Ôi cho ghê quá, ôi ghê quá
Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi


Đêm qua trăng vướng trong cành trúc
Cô láng giềng bên chết thiệt rồi
Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới
Chưa hề âu yếm ở đầu môi.

Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc
Cả một mùa xuân đã hiện hình
Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi
Chết rồi - xiêm áo trắng như tinh.

Có tôi đây hồn phách tôi đây
Tôi nhập vào trong xác thịt này
Cốt để dò xem tình ý lạ
Trong lòng bí mật ả thơ ngây

Biết rồi, biết rồi! Thôi biết cả
Té ra Nàng sắp sửa yêu ta
Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy
Như chưa xuân về thổ lộ ra.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Nghi ngờ câu thơ có phải của Hàn Mạc Tử

Bạn nào biết được đoạn thơ:

Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu
Đợi gió xuân về để lả lơi



Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

Có phải của Hàn Mạc Tử cho tôi biết với ( xin gửi: chinhchiphan@gmail.com)

Cám ơn


Tôi vừa đọc trên đồi thư pháp cạnh mộ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng ( Qui Nhơn) và nhớ rằng hình như câu đó của Vũ Hoàng Chương
“…đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân” (Lão Tử)
22.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Tìm hiểu về.... xuất xứ bài thơ...

... "Khi Hàn Mặc Tử đã thực sự biết mình mắc bệnh nan y, anh vẫn không hề tỏ vẻ sợ hãi lo lắng bên ngoài, nhưng có nhiều hiện tượng cho thấy anh tự đè nén nỗi lo âu từng giây từng phút.

Mặc dù mọi người trong gia đình vẫn tìm cách bưng bít dư luận xôn xao bên ngoài cái thành phố bé nhỏ nầy, mà mỗi một gia đình, mỗi một người dân đều như thông cảm nhau, hiểu biết lặng lẽ với nhau, như qua cả hơi thở. Vì vậy, cái truyền thống cảm nhận đó cũng đã đến với anh được.

Anh Trí vẫn biết cả: Từ con đường Khải Định, con đường Jules Perry cho đến Gia Long, những ai đã có triệu chứng mắc bệnh phong, anh đếm được cả trên đầu ngón tay. Câu chuyện Giang Đông Nhị Kiều ở Gia Long bỗng nhiên mất tích, vắng bóng từ một năm nay cả mùa hè trên bờ biển, càng làm cho anh xót xa hơn.

Nỗi đau buồn càng dồn dập cho anh, từ khi Hoàng Hoa về Huế, Mộng Cầm giải ước, khiến cho anh phải nhiều đêm thao thức, bồi hồi tâm sự nhiều tam canh, và tiếng đàn tranh của “Nàng” trước kia nghe sao dịu dàng, say đắm bao nhiêu thì nay trở nên dày vò ray rứt anh bấy nhiêu.

“Nàng” là Mỹ Thiện, ở cách nhà chúng tôi độ 30 mét thôi, một thiếu nữ người Huế, con gái nhà giáo họ Cung, vốn là một cây đàn tỳ bà lỗi lạc, lại còn nổi tiếng đàn đủ năm cây (tranh, tỳ, nhị, nguyệt, bầu).

Cho nên, cây đàn tranh dưới bàn tay tuyệt kỹ của nàng đã làm cho bao nhiêu con tim xao xuyến một vùng trời Khải Định.

Nàng đẹp như bức tranh thuỷ mặc tàu mà vẻ kiều mỵ tình tứ như ẩn như hiện dưới nét đan thanh mờ ảo.

Hình như con người nàng có nhiều tâm sự, mà chỉ bộc lộ vào những đêm khuya thanh vắng qua tiếng đàn tranh nỉ non như than thở, như bơ vơ tìm kiếm, đuổi theo vào tận cùng giấc cô miên trằn trọc, những tâm hồn nghệ sĩ, lẻ loi.

Tiếng đàn đó làm cho anh Trí vừa sợ hãi vừa lo lắng đợi chờ, những đêm dài tuyệt vọng vì biết mình mắc phải chứng nan y ghê gớm.

Anh thường đánh thức tôi dậy để cho có bạn, để cùng theo dõi tiếng đàn ma quái đó.

Có đôi khi bảo tôi gióng dây tơ cây đàn nguyệt, so phím cách không hòa điệu, khiến nhiều căn phố kế cận vang nhẹ tiếng động của tò mò.

Có phải vì thế mà nhiều bà đạo đức lên giọng nặng nề phê phán lẳng lơ mất nết. Nhất là bà kế mầu mẫu nàng, vốn không lớn tuổi hơn nàng bao nhiêu, theo dõi hằn học, chỉ vì bà cũng rất đẹp.

Tôi thỉnh thoảng có dịp đến hòa đàn với ông giáo, đôi khi cũng có nàng dự hòa, vì ông giáo rất nghệ sĩ và phóng khoáng, trẻ trung.

Anh Trí chỉ nghe danh nàng nhưng chưa biết mặt. Có lần anh hỏi tôi về nàng, tôi cười, đọc cho anh nghe mấy câu:

"… Và đôi mắt ai rười rượi buồn
Ngón tay trên phiếm nhẹ sầu buông
Trễ tràng mái tóc gây thương nhớ
Chỉ bấy nhiêu thôi đủ vấn vương."

Quả thật là tai họa “bạc số”. Chỉ có cách bảy tháng sau đó, khi tôi lên Đà Lạt, bỗng được tin nàng quyên sinh trong một giấc ngủ dài với 10 viên thuốc Véronal để từ giã cõi đời khắt khe độc ác.

Nàng đã mất, một buổi sáng cuối thu buồn thảm.

Nhà thương đã ra công chạy chữa. Họ không phục hồi được mạng sống nàng, nhưng đã phục hồi được tiếng thơm trinh bạch nàng, mà phương pháp chạy chữa đã có dịp chứng minh ngược lại những gi gì gièm siễm thị phi về nàng.

Mọi người đều ứa lệ. Vậy mà trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ, khi nghe Mỹ Thiện quyên sinh, đã có xôn xao luận điệu hoang thai. Ôi xót xa chưa!

Anh Trí khi nghe anh Bửu Dòng, từ nhà thương chạy về vội vã báo tin buồn cho cả xóm đang chờ đợi, bỗng sững sờ ngơ ngác.

Anh ngậm ngùi hồi lâu rồi lặng lẽ đi vào phòng riêng đóng cửa lại viết ngay bài thơ: CÔ GÁI ĐỒNG TRINH...

... Mấy tháng sau đó tôi về Qui Nhơn nghỉ tết. Anh Trí đem bài thơ trao cho tôi, giọng nghẹn ngào anh nói: Tao giải oan cho Mỹ Thiện đó. Rồi anh hỏi: “Sao, mi có khóc cho nàng được câu nào không?”...

_______

nt: @Vanachi! Câu kết của bài thơ nầy, chắc cần phải hiệu đính lại chút a!

"Như chưa xuân về thổ lộ ra" có lẽ không đúng. Trên bản của mình là "Như chực xuân về thổ lộ ra". Bạn coi lại nha!... Trân trọng.


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.
Thử hữu tắc bỉ hữu
Thử vô tắc bỉ vô
Thử sinh tắc bỉ sinh
Thử diệt tắc bỉ diệt
25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

^^

Mấy câu thơ này của Hàn Mặc Tử mà không phải của Vũ Hoàng Chương đâu

14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Về câu cuối bài

Theo em được đọc (không nhớ rõ nguồn) thì câu cuối là:
Nhưc chực xuân về thổ lộ ra.
Không biết đúng không nhờ mấy anh chị kiểm tra lại.
Tks mấy anh chị!

25.00
Trả lời
Ảnh đại diện

cảm ơn

đọc mà buồn nẫu ruột, cảm ơn bạn đã cho tớ hiểu về bài thơ sâu sắc này!

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Trả lời câu hỏi của bạn

Câu thơ trích trong bài ‘bẽn lẽn’ của Hàn Mạc Tử bạn nhé

Chưa có đánh giá nào
Trả lời