Em đã biết Hiến Chương nào cũng vậy
có những điều bắt buộc chúng ta theo
(như ngày mai thi lấy bằng lái xe)
ta cẩn thận ghi những điều phải nhớ

I

Khi em lạnh tôi biến thành ngọn lửa
củi thương yêu. Than đỏ hực ân tình
em cần thơ cho sáng dậy thơm hơn
tôi lập tức hoá thân thành vần điệu

II

Khi em bước tôi biến thành chiếc kiệu
ngựa hai hàng. Tứ mã chắc.... nan truy?
có sao đâu? Tôi nào hỏi mấy khi?
(dù lắm lúc cũng thầm ghen tức chứ)

III

Khi em viết tôi biến thành giấy mực
bút tương tư mực nhớ đến ai kìa?
giấy từ cây. Bút từ gỗ xa xưa
mực từ nhựa. Tôi từ em sống lại

IV

Khi em ngủ tôi biến thành chiếc gối
để phòng hờ.... ngộ nhỡ em muốn ôm
để đêm hờn em có cái vứt luôn
sáng nhặt lại. Thấy mình sao.... dữ thiệt

V

Khi em đọc, tôi biến thành chữ viết,
cả nghìn chương, chỉ chép chuyện đôi ta
mỗi đầu giòng: tên em sắp chữ hoa
cả chấm, hỏi cũng đậm mùi hạnh phúc.

VI

Khi em ốm, tôi biến thành tủ thuốc
thành tấm màn, che gió máy cho em
em chả cần phải lể, giác, hay xông
vì tôi đã hoá thành cây ngải cứu

VII

Khi em khóc tôi biến thành.... nước mắt
chảy giùm em - cho cạn sạch nổi niềm
để mắt em xanh - để môi em mềm
tôi là lá giữa buổi chiều.... sắp tối

IX

Khi em hát, tôi thành loa khuếch đại
cho cả làng, cả nước đổ ra nghe
giọng em cao - tôi bảo "gớm, thanh ghê"
giọng em thấp - tôi tha hồ thêu dệt

X

Khi em chết - cuộc đời này phải hết
không chỉ tôi, hoa cỏ cũng lên trời
thú lìa rừng. Chim chóc lạnh từng đôi
bao thế hệ vì em mà.... biến mất

Hiến Chương viết ngày tình yêu vô lượng
của hai người? - Vâng, của chúng ta thôi
mặc ai cười? mặc ai đó bĩu môi
họ ghen đấy. Bởi em là Thánh Nữ

Ta sẽ chết. Nhưng tình ta bất tử
vì mở đầu nhân loại: cuộc chơi riêng
Thơ ở Du và Chó Xù
cho con một góc mộ phần
cõi an vui rất cận gần với cha
cho con một góc mù loà
trái cây nhân thế chát lè môi non
cho con một chút núi sông
(chút thôi cũng đã buồn muôn năm rồi)
cho con một mảnh giấy rời
vẽ nhăng vẽ cuội. Vẽ người giống ma
cho con một chút quê nhà
ngắm xong gấp lại. Vứt ra ngoài đường
cho con một chút điên cuồng
con chim gẫy cánh còn thương lối về.