Ở Trường Sơn những năm đánh Mỹ có một vùng rừng được đặt tên là "vùng - rừng - con - gái". Cái tên vừa vẫy gọi vừa bí ẩn. Tất nhiên "không nhiệm vụ cấm vào", vì thế mỗi chúng tôi tưởng tượng những khung cảnh rất khác nhau trong khu rừng ấy.

Đọc "Lỡ chân qua phố" của Hạnh Ly, tôi như lạc vào một "vùng - rừng - con - gái" thời bình. Vùng rừng này rất ít những lối mòn của chữ và tứ. Nó vẫn ở dạng thơ truyền thống, không có lối viết lắt léo, nhưng bằng sự chân tình và đắm đuối rất "con gái" đã hấp dẫn bạn đọc:

Con đò cong một nét môi
Dỗi hờn chi, đứng chơi vơi giữa dòng?
(Duyên nợ người dưng)
Thơ Hạnh Ly không cao đàm, khoát luận, mà chỉ bộc lộ tâm trạng riêng tư. Tạm chia làm hai mảng chính. Mảng thứ nhất là "bảng kê lý lịch tâm hồn" mình. Mảng thứ hai là tình cảm đối với những người thân.
Ở mảng thứ nhất có thể thấy:
Bây giờ...Em đã sang đò
Bên sông, trẻ vẫn chơi trò ú tim...
(Ú tim)
Đấy là nỗi buồn hay sự nhận diện trái tim mình? Sang đò rồi mà vẫn còn thú nhận:
Bởi trái tim em quá chừng bé nhỏ
Dễ rung lên trước cả sự bông đùa
(Xin đừng)
Có một trái tim nhạy cảm như thế, tác giả không thể thoát khỏi từ trường của những kỷ niệm ấu thơ:
Xin em đừng tập tầm vông
Tay không, tay có, biết trông tay nào
(Tập tầm vông)
Theo năm tháng, Hanh Ly giờ đã là một người phụ nữ thành đạt. Gốc rễ thành đạt ấy bắt đầu từ nhận thức về cách sống:
Giữa nhịp sống ngược xuôi hối hả không cùng
Ta cúi đầu trước bông hoa nhỏ bé
Xin học làm một sắc hương lặng lẽ...
(Với hoa)
Và với niềm khao khát cống hiến, Hạnh Ly mong "...làm hạt mưa rơi / tan trong thăm thẳm đất trời niềm yêu". Không chỉ trải niềm yêu, tác giả còn muốn làm người gieo hạt:
...Những hạt thơ nóng ấm
Mưng căng tròn không chịu nằm im
Càng giữ chặt trong tay càng nhưng nhức khát thèm...

...Người đàn bà vung tay vãi hạt
Những hạt thơ lao xao bay về phía mặt trời...

...Có thể một mai hạt sẽ thành cây
Xanh miên man hoa trái tròn đầy...
(Người đàn bà gieo hạt)
Còn nhiều câu thơ nữa cùng vẽ nên bức tranh đẹp và nhân ái của tâm hồn tác giả.

Mảng thứ hai, như bất kỳ một tác giả thơ nào, Hạnh Ly thể hiện tình cảm với những người thân. Vì là những đối tượng cụ thể như mẹ chồng, cha mẹ đẻ, chồng... nên thơ còn phụ thuộc vào nhiều chi tiết thực. Chất thơ đương nhiên kém phần bay bổng, nhưng bù lại sự thật thà ấy làm bạn đọc xúc động ở khía cạnh khác. "Một chiều" là một bài thơ xúc động và không thể thật hơn viết chia sẻ với chồng, một chiến sĩ trên mặt trận an ninh:
...Ngổn ngang bao việc rối bời
Anh quên dành tặng nụ cười cho em...

...Một chiều anh trở về nhà
Nhói lòng em những xót xa lặng thầm
Về mẹ, Hạnh Ly viết:
Con biết ơn từng dấu chân chim
Từng vết nám thời gian hằn in trên má mẹ
Hơi ấm thân quen từ đôi bàn tay chai sần, nứt nẻ
Ấp ủ con thao thức những canh dài
(Điều con chưa từng nói)
Chưa mới và chưa thật hay, nhưng cũng đủ để bạn đọc chia sẻ tình cảm chân thực của tác giả khi nghĩ về mẹ.
Chọn công việc làm sách làm niềm vui, tôi - người viết những dòng cảm nhận này thấy tác giả đã cố gắng vượt qua nhiều rào cản đến với thơ. Câu chữ trong thơ Hạnh Ly sáng sủa, có độ tìm tòi. Vốn liếng ấy có được từ Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, từ môi trường làm việc; nhưng quan trọng hơn là từ một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và rõ ràng. Cho nên, ấn tượng bao trùm để lại trong tôi từ tập " Lỡ chân qua phố " này là chân tình và đắm đuối. Con đường sáng tác của Hạnh Ly chưa biết sẽ đến đích nào, nhưng xin được chia vui với tác giả ở tập thơ đầu tay này.


Hà Nội, 06/01/2011
Đặng Khánh Cường
tửu tận tình do tại