Bà Phan Thị Viên quê ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Cha của bà làm quan Thủ bộ, bị tù oan. Thời gian đó, Tiến sĩ Đinh Nho Công (bố của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn) khâm mệnh nhà vua làm Giám sát Ngự sử châu Hoan (Nghệ An) đi đốc thị bản hạt, tra xét ngục tù, phát hiện ra ông Thủ bộ họ Phan bị oan, liền ra lệnh tha bổng. Về sau, ông Công được thăng chức Thiêm đô Ngự sử Đô sát viện, đã chuyển cha bà Viên ra Kinh đô, làm phụ tá cho mình.

Năm bà Viên 3 tuổi (có tài liệu viết 5 tuổi), cha bà ốm nặng. Trước khi mất. ông nắm tay con gái trăn trối việc trả ơn quan Thiêm đô Đinh Nho Công, người đã giải oan cho mình.

Mẹ bà Viên mở cửa hàng ở Thăng Long. Cô gái Phan Thị Viên lớn lên dung mạo nết na, ai cũng khen. Nhiều thân sĩ dòng dõi ở kinh thành để ý, nhưng bà mẹ không gả cho ai. Năm cô Viên 15 tuổi, tình cờ quan Hữu Thị lang bộ Lễ - Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn đi dạo phố, thấy một nhà hàng sạch sẽ liền bước vào nghỉ chân. Bà chủ quán đã rất sửng sốt khi trông thấy ông, bèn hỏi lính hầu và biết ông quan họ Đinh chính là con trai ông Công, liền đem di nguyện của chồng ra nói với ông Hoàn, rồi vào nhà bảo con gái ra chào. Đinh Nho Hoàn trả lời: “Xưa nay nhân duyên gặp gỡ là có tiền định. Nay gặp được người tốt, cũng là ơn Tiên quân tôi để lại” và cưới cô Viên về làm vợ lẽ vào năm cô 16 tuổi. (Có tài liệu viết cô về nhà chồng năm 15 tuổi). Thời gian hai người chung sống tuy ngắn ngủi, nhưng vô cùng gắn bó, tâm đắc, đặc biệt là về văn chương, xướng hoạ.

Nhiều sử sách đã viết về cuộc tình “trời định” này, như Hoàng Việt nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục chính biên, Địa chí văn hoá huyện Hưng Nguyên, Hương Yên phổ tự, Truyền kỳ tân phả.

Sách Hoàng Việt nhất thống chí có đoạn viết: “Người thiếp yêu của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn dung mạo trong trắng trang nghiêm, giỏi âm luật, thông thuộc văn chương”.

Tuy Đinh Nho Hoàn được đánh giá là một nhà thơ trữ tình, nhưng các bài thơ của ông còn lưu lại đến ngày nay không có bài nào viết về tình yêu đôi lứa. Có lẽ đó là cách xử sự của phần lớn các nhà nho phong kiến. Nhưng riêng việc trước khi ông lên đường đi sứ, cởi áo khoác đang mặc tặng bà, còn bà tặng ông 10 bài thơ tiễn chồng bằng chữ Hán (nay còn lại 3 bài), rồi việc bà tuẫn tiết vì chồng cũng đủ nói lên mối tình hết sức nồng thắm, không kém phần lãng mạn và thuỷ chung, son sắt của ông bà.

Đinh Nho Hồng

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]