Tần Thỉ Hoàng đánh nước Triệu lấy hết năm thành, sau nghe Triệu có ngọc bích, quốc thơ qua Triệu biểu đam dâng ngọc bích thì trả năm thành. Tướng nước Triệu là Lạng Tương Như phụng sứ đam ngọc sang đổi, Tần Thỉ Hoàng thấy ngọc bích lấy làm châu báu, ngọc muốn lấy mà thành không muốn trả.

Lạng Tương Như lập thế lấy ngọc bích lại, cho người giả ăn mày, lọt ra khỏi thành đem về cho Triệu. Bữa sau Tần Thỉ Hoàng đòi Lạng Tương Như vào hỏi ngọc, Lạng Tương Như khẳng khái nói vua muốn ngọc thì trước phải giao năm thành, cho có chữ làm tin.

Tần Thỉ Hoàng thạnh nộ hỏi: “Nhà ngươi có biết Thiên tử chi nộ chăng?”

Lạng Tương Như tâu dám hỏi. Tần Thỉ Hoàng nói: “Thiên tử chi nộ thì là lưu huyết bách bộ, bộc thi thiên lý” (Nghĩa là Thiên tử giận, máu chảy trăm bước, thây phơi ngàn dặm).

Lạng Tương Như hỏi: “Vậy Thiên tử có biết thất phu chi nộ ra làm sao chăng?”

Tần Thỉ Hoàng làm thinh, Lạng Tương Như trợn con mắt lên nói: “Thất phu chi nộ thì lưu huyết ngũ bộ, bộc thi thị nhơn” (Nghĩa là đứa hèn giận, máu chảy năm bước, bày thây hai người).

Tần Thỉ Hoàng thấy người khí khái cũng kiêng mà cho về.

Ấy Lạng Tương Như hườn Triệu bích, cho nên bây giờ có mượn có lấy vật gì mà hẹn trả, thì người ta hay viết chữ phụng bích hay là bích hườn.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]