15.00
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi hongha83 vào 22/06/2008 03:59, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi hongha83 vào 22/06/2008 04:00

Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường nhỏ
Đường Nguyễn Thái Bình tươi đỏ một màu son


Đường anh đi từ nước Mỹ trở ngược bến Sài Gòn
Anh lại phải đầu thai để tìm về nguồn cội
Đường xuyên không gian nối liền Hà Nội
Có Lăng Bác Hồ anh xa gởi niềm thương

Kẻ thù không cách anh bằng vạn dặm trùng dương
Mà bằng khoảng cách bốn nghìn năm lịch sử
Sống chung nhà, anh nhìn thấu tâm địa chúng như qua cửa ngõ
Ngủ chung giường mà mộng khác nhau

Anh hiểu rằng: Mỹ cho anh tiền, Mỹ cho anh bánh
Chỉ xin anh lại cái hồn
Anh sẽ thành hợp chất của hai nguyên tố tiền và bánh
Mỗi tế bào anh theo cấu trúc chúng sinh tồn

Anh hiểu như Goethe rằng: món nợ của Mê-phít-tô-phê-lét
không bao giờ trả được
Nợ máu đòi trả máu mới nguôi
Anh không thể thành người máy theo chương trình điều khiển học
Vì trót mang cái "gien" yêu nước thương nòi

Anh đã hiểu về từng luồng cá chuồn cá nục
Nhưng anh đâu còn là cá lội tung tăng
Nếu vướng lưới dát vàng của lão chài tư bản
Anh đã hiểu về từng con nước ròng nước cạn
Nhưng không cất mình lên anh sẽ chìm tận đáy sâu chưá đầy xác mục của lương tâm
Có nhiều cái đã thành hoá thạch

Từ giã những "ong bố đỡ đầu" hứa cho công danh hiển hách
Anh lại như cá theo luồng xưa trở lại bến mình
Vì anh hiểu dù nhọc nhằn đói rách
Quê hương không bỏ rơi đứa con thừa tự đức hy sinh

Lại thêm một mắt xích yếu của chủ nghĩa thực dân mới dứt
Từ trên máy bay giặc xô anh xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Từ đường băng lương tâm lại khởi cuộc du hành
Thân anh ngã vào lòng đất mẹ
Tiếng máu anh kêu đỏ sắc trời xanh
Hiện ráng chiều hôm lừng lững mây thành

Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường nhỏ
Đường Nguyễn Thái Bình tươi đỏ một màu son


Nguyễn Thái Bình (1948-1972), quê ở làng Trường Bình, Cần Giuộc, tỉnh Long An, là một sinh viên Việt Nam biểu tượng cho phong trào phản chiến của sinh viên miền Nam Việt Nam vào thập niên 1960 và thập niên 1970. Trong thời gian học tập tại Hoa Kỳ, anh đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam. Ngày 10 tháng 2, Nguyễn Thái Bình cùng nhiều sinh viên khác đã đột nhập và chiếm tòa lãnh sự của Việt Nam Cộng hòa tại New York, yêu cầu đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị tại Việt Nam. Anh đã bị cắt học bổng và trục xuất về nước. Trước khi về nước, Thái Bình đã viết một lá thư ngỏ cho tổng thống Richard Nixon, chỉ trích các tội ác chống lại nhân dân Việt Nam. Trên đường bị trục xuất về nước, ngày 2 tháng 7, Bình đã khống chế yêu cầu chiếc máy bay Boeing 747 của hãng Pan America chuyển hướng tới Hà Nội, việc này không thành công và anh bị một cảnh sát Mỹ đang nghỉ mát bắn chết khi máy bay đáp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Một cuộc tuần hành của 2.000 sinh viên Đại học Washington đã diễn ra sau đó để tưởng niệm anh. Tên của anh bây giờ được đặt tên cho một quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo học giỏi ở Việt Nam.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]