Đăng bởi Vanachi vào 26/06/2005 19:44, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 10/02/2006 11:05

Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời
Mây nước bao la tình lẳng lặng
Gió sương mờ mịt nhớ chơi vơi
Tương tư mộng thấy năm canh mộng
Luyến ái trời vương bốn phía trời
Đây nhớ đây thương mình tệ quá
Có ai khắng khít lại quên ai.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

“Nhớ Trường Xuyên” - một bài thơ đặc sắc về tình bạn của Hàn Mặc Tử

Nhà thơ Quách Tấn kể lại rằng ông có một người tình tên là Liên Tâm “phong thái xinh tươi, văn chương thanh nhã”. Quách Tấn không dám để lộ cho Hàn Mặc Tử biết phần vì ông có cảm giác “sờ sợ như một anh chồng ngoại tình đi chơi về khuya”, phần vì ông không muốn khoe cái hạnh phúc của mình trong lúc bạn đang lâm vào căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng có ai đó đã báo cho Hàn Mặc Tử biết mối quan hệ “khăng khít” giữa Quách Tấn và Liên Tâm. Tử bèn gửi cho Quách Tấn một bức thơ có ý trách móc, kèm theo bài thơ Nhớ Trường Xuyên:

Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời
Mây nước bao la tình lẳng lặng,
Gió sương mờø mịt nhớ chơi vơi.
Tương tư mộng thấy năm canh mộng,
Luyến ái trời vương bốn phía trời.
Đây nhớ đây thương mình tệ quá.
Có ai khăng khít lại quên ai!
Nếu không biết Trường Xuyên là một bút hiệu của Quách Tấn thì nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một bài thơ viết về tình yêu trai gái. Nhớ Trường Xuyên cho ta biết nỗi khao khát tình cảm của Hàn Mặc Tử. Tử trách bạn, hờn ghen bạn như trách móc hờn ghen một người tình. Bài thơ vừa thiết tha vừa nghẹn ngào vừa chân thật vừa say đắm. Tôi đã đọc hàng chục bài thơ viết theo thể Đường luật của Hàn Mặc Tử trong đó có những bài khá hay như Buồn thu, Thức khuya, Chuyến đò ngang… nhưng không hiểu sao vẫn thích nhất Nhớ Trường Xuyên. Có thể nói đây là một thơ viết về tình bạn văn chương đặc sắc của Hàn Mặc Tử.

Khi bình Tây Tiến của Quang Dũng tôi rất tâm đắc câu: “Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi…”, không ngờ Tử còn “nhớ chơi vơi” trước cả Quang Dũng. Tất nhiên cũng là “nhớ chơi vơi” nhưng ở mỗi bài thơ có một sắc thái riêng. “Nhớ chơi vơi” của Quang Dũng gợi lên cảnh núi rừng gắn với tình đồng chí, đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến. Còn “nhớ chơi vơi” của Hàn Mặc Tử là nỗi nhớ về người bạn thơ tri âm, tri kỷ mà “gió sương mờ mịt” đã che khuất bóng hình. Nỗi nhớ “chơi vơi” của Tử thật là tội nghiệp. Tử như đang rơi vào chân không… khoảng cách bây giờ trở nên vời vợi “mây nước bao la, tình lẳng lặng”. Nếu ở Buồn thu, thi sĩ:
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Thì ở Nhớ Trường Xuyên, ngược lại:
Tương tư mộng thấy năm canh mộng,
Luyến ái trời vương bốn phía trời.
Riêng về luật bằng, trắc thì đây là hai câu đối thanh vào loại chuẩn mực nhất:
BB TT BB T
TT BB TT B

Điều ấy chứng tỏ Hàn Mặc Tử sành điệu thơ Đường luật đến mức nào. Nhưng điều đáng nói hơn ở đây là cách sử dụng từ ngữ. Các từ “tương tư”, “luyến ái” thường chỉ dùng để diễn tả nỗi nhớ và tình yêu đôi lứa. Hàn Mặc Tử viết về tình bạn văn chương mà như đang viết về tình yêu đôi lứa. Phải chăng Tử vẫn coi Quách Tấn như “tình nhân” của mình? Mà đã coi Quách Tấn như tình nhân thì Tử có quyền “ghen”, có quyền trách móc, hờn dỗi Quách Tấn như trách móc, hờn dỗi với một tình nhân khi biết người mình yêu đang “ngoại tình” với người khác.
Đây nhớ, đây thương mình tệ quá
Có ai khăng khít lại quên ai
“Mình tệ quá” lời trách có phần nặng nề. Người ta nói có yêu mới ghen, càng yêu lại càng ghen. Hàn Mặc Tử vì quá yêu Quách Tấn nên mới giận dỗi đến như thế. Tử trách bạn “có mới nới cũ” có Liên Tâm nên hờ hững với mình. Phải là người khát khao tình cảm đến mức độ nào mới giận hờn như thế.

Trong lịch sử văn học từ xưa đến nay, thơ viết về tình bạn không hiếm. Đỗ Phủ có hai bài thơ viết về chuyện nằm mơ thấy Lý Bạch rất nổi tiếng (Mộng Lý Bạch). Lý Bạch cũng viết khá nhiều về tình bạn trong đó phải kể đến bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng. Ở ta, cùng thời với Hàn Mặc Tử - Quách Tấn có cặp: Xuân Diệu- Huy Cận. Họ là bạn “nối khố” của nhau, thuỷ chung với nhau cho đến trọn đời. Hồi ký của hai người đã phần nào nói lên điều đó. Trong tập Lửa thiêng, Huy Cận có bài Vạn lý sầu rất hay:
Người ở bên trời ta ở đây
Chờ mong phương nọ ngóng phương này
Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy
Trông vời bốn phía không nguôi nhớ
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay
Cơn gió hiu hiu, buồn tiễn biệt
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm sầu gối tay
Ở đây, Huy Cận cũng dùng từ “tương tư” để diễn tả nỗi nhớ. Nhưng cả bài thơ vẫn chủ yếu nói về tình bạn. Quách Tấn trong Mộng thấy Hàn Mặc Tử cũng như vậy:
Ôi Lệ Thanh! Ôi Lệ Thanh!
Một giấc trưa nay lại gặp mình
Nhan sắc châu pha màu phú quý
Tài hoa trổ bút nét tinh anh
Rượu tràn thú cũ say sưa chuyện,
Hương tạ trời cao bát ngát tình
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng…
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành
(Mùa cổ điển)
Bài thơ “bát ngát tình” nhưng là cái “bát ngát” của tình bạn. Còn Nhớ Trường Xuyên của Hàn Mặc Tử không chỉ đơn thuần là tình bạn văn chương. Bất cứ trai, gái nào đang hờn ghen với người mình yêu cũng có thể mượn Nhớ Trường Xuyên của Tử để bày tỏ tình cảm của mình, chỉ cần thay Trường Xuyên bằng tên người yêu là đủ. Với Hàn Mặc Tử Nhớ Trường Xuyên còn là cách trêu đùa. Tử vốn lành nhưng nghịch ngầm. Biết Quách Tấn đang mê Liên Tâm, Tử hờn ghen bạn cho vui. Hơn ai hết Tử biết không bao giờ Quách Tấn vì tình mà bỏ bạn.


Nha Trang.- 1998. Số 49 (tháng 7-8) (2023); KHPL: BĐ.04(91)

Mai Văn Hoan
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Nhóm bài

Bài này trong Lệ Thanh thi tập, cả bài Bút thần khai cũng vậy.
Còn bài Rung rồi trong tập Xuân như ý.

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời