Tôi đi tàu về Ivanôvô
suốt đêm không sao ngủ nổi
như khách nửa được mời gọi
gần như người chẳng được mong.

Tôi đi bằng tàu thường
tàu đông, hàng chật ních,
chất đầy cam mịn xốp
hoa quả của đất mẹ Mat xcơva.

Bay qua bao nhiêu cánh rừng
cùng tiếng phì phò, tiếng ngáy
là bột giặt hàng nhập ngoại
và tất nhiên, cả chả, giò.

Trong ánh trăng sáng xanh
khách ngủ say như chết,
những giấc ngủ khó nhọc
đưa khách đi cùng tàu.

Bên đường dây thép vi vu
giấc ngủ nào đi cùng khách,
phải chăng chỉ có áo gối
trên tàu Nga mới tỏ tường.

Như toa tàu im lìm
chở hàng không có giá
được gắn theo tàu hoả
giấc ngủ cả nước Nga.

Cupê lơ mơ ngủ bốn người.
Mai sống sao - còn chưa biết?
Làm gì do đời định trước
Có ai định đoạt được rồi?..

Tàu xuyên mưa rơi lâm tâm,
đốt bóng đêm bằng ánh sáng,
khách đi tàu đều nằm ngáy
ôm vào ngực một thứ gì.

Bà già trên ngực ôm ghì
gói hàng toàn đồ quý giá
có hộp cà phê tan hết.
Bà lão thính ngủ lắm thay.

Vị quan chức đi công tác xa
nằm nhàu vải ga, chăn gối
ghì chặt vào lòng rác rưởi
đựng trong chiếc cặp vênh vang.

Một cô áo len, ngực to
mũi thở nhẹ như huýt sáo
ghì vào lòng trang trọng quá
ôm đứa con riêng của cô.

Và cả miền quê thân thương,
muốn ngả vào lòng trìu mến,
miền trung nước Nga một dải
tôi ôm chặt mãi trong lòng.

Bao nhiêu cách mạng, chiến tranh,
tro tàn xóm làng, thành phố,
lê thê vang tiếng gào rú
của bão tuyết và goá phụ Nga.

Tôi đã tự hỏi chính tôi
trong tiếng còi tàu và dây thép:
“Ta biết quá nhiều khủng khiếp
đã đủ đến hết đời chưa?”

Chính tôi còn hỏi lại tôi:
“Qua bao tháng năm cay đắng
ta đáng hưởng cuộc đời tươi sáng?
Ta đã xứng đáng hay chưa?”

Chở cả kinh nghiệm nước Nga
toa tàu vẹo nghiêng, mệt lử,
miệng làu bàu, nói nho nhỏ,
kêu rên cót két thành lời:

“Những gì do tưởng tượng ra
sẽ không bao giờ là hiện thực
ngay sau nhịp cầu đầu tiên.
Những gì không thành sự thật
sẽ bị người đời lãng quên,
dưới cây thánh giá gỗ bạch dương.”