Thuở xưa, nước Roma giàu mạnh, nhứt thống cả phương Tây cũng như Trung Quốc nhứt thống cả phương Đông.

Các vua đời ấy thường ngự giá thân chinh, đánh đông dẹp bắc, thiên hạ đều tùng phục.

Có một ông Hoàng đế đồng binh thuyền ngự đi đánh phương Nam. Tiền đạo bắt đặng một đảng căn cướp biển, dẫn đầu đảng đi nạp. Hoàng đế phán hỏi tên đầu đảng sao chẳng biết bổn phận, cả gan cướp phá làm rối thiên hạ, chẳng biết gớm búa đao, chẳng kiêng oai Thiên tử.

Tên đầu đảng trợn mắt đáp lại rằng: “Biết ai là Thiên tử, biết ai là thất phu. Bệ hạ thuyền thông, đánh phá thiên hạ được nhiều, kêu là Thiên tử; nhà mình binh thuyền ít, phải bệ hạ bắt, thì kêu chỉ danh là ăn cướp; như lấy dự thể mà luận, thì có khác chi nhau. Người ta nói: Phú quí sanh lễ nghi, bần cùng sanh đạo tặc. Con người được giàu sang, mạnh mẽ, làm ra nghi lễ rồi, ai còn dám gọi là trái chơi.”

Trong nước lại có một ông Hoàng đế hay lễ hiền hạ sĩ, nghĩa là kính kẻ hiền, khiêm nhượng cùng kẻ sĩ, không hay làm bệ vệ, mà bổn tánh hay diễu cợt.

Có một người nghèo tới xin tiền, hoàng đế phán hỏi muốn xin bao nhiêu. Tên nhà nghèo tâu rằng xin ít ít. Đức Hoàng đế dạy rằng: “Cho ít ít không phải thể thống Hoàng đế.”

Người nhà nghèo bèn tâu xin nhiều nhiều, Đức Hoàng đế dụ rằng: “Xin nhiều nhiều lại quá phận nhà nghèo.”

Thầy Tăng tử nghèo đáo để, đến đỗi tróc khâm khiến trửu, nặp lý khuyết chủng, nghĩa là vén vạc lòi kiến tay, xỏ dép bày gót. Ai nấy đều lấy làm thương hại. Có kẻ biểu ông ấy đi tới nhà giàu mà xin, hoạ may người ta thấy mình là người học hành, mà cho ít nhiều chăng.

Thầy Tăng tử đáp rằng: “Dữ nhơn giả thường kiêu nhơn, thọ ư nhơn giả hằng huý nhơn; túng dữ giả bất ngả kiêu, ngả yên năng bất huý bỉ tai!” Nghĩa là kẻ có của cho thường hay ỷ kẻ chịu của cho, hằng phải kiêng sợ người cho; dầu kẻ cho không ỷ, không làm mặt đức sắc mà trong lòng ta sao cho khỏi kiêng sợ hoài hoài.

Bởi vậy có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Quân tử phải An bần (an phận nghèo).


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]