Kính thưa quý vị đại biểu!
Thưa đại diện gia đình nhà thơ Nam Trân!

Hôm nay, Viện Văn học, Hội nhà văn Việt Nam và gia đình phối hợp tổ chức Lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm sinh và 40 năm mất nhà thơ - dịch giả Nam Trân.

Nhà thơ Nam Trân tên thật là Nguyễn Học Sĩ, sinh ngày 15 tháng Hai năm 1907 trong một gia đình khoa bảng nhiều đời tại làng Phú Thứ Thượng, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ học chữ Hán đến 12 tuổi, rồi ra học Trường Quốc học Huế, Trường Bưởi ở Hà Nội. Sau khi đỗ Tú tài, ông nhận chức Tham tá Toà Khâm sứ Trung kỳ tại Huế. Từng làm Án sát Bình Định rồi lần lượt trải qua các chức vụ quan trọng của Nam triều như: Tá lý Bộ Lại, Thị lang Bộ Lại, đứng vào hàm Tam phẩm...

Sau Cách mạng tháng Tám, Nam Trân trở về quê hương Quảng Nam. Ông tham gia chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, trải qua các công tác trong Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Nam, Chánh văn phòng Uỷ ban hành chính kháng chiến Liên khu V, Đại diện văn hoá Trung ương tại Liên khu V.

Hoà bình lập lại, 1954, Nam Trân cùng gia đình tập kết ra Bắc, công tác tại Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Hoà bình thế giới tại Việt Nam, là Uỷ viên Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá I. Năm 1959, Viện Văn học thành lập, ông là một trong số các nhà Hán học có uy tín được điều về bổ sung vào đội ngũ cán bộ, chuyên gia đầu tiên của Viện, nhận nhiệm vụ Trưởng phòng tư liệu thư viện. Tại đây, ông đã cùng các đồng nghiệp - mà ông vẫn thường gọi là “đồng chí”- bắt tay bổ sung, sắp xếp, phân loại, kiện toàn hệ thống sách báo tư liệu, đồng thời tổ chức công việc biên dịch, dịch thuật khối lượng sách báo tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung... cung cấp nguồn tư liệu cho công việc nghiên cứu của các tổ chuyên môn.

Cuối năm 1959, Nam Trân được giao nhiệm vụ đặc biệt: làm Trưởng Tiểu ban và là người dịch chính tập thơ Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Việt. Bằng vốn tri thức uyên thâm và xúc cảm thẩm mỹ văn chương mạnh mẽ, ông đã cùng các cộng sự hoàn thành công việc một cách khẩn trương và xuất sắc để tập thơ kịp ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Hồ Chủ tịch, tháng Năm 1960. Nhật ký trong tù ra đời là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị văn hoá và văn học nghệ thuật của đất nước, đem đến cho các thế hệ công dân Việt Nam nguồn năng lượng tinh thần mới, bầu nhiệt huyết cách mạng mới khi đất nước vừa bước vào giai đoạn xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đây là một công việc thầm lặng nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc trong suốt cuộc đời đi theo cách mạng và đứng trong đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ cách mạng của ông. Nhật ký trong tù ra mắt đã nhanh chóng được đông đảo quần chúng hào hứng đón nhận, được dịch ra tiếng Anh, Nga, Pháp..., in nguyên văn tiếng Trung tại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, phổ biến rộng rãi tại các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Cho đến nay, tập thơ đã được dịch ra gần 20 ngôn ngữ trên thế giới.

Ngoài bản dịch Nhật ký trong tù để đời, Nam Trân còn chủ trì biên dịch hai tập Thơ Đường (NXB Văn hoá, 1962), dịch và duyệt tập Thơ Tống (NXB Văn học, Hà Nội, 1968), dịch giả chính tập truyện ngắn Người Xô - viết chúng tôi của nhà văn Bôrit Pôlêvôi (quyển 1, 2, Hà Nội, 1961), Thơ và từ Mao trạch Đông v.v. Các bản dịch của ông đều được người đọc ưa thích, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Qua đó có thể thấy ở ông một cây bút tài hoa, giàu bản sắc, với năng lực cảm thụ tinh tế, cách sử dụng ngôn từ cẩn trọng, với trình độ am hiểu các tri thức Hán học, Pháp học sâu rộng, và trên hết, ông là một dịch giả giàu tâm huyết trong việc truyền bá văn hoá các dân tộc anh em cho bạn đọc trong nước.

Thưa quý vị đại biểu,

Đối với độc giả yêu thơ, tên tuổi Nam Trân đã xuất hiện khá sớm trên văn đàn từ những năm 30-40 đầu thế kỷ XX. Thơ ông xuất hiện thường xuyên trên các báo: Nam phong tạp chí, Văn học tạp chí, Phong Hoá, Tràng An, Sông Hương, Tân Tiến (Sa-đéc) v.v… Tập thơ đầu tay, cũng là tập thơ duy nhất Nam Trân góp vào thi đàn là Huế, Đẹp và Thơ (NXB Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1939). Huế, Đẹp và Thơ gồm 37 bài, chủ yếu là những sáng tác về con người và cảnh vật xứ Huế bình dị mà trữ tình. Nhà thơ sớm nhận ra sự phóng túng cởi mở của thơ tự do Pháp cả về phương diện nội dung cũng như hình thức, ông ngay lập tức thể nghiệm một lối Thơ Mới cho ngòi bút của mình và là một trong những người đầu tiên bước vào địa hạt của một thể loại thơ ca rực rỡ bậc nhất trong lịch sử thơ ca hiện đại Việt Nam với “lối thơ tả chân biệt thành một lối” (Hoài Thanh). Sự xuất hiện của thơ Nam Trân, đặc biệt là của Huế, Đẹp và Thơ vào thời điểm những năm đầu của Thơ Mới đã gây được tiếng vang, thu hút sự chú ý rộng rãi của độc giả. Năm 1942, Huế, Đẹp và Thơ vinh dự được Hoài Thanh, Hoài Chân trích tuyển 7 bài vào Thi nhân Việt Nam, số lượng bài tuyển chỉ đứng sau Chế Lan Viên, Nguyễn Bính 1 bài. Cùng Lưu Trọng Lư đứng hàng thứ sáu trong tổng số 46 tác giả có thơ tuyển.

Thưa quý vị đại biểu,

Không chỉ là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Hán Nôm; từng trải qua công tác tư liệu thư viện, từng kế tục nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phụ trách Ban Văn học Cổ cận đại, góp phần vào việc dịch Thơ văn Lý -Trần..., từ năm 1965, Nam Trân còn tham gia giảng dạy Kinh thi và Đường thi tại lớp Đại học Hán học đầu tiên do Nhà nước uỷ nhiệm cho Viện Văn học tổ chức (1965-1968). Ông cùng các bậc túc nho như Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình... góp nhiều tâm sức trong việc đào tạo một đội ngũ cán bộ có trình độ Hán học, có kiến thức Đông phương cho đất nước. Sau này, nhiều người đã thành danh trên các lĩnh vực khoa học xã hội Việt Nam. Nhưng thật đáng tiếc, thày Nam Trân đã không thể cùng học trò theo đuổi cho đến cùng khoá học, cũng như ông đã không thể đi tiếp con đường dịch thuật, nghiên cứu... vốn là niềm say mê lớn của chặng cuối đời ông. Ông mắc trọng bệnh và từ giã gia đình, bè bạn, học trò... vào một ngày Đông tháng 12 năm 1967, tính đến nay đã vừa chẵn 40 năm.

Thưa quý vị,

Đóng góp của Nam Trân cho sự nghiệp thơ ca, dịch thuật nói chung, cho công tác giảng dạy, nghiên cứu của Viện Văn học nói riêng, có ý nghĩa quan trọng, nhất là vào thời điểm đặt nền móng cho một nền văn hoá học thuật đa dạng mở ra trên miền Bắc. Để tôn vinh những đóng góp quý báu của ông, hôm nay chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, hồi ức về một Nam Trân - nhà thơ, dịch giả, một người thày yêu kính của chúng ta. Sự hiện diện của các nhà nghiên cứu, nhà văn, học trò, đồng nghiệp và người thân trong Lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh và 40 năm mất nhà thơ, thêm một lần nữa xác nhận những cống hiến quan trọng của ông cho lịch sử văn chương, học thuật nước nhà. Thành quả lao động khoa học và sáng tạo nghiêm túc của ông mãi mãi sẽ còn là món quà tinh thần cho các thế hệ đi sau.

Xin trân trọng cảm ơn.

Diễn văn khai mạc của Viện trưởng Viện Văn học nhân kỷ niệm 100 năm sinh và 40 năm mất nhà thơ - dịch giả Nam Trân (1907-2007)
Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm sinh và 40 năm mất nhà thơ - dịch giả Nam Trân (1907-2007)
PGS.TS Phan Trọng Thưởng
Viện Văn học