走路

走路才知走路難,
重山之外又重山。
重山登到高峰後,
萬里與圖顧盼間。

 

Tẩu lộ

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian.

 

Dịch nghĩa

Có đi đường mới biết đường đi khó,
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác;
Khi đã vượt các lớp núi lên đến đỉnh cao chót,
Thì muôn dặm nước non thu cả vào tầm mắt.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nam Trân

Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
754.07
Trả lời
Ảnh đại diện

Phân tích bài thơ “Đi đường”

Trong những ngày bị tù đày, Hồ Chí Minh bị áp giải qua nhiều nhà lao. Theo Trần Dân Tiên trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch thì Người bị giam giữ trong gần ba mươi nhà lao huyện và xã. Chuyện đi đường là việc xảy ra hằng ngày. Có chặng đường mà người đi thật dễ chịu trong khung cảnh “Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng” (Trên đường đi) nhưng phổ biến hơn là những chặng đường vất vả, đi đường giữa những ngày giá lạnh, đi đường núi non hiểm trở. Bài thơ Đi đường mở đầu cho hành trình bị áp giải:

Đi đường mới biết gian lao
Đây là kinh nghiệm của người đã nhiều lần lên đường, ra đi. Có đi đường mới có những kinh nghiệm về chuyện đi đường. Đây lại không phải là con đường bằng phẳng mà là một chặng đường núi non hiểm trở:
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.
Với Đi đường, tác giả hiểu rõ đường đời khó khăn. Đường đời đây cũng là con đường đấu tranh cách mạng và người chiến sĩ cách mạng là người đi đường, không mệt mỏi. Chấp nhận và vượt lên những khó khăn, người đi đường bao giờ cũng hướng tới đích:
Giầy rách đường lầy chân lấm láp
Vẫn còn dấn bước dặm đường xa
Trong bài thơ Đi đường, những khó khăn thật chồng chất, càng ngày càng nhiều và nâng lên đến cao điểm. Câu thơ như một thử thách:
Núi cao lên đến tận cùng
Người chiến sĩ cách mạng đã vượt qua được thử thách và chiến thắng. Trên cao điểm thắng lợi, biết bao tình cảm vui mừng được biểu hiện. Mừng vui vì đã chiến thắng được khó khăn, vì Người đã làm tròn trách nhiệm được giao phó.

Trên đỉnh cao, con người có những cảm xúc đặc biệt:
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non
Có thể quan sát và bao quát nhiều phạm vi của đời sống. Đôi mắt không còn bị hạn chế trong tầm nhìn mà đã được mở rộng, thâu tóm được biết bao cảnh vật.

Đi đường là một bài thơ hay có nhiều lớp nghĩa, nghĩa đen, nghĩa bóng. Bài thơ có ý nghĩa đúc kết về kinh nghiệm, kinh nghiệm đi đường, kinh nghiệm đầu tiên của chặng đường cách mạng. Trong mấy câu thơ đầu, thiên nhiên với những vùng núi non hiểm trở như che lấp con người. Nhưng rồi con người đã chủ động vượt qua thử thách và thở thành nhân vật trung tâm của bức tranh. Đường đời gian khổ, đường cách mạng và đầy chông gai, nhưng quyết tâm vượt khó và theo đuổi đến cùng thì rồi cũng có ngày đi tới thành công, giành được chiến thắng.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
304.40
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Phân tích chân lý đường đời cách mạng của Bác trong bài thơ “Đi đường”

Tập thơ Nhật ký trong tù có nhiều bài lấy cảm hứng trên đường đi làm đề tài. Đi đường (Tẩu lộ) là một trong những bài thơ đó. Bài thơ có hai lớp nghĩa. Nghĩa thực là nỗi gian lao vất vả của người đi đường núi và niềm vui sướng vô hạn khi họ đã đứng trên núi cao để ngắm cảnh. Sau lớp nghĩa thực bài thơ đã toát lên bài học chân lý đường đời, đường cách mạng. Phải chăng vừa chân thực vừa chứa đựng tư tưởng sâu xa nên bài thơ được xem như lời tự khuyên mình của nhà cách mạng Hồ Chí Minh.

Đi đường mới biết gian lao.
Câu thơ như một lời nhận xét thốt ra rất tự nhiên của người tù đã thấm mệt trên con đường bị giải đi. Lời nhận xét tưởng như hồn nhiên này được rút ra từ chính cảnh cơ cực của nhà thơ trong những ngày bị bọn Tưởng giải tới giải lui hết nhà lao này sang nhà lao khác. Đây chính là một sự trải nghiệm, một câu thơ được đánh đổi bằng chính những ngày đi đường gian khổ vất vả của Bác. Có thể là gà gáy một lần đêm chửa tan đã phải ở trên đường để hứng những trận gió hàn. Có thể là Năm mươi ba cây số một ngày – áo mũ dầm mưa rách hết giầy… Lời thơ giản dị mà nặng trĩu suy tư, có sức khái quát cao độ. Thật đúng là đoạn trường ai có qua cầu mới hay như Nguyễn Du đã từng viết. Một chữ gian lao là nó chứa đựng bao thử thách, nó đối mặt với ý chí của con người mà chỉ có những người đi đường mới biết được. Bằng những dòng nhật ký, không đẽo gọt, không khoa trương, câu thơ đọc lên có một độ ngân rung từ nỗi niềm có thật. Cái có thật ấy với cách nói đơn sơ không khỏi làm cho người đọc rùng mình. Ấn tượng gian nan trong nguyên bản được khắc hoạ hơn bản dịch II nó có một tiết tấu riêng, một cách láy đi láy lại như một tứ thơ tự thoại:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan.
Hai chữ tẩu lộ (đi đường) như những nốt nhấn đúng nhịp (3/4) vừa như một nhận xét vừa như một nghiền ngẫm, suy nghĩ chiêm nghiệm bằng chính máu thịt của mình. Sự truyền cảm không cố tình trong câu thơ hàm súc, dồn nén tự nó bật ra đâu có phải nhiều lời. Nói ít không phải là không có gì để nói, mà ngược lại: nội dung dồi dào mà câu chữ cứ như không. Nguyên tắc tiết kiệm lời trong thơ phải chăng là như thế? Về ý câu thơ này, tục ngữ đã nói Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Bác cũng đang học, đang biết bằng cảnh ngộ riêng của mình, rút ra bài học cho chính mình: có đi đường mới biết việc đi đường là khó. Một chữ tri (biết) đơn giản vậy thôi mà có thể cả đời không học được.

Câu thơ thứ hai tiếp tục mở rộng mạch thơ của câu thơ đầu:
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.
Nó làm sáng tỏ cái ý gian lao ở câu thơ thứ nhất. Đây là một chi tiết tâm tình rất thực, thể hiện trong tiết tấu trùng san chi ngoại hựu trùng san. Giữa hai chữ trùng san bố trí ở đầu câu và cuối câu như một sự vây bọc bịt bùng, là chữ hựu (lại). Nghĩa là vừa mới vượt được một dãy núi cao này chưa kịp nghỉ ngơi, một dãy núi cao khác lại hiện ra, hỏi ai có thể bình tĩnh mà thư thái trong lòng. Một chữ hựu đơn giản vậy thôi mà bao nhiêu chất chứa, nó nặng nề trong tâm trí của kẻ chinh nhân.

Chữ tài tri ở câu thứ nhất và chữ hựu ở câu thứ hai ta thấy thấp thoáng nhân vật trữ tình, người tù Hồ Chí Minh đang cảm nhận, thấm thía suy ngẫm về nỗi gian lao triền miên của việc đi đường núi cũng như con đường cách mạng, con đường đời.

Lộ trình trong bài thơ đến câu thứ ba vẫn còn chưa chấm dứt, thậm chí còn phải vượt qua một đỉnh núi cao khác hơn mọi thứ trùng san:
Núi cao lên đến tận cùng
Mạch thơ không đi theo hướng có nữa mà chuyển cảnh, chuyển tình. Vì thế trong thơ tứ tuyệt gọi câu ba là câu chuyển. Nó như cầu nối mạch thơ, tiếp tục diễn tả núi cao của câu thứ hai nhưng cũng tiếp tục phát triển cao hơn. Ta cảm nhận từ sự lấy đà ấy của nhịp thơ:
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Ta chú ý hai chữ trùng san sử dụng trong câu hai và ba đầy dụng ý. Mật độ của nó vốn đã dầy lúc này càng dầy hơn. Cũng là điệp ngữ nhưng trùng san ở cuối câu hai ở đầu câu ba là điệp ngữ nối tiếp, lặp vòng. Tiết tấu thơ không còn chậm rãi, đều đều. Nó khẩn trương hơn, có phần thanh thoát hơn như một cuộc chuẩn bị. Phảng phất trong câu thơ một thứ âm nhạc tâm hồn khoan khoái xốn xang. Vậy cái gì xảy ra sau đó? Mộ sự ngã gục ư? Một sự chiến thắng ư? Người đọc đã trút đi được gánh nặng ngàn cân và thở phào nhẹ nhõm bởi câu thơ thứ tư:
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Chỉ trong một chớp mắt, tình thế đã đổi thay, tâm trạng đã thay đổi, cán cân lực lượng về mặt tinh thần giữa người đi đường và những gian truân trên con đường đèo dốc đã thay đổi theo chiều ngược lại. Từ tư thế con người bị đày đoạ tới kiệt sức, tưởng như tuyệt vọng, người đi đường cực khổ ấy bỗng trở thành du khách ung dung say sưa ngắm phong cảnh đẹp. Tư thế của người đi đường - từ vị trí nạn nhân đã trở thành chủ nhân tạo cho núi non một gương mặt khác. Người đi đường chủ động thu vào tầm mắt tất cả núi non trùng điệp với niềm vui vô hạn, niềm hạnh phúc dạt dào không gì sánh được, ấy là niềm vui vì chiến thắng được hoàn cảnh, chiến thắng được chính bản thân mình. Niềm hạnh phúc ấy không phải tự nhiên mà có.

Phải chăng là cái điều tâm niệm của Người khi mới bước vào chốn lao lung chỉ là một ước mơ, một quyết tâm, nay đã trở thành sự thật:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao.
Quả thật tinh thần của người tù còn cao hơn núi. Chính Bác đã tự chứng thực cho mình, bằng con người mình. Một sự thể nghiệm lặng lẽ kiên trì và nhẫn nại không chịu lùi một phân.
Người đã chiến thắng.
Bốn câu thơ rất bình dị mà cô đọng, vừa tự nhiên chân thực, vừa chứa đựng tư tưởng sâu xa. Bài thơ toát lên bài học chân lý đường đời, đường cách mạng, như lời tự khuyên mình của mỗi con người. Mỗi cuộc đời là một trăm năm, ai cũng phải đi một trăm đường. Có con đường lao động mưu sinh, có con đường công danh lập nghiệp. Tuổi trẻ còn có con đường học tập. Bài thơ Đi đường dã trở thành hành trang cho mỗi chúng ta thêm sức mạnh để vươn tới tương lai.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
233.65
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Nêu cảm nhận về bài thơ “Đi đường”

Đi đường là bài thơ trong tập Nhật kí trong tù. Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải qua nhiều nhà tù trên tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Với bao cay đắng thử thách nặng nề. Bài thơ được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt và được Nam Trân dịch thành thơ lục bát:

Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng!
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Đây là bài thơ mang hàm nghĩa. Tác giả mượn chuyện đi đường để nêu lên cảm nhận đường đời vô cùng khó khăn, nguy hiểm; phải có quyết tâm cao, nghị lực lớn mới chiến thắng thử thách, mới giành được thắng lợi vẻ vang.

Hai câu đầu trong bài thơ chữ Hán là:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
được dịch nghĩa là:
Có đi đường mới biết đường đi khó,
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác.
Câu thứ nhất nêu lên một kinh nghiệm, một chiêm nghiệm song ở đời, đó là chuyên đi đường và bài học đi đường khó. Với nhà thơ, con đường được nói tới còn là con đường cách mạng vô cùng nguy hiểm: là gươm kề tận cổ, súng kề tai – là thân sống chỉ coi còn một nửa (Trăng trối – Tối Hữu). Hình ảnh con đường được miêu tả bằng điệp ngữ trùng san đã làm nổi bật khó khăn, thử thách chồng chất; người đi đường luôn luôn đối diện với bao gian khổ. Câu thơ chữ Hán không hề có chữ cao dịch giả đã thêm vào, người đọc thơ cần biết:
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.
Hai câu thơ đầu về mặt văn chương chữ nghĩa không có gì mới: ý niệm: hành lộ nan đã xuất hiện trong cổ văn hơn nghìn năm về trước. Thế nhưng vần thơ Hồ Chí Minh hay và sâu sắc ở tính nghiệm sinh; nó cho thấy trải nghiệm của một con người ba mươi năm ấy chân không nghỉ (Tố Hữu), để tìm đường cứu nước. Con đường mà người chiến sĩ ấy đã vượt qua đâu chỉ có Núi cao rồi lại núi cao trập trùng mà còn đầy phong ba bão táp, trải dài trải rộng khắp bốn biển năm châu:

Người xưa có nhắc: “Đọc sách người ấy, đọc thơ người ấy phải biết con người ấy là thế”.

Hai câu cuối được cấu trúc trên mối quan hệ điều kiện – hệ quả. Khi đã chiếm lĩnh được đỉnh cao chót (cao phong hậu) thì muôn dặm nước non (vạn lí dư đồ) thu cả vào tầm mắt:
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Muôn vượt qua các lớp núi lên đến đỉnh cao chót vót thì phải có quyết tâm và nghị lực lớn. Chỉ có thế mới giành được thắng lợi vẻ vang, thu được kết quả tốt đẹp. Câu thơ Hồ Chí Minh hàm chứa bài học quyết tâm vượt khó, nêu cao ý chí và nghị lực trong cuộc sống để giành thắng lợi. Bài học đi đường thật là vô giá đối với bất cứ ai.

Nhật kí trong tù có nhiều bài thơ viết về đề tài đi đường như Thế lộ nan, Tẩu lộ, Lộ thượng,… Đó là những vần thơ giàu chất trí tuệ, mang ý vị triết lí, được đúc kết từ máu và nước mắt:
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao.
Xử thế từ xưa không phải dễ,
Mà nay, xử thể khó khăn hơn.
Bài thơ Đi đường cho ta bài học về đường đời nhiều khó khăn nguy hiểm, bài học về quyết tâm, vượt khó, vươn lên giành thắng lợi trên con dường đời. Mỗi cuộc đời là một trăm năm đi đường. Có con đường lao động mưu sinh, có con đường công danh lập nghiệp. Tuổi trẻ còn có con đường học tập. Bài thơ Đi đường trở thành hành trang cho mỗi chúng ta có thêm sức mạnh để vươn lên thực hiện ước mơ của mình.


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
214.14
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Đôi nét về bài thơ ‘‘Đi đường’’

I. Thông tin khái quát

- Hoàn cảnh sáng tác: Đi đường là bài thơ số 20 trong tập thơ Nhật kí trong tù của Bác, sáng tác nhằm ghi lại những lần Bác di chuyển giữa các nhà lao ở Quảng Tây.

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật.

- Giá trị nội dung: Bài thơ khắc hoạ chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả: từ việc đi đường núi mà hiểu được đường đời: Vượt qua gian lao thử thách sẽ đi được tới thắng lợi vẻ vang.

- Giá trị nghệ thuật:
+ Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
+Kết cấu chặt chẽ
+ Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt
+ Hình ảnh sinh động, giàu ý nghĩa.

II. Dàn ý phân tích bài thơ Đi đường

Mở bài

- Khái quát vài nét tiêu biểu về cuộc đời và tài năng của chủ tịch Hồ Chí Minh

- Khái quát về bài thơ Đi đường: khắc hoạ chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả.

Thân bài

1. Câu 1

- “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan”: Có đi đường mới biết đường khó đi: Đây không phải sự miêu tả con đường đơn thuần mà nhằm gợi lên những suy ngẫm sâu sắc
- Điệp từ “tẩu lộ” nhấn mạnh việc đi đường rất gian khổ, chỉ có người từng trải mới cảm nhận được hết sự vất vả đó

⇒ Đó chính là ẩn dụ chỉ con đường Cách mạng, con đường đầy gian nan thử thách

2. Câu 2

- Câu thơ khắc hoạ rõ nét những khó khăn gian khổ, những chông gai mà người tù phải trải qua “trùng san chi ngoại hựu trùng san”
- Câu thơ mang nghĩa có rất nhiều núi cao, hết núi cao này lại đến núi cao khác, khó khăn không giảm, không ngớt
- “hựu trùng san”: khẳng định khó khăn không những không giảm đi mà còn có sự tăng cấp

⇒ Điệp từ “trùng san” cộng thêm từ “hựu” càng làm tăng thêm sự gian truân, khó nhọc, hiện lên trước mắt người đọc những ngọn núi cao trọc trời

3. Câu 3

- “Trùng san đăng đáo cao phong hậu”: Diễn tả hoàn cảnh vượt mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ để “lên đến tận cùng”: Mọi gian khổ rồi sẽ kết thúc,mọi khó khăn sẽ lùi về sau
- Thấy rõ tứ thơ cổ điển “đăng cao” cùng phong hái ung dung chiếm lĩnh cảnh vật, hoà mình vào vũ trụ bao la, rộng lớn
- Con người như sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ, ung dung giữa trời đất, ta không thấy ở đó bóng dáng của một người tù đang bị giam cầm trong thực tại mà chỉ thấy một tâm hồn tự do chiếm lĩnh

⇒ Có trải qua gian khổ thì mới tới đích, càng gian khổ thì càng gần tới đích hơn

4. Câu 4

- “Vạn lí dư đồ cố miện gian”: Lúc này người đi đường như một du khách ung dung say sưa ngắm nhìn lại khung cảnh thiên nhiên bao la, ngắm ngại những gì mình đã trai qua => Con người làm chủ thiên nhiên, đất trời

⇒ Từ việc đi đường, bài thê mang đến một chân lí đường đời đó là vượt qua được gian lao sẽ đi được tới thành công

Kết bài

- Khái quát những nét chủ yếu về giá trị nội dung và nghệ thuật làm nên thành công của văn bản

- Tài năng và khí chất của chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo

113.82
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của ThiSiNghiepDu

Chưa lộ hành chưa thấm gian lao
Trùng trùng núi cao tiếp núi cao
Leo lên tận ngọn cao xa ấy
Non sông vạn dặm mắt thu vào

15.00
Trả lời