Anh em họ Thương, một người giàu một người nghèo, nhà ở khít vách.

Đời vua Khương Hy, năm mất mùa, người em thút mút, lo được bữa trưa không bữa tối. Có một bữa mặt trời đã xế qua, mà chưa có gạo nấu, người em đói bụng xăng văng không biết làm sao. Người vợ biểu qua bên anh mà xin gạo, người chông nói: “Xin uổng công, phải anh tao thấy tao nghèo mà biết thương, thì có đâu đến nỗi nầy.”

Người vợ không nghe biểu một hai đi, người chồng cực chẳng đã sai con qua một hồi lâu trở về tay không. Người vợ hỏi con qua bên ấy bác nói làm sao? Đứa con nói: “Bác trai dùng dằng ngó mặt bác gái, bác gái nói anh em ở tư riêng, ai có nồi nấy, không ai có sức mà lo bao đồng.”

Vợ chồng người em làm thinh, góp nhóp tấm manh vành sắt bán lần, đổi lấy từ hột tấm mà ăn.

Trong làng có quân hoang thấy người anh giàu có, nửa đêm leo vách tường vào nhà, vợ chồng người anh sợ hãi la làng, xóm giềng đều ghét không ai thèm tiếp cứu; túng lắm phải kêu em. Người em nghe tiếng chị dâu kêu muốn chạy qua, mà người vợ cản lại la lớn lên mà rằng: “Anh em đều có tư riêng, phải ai tai nấy, ai lại biết ai.”

Giây phút ăn cướp phá cửa, bắt hai vợ chồng người anh trói lại, khêu đèn chai mà hỏi của. Hai vợ chồng kêu khóc khốn nạn, người em nóng ruột nói rằng: ‘Dầu anh mình ở vô tình, cũng chẳng lẽ cho mình làm thinh mà không cứu.”

Nói rồi liền đem con nhảy qua tường la lớn tiếng, ăn cưới biết tiếng người em có nghề võ giỏi, lại sợ làng xóm tới tiếp, liền kéo nhau đi mất. Coi lại cổ vế chị dâu đều cháy nám, người em lật đật kêu tôi tờ đỡ lên giường rồi mới ra về; người anh cũng bị thương tích, mà của cải không mất món gì, mới nói với vợ rằng: “Nay của mình còn lại, là nhờ thằng em, ấy là của nó cho mình, phải chia ra mà cho nó.”

Người vợ nói: “Phải có anh em tử tế, đã không đến nỗi phải chịu đau đớn như vầy.”

Người em hết gạo nấu, có ý trông anh trả ơn, té ra đợi càng lâu càng vắng, người vợ chịu không được, biểu con xách mủng theo; bác cho đặng có một nồi, người vợ chê ít muốn trả lại, người chồng can kho6ngcho trả.

Cách vài tháng đói thét chịu không nổi, người em nói với vợ rằng: “Nay mình hết kế, còn có một căn nhà, thôi ta bán đứt đi cho anh hai, có lẽ anh hai sợ ta đi đi, không chịu mua mà cho ta giống chi chăng; ví dầu anh hai có mua, thì ta cũng có tiền mà nuôi mạng sống.”

Người vợ cũng lấy làm phải, bèn sai con cầm giấy qua nhà người anh. Người anh bàn với vợ rằng: “Dầu em mình có bụng bất nhơn, sao cũng là tay chơn mình, nó đi đi thì mình quạnh quẻ, chi bằng trả giấy mà châu cấp cho nó.”

Người vợ rằng: “Nó dợm đi là có ý rúng mình, như mình chịu châu cấp thì là mắc mưu nó; trong thiên hạ những người không anh không em đều phải chết hết đi sao? Ta cơi vách tường lên cho cao, sửa nhà lại chắc chắn thì cũng vững bền, thôi chiu mua cho nó mà nới nhà ra cho rộng, để nó đi đâu mặc nó.”

Hai vợ chồng bàn luận xong rồi, liền kêu người em so danh điểm chỉ, giao tiền bạc đủ số. người em bán nhà rồi, bèn dời qua làng khác mà ở, quân hoang nghe người em đi, lại rủ nhau tới đánh bắt người anh làm khổ sở, bao nhiêu vàng bạc phải đem ra mà chuộc mạng. Đến khi ăn cướp ké đi, lại khai cửa vựa, kêu nhà nghèo lối xóm tới mặc ý xúc, trong giây phút lúa sạch còn vựa không.

Qua ngày sau người em hay đặng chạy qua, thì người anh đã bất tỉnh nói không ra tiếng, mở mắt thấy em lấy tay cào chiếu mà thôi, một hồi liền tắt hơi. Người em giận lắm đi kiện tại huyện, mà ăn cướp thì đã trốn xa không bắt chi được. Còn những người xúc lúa kể hơn một trăm, thì là những dân nghèo khổ trong làng, quan huyện cũng không biết xử làm sao.

Người anh chết để lại một đứa con mới được năm tuổi, nhà nghèo rồi, nó cứ qua bên nhà chú mà ở, năm bảy ngày cũng không về, đưa nó về thì nó khóc, thiếm nó cũng không ngó tới. Người chồng nói cha mẹ nó bất nghĩa, nó có tội gì, bèn mua bánh mà đưa nó về.  Cách ít bữa người em lại lén vợ con, đội lúa qua cho chị dâu, dặn phải nuôi cháu, cứ việc làm như vậy một hai năm, cho đến khi chị dâu bán được nhà có tiền ăn, mới thôi qua lại.

Sau mất mùa nữa, thiên hạ chết đói đầy đàng, nhà người em thêm miệng ăn càng thêm bẩn chật. Khi ấy con người anh được 15 tuổi yếu đuối không làm gì đặng, người em biểu đi theo con mà bán bánh.

Một đêm người em nằm chiêm bao thấy anh tới, mặt mũi thảm sầu mà nói rằng: “Anh nghe lời đờn bà, hoá ra mất nghĩa anh em, em đừng tưởng tới chuyện cũ mà thêm điều hổ thẹn cho anh; nay chỗ nhà cũ bán đi mà hãy còn bỏ không, em phải mướn mà ở, đàng sau chỗ cỏ mọc rậm có chôn tiền, em đào lên mà làm vốn, đem con anh về mà nuôi, còn mẹ nó thì bỏ đi đừng ngó tới.”

Người em thức dậy lấy làm kì, chịu nhiều tiền cho chủ, mướn được nhà cũ anh, kiếm phía sau đào được năm tram quan tiền. Từ ấy mới bỏ nghề cũ, biểu con cháu hai đứa lập tiệm buôn bán. Cháu thông minh tính toán giỏi mà lại thiệt thà, một đồng tiền cũng không dám khuất lấp.

Một bữa tên cháu xin lúa cho mẹ, thiếm nó không muốn cho, chú nó thấy cháu hiếu thảo đem lòng thương, liền cho nó tiền tháng để châu cấp mẹ nó. Trong năm bảy năm, chú nó làm nên giàu có. Sau mẹ nó chết, chú già cả bèn chia đôi gia tài mà cho cháu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]