và, Thương-Lắm.

không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương, đất nước của mình?
nhưng tôi biết:
bạn tôi đã đôi lần dừng chân ở Hà Nam.
bạn tôi cũng đã có đôi lần tắm bến sông Đáy, Kim Bảng,
nơi thơ ấu tôi, diễn ra với những buổi chiều mây vần vũ
với nhiều hình thù dễ sợ…
hoặc, những ngày mưa bão thốn ruột, trôi gan…
mẹ tôi chết lặng,
nhớ, thương chồng, mất sớm…
tôi nghĩ, chúng ta đã gặp nhau tự những ngày lênh láng đó.

tin thì tin. không tin thì thôi.

không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương, đất nước của mình?
nhưng tôi biết:
nhiều lần bạn tôi đã đi qua 17 phố Huế.
9 Bis Triệu Việt Vương. Trường Hàng Vôi, Nguyễn Du, Hà Nội.
nơi tuổi niên thiếu tôi treo lửng trên những cành, lá sấu xum xuê
niềm vui mùa thu chua / ngọt.
hay những chiếc lá bàng thương lắm:
đùm bọc tôi.
không để đám ve sầu thiêu cháy tâm hồn khờ, dại,
tôi / mùa hè / phượng vỹ phơi lụa đỏ ven hồ.
tôi nghĩ, nhiều phần chúng ta đã gặp nhau.
đã cùng bơi thuyền ‘petite chose’ trên hồ Thiền Quang
để trăng tráng một lớp thuỷ tinh mỏng, óng, vàng thân thể.
chúng ta đem trăng về.
ngủ với trăng dậy thì. đêm. áo mới.

tin thì tin. không tin thì thôi.

tôi biết bạn tôi từng chia khói với nhà thơ Hoàng Cầm
trên gác-ống đường Lý Quốc Sư.
bạn từng dấu những cút rượu cuốc lủi (hay quốc lủi?)
cho nhạc sĩ Văn Cao.
thời bao cấp?
tôi cũng biết bạn tôi từng để dành
những củ lạc mẩy nhất,
cho nhà văn Nguyễn Tuân.
tôi chỉ không biết bạn đã bao lần ngồi quán ông Lâm Toét
với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái?
có người kể với tôi,
đôi lần bạn cũng đã phải
để lại tranh, làm hình nhân thế mạng(?)

tin thì tin. không tin thì thôi.

không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?
trên quê hương, đất nước của mình.
nhưng tôi biết:
chúng ta đã gặp nhau giữa trái tim Saigon: chữ, nghĩa.
(hàng trăm năm trước. cả nghìn năm sau).
tôi biết bạn đã từng đi trên đường Trần Hưng Đạo
(khúc có hai rạp ciné kế cận nhau
và, một cái chợ nhỏ).
Hồng Thập Tự (đoạn chạy ngang hông Sở Thú)
tôi biết bạn cũng đã từng ở khu Thị Nghè.
tạm trú làng Báo chí Thủ Đức.
ngủ đỡ dăm đêm cư xá Thanh Đa.
ghé thăm căn nhà nào đó đường Trương Minh Giảng,
(chỗ ở sau cùng của mẹ tôi với người anh lớn!)
đó là những nơi tôi trải qua năm, tháng cuối cùng ở quê nhà.
tôi nghĩ hồi đó, chúng ta đã gặp nhau. (nhiều lần?)
chúng ta từng ngồi chung một quán nhậu.
thản hoặc,
chúng ta cũng có cười với nhau
dù không đứa nào nói một lời gì…
(sợ làm loãng khói, hương cuộc nhậu?)

tin thì tin. không tin thì thôi.

tôi không có khả năng đoán khẩu âm người đối diện
để suy ra sinh quán của người ấy.
nhưng tôi rất thích nghe giọng nói của bạn tôi
tuy đôi khi không kịp hiểu!.!
như chúng ta không hiểu những con đường, chim chóc, lá cây, hoa cỏ…
tỏ tình với chúng ta.
bí nhiệm trái tim,
thượng đế dành cho nhân gian
những ngày cả gió!
những đêm mịt mùng không một ngấn sao!
tội nghiệp thay
những cánh tay quờ quạng vói, đuối hư không.

tin thì tin. không tin thì thôi.

tôi rất thích nghe bạn tôi đọc hai chữ… “thì thôi!”
lúc chiếc mũ vải dính trên đầu
che dăm sợi tóc thưa. sớm bạc.
khi men-đời đã ngà ngà dẫn niềm vui / nỗi buồn (cùng lúc),
ngược / xuôi khắp cùng thân thể.
tôi vẫn nghĩ bạn tôi là một trong những đại-gia-chữ-nghĩa của Hà Nội
đem tình đi vương vãi khắp nơi…
mà không cần khuân, vác chữ trên vai.
như người ta quẩy đồ tế nhuyễn lúc ra khỏi nhà.
vì chữ, nghĩa của bạn tôi chính là những tế bào
làm thành con người, sự sống, hơi thở.
như hôm nay, bạn tôi vẫn còn ngồi đâu đó,
trên mặt đất rẫy đầy chết chóc, khổ đau này!
để chờ ngày gặp nhau…
thế nhé.
giữa quê nhà!


Calif. July 2017

Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông và tác giả Du Tử Lê vốn có giao tình từ khoảng năm 1992-93. Bài thơ này viết tặng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đăng trên blog cá nhân của mình.

“Tin thì tin. không tin thì thôi” là câu trong một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.