Nhân dân Việt Nam nổi tiếng là chăm chỉ, siêng năng, cần cù và chịu khó. Sự hăng say trong lao động, đam mê và nhiệt tình trong công việc là nét đẹp của người dân Việt Nam, nó trở thành một đạo lý làm người, luôn hết mình vì công việc và sản xuất. ông bà ta từng có câu ca dao nói về phẩm chất tốt đẹp đó của con người:

Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng ruộng dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Từ xa xưa đến nay nhân dân ta xem cấy cày là công việc sản xuất chính của mỗi người dân từ bao đời nay. Câu ca dao được mở đầu bằng “Rủ nhau đi cấy đi cày”

Người dân rủ nhau đi làm việc đồng áng với nhau, ở đó không chỉ có mỗi việc cày và cấy mà trong đó tồn tại cả những câu hò, câu hát gọi nhau đi làm đồng. Lao động hăng say của nhân dân ta được giữ gìn và phát huy qua bao đời nay, Hồ Chí Minh người cha già kính yêu của dân tộc từng nói rằng: “lao động là vinh quang”, quả đúng là như vậy, kiếm đồng tiền từ sức lao động của mình, không ăn trộm ăn cắp, vụ lợi thì đó là nghề gì cũng được, cũng được tôn vinh. Câu thơ “Rủ nhau đi cấy đi cày” còn có sự mời gọi lẫn nhau, để đi cấy, đi cày đây là công việc chính trong lao động sản xuất nông nghiệp hơn nữa là sản xuất lúa gạo, đây là những công việc đòi hỏi chúng ta phải khéo léo và phối hợp với nhau nhịp nhàng chứ không được tách rời nhau.

Thế nhưng, với tinh thần lao động hăng say, người nông dân chưa bao giờ xem đó là những việc khó khăn, gian khổ, họ làm việc một cách vui vẻ và hoà đồng, mời gọi nhau ríu rít để cùng tăng gia sản xuất. Nhịp thơ 2/2/2 nhịp nhàng nhưng ta lại thấy được sự phấn chấn, yêu đời của người dân lao động.

Ai cũng biết rằng công việc đồng áng, đi cấy đi cày tốn nhiều công sức và mô hôi của người nông dân nhưng mỗi người ai cũng hiểu được rằng những thành quả đạt được do chính công sức của mình, do khó khăn gian khổ, vất vả mang lại thì sẽ cảm thấy hạnh phúc và xứng đáng hơn. “bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu” câu thơ như có sự đối lập ở trong đó, nhưng ý của tác giả muốn nhấn mạnh một điều rằng, bây giờ ta lao động hăng say, cần cù, không ngại gian khó, vất vả thì sẽ có một ngày những thành quả mà ta đạt được sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, ấm no và hạnh phúc hơn.

Chúng ta biết rằng, làm nông nghiệp vốn dĩ đã mệt và vất vả rồi, nhưng đâu chỉ có thế, nếu như trời thương thì mưa thuận gió hoà, cây cối phát triển, cho sản lượng cao nhưng nếu mùa gặp bão lũ, sâu bệnh thì người dân xem như mất trắng. “Trên đồng ruộng dưới đồng sâu” đồng ruộng mà cạn nước thì lúa làm sao tốt được, sao trổ đòng, cho hạt bây giờ, đồng sâu thì nước nhiều quá, gây ngập úng sẽ làm cho cây chết.

Người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “một nắng hai sương” tần tảo chịu khó, lam lũ để làm ra hạt thóc, thế mà gặp thời tiết không thuận lợi, đồng ruộng xấu đất lại khiến cho nhân dân càng trở nên lam lũ, chân lấm tay bùn.
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa
Nhưng không có gì ngăn được sự hăng say và nhiệt tình trong lao động của họ, đất có xấu thì người dân cải tạo, thời tiết không thuận lợi thì phải tìm hiểu kỹ càng xem chọn loại giống nào phù hợp với thời tiết và địa lý địa hình này, trong một câu thơ có sự xuất hiện của ba nhân vật đó là người chồng, người vợ và con trâu. Họ có mối quan hệ gắn bó và không tách rời nhau. Họ biết phân chia lao động cho nhau, tuỳ vào sức lực và khả năng của mình để làm việc, người vợ đi cấy, người chồng đi cày, con trâu giúp vợ chồng chủ mình cày bừa, mỗi người mỗi việc, cùng nhau tồn tại và phát triển.

Bài ca dao chỉ vỏn vẹn 6 câu thơ lục bát nhưng đã nói lên hết những tâm tình của người nông dân, là bài ca về tình yêu lao động, về tình cảm gia đình, làng xóm với nhau, ca ngợi tinh thần và vẻ đẹp lao động của người nông dân, cổ vũ và động viên họ tham gia sản xuất để tăng sản lượng cho vụ mùa.

tửu tận tình do tại