KHÉP MIỆNG

Em khép miệng mùa xuân
Anh cũng khép
Nhắm mắt
Mở mắt
Nửa đời người

Ôi, mắt hôm nay nhìn mắt tương lai!
Chậm một chốc mất rồi bao thương nhớ
Dáng hoa tươi cong nhuỵ chết rũ bên đời.

ONG MUỘN

Nếu hoa đào búp vắng chàng ong
Hoa đào nở ong bay về
Hoa đào lấy chồng
Ong gãy cánh ước mơ

Này cửa đào mở đây, xin anh khe khẽ lại!
Rót giùm em mật chung thuỷ tuyệt vời
Ghép hai trái tình nam nữ ấy
Trăm năm còn khát khao.

ĐẸP HAY KHÔNG ĐẸP?

Anh bảo em xinh
Nghĩa là lòng yêu em dâng tơ đấy
Anh bảo em không đẹp
Nghĩa là ghen lắm rồi!

Này hoa cong gò áo trắng
Mây đùa ôm ngất ngây
Hồn đuổi hoài đuổi mãi sau sóng nhạc
Phất mùi hương kết liễu một đời người.

HÀN QUỐC VŨ

+++
Thơ ca từ bao đời nay là tiếng nói của chủ thể trữ tình. Nhất là thơ ca viết về tình yêu đôi lứa càng đòi hỏi phải chất trữ tình. Dù bạn viết thể loại gì đi nữa thì chất trữ tình ấy phải thể hiện cho được. Có thể, chất trữ tình ấy hiện rõ, hiển ngôn, nhưng cũng có thể ẩn tàng, hàm ngôn. Đọc thơ để hiểu, cảm thông với cách viết hiện đại của những nhà thơ hiện đại, không phải dễ. Đối với tôi cũng thế. Tôi đã đọc, tự ngẫm để hiểu về Hàn Quốc Vũ qua 3 bài thơ “Khép Miệng”, “Ong Muộn” và “Đẹp Hay Không Đẹp?”.
Trước tiên là “Khép Miệng”. Theo tôi, bài thơ là nỗi niềm tiếc nuối mối tình câm của tuổi vừa yêu để rồi qua thời gian lại nuối tiếc. Cả hai, cả anh và em, sao ngày ấy, cái ngày tuổi thanh xuân quá đẹp lại “run rẩy” chẳng dám mở lời cùng nhau. Và giờ qua “Nửa đời người”, dù lòng muốn nói, nhưng tình yêu như đã khép lại rồi. Chỉ còn tiếng lòng rưng rức: “Ôi, mắt hôm nay nhìn mắt tương lai!/ Chậm một chốc mất rồi bao thương nhớ? Dáng hoa tươi cong nhuỵ chết rũ bên đời”.
Còn trong bài “Ong Muộn”, tác giả đã sử dụng hình tượng “đào”. Hình tượng này, trong ca dao đã từng sử dụng: “Bây giờ mận mới hỏi đào”. Giờ hình tượng đào trong bài “Ong Muộn” vừa kế thừa chất liệu thơ ca truyền thống, đồng thời vừa thể hiện chất hiện đại. Nếu trong ca dao, “đào” thẹn thùng “thưa” lời cùng “mận”, thì “đào” trong “Ong Muộn” như phơi tình nồng cháy cùng tình nhân “Ghép hai trái tình nam nữ ấy/ Trăm năm còn khát khao”.
Cuối cùng, bài thơ “Đẹp Hay Không Đẹp?” là nỗi si tình của chàng trai trước hình hài của nàng thơ. Mỗi thi nhân đều có nàng thơ của mình trong mộng: “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?” (Bích Khê). Riêng Hàn Quốc Vũ đã xiêu lòng trước nàng thơ của mình: “Anh bảo em xinh/ Nghĩa là lòng yêu em dâng tơ đấy/ Anh bảo em không đẹp/ Nghĩa là ghen lắm rồi!”. Và chỉ cần một làn hương của nàng cũng khiến thi nhân: “Hồn đuổi hoài đuổi mãi sau sóng nhạc/ Phất mùi hương kết liễu một đời người”.
Chỉ 3 bài thơ, chỉ là một phần cõi lòng của Hàn Quốc Vũ, nhưng phần nào cũng thể hiện nỗi khát khao về tình yêu đôi lứa. Và, nàng thơ mãi là hình ảnh đẹp để tác giả ngợi ca trong từng con chữ và an ủi hồn thơ của mình trong cõi nhân gian.


Tháng 9/ 2016
Nhà văn Phan Trang Hy