Cách đây đã lâu, chừng mười hai mười ba năm, trong lúc dạo chơi hóng gió quanh hồ Gươm, tôi đã được hân hạnh gặp một ông già thuộc về cái lớp người ra đời vào khoảng vua Tự Đức băng hà. Tóc bạc phơ, râu bạc phơ, móng tay dài, quần áo lụa nội hoá, giầy Gia Định, kính trắng...ông có phong thái của một nhà nho ngàn xưa còn sót lại, đang bực-dọc vì phải chứng-kiến những cảnh giao thời của xã hội nước nhà.

Sự tình cờ đặt tôi ngồi bên ông. Phe phẩy chiếc quạt lông hình trái đào, ông đăm đăm nhìn về phía hồ, vẻ mặt ra chiều tư lự, và nhớ tiếc. Tôi kính trọng thái độ hoài niệm của con người lạc lõng ấy nên cũng yên lặng ngồi nhìn khách thừa lương qua lại.

Bỗng có tiếng trẻ con từ mé nhà bát giác vẳng lại...

Chi chi trành trành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương lập đế
Ú tế đi tìm
Hú tim bắt ập.
Đột nhiên, ông cụ hỏi tôi: “Thầy có nghe trẻ con chúng vừa hát chi đó không?” Tôi ngạc nhiên và lễ phép đáp,“Thưa cụ có. Sao ạ?” Ông già lắc đầu mấy cái rồi nói luôn:

“Chúng hát sai cả. Người ta dạy chúng sai cả. Câu hát ấy không phải thế. Nguyên nó là một câu sấm của cổ nhân truyền lại mãi đến gần đây mới ứng nghiệm. Câu ấy là: ‘Chu chu rành rành’ nghĩa là bá cáo cho mọi người đều biết. Câu thứ hai là: ‘Cái đanh nổ lửa’, nói về quân đội Pháp bắn súng vào cửa Đà Nẵng. Câu thứ ba là: ‘Con ngựa đứt cương’ chỉ vào sự băng hà của vua Tự Đức và sự rối loạn của triều đình lúc bấy giờ. Hồi đó bọn Tường, Thuyết chuyên quyền giết hại nhiều người trung trực.

Chúng dám làm trái cả lời di chúc của tiên vương, bỏ Dục Đức vào ngục tối, lập Hiệp Hoà làm vua. Sau chúng lại giết Hiệp Hoà đem Kiến Phúc thay vào. Rồi chúng lại giết Kiến Phúc tôn Hàm Nghi lên ngôi báu. Ba ông vua kế tiếp nhau liền liền như thế nên mới có câu: ‘Ba vương tập đế’. Đến triều vua Hàm Nghi thì Thuyết nổi lên bài Pháp bị thất bại phải đem vua đi trốn. Một mặt quân đội Pháp lo dẹp loạn, một mặt tìm kế bắt Hàm Nghi để trị yên lòng dân. Vì thế mà có câu: ‘Cấp kế đi tìm’. Sau rốt vì có tên Ngọc phản bội mà vua bị bắt ập ở rừng Tuyên Hoá lúc ngài đang ngủ. Đó là nghĩa câu ‘Hú tim oà ập’!”

tửu tận tình do tại