Tên Từ Viễn là học trò ở ấp Trường Sơn, nhơn lúc loạn đổi dòng vua, bỏ nhu học qua nghề thầy pháp, xa gần đều nghe tiếng. Trong ấp có một ông nhà giàu, sắm lễ vật, viết thơ cho ngựa đi rước, Từ Viễn hỏi rước việc gì, tên đầy tớ nói không biết, chủ tôi biểu làm sao cũng mời thầy cho đặng.

Từ Viễn tới nơi thì thấy bày yến tiệc, thết đãi trọng hậu, mà chủ nhà cũng chẳng nói vì cớ gì mà rước. Từ Viễn không yên hỏi hoài, chủ nhà nói không có chuyện chi, cứ mời tượu, đàm đạo nghiêm trang, nói chuyện dông dài. Chẳng dè trời vừa tối, chủ nhà xin dời tiệc vào trong vườn. Vườn ấy trồng cây cối kiểng vật xinh tốt, đẹp đẽ; giữa vườn cất một cái nhà cũng đẹp, mà trên ván bửng bụi đóng, lưới nhện giăng, coi ra cũng buồn.

Uống vài chập, chủ nhà dạy thắp đèn, Từ Viễn xin kiếu không dám uống nữa. Chủ nhà dạy bãi rượu pha trà, tôi tớ lật đật cất dọn bát chén, đem để bên ghế trà. Uống nước chưa được nửa chừng, chủ nhà nói có việc xin kiếu, bèn bỏ thầy ấy ở đó mà đi. Tên đầy tớ nán lại giây lâu rồi bưng đèn đem thầy đi ngủ bên mái tả, để đèn trên bàn rồi cũng sấp lưng ra đi, coi ý lếu láo.

Chú thầy tưởng có khi nó đi lấy mền tới mà ngủ chung cho có bạn. Té ra đợi mỏi mê không thấy thằng đầy tớ, mà nhà thì vắng vẻ quạnh hiu; chú thầy mới dậy đi đóng cửa. Ngoài song trăng sáng giọi vào giường, nghe dẳng dõi những tiếng trùng tiếng dế, trên câu thì nghe những tiếng chim cú chim mèo, chú thấy rởn óc lạnh mình, bồi hồi ngủ không yên giấc.

Còn tên ván bửng thì nghe tiếng đi đạp rầm rầm, một hồi thấy thòng xuống một cái thang, lần lần đem dựa một bên cửa mạch, chú thấy sợ, mau mau lấy mền trùm đầu nằm không cục cựa.

Xãy nghe tiếng mở cửa, chú thầy hé mền dòm ra, thấy cửa mở hoát, có một con gì không biết, đầu thú mà mình người, cao như ngựa, lông lá xồm xàm, đen thui, nanh vuốt chẻm chẻm, con mắt có ngời, đi ngay vào chỗ để bát dĩa ăn hồi chiều tối, cúi xuống mà liếm đồ ăn dư, nó liếm một cái hết mấy cái bát dĩa.

Liếm sạch bát dĩa rồi nó chạy bên giường chú thầy nằm, nó ngửi mền chú thầy. Chú thầy hoảng kinh tốc mền chụp đầu con quái ấy, ôm đó mà la. Con quái ấy bị chụp mền thình lình, cũng hoảng kinh giựt đầu ra mà chạy mất.

Chú thầy sảng sốt mang áo chạy đi trốn, té ra cửa vườn đóng chặt, ra không đặng, bèn leo vách tường mà ra nhằm chỗ tàu ngựa. Thằng giữ ngựa thấy chú thầy bơ vơ, nó cũng nghi; chú thầy mới nói các việc rồi lại xin ngủ nhờ.

Trời gần sáng chủ nhà cho người đi thăm, không có chú thầy, chủ nhà phát nghi kiếm táo tác, gặp chú thầy ở trong nhà ngựa. Chú thầy giận lầm bầm nói rằng: “Tôi, phép gì cũng làm đặng, ngặt có một chuyện trừ yêu quái, tôi chưa quen cho mấy, ông mời tôi, ông không nói trước, ông hiểm như vậy nghĩa là ông giết tôi đó; phải tôi hay trước, tôi đem đồ nghề tôi theo, tôi có sợ nó ở đâu.”

Chủ nhà chịu chẳng phải mà rằng: “Tôi chỉ sợ nói thiệt, thầy không chịu làm, cũng không dè trong túi thầy có đồ nghề, thiệt tôi có lỗi với thầy nhiều quá.”

Chú thầy không bằng lòng quày quả mượn ngựa mà về.

Từ ấy yêu quái trong vườn cũng tuyệt. Mỗi khi chủ nhà dọn đãi khách trong vườn, đều cười mà nói với khách rằng mình chẳng quên công ơn thầy Từ Viễn.

Sách dị sử bàn rằng: như lão thấy ấy làm hoảng ôm mền chụp đầu con thú, miệng la bãi bãi rồi liền giấu phứt đi, đừng có nói tới chuyện sợ sệt, một nói lớn lối rằng: Mình đã đánh đuổi nó được, thì thiên hạ cũng tin chắc là thầy cao tay ấn không ai bì.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]