Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn (Làm hộ tám giáp bài văn thưởng cho cô đào được giải) - dưới đây gọi tắt là Làm hộ - của Lê Đức Mao vốn đã được giới thiệu lần đầu tiên trong Thi văn Việt Nam của Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, do NXB Sông Nhị ấn hành tại Hà Nội năm 1951 với tên dã dịch nghĩa là Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào. Về sau, tiểu sử của Lê Đức Mao còn được nhắc đến trong Lược truyện các tác gia Việt Nam và một số tài liệu khác, cũng chỉ bằng những dòng ngắn ngủi, mà Hoàng Xuân Hãn đã giới thiệu. Bài Làm hộ của Lê Đức Mao, GS.Hoàng Xuân Hãn đọc được từ một quyển gia phả họ Lê ở làng Đông Ngạc. GS. Hoàng Xuân Hãn cho biết bài đó gồm 9 bài họp lại, nhưng đến khi đưa vào Thi văn Việt Nam thì chỉ chọn tuyển 3 bài như chúng ta từng biết. Kể từ đó đến nay bài Làm hộ, cũng như tiểu sử của Lê Đức Mao coi như không có phát hiện gì thêm nữa. Tất cả các nhà làm tuyển tập thơ văn sau này, khi tuyển Lê Đức Mao cũng chỉ tuyển được 3 đoạn chơ chép lại từ Thi văn Việt Nam của Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản.

Những sách đã in lại từ Thi văn Việt Nam gồm:
- Việt Nam ca trù biên khảo, 1962.
- Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập II), 1976.
- Tuyển tập thơ ca trù, 1987.
- Tổng tập văn học Việt Nam (tập 6), 1997.

Như vậy là kể từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu dường như không ai biết đến cuốn gia phả họ Lê mà Hoàng Xuân Hãn đã đọc, nên cũng chẳng ai biết được thêm 6 bài (hay đoạn) còn lại của bài thơ Làm hộ.

Nhưng có một điểm khá thống nhất trong các tài liệu, đó là việc ai cũng cho đây là bài thơ ca trù cổ nhất hiện biết, như một cái mốc khá quan trọng đánh dấu về thể loại thơ – ca trù. Từ bài thơ – ca trù này, nhiều người đặt thêm câu hỏi, vậy thì tại sao mãi đến đầu thế kỷ XIX mới thấy xuất hiện trở lại của lối ca khúc này? Và mấy thế kỷ trống vắng các bài thơ – ca trù kia là do thiếu tài liệu, là chưa tìm lại được, hay là thực sự không có? (1) Tất cả những điều đó cho thấy công việc tìm hiểu về tác giả Lê Đức Mao và bài Làm hộ của ông là một công việc có ý nghĩa và gợi mở nhiều vấn đề về văn học sử.

Từ lâu nay chúng tôi đã để tâm tìm hiểu về các tài liệu Hán Nôm có liên quan đến ca trù nên có ý tìm kiếm những thông tin về Lê Đức Mao và bài thơ của ông. Chúng tôi đã về làng Đông Ngạc, ở ngoài thành Hà Nội tìm đọc những thư tịch và bi ký hiện còn trong nhân dân cũng như khảo sát về ngôi đình làng và đặc biệt là những điều tra hồi cố về nghi lễ hát cửa đình và phong tục của làng.

Dựa vào những chỉ dẫn trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam chúng tôi được biết bản Lê tộc gia phả (A.1855) chính là gia phả dòng họ Lê của Lê Đức Mao (Ngô Đức Thọ 1993:287). Lê tộc gia phả (A.1855), do Lê Cầu, Tri huyện huyện Thanh Ba sao lại từ một bản cũ vào năm Thành Thái 10 (1898) là một bản sách chép tay, gồm 50 trang, khổ 25x14cm, chữ viết đẹp, dễ xem. Lê tộc gia phả chép về Lê Đức Mao và một số bài thơ của ông, trong đó có bài Làm hộ.

Về sau, qua nhà giáo Phạm Quang Đại ở làng Đông Ngạc chúng tôi biết thêm rằng bài thơ Làm hộ của Lê Đức Mao còn được chép trong bản thần tích của làng Nhật Tảo, cùng trong xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội hiện nay.

I. TIỂU SỬ LÊ ĐỨC MAO

“Lê Đức Mao là tổ đời thứ 9. Ông huý Tín, tự Đức Mao, thuỵ Phúc Lạc phủ quân. Là con trai thứ của tổ đời thứ 8, tức ngài Phúc Thiện. Cụ Phúc Thiện sinh 2 con trai, một con gái. Bà con gái lấy chồng cùng xã, không con nối dõi. Người con trai lớn mất sớm.

Ông thiên tính thông minh, học vấn sâu rộng, chuyên chú để công ở thơ từ. Trong làng có việc gì, ông cũng thường có thơ ngụ ý châm biếm. Người làng nhiều kẻ đố kỵ về điều ấy. Vì bị xã chánh bức, ông nuốt hận thề không về quê nữa rồi đến nhập tịch ở xã Dương Hối, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (2), mở lớp thu nhận học trò, bấm chí đọc sách và lấy vợ ở xã ấy, sinh được 2 người con.

Ông thi hương 4 trường, đều được trúng cách rồi sai gia nhân về quê cũ báo tin. Cả nhà vui mừng, cha mẹ ông sai con gái đến nơi ông ở khuyên ông về quê. Ông không vâng lời. Năm sau, đi thi hội, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời Lê Uy Mục triều Lê. Ông sai người thiếp về quê rước cha mẹ đến xã Dưỡng Hối để nghỉ ngơi, chăm sóc. Mấy tháng sau, cha mẹ ông lần lượt qua đời. Ông cư tang trọng vẹn. Lúc đầu làm quan, đến Tự khanh, đến già thì trí sĩ, dạy dỗ con em nhiều người thành đạt (3).

Về sau, ông bị bệnh trầm trọng gọi hai con đến bên bảo rằng: “Ta nguyên là người phường Đông Ngạc, vì thơ ca mà để người ghét, cuối cùng phải lìa thân tích, bỏ cả mồ mả, nhập tịch ở xã đây, may được trời thương người tốt, để có hôm nay. Ngày ta về trí sĩ, vốn muốn mời một thầy phong thuỷ, chọn được mấy ngôi cát địa, đem hết mộ phần ở quê cũ dời đến táng ở địa phận xã này, ngày tháng dần trôi, chí chưa toại. Con trai thứ của ta hãy về quê cũ trông nom mộ phần, ngõ hầu để khỏi mang tiếng là quên tổ tiên”. Nói xong thì mất. Bấy giờ là năm Kỷ Sửu, tháng 4, ngày 27 giờ Tý. Ông hưởng thọ 68 tuổi. Mộ ông và cha mẹ ông đều táng tại xã Dưỡng Hối. Táng xong, con trai thứ đem hết vợ con gia sản về sinh sống ở làng cũ. Xã chánh thấy ông sang trọng hiển vinh tuy rằng mới chết, nhưng cũng không dám chống cự lại việc ấy.

Từ đó chia làm hai chi, chi trưởng tại xã Dưỡng Hối, chi thứ tại xã Đông Ngạc.

Ông lúc sinh thời có làm nhiều thơ ca quốc âm, nay tạm chép một, hai bài để lại cho con cháu về sau biết thơ từ ca luật của tổ tiên”. (Dịch từ Lê tộc gia phả - A.1855, từ trang 4b-6b)

Ngoài bài Làm hộ, gia phả có chép 4 bài thơ chữ Hán Tự ngụ thi, do Lê Đức Mao sáng tác hồi còn chưa đỗ đạt, tự nói về nỗi niềm ly hương của mình.

II. ĐẠI NGHĨ BÁT GIÁP THƯỞNG ĐÀO GIẢI VĂN

1. Về mặt văn bản

Hiện nay, chúng tôi đã tìm được hai bản Nôm bài Làm hộ, chép trong Lê tộc gia phả (A.1855) và Thần tích xã Nhật Tảo (tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông – Aea2/67). Bài Làm hộ của Lê Đức Mao là do ông làm hộ cho tám giáp ở làng Đông Ngạc. Tên đầy đủ của bài thơ này Lê tộc gia phả chép là Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn (Bài văn làm hộ tám giáp thưởng cho cô đào được giải). Về sau, có lẽ vì đây là bài thơ hay nên được làng (xã) Nhật Tảo sử dụng trong nghi thức làng mình. Tuy nhiên, nhan đề bài này đã được đổi thành Tứ giáp ca trù đào giải văn, vì làng (xã) Nhật Tảo chỉ còn bốn giáp. Bốn giáp nhưng Thần tích xã Nhật Tảo vẫn chép đủ 9 bài.

Bản Nôm mà Học giả Hoàng Xuân Hãn đã đọc, hiện chúng tôi không rõ có phải là trong Lê tộc gia phả (A.1855) hay không? Nhưng ở đây có một số chữ khác nhau giữa bản phiên âm của Hoàng Xuân Hãn với bài chép trong Lê tộc gia phả.

Về mặt văn tự, Thi văn Việt Nam không in kèm theo chữ Nôm, nhưng ở phần chú thích, khi chú thích, Nghiêm Toản đã chú giải hai chữ “tàng câu” (hai chữ Hán đề là @ @ bên cạnh) với nghĩa là trò chơi giấu móc. Học giả Nghiêm Toản có dẫn điển các sách Phong thổ ký, Tam Tần ký để làm rõ nghĩa. Còn Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập II) thì dẫn thêm cả ở sách Hán Vũ cố sự. Tất cả đều hiểu là một trò chơi vui diễn ra vào mồng 8 tháng Chạp (chứ không phải lễ hội mùa xuân).

Lê tộc gia phảThần tích xã Nhật Tảo đều chép là “tàng câu” @ @. Từ nguyên giảng về hai chữ “tàng câu” như sau: “Tàng câu, theo sách Liêu sử lễ chí, là một nghi lễ. Vào dịp ấy, các bề tôi mặc thường phục vào chầu. Hoàng đế ngự điện, các bề tôi theo thứ tự được cho ngồi. Tất cả chia bè để thực hiện nghi thức câu, hoặc 5 hoặc 7 trù. Khi Hoàng đế được câu, các bề tôi dâng rượu mời. Sau đó, các bề tôi theo thứ tự được ban rượu”.

Từ giải thích trên, cho thấy tàng câu là một nghi lễ mang tính phóng khoáng, diễn ra ở triều đình. Hai chữ “tàng câu” về sau được hiểu là một nghi lễ dân gian mừng thọ vua, ca tụng thần làng và cầu phúc đầu xuân. Văn bia Mại trù tiền vạn đại lập chi đồ, dựng năm Vĩnh Trị 4 (1679) cũng mang những chữ “tàng câu” cầu phúc để chỉ về ngày tiệc của một làng ở Đan Phượng, Hà Tây.

Trong Lê tộc gia phảThần tích xã Nhật Tảo, ở bài 6, câu thứ 8 chép là “Tung ngày tiếng ba”, nhưng ở Thi văn Việt Nam chép là “Tung rày tiếng ba”.

Như vậy, cũng có thể bản Gia phả họ Lê mà học giả Hoàng Xuân Hãn đã xem không phải là Lê tộc gia phả (A.1855).

2. Thời điểm sáng tác của bài Làm hộ

Trong Thi văn Việt Nam GS.Hoàng Xuân Hãn đã xác định niên đại sáng tác của bài thơ Làm hộ như sau: “Bài hát này làm khi ông còn ở Đông Ngạc, nghĩa là trước năm 1504” (Hoàng Xuân Hãn 1951:91). Nay chúng tôi bổ sung chi tiết nhỏ sau: ngay dưới đề bài, trong Lê tộc gia phả có ghi rõ “Công vị ly hương thời sở tác” (Ông sáng tác lúc chưa li hương). Lúc ông chưa li hương, cũng có nghĩa là ông chưa lầy vợ, chưa đi thi hương - tức là trước khi ông đậu Tiến sĩ ít nhất là vài năm (Lê Đức Mao đỗ Tiến sĩ năm 1505). Hơn nữa, sau khi ông đã phải bỏ quê đi rồi, ông không thể viết một bài thơ Làm hộ tràn đầy niềm cảm hứng tự hào và phấn chấn như vậy được. Niên đại ra đời của bài thơ có cơ sở đáng tin cậy. Niên đại đã được xác định này rất quan trọng.

3. Sau khi xác định về mặt văn bản và thời điểm ra đời của bài Làm hộ, bây giờ chúng ta hãy xét đến những giá trị của những thông tin mà văn bản mang lại

3.1 Trước hết là tổ chức giáp ở làng Đông Ngạc. Hiện chưa tìm được các tài liệu nói về cơ cấu xã hội của Đông Ngạc trong thời điểm Lê Đức Mao sáng tác bài Làm hộ. Nhưng các bản tục lệ của Đông Ngạc được biên soạn vào niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), Cảnh Hưng (1740-1786) cho thấy Đông Ngạc gồm 8 giáp. Các giáp đó là Ngác Nhất – Ngác Nhì, Hoà Nhất – Hoà Nhì, Đông Nhất – Đông Nhì, Đoài Nhất – Đoài Nhì. Tám giáp này luân phiên nhau thưởng đào ở cửa đình trong dịp cầu phúc đầu xuân hàng năm. Thế nhưng bài Làm hộ lại gồm 9 đoạn. Vậy nếu mỗi giáp thể hiện một đoạn thì vẫn còn thừa ra một đoạn nữa. Đoạn ấy giành cho ai?

Theo tài liệu Đông Ngạc Văn Hội giáp tế lễ nghi tiết (A.2525) có niên đại Thiệu Trị 6 (1846) thì Đông Ngạc còn một giáp nữa: giáp Văn Hội. Giáp này cũng như Giáp Sĩ, làng Nguyên Xá, cùng huyện (nay là xã Minh Khai, huyện Từ Liêm), bao gồm những người có học thức trong làng (Diệp Đình Hoa 1998:47). Theo chúng tôi, một đoạn – mà chắc chắn hơn cả là đoạn thứ 9 – trong bài Làm hộ có thể là để dành cho giáp Văn Hội. Ở đây có một chi tiết làm chúng tôi băn khoăn mãi là, nếu có một giáp Văn Hội tồn tại bên cạnh tám giáp, sao không được kể như một giáp chính thức, để cho tên bài thơ sẽ là Làm hộ giáp chẳng hạn (?) (4).

Đoán định trên, nếu đúng, thì chứng tỏ rằng, vào cuối thế kỷ 15, giáp đã là một tổ chức xã hội ở nông thôn khác phức tạp. Tên giáp ở Đông Ngạc, vào thời đó đã thể hiện tính đa dạng gọi theo phương hướng chỉ sự đăng đối (Đông – Đoài), gọi theo cụm dân cư (Ngạc – Hoà) và gọi theo sự phân hạng cư dân (Văn Hội) (Diệp Đình Hoa 1998:46).

3.2. Làm hộ - một tư liệu về sự xuất hiện của ngôi đình làng

Làm hộ của Lê Đức Mao là bài thơ được sử dụng trong tiệc thờ thần ở đình làng Đông Ngạc vào dịp lễ hội cầu phúc đầu xuân. Nội dung bài thơ là những lời chúc thọ vua, cung kính thần làng và cầu phúc. Quy mô, thể lệ, phép tắc, lề lối của cuộc hát đều được quy định rõ ràng, chứng tỏ nó đã đi vào nề nếp như câu trong bài: “Lề xướng ca mở tiệc thờ thần”. Điều này chứng tỏ ngôi đình Đông Ngạc đã có quy mô không phải là nhỏ.

Theo tài liệu Lịch sử đình Đông Ngạc (Ban Bảo vệ di tích lịch sử xã Đông Ngạc) và Hồ sơ di tích (Ban QL di tích danh thắng Hà Nội) thì đình Đông Ngạc mới đầu là một ngôi miếu nhỏ và thờ Thành hoàng bản thổ, đến khi dân cư đông đúc phồn thịnh mới rước ngôi miếu ấy từ bờ sông về đầu xóm Vẽ (xóm 3 bây giờ, gần trường học và ngôi đình hiện nay) xây dựng thành ngôi đình. Làng Đông Ngạc tế tự ở đây cho đến năm 1641.

Năm 1641, đình được di chuyển về địa điểm hiện nay và được xây dựng với quy mô to hơn. Bia Đông Ngạc thuỷ tạo thần từ bi dựng năm Tân Tỵ - 1641, niên hiệu Dương Hoà 7 hiện còn đặt ở đình cho biết về việc dựng ngôi đình. Ngôi đình này về sau còn được trùng tu nhiều lần vào năm 1719, 1782, 1863, 1944, 1994.

Như vậy, đình Đông Ngạc, nơi diễn ra nghi thức hát thờ thần, với những bài mà Lê Đức Mao làm hộ không phải là ngôi đình hiện nay, mà chính là ngôi đình ở xóm Vẽ. Ngôi đình ấy phải có niên đại ít nhất là nửa cuối thế kỷ XV. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay không có tư liệu gì để biết về quy mô của nó. Song qua việc tám giáp trong làng thay nhau hát thờ, với không khí đại lễ, trang nghiêm hào hùng được ghi lại trong bài ca, chúng ta có thể mường tượng ra về quy mô ngôi đình này.

Xung quanh lịch sử, kiến trúc chức năng của ngôi đình từ lâu đã được các học giả để tâm nghiên cứu. Cho đến hiện nay cũng mới chỉ có một ngôi đình xác định được niên đại chính xác về thời điểm xây dựng sớm hơn cả đó là đình Lỗ Hạnh ở Hiệp Hoà, Hà Bắc là vào năm 1576 (Trịnh Cao Tưởng 1982:57). Nhưng niên đại ấy đã được đẩy lên ngót nửa thế kỷ. Trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 1998, do Viện Khảo cổ học tổ chức (25-26/9.1998), nhà Nghiên cứu Nguyễn Hồng Kiên (Trung tâm BT và TB di tích TW) đã công bố phát hiện về ngôi đình có niên đại cổ nhất: 1531, đình Thuỵ Phiêu, xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Niên đại Đại Chính 2 (1531) là niên đại “tu lý” được khắc trên một cấu kiện quan trọng của đình là cột cái. Năm 1531 mà tu lý, chắc đình phải có từ trước đó đến cả trăm năm. Trong luận án Tiến sĩ Văn bia thời Mạc và đóng góp của nó trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI, Đinh Khắc Thuân cũng cho biết văn bia có niên đại sớm nhất nói về việc xây dựng ngôi đình làng là vào năm 1531 (Đinh Khắc Thuân 1996).

Từ những cứ liệu trên, theo chúng tôi, đình Đông Ngạc cũ, có lẽ đã xuất hiện từ trước thế kỷ XVI, sớm hơn ngôi đình cổ nhất mà ta hiện biết chí ít cũng đến vài chục năm.

3.3. Những thông tin trong bài Làm hộ về nghệ thuật ca trù

Bài Làm hộ được sáng tác vào trước năm 1504. Trong bài này, chữ “ca trù” xuất hiện 2 lần:
- Thọ bôi kể chục, ca trù điểm trăm.
- Mừng nay tiệc ca trù thị yến.

Ở câu thơ thứ nhất, “ca trù” ở đây cho thấy đây là lối hát bỏ thẻ (trù). Trù là cái mảnh (thẻ) tre ghi chữ đánh dấu, được thả xuống một cái mâm để cuối buổi sẽ đếm thể mà tính tiền cho đào, kép. Câu thơ ấy diễn giảng ra rằng: “Mừng thọ - chén rót đến cả chục, Hát thờ - trù thưởng đến cả trăm” chỉ một ngày vui vẻ, trang trọng, thái bình. Ở câu thơ dưới cho thấy tiệc ca trù được mở để thờ thần. Nhân đây chúng tôi xin nói thêm, tư liệu sớm nhất hiện biết về việc tính tiền theo thẻ (trù) trong cuộc hát ở cửa đình là văn bia Mại trù tiền vạn đại lập bi chi đồ, dựng năm Vĩnh Trị thứ 4, tức là năm 1679 (xem thêm Nguyễn Hữu Mùi 1989:63). Bia này có ký hiệu thác bản số 3464, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây cũng là tấm bia có niên đại sớm nói về việc mua bán quyền hát cửa đình trong các làng xã nông thôn thời trước. Về sau ta còn thấy Phan Huy Thực (1779-1846) trong bài Nhân ảnh vấn đáp có nhắc đến việc thưởng thẻ và cầm chầu: Tay chầu điểm nhặt, thẻ lèo thưởng đua (Hoàng Thị Ngọ 1989:57). Trong tình hình tư liệu hiện nay, Làm hộ là tư liệu sớm nhất mang hai chữ “ca trù”. Và như vậy, đây thực sự là cái mốc quan trọng trong lịch sử ca trù: Bài thơ cổ nhất hiện còn trong đó có hai chữ “ca trù” đầu tiên có mặt trong văn học viết.

Ngoài chữ “ca trù”, bài Làm hộ cũng còn mang một số chữ khác có liên quan đến nghệ thuật ca trù. Đó là các chữ: “đào nương” (người hát, cô đầu) xuất hiện 2 lần, (Hai chữ “giáo phường” cũng đã thấy xuất hiện trong văn bia Mại trù tiền vạn đại lập bi chi đồ - 1679).

Cũng trong thời gian này, trong bài thơ Dạ du phỏng Đào nương bất ngộ của Hoàng Nghĩa Phú (1480-?) cũng có các chữ “đào nương”, “ca quản” (Nguyễn Tá Nhí - Phượng Vũ 1997:141). Bài thơ của Hoàng Nghĩa Phú viết về một sinh hoạt phóng túng của văn nhân hồi bấy giờ, đó là đang đêm đi chơi, tìm cô đào hát, điều này cho thấy ca quán trong các phố xã ở kinh đã xuất hiện và nhu cầu thưởng thức đàn ca của nho sinh đã bắt đầu.

3.4. Về vấn đề thể loại của bài Làm hộ

Đây là một bài thơ đặc biệt trong lịch sử văn học. Trong bài Khải luận in trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 6, GS.Bùi Duy Tân viết: “Hiện chưa có cứ liệu chắc chắn và thuyết phục trong thơ ca dân gian và thơ ca bác học về sự xuất hiện của hai thể thơ này trước thế kỷ XVI. Bài Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI là cứ liệu cổ nhất về lục bát và song thất lục bát trong dạng thể thức thể loại hát ả đào ở cửa đình” (Bùi Duy Tân 1997:45).

Làm hộ tám giáp bài văn thưởng cho cô đào được giải gồm 9 đoạn, tổng cộng 128 câu thơ. Số các câu thơ trong mỗi đoạn không hoàn toàn bằng nhau, cụ thể là, các đoạn 1, 3, 4, 5, 6,7 mỗi đoạn 14 câu, các đoạn 2, 9 - mỗi đoạn 16 câu, riêng đoạn 8 chỉ có 12 câu. Lối kết hợp giữa các dạng thức thơ ở trong các đoạn cũng không giống nhau. Các đoạn 3, 4, 5, 6, 7 có sự kết hợp giống nhau: 55 77 68 68 68 77 68. Đoạn 1 có sự kết hợp: 77 68 68 68 68 77 68. Đoạn 2 có sự kết hợp: 77 68 77 68 77 68 77 68. Đoạn 8 có sự kết hợp: 44 77 68 68 77 68. Đoạn 9 có sự kết hợp: 55 77 68 68 68 68 77 68. Như vậy chỉ có đoạn 2 là thơ song thất lục bát hoàn chỉnh nhất, các đoạn còn lại thì sự kết hợp giữa một cặp thơ 7 chữ và 1 cặp lục bát là rất linh hoạt và ngẫu hứng. Như vậy có thể xem đây là bài lục bát/ Song thất lục bát cổ nhất trong văn học viết Việt Nam hiện biết.

Mới đây trong một bài viết trên Tạp chí Văn học, GS. Phan Ngọc cho biết: “Bài thơ song thất lục bát đầu tiên mà tôi biết được là bài Bồ Đề thắng cảnh thi trong tập Lê triều ngự chế quốc âm thi, có thể làm vào khoảng thế kỷ XV” (Phan Ngọc 1998:23). Lê triêu ngự chế quốc âm thi hiện có một bản mang ký hiệu AB.8, Thư viện Viện Hán Nôm, nhưng hiện các nhà nghiên cứu Ngữ văn học Hán Nôm vẫn chưa minh chứng văn bản tập sách này (và cũng chính vì vậy cho đến nay tập thơ vẫn chưa được trích tuyển vào các tuyển tập, hợp tuyển thơ văn).

Trở lại với bài thơ, chúng tôi thấy còn một điều rất đáng chú ý nữa. Đó là, cả đoạn thứ 9, gồm 16 câu chính là một bài thơ hoàn toàn viết bằng chữ Hán. Theo chúng tôi, 16 câu thơ này là cứ liệu sớm nhất, về thơ lục bát (và song thất lục bát) chữ Hán trong dòng văn học viết của dân tộc. Trong Truyện Tinh chuột sách Thánh Tông di thảo ta cũng có gặp 15 câu thơ lục bát chữ Hán, nhưng cho đến nay Thánh Tông di thảo vẫn chưa xác định được minh bạch niên đại văn bản. Về sau, vào năm Ất Dậu – Bính Tuất (1765-1766) Nguyễn Huy Oánh sáng tác bài Phụng sứ Yên Kinh tổng ca là tập bút ký ghi chép hành trình sứ sự với non 500 câu thơ lục bát chữ Hán, được đánh giá là “một hiện tượng văn học kỳ thú” (Bùi Duy Tân 1997:23).

Theo chúng tôi Làm hộ tám giáp bài văn thưởng cho cô đào được giải là một bài thơ rất quan trọng đối với các nhà làm văn học sử. Vì thế dưới đây chúng tôi cung cập một bản phiên âm, khảo dị và chú thích được thực hiện với cố gắng cao nhất.

III. KẾT LUẬN

Lê Đức Mao, tức Lê Tín (1462-1529) đậu Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) Đoan Khánh 1, đời Lê. Gia phả chỉ ghi ông làm tới chức Tự khanh cho đến lúc về trí sĩ.

Về trước tác, Lê tộc gia phả (A.1855) cho biết ông có làm nhiều thơ ca quốc âm. Gia phả có chép 4 bài thơ chữ Hán có nhan đề Tự ngụ thi do ông sáng tác thời còn chưa đỗ đạt viết về nỗi niềm cảm xúc của ông khi phải ly hương.

Bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn là một bài thơ Nôm mang nhiều giá trị thông tin về nhiều khía cạnh giúp cho việc nghiên cứu về Ca trù, Hát Cửa đình, đình làng, cơ cấu xã hội cổ truyền, thể thức nghi lễ sinh hoạt trong nông thôn thời Lê ở danh hương Đông Ngạc. Việc nghiên cứu sâu hơn về bài thơ này, do vậy thật cần thiết, bài viết này của chúng tôi mới chỉ nhằm cung cấp tư liệu và những tìm hiểu ban đầu.


1. Ngoại trừ trường hợp Nguyễn Bá Xuyến (1759-1823), với 26 bài Hát nói được chép trong Công thần Nguyễn án phủ sứ truyện (A.941).
2. Nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.
3. Chi tiết này không thấy Hoàng Xuân Hãn nói trong Thi văn Việt Nam.
4. Ở đây, chúng tôi xin lưu ý, Đông Ngạc Văn Hội giáp tế lễ nghi tiết (A.2525) có niên đại Thiệu Trị (1846), tức là sau khi làm Làm hộ ra đời hơn 300 năm. Giáp Văn Hội, do vậy cũng có thể là một giáp ra đời về sau này.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại