13.00
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Trung đại
3 bài trả lời: 3 thảo luận
1 người thích

Đăng bởi @Lá@ vào 19/10/2008 01:26, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 19/10/2008 01:35

Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang!
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.


Theo Minh Mệnh chính yếu, thời vua Minh Mạng (1820-1840) có ra lệnh cấm đàn bà mặc váy (quần không đáy) ra chợ. Dụ của vua Minh Mạng lệnh cho phụ nữ Bắc Kỳ ra đường phải mặc quần hai ống như phụ nữ Nam Kỳ.
4, Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bàn về một bài ca dao thời Minh Mạng

Bàn về một bài ca dao thời Minh Mạng
-Đào Đức Nhuận-


Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó "bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước...” (ĐLQT, tr.206).
Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa. Nó có hình thức gần giống như cái "skirt" (Mỹ) hay cái "jupe" (Pháp) của người phụ nữ Tây phương thường mặc. Và đúng như người bình dân của ta đã mô tả trong một câu đố như sau:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.


Đến năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671), nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc.
Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu. Đó là tình trạng ở đất Bắc tức từ Thanh Hóa trở ra. Tình trạng ở phía nam đèo Ngang tức từ Quảng Bình trở vào lại khác.

Số là, vào năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi sau đó cho kiêm nhiệm trấn thủ đất Quảng Nam. Nguyễn Hoàng lúc đầu còn phải ra vào đất Bắc để phục vụ cho vua Lê, nhưng đến năm 1559 cuối đời vua Lê Thế Tông (1573-1599), Trịnh Tùng xưng vương hiệu là Bình An Vương lập nên phủ Chúa và vua Lê chỉ còn hư vị thì ngay năm sau (1600), Nguyễn Hoàng cũng lo củng cố và xây dựng đất Thuận Hóa rồi sau đó là đất Quảng Nam để đối đầu với chúa Trịnh ở đất Bắc. Đến khi Nguyễn Hoàng mất (1613), con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lên thay, Nguyễn Phúc Nguyên tự bổ nhiệm quan lại để cai trị đất đàng trong, không còn nhận quan lại của vua Lê và chúa Trịnh gởi vào nữa. Tuy nhiên, đến đời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) các chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng quận công hay quốc công và vẫn tuân theo một số luật lệ và phong tục của đất Bắc. Đến đời Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Khoát mới xưng vương gọi là Võ Vương (1744) đúc ấn quốc vương, định triều nghi và đưa ra một số cải cách để chứng tỏ sự tách biệt hoàn toàn với đất đàng ngoài, chẳng hạn:
"Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người đường ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà đường trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đàng ngoài nữa.” (VNVHSC, tr.173)
Vậy có thể nói, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, cách ăn mặc của người đàng trong lại giống như cách ăn mặc của người đàng ngoài thời kỳ trước khi vua Lê Huyền Tông ra lệnh bỏ lối phục sức theo kiểu nhà Minh, hay nói một cách khác, trong lúc phụ nữ đàng trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ đàng ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.

Đến khi nhà Nguyễn dựng đế nghiệp (1802), để thống nhất việc ăn mặc cho cả nước, vua Minh Mạng (1820-1840) đã hai lần ra sắc dụ bắt dân chúng đàng ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người đàng trong. Việc cải đổi y phục của vua Minh Mạng đã gặp phải sức kháng cự của người dân đàng ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối.

Trong tác phẩm Đất Lề Quê Thói, tác giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu đã viết về vấn đề này như sau:
"Người xứ Bắc vốn không qui phục nhà Nguyễn... lại gặp phải chính sự hà khắc cấm đoán cả về y phục, trái với lẽ thường, dân mất váy lần này có câu ca rằng:

Tháng Chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan”

(Đất Lề Quê Thói,  tr. 207-208)
 
Bài ca dao ở trên có nhiều dị bản.
* Trong Văn Học Bình Dân,  Nguyễn Trúc Phượng cũng sao lục giống như bài trên nhưng câu đầu hoàn toàn khác:
Chiếu vua mồng sáu tháng Ba

* Trong Tục Ngữ Phong Dao (tập 2) cuả Nguyễn Văn Ngọc và Thi Ca Bình Dân Việt Nam (tập 2) của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh,  bài ca dao nầy được ghi lại như sau:
Tháng Sáu có chiếu vua ra, http://thivien.net/viewpo...ID=A5PyXnGDvDuUkzq3mR6-9g
Cấm quần, cấm áo đôi ta ngặt ngùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi ra bóc lột quần chồng mà mang.


* Trong Xã Hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp, bài ca dao được sao lục gần giống như của Vũ Văn Khiếu trong Đất lề Quê Thói nhưng “tháng Chín” được đổi ra “tháng Tám”:
Tháng Tám có chiếu vua ra...

* Trong Chuyện Cà Kê, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc cũng sao lục giống như bài của Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê Thói.

* Trong một bài biên khảo nhan đề “Thi Ca Trào Phúng Việt Nam” đăng trong Thằng Mõ Nam Cali, giai phẩm Xuân Giáp Thân, 2004, tác giả Vọng Đông lại chép là “tháng Chạp” :
Tháng Chạp có chiếu vua ra...

Như vậy là, trong câu đầu của bài ca dao nói về thời gian ban hành lệnh cấm mặc váy đã có những sai biệt như sau:

* Chiếu vua mồng sáu tháng Ba (theo Nguyễn Trúc Phượng)
* Tháng Sáu có chiếu vua ra (theo Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Tấn Long)
* Tháng Tám có chiếu vua ra (theo Lương Đức Thiệp)
* Tháng Chín có chiếu vua ra (theo Phùng Tất Đắc và Vũ Văn Khiếu)
* Tháng Chạp có chiếu vua ra (theo Vọng Đông)

Bài ca dao nầy có liên quan đến một sắc chỉ của vua Minh Mạng triều nhà Nguyễn về việc cải cách y phục cho nhất thống từ Bắc chí Nam. Ngoại trừ một vài khác biệt không đáng kể về một số chữ không quan trọng trong bài, điểm khác biệt quan trọng trong các bài được sưu tập, đó là thời gian xuất hiện của “chiếu vua”: Tháng Ba? Tháng Sáu? Tháng Tám? Tháng Chín? Hay tháng Chạp?

Chúng ta thử lần theo các trang sử để tìm ra sự thật.
Theo Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu:
Năm Mậu Tý (1828) Minh Mạng thứ 9 “Tháng 10, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra Bắc”. (quyển 3, trang 74)
Năm Đinh Dậu (1837), Minh mang thứ 18, “Tháng 9... thân dụ dân tự Hà Tĩnh trở ra phải đổi cách ăn mặc” (quyển 3, trang 112)


Theo  Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam (Từ đầu đến giữa thế kỷ XIX) của Viện Sử Học Hà Nội, sự kiện nầy đã được ghi như sau:
1828 (Mậu Tý):“Tháng 10 Âm Lịch, Nhà nước ra lệnh cho nhân dân Bắc Thành từ Thanh Nghệ trở ra Bắc phải thay đổi y phục cho phù hợp với y phục của nhân dân từ sông Gianh trở vào Nam. Lại ấn định, từ Mùa Xuân 1829 y phục của nhân dân phải thay đổi đồng loạt trong cả nước.” (trang 436).
1837 (Đinh Dậu) : “Tháng 9 âm lịch... Ra lệnh cho nhân dân từ Hà Tĩnh trở ra phải đổi trang phục nữ mặc quần không được mặc váy. Lệnh nầy đã được ban hành từ năm 1827 (?), sau 10 năm nhân dân chưa thi hành, nên lệnh nầy được nhắc lại.”


Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 184  ghi lại chiếu dụ của vua Minh Mệnh ban hành vào năm Minh Mệnh thứ 18, năm Đinh Dậu (1837) như sau:

"Từ sông Gianh ra Bắc, trước đây vẫn còn ăn mặc theo hủ tục. Trẫm đã ra lệnh đổi y phục như từ Quảng Bình trở vào để phong tục thuần nhất. Lại ban hạn rộng rãi để ai nấy có thì giờ khâu may. Nhưng đến nay, kể đã ngoài 10 năm, mà ở đàng ngoài bọn ngu phu, ngu phụ vẫn cứ chần chừ chưa chịu đổi thay. Từ Quảng Bình trở vào Nam, hết thảy đã ăn mặc theo lối nhà Hán, nhà Minh, mũ mãng, áo quần đều chỉnh tề, tươm tất. Dân Bắc Kỳ cứ ăn mặc theo lối cũ. Đàn ông, con trai đóng khố, đàn bà, con gái mặc áo vạt khép vào nhau, dưới thì mặc váy. Như vậy đẹp xấu ra sao, mọi sự đã rõ. Một số nơi đã theo thói hay. Nhưng nhiều nơi vẫn duy trì hủ tục, phải chăng cố ý trái lệnh của Trẫm. Nay truyền cho các viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh phải giải thích, khuyên nhủ cho dân biết rõ ý của Trẫm. Lại ban hạn trong năm nay tất cả phải thay đổi quần áo. Nếu năm tới còn có kẻ nào ngoan cố áo quần, phải trị tội thật nặng”(chép theo Hoàng Hải Thủy)

Trong tác phẩm Xã Hội Việt Nam, tác giả Lương Đức Thiệp đã nhắc đến vấn đề này như sau:
“Dưới triều vua Tự Đức cũng có lệnh cấm đàn bà đường ngoài mặc váy. Câu ca dao sau đây đã đánh dấu việc cải cách y phục này:

Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần, cấm áo người ta ngại ngùng
Không đi thì chợ không đông
Đi ra bóc lột quần chồng mà mang
Có quần thì ra đứng đàng
Không chồng (?) ta đứng đầu làng nghé quan”

(XHVN, tr.252)

Như đã được trình bày ở trên, sự kiện thay đổi y phục xảy ra vào thời vua Minh Mạng (1820-1840) chứ không phải dưới thời vua Tự Đức (1848-1883) như Lương Đức Thiệp đã nói đến trong tác phẩm Xã Hội Việt Nam của ông.

Trong Chuyện Cà Kê, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc ghi “... (1828) Minh Mệnh thứ 9, trong tháng 9 có chiếu cấm dân Bắc mặc váy... ”. Như trên đã dẫn, chiếu cấm mặc váy được ban ra vào tháng 10 năm Mậu Tý, Minh Mệnh thứ 9 chứ không phải tháng 9 như Lãng Nhân đã ghi.

Như vậy, bước đầu ta có thể kết luận: thời gian “mồng sáu, tháng Ba”, “tháng Sáu”, “tháng Tám” hay “tháng Chạp” là không phù hợp với lịch sử. Chỉ còn lại tháng Chín hay tháng Mười mới đúng.

Đến đây, có một điều chúng ta cần bàn.
Như ta đã biết, vua Minh Mạng đã 2 lần hạ chiếu cải dịch y phục:
* Lần thứ nhất là vào tháng Mười năm Mậu Tý (1828), Minh Mạng thứ 9.
* Lần thứ hai là vào tháng Chín năm Đinh Dậu (1837), Minh Mạng thứ 18. Lần nầy, như trong Đại Nam Thực Lục đã ghi, ta thấy lệnh có vẻ gay gắt hơn nhiều và bắt buộc các quan đầu tỉnh từ Tổng Đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát phải theo dõi việc thực hiện.

Nay ta thử xét về âm vận của thể thơ đã được dùng trong bài ca dao. Đây là một bài ca dao làm theo thể thơ lục bát. Trong âm luật thơ lục bát, chữ thứ 2 của câu lục (câu 6 chữ) phải là âm bằng, trừ trường hợp câu lục được ngắt nhịp ở chữ thứ 3 thì chữ thứ 2 của câu lục thường phải là âm trắc.
Thí dụ:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười;

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mênh cũng là lời chung...
(Kiều – Nguyễn Du).

Nếu xét theo âm luật như trên thì câu lục phải là: "Tháng Mười có chiếu vua ra...” nghe vừa xuôi tai lại vừa hợp với sự kiện lịch sử như vừa được dẫn ở trên. Vậy thì tại sao trong tất cả các bản được sưu tập xưa nay lại không có bản nào ghi lại là “Tháng Mười có chiếu vua ra”? Như vậy, theo tôi, có thể là câu ca dao trên chỉ xuất hiện sau khi vua Minh Mạng thấy rằng sắc lệnh lần trước (tháng Mười năm Mậu Tý, 1828) không được thi hành đúng mức, vậy nên, 10 năm sau nhà vua đã phải ra lệnh gắt gao hơn (tức lệnh vào tháng Chín năm Đinh Dậu – 1837) lệnh lại bắt buộc các quan đầu tỉnh theo dõi sát nên trong dân chúng mới có sự phản ứng bằng bài ca dao như trên. Cái hiện tượng các quan phải theo dõi việc thi hành đã bị dân chúng vạch trần trong câu cuối: "Không quần ra đứng đầu làng trông quan!"
Và như vậy, bài ca dao trên chỉ có thể xuất hiện sau khi vua Minh Mệnh ban chiếu Cải dịch y phục cho dân Đàng Ngoài lần thứ hai vào tháng 9 năm Đinh Dậu (1837) và câu ca dao đúng phải là:
“Tháng Chín có chiếu vua ra...”

Dân chúng Bắc Thành, nhất là từ Thanh Nghệ trở ra, xưa mặc váy chứ không mặc quần (hai ống) như dân chúng Nam Hà thời các chúa Nguyễn. Đến thời Minh Mạng nhà vua bắt dân chúng Bắc Hà mặc quần 2 ống, tức không cho mặc váy, nên bị dân chúng phản ứng bằng bài ca dao mỉa mai nói trên.

Đồng thời với bài ca dao trên đây, ở vùng Thanh Nghệ còn lưu truyền bài vè sau đây:

Bước sang năm mới bình yên,
Chiếu vua hạ truyền:
Cải dịch y phục,
Quan huyện đã giục,
Lý trưởng, mục, tiên,
Lệnh vua đã truyền,
Bắt dân mặc cả.
...
Mai phiên chợ Trai,
Phải mượn quần chồng.
Đã cực trong lòng,
Lại thêm xấu hổ.
Không đời mô chộ
Ăn mặc ra ri.
Anh bước chân ra đi,
Không quần mà có áo.
Bắt từ ông lão,
Cho đến gái thanh tân,
Thân lại lập thân
Một người hai bộ.
...


Như ở trên ta đã thấy, đối với dân gian, viết sử không phải chỉ là ghi lại sự kiện: “Tháng Chín có chiếu vua ra: Cấm quần không đáy” mà phần quan trọng chính là phần phê phán, phần nói lên cảm tưởng, thái độ  của dân gian đối với sự kiện: “người ta hãi hùng”, “Có quần ra quán bán hàng, Không quần ra đứng đầu làng trông quan!”. Chính cái phần phê phán, cái phần cảm tưởng này mới giúp ích nhiều cho các nhà xã hội học, các nhà sử học về sau.
 
(Trích trong Tản Mạn Về Ca Dao Lịch Sử)
 
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
 
-----------------------
Tài liệu tham khảo:
-Đất Lề Quê Thói, Vũ Văn Khiếu, NXB Đại Nam (Hoa Kỳ)
-Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Đào Duy Anh, NXB Xuân Thu (Hoa Kỳ)
-Văn Học Bình Dân, Nguyễn Trúc Phượng, NXB Sống Mới (Hoa Kỳ)
-Xã Hội Việt Nam, Lường Đức Thiệp, NXB Liên Hiệp Saigòn, 1950
-Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu, trang Web của Viện Việt Học
-Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam, Hà Nội, 1987
-Thằng Mõ Nam Cali, Xuân Giap Thân, 2004-11-26
-Các tuyển tập tục ngữ ca dao.

Trời mưa gió rét kìn kìn
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Diễu lệnh cấm quần không đáy

Diễu lệnh cấm quần không đáy

Phan Vǎn Ái quê ở làng Đồng Tỉnh, huyện Vǎn Giang, tỉnh Bắc Ninh, sinh nǎm 1850, mất nǎm 1898. Ông đỗ phó bảng khoa Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), tính tình phóng khoáng, hay thơ làm biên tập trong tờ Đồng vǎn nhật báo.

Lúc Phan Vǎn Ái còn đi học, một hôm đang ngồi đàm luận thơ phú với các bạn, thì người ta cho biết mới có lệnh nhắc lại dụ cấm "quần không đáy" của Minh Mệnh.

Số là thời Minh Mệnh, đã có lệnh bắt phụ nữ miền Bắc đang quen mặc váy phải mặc quần. Nhiều buổi chợ thường có quan quân canh gác, ai mặc quần thì được cho vào chợ, ai mặc váy thì phải đuổi về. Vì thế nhân dân phản ứng, mới có câu ca dao:

Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.
(Tham khảo thêm http://thivien.net/viewpo...Q6ZNReC1su5W03ol7P6g)

Bữa ấy các bạn học được tin lại cấm mặc váy thì đều cười, bảo Phan Vǎn Ái thử "phú đắc" câu ca dao trên xem sao.

Ái vui miệng đọc ngay hai câu thơ rằng:

Vắng thiếp bõ phen cho cháo ế
Thương chàng chịu tiếng nấu canh suông.


Nhà thơ dùng toàn chữ và điển trong ca dao, tục ngữ. Câu thơ thứ nhất là lấy ở câu ca dao nói về việc bán hàng ngày mưa:

Ngán thay buổi chợ ngày mưa,
Cho cháo tôi ế, cho dưa tôi nồng,
 

Câu thơ thứ 2 lấy ở câu tục ngữ:

Nấu canh suông, ở truồng mà nấu.

Cả hai câu có nghĩa là: Nếu buổi chợ vắng thiếp (vì mặc váy nên không được vào) thì hàng ở chợ sẽ bị ế. Nhưng nếu mượn quần của chàng để đi chợ, thì chàng lại phải ở truồng (hai vợ chồng nghèo)

Thật là mỉa mai sâu sắc. Các bạn học vốn đã phục tài "phú đắc" của Ái, nghe hai câu thơ lại càng thêm phần kính nể.

Nguồn: http://www.quehuong.org.v...0307153635/ns070309144611

Trời mưa gió rét kìn kìn
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Tháng sáu có chiếu vua ra

Trong thời gian vua Minh Mạng trị vị, ông cũng có rất nhiều những chiếu chỉ, lệnh cấm kì lạ. Vào năm 1822, nhân dịp ra Hà thành nhận lễ thọ phong của nhà Mãn Thanh, Trung Quốc, vua Minh Mạng lấy làm khó chịu khi thấy phụ nữ Miền Bắc mặc "quần một ống", trông chướng mắt. Thế là nhà vua ra lệnh cấm các cô, các bà Bắc Hà không được mặc váy nữa. Để thực hiện nghiêm chỉ dụ của vua, quan quân địa phương đã đốc thúc lính tráng bắt ép phụ nữ bỏ "quần một ống". Các ngả đường, chợ búa đều có lính canh phòng quan sát kỹ. Hồi đó ai đi chợ còn mặc váy thì bị đuổi về. Người dân Hà thành đã không chịu nổi lệnh cấm kì lạ này nên đã hài hước châm điếm lệnh cấm của vua Minh Mạng bằng bài ca dao:
"Tháng Sáu có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì áo vợ quần chồng sao đang.
Có quần ra đứng bán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan"

Chưa có đánh giá nào
Trả lời