Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Giải thích câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng” (1)

Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết ra biết bao bài học hay và sâu sắc như bài học về lòng hiếu thảo, sự kiên trì, lòng dũng cảm,..và một trong số đó chính là tinh thần đoàn kết, sẻ chia. Có thể nói, dân tộc ta là một dân tộc giàu truyền thống thương thân, thương ái, lịch sử hàng nghìn năm qua đã chứng minh cho câu tục ngữ của thế hệ trước:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Có lẽ, mỗi chúng ta, ai cũng đã từng nghe đến hai loại quả “bầu” và “bí”, đó là hai thứ khá quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam. Cả hai loại quả này đều thuộc dạng cây leo, sống trên giàn. Ở đây, ‘chung một giàn” tức là chúng được người nông dân đem trồng chung trên một giàn cây. Vượt ra khỏi tầng nghĩa ấy, “bầu” và “bí” có thể hiểu là những con người với những hoàn cảnh khác nhau, đến từ những nơi khác nhau, không cùng chung nòi giống, dòng máu,..Hai câu ca dao ngắn gọn nhưng giống như một lời đề nghị tha thiết, chân thành của những người bạn gắn bó sâu sắc, “tuy rằng khác giống” tuy không cùng bản sắc nhưng “chung một giàn” tức là cùng sống trong một tập thể, một xã hội thì hãy “thương” lấy nhau hay chính là giúp đỡ, sẻ chia, đùm bọc nhau cùng vượt qua khó khăn, thử thách, cùng tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc.

Khi ta sống trong một tập thể, một gia đình, một đất nước,..thì mọi con người trong tập thể ấy đều phải có cùng chí hướng, cùng lý tưởng để đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu. Muốn vậy thì bất cứ ai bên cạnh việc ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình thì cũng phải ý thức được một điều quan trọng không kém, đó chính là tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau. Nó chính là chiếc chìa khoá để ta có thể vượt qua bất kỳ khó khăn, gian nan, thử thách nào. Có thể thấy rất rõ, mỗi khi Tổ Quốc lâm vào hoàn cảnh gian nan, tinh thần ấy lại sôi sục, cuộn trào lên mạnh mẽ. Trong thời chiến, nhân dân ta đã góp gạo, xây dựng chiến luỹ, đồng lòng cùng chiến sĩ đánh giặc, bảo vệ đất nước. Ngày nay, trước mỗi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhân dân ta lại cùng nhau tổ chức các chương trình, xây dựng quỹ từ thiện để giúp đỡ một phần hoàn cảnh những mảnh đời bất hạnh.

Một con người không thể tự mình vượt qua bao khó khăn, thử thách mà cuộc đời đặt ra, trong hoàn cảnh ấy, bất cứ ai cũng sẽ cần một bàn tay nắm lấy mình, cùng mình vượt qua. Khi ta nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia, ta sẽ như có thêm sức mạnh để thực hiện được mục đích của mình, ta có thêm sự tự tin để thể hiện bản thân. Chắc hẳn, sẽ khó có ai mà quên được kỳ tích U23 Châu Á vừa qua, những chàng “dũng sĩ” đã đem lại niềm vui, làm dạng ranh dân tộc. Để làm nên kỳ tích ấy, bên cạnh sự quyết tâm, tin tưởng, dũng cảm chiến đấu hết mình, thì không thể không kể đến tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, vượt qua những giờ phút gian nan, khắc nghiệt để đi đến thành công. Sẽ chẳng có một ngôi sao nào toả sáng trên đất Thường Châu ngày ấy nếu không có những ngôi sao khác cùng nhau thắp lên, cùng nhau hỗ trợ cho ngôi sao ấy sáng rực rỡ. Đúng hư câu nói “Đoàn kết là sức mạnh”, mỗi một ngọn lửa sức mạnh nhỏ kết lại với nhau sẽ thành một ngọn đuốc rực cháy với sức mạnh phi thường, và chính lịch sử dân tộc từ xưa đến nay đã cho thấy điều đó.

Ngoài ra, hơn tất cả, cuộc sống này vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn cần đến sự giúp đỡ, sẻ chia. Có những người sinh ra đã thiệt thòi, không được may mắn như những người khác, vậy nên, một tấm lòng, một tình yêu thương, một sự giúp đỡ sẽ là ngọn lửa để họ sưởi ấm, lấp đầy trái tim lạnh giá, thiếu thốn này. Hãy cho đi và ta sẽ nhận lại xứng đáng. Thế hệ chúng ta hôm nay, cần giữ gìn và phát huy tinh thần thương thân thương ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau bằng cách luôn mở lòng, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo để phân biệt được cái đúng cái sai, cái thật cái giả. Tránh ngông cuồng, cổ xuý cho những hiện tượng mà đi ngược lại với quy luật đất nước, không nên sống vô cảm, thờ ơ, ích kỷ. Những con người như vậy sẽ vĩnh viễn chẳng thể nào có được tình yêu thương, sự sẻ chia từ những người xung quanh.

Cây có một chiếc lá thì không thể gọi là cây, nhưng nhiều chiếc lá thì có thể sẽ thay đổi được kết quả. Dù những chiếc là gặp gỡ nhau có là lá lành hay lá rách, thì khi tụ chung lại, chúng vẫn cùng ở trên một chiếc cây, cùng mang lại màu xanh, mang lại sức sống cho cây. Vậy thì bạn sẽ chọn là chiếc lá duy nhất hay sẽ chọn là một chiếc lá bất kì trong vô vàn chiếc lá khác?

tửu tận tình do tại
863.84
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Giải thích câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng” (2)

Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng tương thân tương ái, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đó là truyền thống quý báu đã trở thành đạo lý ngàn đời của nhân dân ta. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là ở kho tàng văn học dân gian với nhiều câu tục ngữ, ca dao bắt đầu từ nguồn mạch ấy. Câu ca dao dưới đây là một ví dụ điển hình nhất:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Để gửi gắm lời khuyên cho thế hệ mai sau về tình yêu thương, sự che chở, đùm bọc nhau, cha ông ta đã sử dụng hai hình ảnh rất đỗi bình dị, quen thuộc là “bầu” và bí. “Bầu”, “bí” vốn là tên hai loại cây thân leo được trồng để lấy quả rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. “Bầu” và “bí” mặc dù khác nhau về giống nhưng do cùng là thân leo lại có chung những đặc điểm thích nghi nên chúng thường được trồng cùng với nhau, có nghĩa là “chung một giàn”. Vậy tại sao “bầu” và “bí” “khác giống” nhưng phải thương lấy nhau. Câu trả lời là bởi vì chúng cùng ở “chung một giàn” tức là chung nhau địa điểm, không gian. Chúng cùng chịu những tác động như nhau từ điều kiện khí hậu cho đến đất đai, nguồn nước. Như vậy, hoàn cảnh sống của chúng là hoàn toàn giống nhau, chúng là những kẻ cùng chung cảnh ngộ. Bầu khô cằn thì bí cũng chẳng thể tươi xanh, bí phải chết rũ thì bầu cũng sẽ không thể sống tiếp. Chính vì vậy, bầu thương bí cũng chính là thương mình!

Câu ca dao nói về bầu và bí, nhưng ông cha ta không đơn thuần nói chuyện cỏ cây. Bầu và bí là hình ảnh ẩn dụ được sử dụng để nói về con người. Cũng giống như bầu, bí, chúng ta tuy không cùng cha mẹ sinh ra, không phải anh em ruột thịt (khác giống) nhưng chúng ta lại sống trong cùng một tập thể, đội nhóm, một làng xã, đất nước (chung một giàn). Chúng ta có chung môi trường, điều kiện sống, chung nguồn cội, giống nòi, cùng chịu chung những ảnh hưởng, tác động tích cực và tiêu cực từ điều kiện tự nhiên, xã hội. Bầu hãy thương lấy bí hay chính là những con người trong cùng một đơn vị, một cộng đồng, một tập thể phải thương yêu nhau, tương trợ lẫn nhau. Thực chất, thương người cũng chính là thương mình. Chỉ khi tập thể hay rộng ra là xã hội, đất nước phát triển thì chúng ta, cá thể tồn tại trong đó mới có cơ sở để phát triển. Chính vì tầm quan trọng của tinh thần sẻ chia, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, ông cha ta cũng không ít lần nhắc nhở con cháu:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
hay:
Ai ơi nhớ lấy câu này
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta thưở trước là minh chứng lớn lao nhất cho điều này. Nếu không có tinh thần yêu thương, đùm bọc nhau thì sẽ chẳng bao giờ có những tấm gương kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh thân mình vì tổ quốc; dân tộc ta cũng không thể đánh bại các cường quốc hùng mạnh bảo vệ độc lập, chủ quyền nước nhà. Và tất nhiên, nếu không có phép màu của sự đồng lòng, bao bọc lẫn nhau, Việt Nam chỉ là một thuộc địa nhỏ bé, con dân nước Nam, không riêng người nào, chỉ là những kẻ nô lệ mà thôi.

Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống cha anh đi trước, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau vẫn luôn ngời sáng. Rất nhiều chương trình thiện nguyện được tổ chức, phát động ở khắp nơi trên cả nước nhằm tạo ra sự kết nối sẻ chia với những mảnh đời, hoàn cảnh kém may mắn như: chương trình kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, chương trình Trái tim cho em trên truyền hình đem lại hi vọng sống cho các em bé bị tim bẩm sinh, chương trình Áo ấm vùng cao quyên góp áo quần cho đồng bào vùng cao trong mùa đông…Cuộc sống ngày càng phát triển tuy nhiên không phải ai cũng giàu có, may mắn như nhau. Chỉ bằng một hành động nhỏ, một nghĩa cử đẹp sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” là chúng ta đang góp phần xoa dịu những đau khổ, đem lại hạnh phúc, may mắn cho những con người bất hạnh hơn. Xã hội khi ấy chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ đáng sống hơn rất nhiều.

Tình thương có sức mạnh cảm hoá, sức mạnh tái tạo vô cùng to lớn. Nó có thể thay đổi cả một con người thậm chí thay đổi cả một đất nước. Vậy mới thấy hết những lời răn dạy của cha ông qua câu ca dao trên là cần thiết và mang ý nghĩa to lớn biết chừng nào. Con người đừng khư khư ôm thói ích kỉ cá nhân mà quên đi mình đang sống trong tập thể, cộng đồng. Chỉ có đồng cảm và sẻ chia mới mang lại cho bạn, cho tôi, cho chúng ta một cuộc sống ý nghĩa, đáng quý hơn.

tửu tận tình do tại
114.55
Chia sẻ trên FacebookTrả lời