Hôm nọ tôi dạo phố
Đi gần đến Hàng Đào,
Qua một căn nhà rộng,
Trong có tiếng ồn ào.
Tôi chạy đến bên cửa,
Dừng chân đứng trông vào,
Nào chiếu hoa, sập gụ,
Nào đàn nguyệt, trống chầu,
Khá đông khách tham gia
Ghế ngồi chen chúc nhau
Có người ra giới thiệu,
Giải thich một hồi lâu,
Rằng vốn cũ dân tộc
Cần phải đươc nâng cao.
Rồi các người ra mắt
Lần lượt đứng lên chào:
Anh kép gảy đàn nguyệt
Đóng hệt như người mù;
Hai chị em phụ nữ
Chóp chép miệng nhai trầu,
Chuỗi cườm thòng về trước,
Đuôi gà lòi ra sau,
Sênh phách đủ bộ tịch,
Dáng dấp như ả đầu;
Một quan viên đứng tuổi
Mép đã có chòm râu,
Miệng toát ra nụ cười,
Tay cầm sẵn roi chầu.
Ai nấy ngồi xong xuôi,
Tiết mục diễn bắt đầu.

Anh kép dạo đàn trước,
Ả đầu cất giọng sau,
Tiếng hát lúc cao thấp,
Đường tơ khi nhặt mau.
Nào “trời đất gió bụi”
Chinh phụ nhớ chinh phu,
Nào “chữ tài, chữ mệnh”
Thương phận bạc nghìn thu,
Nào “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết”
Tiếc xuân khi bạc đầu,
Nào “non sông không thấy”
Mượn chén cứ tiêu sâu!
Ca như khóc, như oán,
Lòng thêm buồn, thêm đau,
Liên hệ dến thân phận,
Cô hát thường cúi đầu;
Lệ rơi đá chẳng thậm,
Máu chảy ruồi cứ bâu,
Quan viên như đắc ý,
Tom chát rền nhịp chầu.
Bao tình tiết lãng mạn
Được tán thưởng cùng nhau!
Bao tâm hồn truỵ lạc
Được khuyến khích nêu cao!
Vốn cũ chi mà thế?
Ai ơi nghĩ thử nào!

Trông vào đám khán giả
Thái độ cũng khác nhau:
Có người thấy vô vị,
Chuồn ngay từ lúc đầu;
Có người rất thích thú,
Mải miết nghe từng câu,
Tay đôi lúc đập nhẹ,
Đùi có khi rung mau,
Như cá được gặp nước,
Như cung vừa ứng cầu;
Có người rốn ngồi xem,
Để tìm hiểu nông sâu,
Nhưng cũng vẻ khó chịu,
Thường mặt ủ, mày chân;
Mấy chị em bạn gái
Tâm sự đầy một bầu,
Coi như bị vụ nhục,
Máu nóng bốc lên đầu,
Để tỏ nỗi chán ghét,
Nói ồn lên mấy câu;
“Thật là trò quái gở,
Xem chẳng ích gì đâu,”
Giắt nhau cùng đứng lên
Lách mình ra cửa sau
Người xem chuồn hầu hết,
Toi không tiện đứng lâu,
Đi về gần đến nhà,
Tai còn nghe tiếng chầu!
Vừa đi vừa nghĩ ngợi,
Nên bài thơ tám câu.

Thơ rằng:
Quen thói trăng hoa xóm ả đầu,
Đồi phong bại tục ấy từ đâu?
Quan viên thích ý tay chầu nhặt,
Ca nữ thương thân tiếng hát sầu.
Hoa rụng chẳng mong gì đất sạch,
Hương phai càng được lắm ruồi bâu.
Ai ơi vốn cũ chi mà thế,
Xin chớ lừa nhau, mơn trớn nhau!

Xin chớ lừa nhau, mơn trớn nhau!
Những điều trông thấy nghĩ mà đau.
Tên rằng vốn cũ, rằng văn nghệ,
Cảnh vẫn quan viên, vẫn ả đầu.
Đã biết trò xưa không đẹp nữa,
Thi mang lốt mới có hay đâu.
Khâm Thiên tuồng ấy xin đừng diễn,
Bại tục đồi phong lại ngóc đầu!


Sau 1954, hát ả đào được xem như là một thứ tàn dư phong kiến và tiêu biểu cho lối sống suy đồi, tương đối bị bỏ quên bởi cái môi trường xã hội mà nó đã xuất thân. Bài thơ in trên báo Nhân dân ngày 1-12-1957, ký tên tác giả là “Đào Viên” (nghĩa là người khu phố Hàng Đào?), nhằm bài xích lối chơi này.

Trong cuốn nhật ký, ngày 16-1-1958, nhà văn Trần Dần viết “... trên báo Nhân dân có một bài thơ chửi xỏ một cụ tư sản ở phố Hàng Đào, có cái lối chơi ả đào. Tên ký là Đào Viên. Vậy Đào Viên là ai?”