Lục bát. Sáu chữ. Tám chữ. Chữ cuối câu sáu vần bằng, khớp với chữ sáu câu tám... Người Việt, văn chương bác học hay văn chương bình dân, khi đọc lên câu lục bát, vô hình chung đều biết cái luật này. Ca dao, hát ru em, “Đưa tay bứt một cọng ngò. Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”, “Anh buồn có chỗ thở than. Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”... Lục bát không hạn định câu. Viết bao nhiêu cũng được. Muốn dông dài để tỏ bày, muốn diễn đạt điều muốn nói, hai không đủ, thì bốn, tám, vài trăm. Hẳn phải dễ hơn thơ Đường. Dễ, nên thơ dân gian, thơ bình dân, ca dao, thậm chí, biểu ngữ, quảng cáo cũng dùng thể thơ này. Nói đùa, cũng có thể thành câu lục bát.
Lục bát, dễ mà khó hay. Bị “cảnh cáo”, nhưng cuối cùng, lục bát vẫn là thể thơ tôi yêu nhất. Có thể vì tôi chỉ làm thơ cho vui, không trở thành nhà thơ.

Tôi yêu lục bát. Nhạy cảm với lục bát. Như người quen ăn hàng ăn quán, được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, đến một lúc nào đó, dẫu vào bếp chỉ biết... luộc trứng, nấu nước sôi, cũng là một người khó ăn. Với thơ, với lục bát, không thể so sánh cách phàm tục như vậy, nhưng có thể nói, tôi “khó khăn”. Gặp câu lục bát hay, chữ dùng trong câu lục bát hay, tôi ngẩn ngơ.

Đếm buồn trên những tàn phai
Bước qua hoang phế đã trầy chân không
Ngày em xõa tóc theo chồng
Có nghe sám hối động phòng cô dâu?..
 
Hoàng Nga