên bác, lại đi tạ ơn sự uyên bác, hám xúc của thế hệ trước. huống chi là cháu con còn trẻ trung, còn nhiều điều bất cập, đó phải chăng là thông điệp của bài thơ gửi thế hệ trẻ.

Bài thơ Lê Va như đã nói trên viết về một vấn đề rất cổ điển, lại ở dạng thơ rất tự do. Thơ anh ngắn dài theo cảm xúc, tốc độ theo ý đuổi lời, vòng vo để tạo ấn tượng, bám vào trí nhớ. Anh tạo ra những từ ngữ mới mẻt, lại đắm vào không khí của từ Hán Việt. Anh làm cho cũ và mới bên nhau, anh làm cho già và trẻ tương xứng, anh làm lên một sự kế tục. Từ những chi tiết ngoài việc phản ánh chi tiết anh tìm ra các âm vang của chi tiết, tìm ra mục đích của hành động. chính vì vậy tứ thơ của anh vừa sâu thẳm và xa vời, tạo nên một tứ thơ độc đáo trong nhiều tứ thơ độc đáo, xuất hiện trong cuộc sống hôm nay./.

                                                            NTV