Chúng ta lại bàn đến vấn đề xưa như quả đất? Phải! Nó không mới mẻ gì đối với loài người, nhưng nó cũng chẳng bao giờ cũ, vì loài người càng tân tiến càng phải đi tìm nó, và luôn luôn coi nó như một thần tượng trong lẽ sống.

Trước đây một nhà văn hào Pháp đã ví con người không có tình yêu cũng như quả đất không có mặt trời. Câu nói ấy đến ngày nay cũng chưa ai phản đối. Như vậy loài người mặc nhiên công nhận tình yêu như một năng lực sinh hoá, nếu thiếu nó không còn có vũ trụ nữa. Tình yêu đã trở thành qui luật tất yếu của thiên nhiên.

Nhưng thực ra không phải đợi đến ngày nay, con người của thế hệ văn minh mới khám phá điều quan yếu ấy, mà tự ngàn xưa cổ nhân không là nhà bác học, không là bậc vĩ nhân, họ chỉ là một cô gái quê mùa, một chàng nông phu mộc mạc, cặm cụi quanh luỹ tre xanh, mà vẫn hiểu được tầm quan trọng giữa tình yêu trai gái.

Tình yêu đến với họ, họ không cần biết tại sao, họ không cần tra cứu nguyên nhân, họ chỉ biết chấp nhận những gì họ có.

Đây, tiếng hát từ ngàn xưa vọng về nói lên những khát vọng yêu đương:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Đêm quên giấc ngủ ngày mơ tiếng cười.​
Mãnh lực nào đã chi phối tâm tư họ, nếu không phải là mãnh lực của ái tình? Sức mạnh yêu đương đã bắt nguồn từ con tim họ chảy bàng bạc vào thửa ruộng nương dâu, vào luống cày rãnh nước, tràn ngập những đêm trăng, vắt vẻo trên cành cây, tuôn theo dòng suối… và cũng có bóng dáng của ái tình, khiến họ cảm thấy cô đơn, nếu giờ phút nào đó không tìm thấy nó. Cho nên:

Qua cầu giở nón nhìn cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu.​
Rõ ràng tình yêu của cô thôn nữ gắn liền với nhịp cầu và khi tình yêu ấy mất thì lòng cô tái tê.

Trong khát vọng yêu đương, chúng ta cảm thấy cái gì trầm lặng, sâu xa, mà cảnh vật chính là nơi chất chứa cảm giác yêu đương của con người.

Chẳng phải ngày nay chúng ta mới tìm thấy yếu tố giao cảm giữa tâm tư và cảnh vật. Thi nhân ngày nay trong lĩnh vực văn chương bác học, đã nhờ gió trăng diễn tả tâm tình, mượn hoa lá gởi lời ân ái, chính người bình dân tự ngàn xưa, trong thi ca họ vẫn chất chứa những giao cảm ấy.

Vì nhận thức tính chất giao cảm giữa tâm hồn và cảnh vật, cho nên họ có những ước ao:

Ước gì anh hoá ra hoa,
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.
Ước gì anh hoá ra chăn,
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
Ước gì anh hoá ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi.
Ước gì anh hoá ra cơi,
Để cho em dựng cau tươi, trầu vàng.​
Bàn tay của giai nhân muôn thuở vẫn là thần tượng yêu đương! Người bình dân sống trong luỹ tre xanh, giữa hoa ngàn cỏ nội tự thế giới ngàn xưa, nhưng ai dám bảo rằng họ không thưởng thức nổi những thẩm mỹ mà ngày nay chúng ta đang ca ngợi.

Muốn làm hoa để người đẹp hái cài khăn, muốn làm chân để người đẹp mân mê, ấp ủ... Ý tưởng ấy, tâm tư ấy có gì xa cách với chúng ta ngày nay đâu? Trong lãnh vực yêu đương, chính người xưa cũng đã thả hết tâm hồn mình vào mộng ảo để mà tìm những phút say sưa. Bản năng của con người dù ở thế hệ nào cũng vươn lên trong ý sống.

Con người, nếu sống không có tình cảm hoặc tình cảm không gắn liền với đời sống con người thì còn gì là nghĩa sống? Người bình dân thời xưa tuy không nói lên nghĩa sống ấy, song thực tế lòng họ vẫn đeo đuổi một hy vọng. Cái hy vọng gần gũi với họ nhất là yêu đời, là hoà nhịp với nguồn sống bao quanh. Do đó tình yêu đối với họ trở thành thiết yếu không thể không có. Chính họ đã thú nhận:

Đêm nằm tàu chuối có đôi,
Hơn năm chiếu miến lẻ loi một mình.​
Chỉ cần một tàu chuối lót mình để ấp ủ tình yêu là thoả nguyện rồi, không cần chiếu bông giường lèo mà phải sống trong cô quạnh. Như vậy, tình cảm yêu đương quả là một năng lực tuyệt đối ngự trị cuộc sống tinh thần của họ.

Vả lại, nếu đem tình thương để an ủi kiếp sống con người thì lớp người bình dân là lớp người bị xã hội ruồng rẫy, khinh miệt hơn hết. Tâm can họ không được an ủi bằng tình dân tộc nên họ bị thu rút vào tình cảm cá nhân, lấy yêu đương làm nguồn sống, xoa dịu những tủi hờn, khổ cực trong cuộc sống vật chất.

Tuy nhiên, tình cảm dân tộc lại bắt nguồn từ tình cảm cá nhân, lan rộng ra, mà lớp người bình dân lại là lớp người đông đảo nhất trong xã hội, cho nên tình cảm cá nhân họ lại được ăn sâu vào đại chúng và làm cơ sở cho tình dân tộc.

Khi đã mang sẵn trong tâm hồn một sức mạnh yêu đương dùng làm nguồn sống thì tình cảm họ dễ vấn vương.

Một áng mây bay, một dòng suối chảy, một làn khói toả, đối với người bình dân đều là những vật trữ tình:

Đêm qua đốt đỉnh hương trầm,
Khói lên nghi ngút âm thầm lòng ai?​
Hỡi những thi nhân của thế hệ đương thời! Các người tự cho mình là bậc trí thức, đủ khả năng diễn đạt mọi tình cảm, vậy đối với người bình dân thời xưa, các người đã làm gì hơn họ trong lãnh vực gợi tình?

Thật vậy, chúng ta phải nhìn nhận tình cảm của con người bình dân không phải chỉ ở khía cạnh trực trần mà bao hàm mọi khía cạnh khác, hoặc bóng bẩy, hoặc sâu xa, thầm lặng… mà ngày nay chúng ta không thể diễn đạt hơn họ được.

Nếu bảo văn chương bình dân là nôm na, lời nói bình dân là thô bỉ thì thật chúng ta chưa hiểu họ. Đành rằng lời nói họ thiếu trau chuốt, bởi tiếng nói họ là tiếng nói bình dân, nhưng về ý nghĩa của tình cảm, chúng ta không thể không thừa nhận một chiều sâu cô đọng trong cảm giới của họ.

Khi đau khổ vì nhớ nhung, họ cũng biết đem oán hờn phủ lên sông núi:

Núi cao chi lắm núi ơi!
Núi che mặt trời không thấy người thương.​
Trong văn chương bác học, dù ngôn ngữ có tinh vi đến đâu cùng khó diễn đạt những ý tứ ấy.

Tình cảm họ sâu sắc và tràn trề, họ lại trữ tình trên cảnh vật. Chính hai yếu tố ấy đã giúp cho họ cởi mở nỗi lòng. Một con đò nằm dưới gốc đa, lúc quyến luyến nhau, hình bóng ấy đã giúp cho họ đắm đuối:

Con đò với gốc cây đa,
Cây đa muôn thuở chẳng xa con đò.​
Nhưng trong lúc cách biệt nhớ nhung, cũng với hình bóng ấy, họ gởi gắm tình yêu:

Trăm năm dù lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cũ, con đò năm xưa.​
Tình yêu như mở rộng trước mắt họ, trong lòng họ, và lúc nào họ cũng tiếp nhận tình yêu. Chẳng những chỉ mở rộng cõi lòng đã đón nhận, mà họ hy sinh thân xác để đi tìm nó:

Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.​
Người thương ở đây không có nghĩa là một hình hài cố định, không phải là một ý-trung-nhân đã chọn sẵn! Nó chỉ là mãnh lực của ái tình! Một khát vọng của cảm giác con người! Nó có thể là một luồng gió thoảng, một cành hoa nhuộm nắng bên đường, một cánh chim lạc loài in trên đáy nước... hoặc tất cả những gì gợi lên ý nghĩa của lẽ sống.

Để hiểu họ hơn, chúng ta nhìn sâu vào đáy lòng họ, khi sự quyến luyến giữa gái trai được đặt nặng về tình cảm:

Chuồn chuồn mắc phải nhện vương,
Đã trót quấn quít thì thương nhau cùng.​
Tình thương sở dĩ có sự dễ dãi như vậy chỉ vì bản chất tình cảm của họ quá dồi dào. Nhưng trong yêu đương họ vẫn thấy niềm đau khổ:

Chim chuyền bụi ớt líu lo,
Lòng thương em bậu ốm o gầy mòn.​
Dù là người của nghìn xưa, tình ái vẫn là điệu đàn muôn thuở. Họ vẫn băn khoăn, khắc khoải, nhớ nhung, trông chờ... và khổ đau đến nỗi võ vàng thân xác. Họ vẫn nếm đủ mùi vị của ý nghĩa tình yêu. Tuy nhiên, tình cảm là một sợi dây luôn luôn trói buộc con người vào khát vọng.

Cho nên, dù phải chịu đau khổ, ràng buộc họ vẫn không từ chối, nhắn nhủ với ái tình:

Yêu nhau tâm trí hao mòn,
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau.​
Hoặc có lúc họ cũng cảm thấy tình yêu là cái gì chứa đầy đắng cay, chua chát. Tuy nhiên, họ không hằn học, ruồng rẫy thản nhiên nuôi dưỡng yêu đương trong nguồn thú vị ấy:

Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau!​
Chẳng những đem tinh thần chịu đựng để vui hưởng thú yêu đương mà họ còn vận dụng lòng kiên nhẫn để xây đắp cho tình yêu được đẹp đẽ nữa:

Một mai ai chớ bỏ ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim!​
Với nguồn tình cảm bao la ấy chảy vào non sông đất Việt, tràn ngập cả ruộng đồng, rưới khắp cỏ cây, trong ca dao nước ta bàng bạc những câu hát gợi tình, những mảnh tâm hồn luyến ái giữa gái trai rơi rớt từ ngàn xưa mà ngày nay chúng ta không tài nào thu thập hết cũng không là chuyện lạ.

Có người cho rằng nước Việt Nam bị người Tàu đô hộ, Nho giáo ảnh hưởng rất mạnh, tại sao dân ta lại có được tâm hồn tự do yêu đương giữa trai gái?

Thực ra, thuyết “nam nữ thụ thụ bất thân” của Nho giáo chỉ có ảnh hưởng vào lớp người quí tộc, lớp người ăn không ngồi rồi, mà không có ảnh hưởng gì đến lớp người bình dân cả.

Lớp người bình dân đâu phải sống trong cảnh cổng kín tường cao, cô gái bình dân đâu phải sống trong thâm khuê, đài các như nàng Kiều, nàng Nguyệt Nga!

Nàng Kiều, nàng Nguyệt Nga điển hình cho những cô gái nho phong, sống trong nhung lụa, suốt đời chỉ ra khỏi nhà một vài lần, lại có tỳ nữ theo hầu. Với hoàn cảnh ấy, họ có thể theo giáo lý “nam nữ thụ thụ bất thân” được. Cho nên lúc vừa gặp Kim Trọng tại hội Đạp thanh, nàng Kiều đã “vội vàng e lệ nép vào dưới hoa”, tuy rằng “tình trong như đã”. Còn nàng Nguyệt Nga khi gặp Vân Tiên đã nghe liền câu nói:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Đó là phận gái, đây là phận trai.
(Lục Vân Tiên)​

Nhưng, đối với người bình dân, giáo lý Khổng Mạnh không thể nào ràng buộc họ được. Cái cảnh gái trai chung làm một thửa ruộng, kẻ cày người bừa, kẻ nhổ cỏ, người gánh phân, suốt ngày sống dưới luỹ tre, bên dòng suối. Sự gặp gỡ đem đến họ một không khí bình đẳng về tình cảm, và người con trai cũng như con gái được quyền tự do cởi mở tâm tình.

Cũng vì vậy mà cái bản năng của con người muôn thuở được thể hiện qua tâm trạng họ một cách trung thành, ít bị méo mó vì giáo lý. Chính bản năng đi thúc đẩy họ, thúc đẩy con người không bị ràng buộc bởi danh vọng, lễ nghi, và chính họ cũng là kẻ dám nhìn tận đáy lòng mình, nói lên tiếng nói đích thực của tình cảm.

Nhìn một cô gái đang cắt cỏ trên mặt đê, chàng trai có quyền đùa giỡn mà không sợ ai khinh mình mất lễ nghĩa:

Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi.
Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng.​
Những câu hát trêu tình dí dỏm như vậy không có nghĩa là khinh miệt cô gái, vì cô gái kia cũng có quyền nói lên ý nghĩ của mình mà không sợ ai ngăn cấm. Ví dụ:

Nuôi lợn thì phải vớt bèo,
Muốn lấy vợ phải nộp cheo cho làng.​
Do đó, bản năng con người được tự do nảy nở, vì tình cảm con người được tự do trao đổi qua câu hò tiếng hát mà chúng ta đã nghe vang lên bên luỹ tre xanh, bên thềm giếng nước, bên cạnh bờ ao, dưới ánh trăng suông.

Cũng như người con trai; người con gái bình dân có rất nhiều khát vọng yêu đương, nếu tình cảm người con trai là những dòng suối chảy triền miên trong mạch sống thì tình cảm người con gái chính là những lòng sông thu góp và chứa đựng những mạch nước ấy để rồi có lúc êm ả như hồ thu, có lúc rập rềnh bên gành đá.

Tình cảm của họ chất chứa như vậy, lại sống trong hoàn cảnh nam nữ tương thân thì làm sao ngăn được niềm luyến ái giữa gái trai?

Đối với gia đình bình dân trước đây không phải họ không lo đến tính chất yêu đương của gái trai. Một người mẹ khi có con gái lớn lên đã phải lo lắng dạy bảo:

Ra đi mẹ có dặn rằng:
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.​
Người nông dân Việt Nam thuở xưa đối với miếng trầu, miếng thuốc thật quan trọng! “Miếng trầu là đầu câu chuyện”! Những lúc họ rảnh tay nghỉ ngơi nơi bờ ruộng, ven sông, chính là lúc họ được dịp tìm hiểu tình cảm nhau. Họ trao cho nhau một miếng trầu, mời nhau một miếng thuốc, đó là cử chỉ xã giao, biểu lộ tình cảm giữa gái trai. Do đó, miếng trầu dần dần trở thành biểu tượng cho tình duyên.

Đứa con ra đi, người mẹ dặn dò, chính là muốn ngăn cản con mình trước những tình yêu bông bột, non dại. Và chính những cô gái lòng xuân đang hơ hớ cũng cố nghe lời mẹ để giữ lấy mình.

Các cô đã kể lại điều đó:

Sáng ngày tôi đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng: “Cô ấy vội vàng đi đâu?”
Thưa rằng: “Tôi đi hái dâu.”
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
Thưa rằng: “Bác mẹ tôi răn:
Làm thân con gái chớ ăn trầu người!“​
Tuy từ chối, nhưng sự luyến ái giữa gái trai không phải đơn thuần. Khi bóng dáng một cô bé đã lọt vào vòng tình cảm rồi thì dẫu là một anh chàng nông phu hiền lành chất phác đến đâu cũng không thể vuốt bụng làm ngơ.

Anh ta nài ép:

Tiện đây đưa một miếng trầu,
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng!​
Nếu trước mặt không phải là một chàng trai quá xấu xí, làm sao người con gái kia có thể bóp chết tình cảm của lòng mình? Khi đã cầm đến miếng trầu thì:

Miếng trầu là nghĩa,
Thuốc xỉa là duyên.​
Từ lúc trao một miếng trầu làm quen, đến lúc thổ lộ tình cảm, của lòng mình chẳng còn bao xa nữa:

Miếng trầu ăn nặng bằng chì,
Ăn rồi em biết lấy gì đền ơn.​
Và tình cảm bắt dầu từ miếng trầu đi vào tâm tư, cho đến một ngày nào đó, lòng cô gái bỗng dưng cảm thấy:

Từ ngày ăn phải, miếng trầu,
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.
Biết rằng thuốc dấu hay bùa yêu,
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa!
Làm cho quên mẹ, quên cha,
Làm cho quên cửa quên nhà,
Làm cho quên cả đường ra lối vào,
Làm cho quên cá dưới ao,
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời!​
Tuy nhiên, người con gái cũng chẳng vừa gì, chính lòng họ cũng chứa dựng một nguồn ân bể ái. Vì nhiều lúc họ cũng dùng những miếng trầu trao duyên gởi vào những chàng trai làm cho những chàng trai kia phải điêu đứng tầm hồn vì họ:

Trầu này têm tối hôm qua,
Giấu cha, giấu mẹ đem ra mời chàng.
Trầu này không phải trầu hàng,
Không bùa không thuốc sao chàng không ăn?
Hay là chê khó, chê khăn,
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu!​
Làm thế nào ngăn cản được nhưng con tim đang rạo rực khi tình xuân chớm nở! Chúng ta đừng tưởng trong khung trời bao la bát ngát của đồng quê, mãnh lực ái tình không thể ngự trị! Chúng ta cũng đừng tưởng vẻ mặt ngây ngô của cô thôn nữ chẳng bao giờ biết thất thểu vì tình. Cái ngây ngô chất phác biểu lộ một cuộc sống không kiêu sa đài các mà trên phương diện ái tình cô gái đồng ruộng cũng như cô gái phòng khuê, đều có một tâm trạng giống nhau. Họ vẫn thấp thỏm trước tình yêu, mơ màng những phút giây ân ái.

Khát vọng ấy biểu lộ trong những câu hát thường ngày của họ, như:

Buồn tình cha chả buồn tình,
Không ai là bạn cho mình kiếm đôi.​
Khát vọng ái tình là bản năng thiên nhiên thì dù cô gái thời nào cũng thế. Có khác chăng chỉ là cái bề ngoài mà thôi. Cho nên, nếu ngày nay có những cô tiểu thư:

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,
Tựa cửa nhìn ra nghĩ ngợi gì?
(Thi nhân hiện đại)​
Thì ngày xưa cũng có những cô gái quê:

Gió đưa cây sậy nằm dài,
Ai làm thục nữ buồn hoài không vui?​
Ai làm họ buồn? Không ai cả! Có thể là một bóng trăng mờ, một tiếng chó sủa, một đoá hoa tàn, một giọt sương rơi... mà chúng ta gồm vào hai tiếng “tình yêu”.

Đây, chúng ta có thể tìm thấy trong muôn ngàn lý do của cái buồn ấy:

Đêm qua trời sáng trăng rằm.
Anh đi qua cửa em nằm không yên.
Mê anh chẳng phải mê tiền,
Thấy anh lịch sự có duyên dịu dàng.
Thấy anh em những mơ màng,
Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng sánh đôi.
Thấy anh chưa kịp ngỏ lời,
Ai ngờ anh đã vội dời gót loan.
Thiếp tôi ngơ ngẩn canh tàn,
Chiêm bao như thấy có chàng ở bên.
Tỉnh ra lẳng lặng hiển nhiên,
Tương tư bệnh phát liên miên cả ngày.
Ngỡ rằng duyên nợ đó đây,
Xin chàng hãy lại chơi đây chút nào.​
Và, còn biết bao nhiêu cái buồn khác nữa vấn vương lòng cô thôn nữ trong lãnh vực yêu đương?

Nếu ngày nay, thế hệ chúng ta, có một cô gái nào cảm thấy lòng mình bỗng dưng buồn rười rượi, vi cất tiếng ngâm nga:

Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn?
(Thi nhân hiện đại)​
Thì chính cô thôn nữ thời xưa cũng đã tìm thấy nỗi buồn len lỏi vào lòng mình:

Ngày ngày ra đứng bờ sông,
Sông xa, xa tít cho lòng em đau.​
Hoặc:

Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chớ mối ai?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.​
Còn đối với người nông phu thời xưa, ái tình có đem đến cho họ những nỗi buồn bâng quơ như các nàng thôn nữ chăng?

Thật ra, lãnh vực tình cảm không có gì chênh lệch. Họ buồn vì cảm thấy tình yêu của lòng mình mở rộng mà chưa đón nhận được bao nhiêu, họ buồn vì duyên kiếp con người chẳng bao giờ được toại nguyện. Nhưng yêu đương là một khát vọng không bờ bến, xưa nay từ bậc vua chúa đến dân giả chưa ai cảm thấy mình toại nguyện bao giờ?

Chính người bình dân cũng cảm thấy điều đó trong ý tưởng:

Trời sanh con mắt là gương,
Người ghét ngó ít, người thương ngó nhiều.

Ngó nhiều! Nhưng ngó đến bao giờ mới toại nguyện? Dù ngày nay khoa học có tiến bộ đến đâu cũng chẳng thể nào đo lường được! Sự si mê của tình ái chính lại là nguồn cảm hứng dẫn đến ước mơ.

Cho nên, chúng ta không lạ lùng khi thấy trong ca dao Việt Nam, bên cạnh những câu hát trữ tình vấn vương với mây ngàn cỏ nội, lại có những tâm hồn buồn rũ rượi trước mọi khát vọng yêu đương, đồng thời lại có những ước ao hão huyền xuyên qua ý sống, vượt lên trên hoàn cảnh thực tiễn con của người bình dân.

Ước gì anh lấy được nàng,
Thì anh mua gạch Bát Tràng anh xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.​
Một anh nông phu sống với con trâu thửa ruộng, cặm cụi suốt ngày, thế mà cũng mơ ước mua gạch Bát Tràng xây hồ bán nguyệt cho vợ rửa chân! Dĩ nhiên đó là những ảo vọng! Những ảo vọng ấy phát xuất ở tâm tư một chàng trai muốn tôn thờ ái tình như một linh tượng, mà điển hình là người đàn bà.

Chẳng những thế, khi ước mơ, tâm trạng người nông phu còn đi xa hơn nữa, có khi thần thoại hoá ái tình: 

Người yêu ta để trên cơi,
Nắp vàng đậy lại để nơi giường thờ.
Đêm qua ba bốn lần mơ,
Chiêm bao thời thấy, dậy rờ thời không!​
Mảnh trăng vàng sáng rực len lỏi bên song, giậu trúc lơ thơ lắc lư trước gió, đằng xa, nhà ai tiếng chày khua vọng lại suốt canh trường, một cặp gái trai đến độ xuân thì, khi đi biết nhau qua đôi lời ân ái thì làm sao có thể an lòng ngủ ngon giấc với những đêm trăng mơ mộng ấy? Ai đã sống với đồng quê, ai đã qua những đêm trăng nơi bờ ruộng hẳn không lấy làm lạ khi thấy tâm hồn những đôi trai gái mộc mạc kia rung lên những nguồn cảm giác lạ lùng:

Đêm khuya khêu ngọn đèn loan,
Nhớ chàng quân tử thở than mấy lời.
Mong chàng chẳng thấy chàng ơi!
Thiếp tôi trằn trọc vội dời chân ra.
Nhác trông trăng đã xế tà,
Đêm hôm khuya khoắc, con gà đã gáy sang canh.
Mong anh mà chẳng thấy anh,
Thiếp tôi buồn bã khêu quanh ngọn đèn!​
Nguồn cảm giác trong nhớ nhung giữa trai gái dồi dào đến nỗi chúng ta ngày nay không thu nhặt hết. Nếu Nguyễn Du đã tả nỗi buồn của nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích, Đoàn Thị Điểm cởi mở tâm tình của người chinh phụ mà được nhiều người chú ý, tại sao trong ca dao Việt Nam chúng ta, những tâm tư ấy đầy dẫy như một nguồn sống, chúng ta lại không tìm để thưởng thức:

Có đêm ta đứng đàng tây,
Trông lên lại thấy bóng mây tà tà!
Có đêm ra đứng vườn hoa,
Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh,
Có đêm thơ thẩn một mình,
Ở đây thức đã năm canh rõ ràng!
Có đêm tạc đá ghi vàng,
Ngày nào em chẳng nhớ chàng, chàng ơi!
Thương chàng, thương lắm, chàng ơi!
Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than.
Nhớ chàng như nhớ lạng vàng,
Khát khao vì nết mơ màng vì duyên.
Nhớ chàng như bút nhớ nghiên,
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông.
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng,
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây.​
Sự luyến ái giữa gái trai đối với người bình dân quả đã bộc lộ trong trạng thái tự do của bản năng tình cảm. Tuy nhiên, nếu bảo tâm tư luyến ái của người bình dân thời xưa là nguồn gốc của tính chất lãng mạn thì đó là một sai lầm.

Nói chung, con người bình dân không có tư tưởng lãng mạn. Ái tình lãng mạn là ái tình gây đổ vỡ, ái tình trong sự đòi hỏi những lạc thú riêng của cá nhân, còn người bình dân thời xưa, tuy được tự do luyến ái, nhưng lúc nào họ cũng cố đưa tình yêu mình đến chỗ chung thuỷ. Mà tình yêu chung thuỷ không bao giờ là tình yêu lãng mạn được.

Đây, chúng ta ghi nhận những ý tưởng của họ:

Đường dài ngựa chạy biệt tăm,
Người thương có nghĩa trăm năm cũng chờ.​
Tuy bản năng thiên nhiên thúc giục đưa tình yêu họ đến chỗ đắm đuối, nhưng họ không vì thú vui vật chất mà không nói đến nghĩa nhân.

Vậy nghĩa nhân theo quan niệm họ là gì?

Nó là sự chung thuỷ, sự giúp đỡ lẫn nhau trong lẫn nhau trong đời sống, sự hy sinh khổ cực để bảo vệ tình yêu. Bởi thế, khi yêu đương họ đã thề nguyền:

Đôi ta đã trót lời thề,
Con dao lá trúc đã kề tóc mai,
Dặn rằng: “Ai chớ quên ai!“​
Sự chung thuỷ đối với tình yêu của người bình dân trở thành một qui luật tất yếu về nhân sinh. Cho nên trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn thấy họ xem trọng:

Chén tình là chén say sưa
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu.
Lược tình em chải trên đầu,
Gương tình soi mặt làu làu sáng trong.
Ngồi buồn nghĩ đến hình dong,
Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta.
Duyên đôi ta thề nguyền từ trước.
Biết bao giờ ta được cùng nhau!
Tương tư mắc phải mối sầu,
Đây em cũng giữ lấy mầu đợi anh.​
Vì tình yêu gắn bó với nghĩa nhân, cho nên nhiều lúc họ dám xem nhẹ đời sống mình, xem nhẹ cả giàu sang để bảo vệ ý hướng của họ:

Hai tay cầm bốn Ông Tơ,
Dù năm bảy mối, cũng chờ mối anh.​
Chính là muốn nói đến cái nghĩa nhân ấy, nói lên sự chung thuỷ của tình yêu!

Họ vượt ra ngoài vòng danh lợi:

Thương nhau bất luận giàu nghèo,
Dù cho lên ải, xuống đèo cũng cam.​
Họ vượt ra ngoài lễ giáo:

Thương nhau cởi áo cho nhau.
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay!​
Tâm tư ấy, ai bảo là bản năng dục vọng? Không! Chính họ hy sinh để tìm cái nghĩa của chữ chung thuỷ trong tình yêu.

Cho đến những ý tưởng:

Anh ra về, em cũng muốn về theo,
Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm!​
Hoặc:

Anh về để áo lại đây.
Đêm khuya em đắp, gió tây lạnh lùng.​
Hay:

Ra về không lẽ về luôn,
Để khăn áo lại, lệ tuôn em chùi.​
Thì cũng không phải đo bản năng dục vọng, mà chính là người con gái muốn thổ lộ lòng chung thuỷ của mình đối với tình nhân.

Bởi vậy, khi một kẻ nào làm mất ý nghĩa chung thuỷ, của tình yêu, chẳng những bị tình nhân khinh khi, ghét bỏ, mà còn bị mọi người chê bai nữa:

Trách ai ăn giấy bỏ bìa,
Khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa.​
Họ đánh giá con người không chung thuỷ bằng những câu mỉa mai:

Chàng ràng chi lắm bướm ơi!
Đậu đâu bướm đậu một nơi cho rồi!​
Từ chỗ mỉa mai, khinh bỉ, họ đi đến chỗ oán ghét. Họ oán ghét không phải vì ích kỷ, tranh giành một quyền lợi nào trong xã hội, mà họ oán ghét vì kẻ ấy thiếu lòng chung thuỷ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đã thừa nhận người bình dân có một tình cảm bao la, chan chứa, thì chúng ta cũng lại thấy trong khối tình cảm ấy nực mùi cay đắng, phũ phàng đối với những gì mà họ cho là đáng ghét. Cho nên, khi thương thì thật nồng nàn, mà khi ghét cũng đối đãi thấm thía:

Yêu nhau yêu cả đường đi,
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.​
Nhưng tại sao người bình dân lại có cái ghét độc địa vậy?

Nếu chúng ta hiểu thấu tâm trạng họ thì cũng chẳng có gì lạ. Bởi vì người bình dân vốn đặt tình ái trên căn bản thuỷ chung, khi yêu họ đem hết tâm tư bảo vệ cho sự thuỷ chung. Kẻ không thuỷ chung chẳng những đã làm sai lạc ý nghĩa yêu đương mà còn để khổ cho kẻ chung tình nữa. Vì quá hy vọng nên họ quá thất vọng! Cái ghét độc địa của họ chính là sự phản ứng của tâm tư trong thất vọng ấy:

Cho nên:

Yêu nhau xé lụa may quần,
Ghét nhau kể nợ, kể nần nhau ra.​
Nếu ngôn ngữ loài người “thương”, “ghét” là hai trạng thái tương phản hoàn toàn, thì chính ngôn ngữ ấy đã phản ảnh đầy đủ trong tâm tư người bình dân:

Thương thì quạt giấy cũng cho,
Ghét thì quạt mo cùng đòi.​
Và, nếu trong lúc thương họ xem nhẹ giàu sang, danh lợi thì lúc ghét họ cũng chẳng màng đến tiền của, lợi danh:

Yêu nhau trầu vỏ cũng say,
Ghét nhau cau đậu đầy khay chẳng màng.​
Rõ ràng tình cảm của họ không bị ánh sáng vật chất làm méo mó, và đó cũng là đặc tính của người bình dân. Cái thương, cái ghét của họ là phản ảnh trung thành của bản chất con người trong ý sống.

Tóm lại, luyến ái quan của người bình dân thời xưa, nếu họ tỏ ra đắm say trên đường ân ái, nếu họ liều lĩnh trong lúc yêu đương, nếu họ xem thường mọi gian khổ, nếu họ xem nhẹ giàu sang, thì cũng chỉ với mục đích duy nhất là đạt cho được cái nghĩa thuỷ chung trong tình ái. Chữ “tình” đối với họ luôn luôn gắn liền với “nghĩa”, và “nghĩa” mới chính là cái gì cao cả để họ tôn thờ.

Đạt được tính chất của quan điểm luyến ái, chúng ta không còn gì thắc mắc khi thấy trong ca dao Việt Nam phần nhiều phảng phất một ý niệm vươn lên chỗ cao đẹp ấy.

Ví dụ như:

Tình thương quán cũng như nhà,
Lều tranh có nghĩa hơn toà ngói sen.​
Và chính họ cũng đã giải thích cho chúng ta thấy thế nào là có nghĩa nữa. Sự giải thích của họ hàm chứa trong những câu như:

Cầm vàng mà lội qua sông,
Vàng rơi không tiếc, tiếc công anh cầm!​
Nhìn một cành hoa, họ không ca tụng cành hoa đẹp, mà họ ca tụng cái công của người trồng hoa. Một đoá hoa rơi, họ không mến tiếc đoá hoa ấy mà mến tiếc công lao kẻ đã săn sóc! Như vậy, chúng ta không thể bảo rằng người bình dân thời xưa không có một luyến ái quan?

Tinh thần trọng nghĩa của họ chói ngời trong những ý tưởng, như:

Dao vàng cắt ruột máu rơi,
Ruột chưa đau mấy bằng lời em than!​
Con người sống để mà thương nhau, an ủi nhau. Đó là tình thân của con người đối với con người. Tình ái là sợi dây gắn bó giữa gái trai, nhưng nếu nó vượt ra ngoài tình thuỷ chung mà họ gọi là “nghĩa” thì cũng chẳng có gì tốt đẹp nữa.

Vậy quan niệm thuỷ chung trong tình yêu trai gái của người bình dân thời xưa do đâu mà có?

Muốn khảo sát điểm này trước nhất chúng ta thử nhìn vào chân trời yêu đương của loài người bằng con mắt khách quan đã.

Trong lãnh vực ấy, tính chất luyến ái con người chúng ta có thể chia ra làm ba quan niệm: quan niệm duy năng, quan niệm duy lý và quan niệm duy mỹ.

1) Duy năng:

Tình yêu bắt đầu khởi điểm từ bản năng thiên nhiên.

Tất cả mọi sinh vật trong vũ trụ đều ảnh hưởng tính chất truyền giống, nhưng những sinh vật có cảm giác tự thấy có cái gì khác lạ hơn, đó là sự luyến ái. Vậy sự luyến ái là do bản năng thiên nhiên, cho nên phái duy năng chủ trương đưa tình yêu con người trở về gần với thiên nhiên.

Con người duy năng tách bỏ mọi ràng buộc xã hội đối với yêu đương, họ bất chấp mọi sự phê phán, họ chỉ làm những gì mà bản năng họ thích. Họ lý luận rằng con người sống để mà sống chứ không phụng sự cho ai cả. Họ chủ trương phá bỏ mọi kềm hãm trên con người, nhất là ở phương diện luyến ái. Họ không đi tìm cái đẹp, chỉ đi tìm cái thích.

Tuy nhiên, quan niệm ấy không thể tồn tại trong xã hội loài người, vì loài người khác loài vật ở chỗ con người sống phải có tổ chức xã hội. Dù muốn dù không, loài người cũng không thể sống với một cuộc sống hỗn độn, tranh chấp nhau vì bản năng dục vọng. Vì thế mà quan niệm luyến ái con người đưa đến chỗ duy lý.

2) Duy lý:

Con người duy lý sống bằng lý trí chứ không bằng tình cảm. Họ dùng lý trí đàn áp bản năng, bắt bản năng phải phục tùng theo một chiều hướng lý trí cho là cao cả, tốt đẹp. Họ cho con người sống để phụng sự nhân loại chứ không phải để phụng sự cá nhân. Do đó bản năng con người đã không được chú ý tới, mà còn bị xem như một cái gì hèn hạ, đê tiện nhất của dục vọng. Họ dùng lý trí đưa tình yêu đến chỗ cao thượng, chối bỏ mọi đòi hỏi của bản năng con người.

Trên mặt lý thuyết, dĩ nhiên quan niệm này rất tốt đẹp, bởi vì nó đem lại cho xã hội loài người một đạo lý vị tha, một tinh thần nhân loại, hy sinh tiểu ngã để phụng sự đại ngã. Nhưng trên mặt thực tế gặp nhiều trở ngại. Cái trở lực thứ nhất là đàn áp bản năng thiên nhiên, khiến bản năng thiên nhiên phản ứng, mà đối với lý trí không sao kềm hãm nổi, làm cho đạo lý tốt đẹp kìa trở thành giả dối, chỉ tốt bề ngoài. Cái trở lực thứ hai nhằm vào ý thức chính trị, Bởi vì xã hội loài người từ trước đến nay chưa có một đạo lý nào được loài người công nhận là chân lý cả. Những gì người ta gọi là chân lý xưa nay chẳng qua là những lý thuyết độc tài của một lớp người nào đó dùng để không chế tư tưởng quần chúng, tạo ra một ý-thức-hệ có lợi riêng cho địa vị xã hội của họ.

Vì những lẽ trên, quan niệm duy lý trong ái tình bị hai phái duy năng và duy mỹ đả phá.

3) Duy mỹ:

Con người duy mỹ không thừa nhận có tình yêu lý tưởng. Họ tách rời ý thức xã hội và ý thức con người. Họ cho xã hội chỉ là guồng máy để giữ trật tự cho đời sống con người, ngược lại, con người có hoàn toàn quyền tự do hưởng thụ theo bản năng, miễn là không làm xáo trộn trật tự xã hội. Họ chủ trương khai thác những dục vọng tình ái, tìm kiếm những cái đẹp vật chất trong cơ thể con người, và ca tụng tình ái trên thần tượng của thể xác.

Tuy nhiên, quan niệm này lại đưa cuộc sống con người đi dần vào đường truỵ lạc, tuy họ không chủ trương đả phá trật tự xã hội, mà thực ra chính họ đã làm rắc rối cho guồng máy xã hội do hành động hưởng thụ của họ.

*​

Tóm lại, ba quan niệm luyến ái trên có ba tính chất đặc biệt. Quan niệm duy năng thì chỉ biết có cá nhân mà không biết có tập thể. Quan niệm duy lý thì chỉ biết có tập thể mà không biết có cá nhân. Quan niệm duy mỹ thì chủ trương tập thể vì cá nhân được đồng đều tôn trọng. Song cả ba quan niệm, cuối cùng đều gặp những tai hại không thể đạt được chân lý.

Trở lại quan niệm luyến ái của người bình dân thời xưa thì sao?

Trong phần khảo sát tâm tư, chúng ta đã thấy người bình dân Việt Nam sống trong hoàn cảnh tự do luyến ái. Sự gần gũi giữa gái trai khiến hộ có đủ điều kiện trao đổi cảm tình, lựa chọn người yêu, và còn có thể gởi gắm tâm tư mình với tình nhân trước khi thành gia thất.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bảo là họ có quan niệm duy năng, hay duy mỹ được, vì chính họ không có quan niệm tôn thờ bản năng dục vọng như phái duy năng, cũng không đi tìm cái đẹp chơi vơi của thể xác để ca tụng hoặc hưởng thụ như phải duy mỹ, mà họ đặt ái tình vào một quan niệm riêng của họ là đạo nghĩa.

Có người quan niệm rằng tinh thần đạo nghĩa của người bình dân Việt Nam trước kia do ảnh hưởng học thuyết duy lý của Khổng Mạnh.

Nói như thế chỉ đúng một phần nào. Thực ra quan niệm đạo nghĩa của người bình dân Việt Nam trước đây không mang ý thức căn bản của thuyết duy lý Khổng Mạnh.

Trước hết, chúng ta thấy cần bàn của thuyết Khổng Mạnh bài trừ chế độ tự do luyến ái, trai gái không được gần nhau, yêu nhau trước khi thành gia thất.

Còn quan niệm “nam nữ tương thân” là cả bầu trời tự do, phá vỡ mọi ràng buộc đối với ái tình.

Mặc khác, Nho giáo chủ trương đạo vợ chồng với ý thức phụ quyền, coi người đàn bà là phụ thuộc trong đời sống người đàn ông, do đó người đàn ông trọn quyền định đoạt số phận người đàn bà trên phương diện tình ái. Người bình dân thời xưa đã chống lại ý thức ấy, và quan niệm đạo nghĩa như một sự bình đẳng giữa gái trai. Người đàn ông và người đàn bà đều có quyền hạn và bổn phận ngang nhau.

Khi ý thức căn bản đã khác biệt, chúng ta không thể coi quan niệm đạo nghĩa của người bình dân Việt Nam trước kia ảnh hưởng do giáo lý Khổng Mạnh được.

Chúng ta có thể kết luận rằng:

Luyến ái quan con người bình dân Việt Nam thời xưa là luyến ái quan duy lý, nhưng trái hẳn với luyến ái quan duy lý của Nho giáo ở chỗ, họ “duy lý” nhưng phải cấu tạo trên căn bản:
Tự do luyến ái, bình đẳng hôn nhân.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại