14.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt
Thời kỳ: Hiện đại
7 bài trả lời: 5 bản dịch, 1 thảo luận, 1 bình luận
3 người thích

Đăng bởi Vanachi vào 29/06/2005 20:28, đã sửa 5 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 17/03/2020 23:38

訪曲阜

五月十九訪曲阜,
古松古廟兩依稀。
孔家勢力今何在,
只剩斜陽照古碑。

 

Phỏng Khúc Phụ

Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hy.
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.

 

Dịch nghĩa

Ngày mười chín tháng năm đến thăm Khúc Phụ,
Thông xưa, miếu cũ vẫn còn y nguyên.
Thế lực họ Khổng nay đâu rồi?
Chỉ còn ánh chiều tà chiếu bia cũ.


(1965)

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Đặng Thai Mai

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Suy tư ở Khúc Phụ

Mới đây, nhân dịp sang Bắc Kinh dự một hội nghị quốc tế, tôi mua vé tàu đi Khúc Phụ - di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận.

Nơi đây, vào năm 1965, Bác Hồ đã từng đến và để lại bài thơ chữ Hán hàm ý sâu xa Phỏng Khúc Phụ:

Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hy.
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Thặng hữu tà dương chiếu cổ bi.
Bài thơ được học giả Đặng Thai Mai dịch ra tiếng Việt:
Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
Man mác buồn! Ông Vũ Kỳ cho biết năm đó ở Trung Quốc, Khổng Tử đang bị các thế lực cực đoan “tả khuynh” thoá mạ. Qua chuyến đi, Bác muốn tỏ bày thái độ trân trọng bậc danh nhân văn hoá ấy. Thời trẻ, trong một bài báo tiếng Pháp, nhắc đến Khổng Tử, Nguyễn Ái Quốc đã từng viết: Le Grand Confucius (Đức Khổng Tử vĩ đại).

40 năm sau, đến Khúc Phụ, tôi cảm thấy thật yên lòng. Viện Nghiên cứu Khổng Tử vừa xây xong, rất hoành tráng. Cuốn Luận ngữ, kinh điển quan trọng nhất của Khổng giáo, được khắc mới trên hàng hàng bia đá để lưu truyền chính xác đến muôn đời. Nếu Khổng Tử từng được các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh ngợi ca là “vạn thế sư biểu”, “chí thánh, tiên sư”, “cổ kim nhật nguyệt”, thì giờ đây được Nhà nước Trung Quốc chính thức tôn vinh là “nhà tư tưởng vĩ đại, nhà triết học vĩ đại, nhà giáo dục vĩ đại”.

Bước vào viện, tôi có thể đọc nhiều lời bình phẩm cổ, kim. Sinh sau Khổng Tử hơn 400 năm, Tư Mã Thiên - nhà sử học vĩ đại, danh nhân văn hoá thế giới - ghi lại niềm cảm xúc khi đến thăm nhà thờ Khổng Tử ở nước Lỗ:

“Trong thiên hạ, vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng chết là hết! Khổng Tử chỉ là một người áo vải, thế mà truyền hơn mười đời; các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử đến vương hầu ở trung nguyên hễ nói đến lục nghệ đều lấy ông làm chuẩn. Có thể gọi là bậc chí thánh vậy”.

Thời Ngũ Tứ, năm 1919, sinh viên Bắc Kinh biểu tình, bãi khoá, nêu cao ý chí “nội trừ quốc tặc, ngoại tranh quốc quyền”. Tinh thần cách mạng dâng cao, khó tránh khỏi có lúc cực đoan nêu khẩu hiệu: “Đả đảo Khổng gia điếm!”. Lớp trẻ cấp tiến thời ấy thành thật nghĩ rằng sở dĩ Trung Quốc lạc hậu là do Khổng giáo!

Nhưng thử hỏi Ấn Độ có chịu ảnh hưởng “cửa Khổng, sân Trình” đâu mà cũng lạc hậu, bị Anh chiếm đóng! Rồi còn châu Phi? Nào ai ở lục địa đen đã đọc Luận ngữ? Trong khi đó, Nhật Bản không phủ định truyền thống mà vẫn có thể duy tân, cường thịnh. Thế kỷ 20 quả là thế kỷ “Nho môn đạm bạc”, văn hoá phương Tây và “chủ nghĩa coi châu Âu là trung tâm” ngự trị, dấy lên từng đợt, từng đợt sóng dữ dằn “phê Nho, phản Khổng”! Nhưng đến cuối thế kỷ, tình hình đổi khác.

Cụm di tích Tam Khổng ở Khúc Phụ bao gồm ba di tích lớn: Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Viện. Khổng Miếu rộng 21,8 ha, tường xây bao quanh, là một trong ba quần thể kiến trúc cổ đại hoành tráng nhất Trung Quốc, có thể sánh với Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay Tỵ Thử Sơn Trang ở tỉnh Hà Bắc. Nơi đây có nhiều điện, các, đình, miếu nguy nga lợp ngói lưu ly vàng và 2.100 tấm bia đá cổ (Văn Miếu Hà Nội có 82 tấm bia).

Khổng Lâm, nghĩa trang nhà họ Khổng (trong đó có ngôi mộ đơn sơ của Khổng Tử), nay là công viên rộng 200 ha. Nơi đây hiện còn giữ được hơn 3.000 cây bách trên 2.000 tuổi vẫn xanh tươi, trồng từ đời nhà Hán, gọi là “Hán bách”; và hơn 30.000 cây tùng trên 1.000 tuổi trồng từ đời nhà Tống, gọi là “Tống tùng”! Khổng Phủ là nơi ở của Khổng gia, nay đã truyền đến đời thứ 78, được vua chúa đời sau xây thêm, hiện rộng 16ha, có tường bao, gồm nhiều sảnh, đường, đình, miếu tổng cộng 463 gian... UNESCO công nhận đây là gia tộc truyền nhiều đời nhất trên thế giới mà vẫn có văn tự chứng thực.


Hàm Châu

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

về chữ nghĩa bài thơ Phỏng Khúc Phụ 訪曲父

1. Chữ “thế” ở câu thứ 3, chữ thứ 3, phải là 勢 chứ không phải là 世.

2. Y hy 依稀: Từ điển Từ Hải giảng là “Do phảng phất dã 猶彷彿也”, nghĩa là “còn phảng phất vậy” (phảng phất: gần giống như). Cũng có tự điển giảng là lờ mờ, không rõ ràng.

3. Học giả Đào Phan giả thích hai chữ “thế lực 勢力” mà Bác dùng ở đây có nghĩa là ảnh hưởng về mặt tinh thần, chứ không có nghĩa là uy quyền hoặc quyền lực (trong Từ lâm Hán Việt từ điển có mục từ “Thế lực phạm vi 勢力範圍”: Khu vực ảnh hưởng). Đào Phan cho rằng, trong nghĩa đen, “Khúc phụ” là một gò đất cao (phụ) bị che khuất (khúc). Và nghĩa đen ấy của hai chữ “Khúc phụ” bỗng hóa thành câu thơ: “Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hy”. Khi cả cây tùng xưa và ngôi miếu xưa mờ mờ ảo ảo (y hy), thì hình ảnh đó đã gợi lên ngụ ý một gò đất cao bị che khuất đi mặc dầu “cây tùng” vốn là biểu tượng của Nho gia về các quân tử hoặc trượng phu, khiến khách đến thăm phải thốt hỏi: “Khổng gia thế lực kim hà tại?”. Những từ ngữ và hình ảnh trong bài thơ gắn liền với nhiều giá trị tư tưởng của Đạo Khổng mà Bác vẫn phát huy tích tực, đã làm toát lên một niềm than tiếc rằng chính những ảnh hưởng tinh thần ấy lại bị các thế hệ hiện đại để cho phai mờ đi ngay trên quê hương của Khổng Tử!

Tiêu Đồng rất tán thành với cách giải thích như trên. Bởi vì như chúng ta đều biết rằng Bác Hồ vốn xuất thân Nho học, thân phụ của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, từ nhỏ Người đã chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Khổng Mạnh. Sau này khi đã xuất dương tìm đường cứu nước rồi trở thành vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho đến lúc Bác đi xa, trong các bài viết hay bài nói chuyện của Người, những dấu ấn về đạo Khổng còn rất sâu đậm. Bác đã từng nói: “Đạo Khổng là một môn dạy về đạo đức và phép xử thế”, “Tuy trong học thuyết của Khổng tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì ta nên học”, “Học thuyết Khổng Tử có cái ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức con người”. Người cũng đã nhấn mạnh rằng: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái Quốc”.

Do vậy, Tiêu Đồng rất đồng ý với tác giả Lê Xuân Đức trong bài viết của ông rằng: “Bài thơ Phỏng Khúc Phụ của Bác không thể là bài thơ của nụ cười châm biếm, của lời phê bình như ý kiến của một số nhà nghiên cứu, mà là một bài thơ suy ngẫm về những giá trị quý báu trên đời này, dù thời đại ngày nay đã khác xa thời đại Khổng Tử. Chúng ta không nên và càng không được gạt bỏ tất cả mà phải chọn lọc tiếp thu những cái tinh túy, tốt đẹp nhất của các thời đại trước, của những tư tưởng đã có trước để làm giàu cho mình, cho con cháu mình và cho các thế hệ mai sau.”

4. Phần dịch nghĩa trong sách Hồ Chí Minh – Thơ (toàn tập):
Ngày 19 tháng năm thăm Khúc Phụ,
Tùng già, miếu cổ cả hai đều phảng phất giống như xưa.
Thế lực họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Chỉ còn vương lại chút nắng chiều tà chiếu trên bia cổ.


Theo Đào Phan, hai chữ “thế lực 勢力” mà Bác dùng ở đây có nghĩa là ảnh hưởng về mặt tinh thần, chứ không có nghĩa là uy quyền hoặc quyền lực.

Nguồn:
1. Vĩnh Cao - Nguyễn Phố, Từ lâm Hán Việt từ điển, NXB Thuận Hóa, 2001.
2. Lê Xuân Đức, Đọc thơ Hồ Chí Minh, NXB Chính trị QG, 2008.
3. Đào Phan, Đạo Khổng trong văn Bác Hồ, NXB ĐHQG Hà Nội, 2004.
4. Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hồ Chí Minh – Thơ, toàn tập, NXB Văn học, 2004.
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Đắc Thọ

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Lờ mờ miếu cổ với tùng xưa.
Trọng Ni thế lực giờ đâu nhỉ?
Chênh chếch bia xưa phớt nắng mờ.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Mai Quốc Liên

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Tùng già miếu cũ dấu chưa nhoà.
Thế thần họ Khổng còn chi nhỉ?
Hiu hắt bia xưa chút nắng tà.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phạm Quang Ái

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Âm u miếu cổ khuất thông già.
Khổng gia thế lực giờ đâu tá?
Vương vấn bia xưa giọt nắng tà.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Thế Nữu

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Thông già, miếu cổ thảy lu mờ.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Bia cũ còn soi chút nắng tà.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời