40 năm nay, nhà thơ Thâm Tâm đã là “người trong cõi nhớ”. Bạn bè đồng nghiệp của ông như Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Trần Độ, Tô Hoài... đã nhớ và kể lại cuộc đời hoạt động và sáng tác văn thơ của ông với một tình cảm chân thành trân trọng.

Thế nhưng nói đến Thâm Tâm, nhiều người nghĩ ngay đến T.T.Kh. T.T.Kh. là ai? Là người yêu của Thâm Tâm? T.T.Kh. chính là Thâm Tâm? Giữa T.T.Kh. và Thâm Tâm vào những năm 1937-1940 với những bài thơ tình tuyệt vời đã làm cho tên tuổi nhà thơ và nữ sĩ ấy vang vọng mãi trên thi đàn.

Những năm sau này, những đợt sóng, những luồng dư luận khác nhau về nghi vấn văn chương này vẫn dội lên. Một trong những chứng nhân quan trọng để làm rõ vấn đề là Thâm Tâm thì nhà thơ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1950... Ở Sài Gòn trước đây, nhất là năm 1970 người ta không ngớt tung ra những huyền thoại về Thâm Tâm và T.T.Kh. Vũ Bằng là người giỏi bịa chuyện đã làm rùm beng một dạo để tỏ mình là người từng trải, là người hiểu biết. Và trong những dịp ấy nhiều người cũng nhảy ra “ăn theo, bởi vì họ chỉ biết qua nghe, rồi nhặt nhạnh, thêm bớt, viết thành bài làm sang. Báo chí Sài Gòn lúc đó còn công bố thêm nhiều bài thơ giả cũng ký tên là T.T.Kh.

Hai năm nay, khi tập thơ Thâm Tâm ra đời, sự mến mộ của người đọc đối với nhà thơ được khẳng định thêm. Và lại xuất hiện trên báo chí những bài thơ viết say sưa đến quá nhiệt tình. Anh Hoàng Tiến viết liền hai bài. Một bài thơ đăng trên Nhân dân chủ nhật (số 23 tháng 7-1989) kể về T.T.Kh. Anh còn nói bài thơ Các anh in trong tập thơ Thâm Tâm là trích một bài đăng ở Người Hà Nội (2-9-1989) để cung cấp bản đầy đủ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Tư liệu anh có là từ nguồn nghe. Hai lần ở hai bài anh đều nói anh “may mắn” được gặp, được nghe cụ Lương Trúc, nhà thơ, bạn Thâm Tâm kể. Anh Hoàng Tiến nói: “Vì trách nhiệm của công việc khảo cứu và biên soạn, cũng như lợi ích của việc làm văn học sử sau này nên anh xin phép nhà thơ Lương Trúc cho công bố toàn bộ bài Tống biệt hành của Thâm Tâm. Đấy là một việc cần thiết và bổ ích (nếu như nghiêm túc, khoa học), chỉ tiếc một điều bằng lối văn lộng ngữ Hoàng Tiến đã đưa ra những nghi ngờ, những điều không có căn cứ. Vậy theo đó mà viết văn học sử, mà khảo cứu thì giấy mực đâu in cho xuể.

Trước khi nói về T.T.Kh, tôi xin có mấy đính chính ở một bài viết ngắn của Hoàng Tiến khi công bố bài Tống biệt hành.

Tập thơ Thâm Tâm do Nhà xuất bản Văn học in năm 1987 sao anh nói là Nhà xuất bản Giáo dục?

Giữa năm 1950 Thâm Tâm đi chiến dịch, làm báo mặt trận và hy sinh ở gần biên giới vì cơn bệnh tai ác, anh chỉ ghi nơi hy sinh: “Ở rừng Việt Bắc”.

Đúng là bài Tống biệt hành có một khổ cuối nữa mà Thi nhân Việt Nam cũng như Thơ Thâm Tâm không đưa vào. Khổ thơ đó như sau:
Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hờn căm.
Còn khổ thơ mà anh cung cấp cho bạn đọc là:
Mây thu đầu núi gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đã đổ thầm
Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc
Tiếng đời xô động tiếng lòng căm.
Tôi thì cho khổ thơ trên chính xác hơn vì đã in trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940.

Bài Các anh trong tập Thơ Thâm Tâm chỉ có 16 câu (4 khổ) lấy trọn vẹn từ báo Tiểu thuyết thứ bảy ngày 4-5-1940 Hoàng Tiến nghe đâu mà bảo đó chỉ là trích đoạn. Chắc anh tin vào ai đó đã đưa in trên Văn nghệ và nói rằng đây là bài thơ của Thâm Tâm, không có đề, mà ở đây thực ra mở đầu là 8 câu trên và kết thúc là 8 câu sau của bài Các anh, còn ở giữa là 56 câu khác không ăn nhập gì với kết cấu toàn bài. Vẫn bài thơ dài này cộng cả 64 câu, ông Nguyễn Tấn Long trong Việt Nam thi nhân tiền chiến in ở Sài Gòn năm 1968 lại đặt tên là Gửi T.T.Kh. Có lẽ cũng nghe ai nói rồi ghi lại.

Trở lại câu hỏi T.T.Kh. là ai? Tôi xin mách: Thanh Châu chính là người khơi nguồn thiên tình hận này. Năm 1937Tiểu thuyết thứ bảy đăng truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu kể lại mối tình ngang trái giữa chàng nghệ sĩ và thiếu nữ Mai Hạnh. Họ đã gặp nhau dưới hoa ti-gôn. Nàng sợ bố mẹ khổ tâm, sợ tai tiếng ở đời nên không dám bỏ nhà đi với người yêu - Nàng phải sống gượng ép với một người chồng. Ít ngày sau toà soạn báo nhận được hai bài thơ Bài thơ thứ nhất và Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.Kh. Khi hai bài thơ này được đăng, nhiều người nhận T.T.Kh. là người yêu của mình như Nguyễn Bính, J.Leiba, Thâm Tâm đã làm mấy bài thơ đáp lại tiếng lòng của thiếu nữ, giải bày tâm trạng đau đớn của mình. Trong nhiều bài thơ của Thâm Tâm thường thấy xuất hiện cái màu hoa, dáng hoa ti-gôn “như tim vỡ”.

Trong bài T.T.Kh. là ai? Hoàng Tiến viết T.T.Kh. “về sống ở Thanh Hoá đã bốn năm nay, không biết bà còn hay mất”, cụ Lương Trúc đã có dịp gặp đôi ba lần? Sự thật theo tôi, 50 năm nay đã rồi, T.T.Kh. đến nay vẫn còn là “ẩn số”. Một hồn thơ đầy xúc cảm, một con người cao thượng nói lên nỗi đau đớn của mình một cách tuyệt vời mà lại âm thành, mai danh ẩn tích, để lại cho đời, cho giới mày râu cầm bút biết bao bàng hoàng thương cảm, mến phục.

Một điều cần chú ý: Trước kia bà Thâm Tâm sống và học ở Thanh Hoá, khi xây dựng gia đình với Thâm Tâm thì ở Hà Nội và những năm kháng chiến chống Pháp lại ở Thanh Hoá mãi đến năm 1950 khi nhà thơ hy sinh, bà mới cùng bé Nguyễn Tuấn Khoa, con trai duy nhất lặn lội ra Việt Bắc, bà Thâm Tâm hiện nay vẫn đang ở Hà Nội.

T.T.Kh. là ai? Là Trần Thị Khánh, là Thâm Tâm - Khánh là Tuấn Trình - Khánh (vì tên thật là Thâm Tâm là Nguyễn Tuấn Trình)... Theo Việt Nam thi nhân tiền chiến (Sài Gòn 1968) có người còn nói T.T.Kh. chính là Trần Thị Khánh, người em gái đồng tông với nhà thơ Tế Hanh ở Thanh Hoá vân vân và vân vân. Tôi có thể nêu lên rất nhiều những huyền thoại huyễn hoặc nữa xung quanh cái tên T.T.Kh. này.

T.T.Kh. là ai? Là một thiếu phụ, nhưng chưa bao giờ xuất đầu lộ diện. Chỉ lộ ra cái tên T.T.Kh. Cái tên Trần Thị Khánh cũng là do suy luận, đoán. Theo tôi mọi cái tên diễn dịch, khẳng định ở trên đều là của giả. Ngay cả hai bài thơ tiếp sau là Đan áo cho chồng và Bài thơ cuối cùng dù được ký tên là T.T.Kh. cũng rất có thể là của giả, bởi vì xét về ý tứ, nghệ thuật thơ cũng có những mâu thuẫn, những điểm đáng ngờ.

Mã Giang Lân

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]