Trong bài “Đài tưởng niệm thơ Tây Tiến” của mình được in ở Báo Công an nhân dân số 79 cuối tuần ra ngày 26/7/2009, tôi có viết về nhà thơ Quang Dũng như thế này: “Từ quê tôi vùng bán sơn địa Thạch Thất ra quê ông chỉ mất một thôi đi bộ, khoảng mươi cây số, vượt qua đường ngầm vắt ngang dòng sông Đáy là tới quê ông. Con sông Đáy ấy rất gần gũi với người Hà Tây cũ chúng tôi và bây giờ là quê chung mang tên Hà Nội. Sự thân thuộc ấy đến mức nhiều người yêu văn thơ khi đi qua vùng bãi mía, nương dâu của sông Đáy dù ở quãng nào nhất là những vùng đất thuộc huyện Quốc Oai, không thể không nhớ tới những câu thơ của ông trong Đôi mắt người Sơn Tây:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khuắt thổi đêm trăng.”

Đoạn trích thơ trên đã “có chuyện”. Tôi được một nhà thơ nhắc nhở về chuyện trích dẫn sai thơ của nhà thơ Quang Dũng. Sau đó có những người yêu thơ cũng nói với tôi về chuyện này.

Một sự quan tâm hết sức lý thú của người yêu thơ với bài thơ viết về đôi mắt giàu thân phận, một đôi mắt rất con người của một vùng đất cụ thể có tên là Sơn Tây để thành Đôi mắt người Sơn Tây sau được đổi thành Mắt người Sơn Tây. Tôi bị “phê bình” là người thơ xứ Đoài mà trích dẫn nhầm cả những câu thơ hay về xứ Đoài của thi sĩ Quang Dũng.

Cụ thể như sau:

Đoạn tôi trích thơ trong bài báo là “Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng”. Theo người góp ý đúng ra phải là: “Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng”. Và tiếp theo là câu, tôi trích thơ là “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc”, theo người góp ý đúng ra phải là “Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc”. Bị người đọc nhắc nhở tôi mới giật mình nhớ ra là khi viết bài báo này và trích những câu thơ hay về Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng, “cậy” mình cũng là người xứ Đoài và yêu thơ ông nên cứ nhớ gì ghi nấy chứ không soi vào văn bản nên mới bị như vậy.

Giận mình về tính chủ quan, tôi vội lên mạng dò hỏi và tìm sách đọc xem cái phần đúng sai của mình như thế nào về việc trích dẫn bốn câu thơ nổi tiếng kia của nhà thơ Quang Dũng. Tôi đã tìm về các văn bản gần như gốc của bài thơ này của hai nhà thơ tri âm tri kỷ của nhà thơ Quang Dũng, đó là nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Ngô Quân Miện. Văn bản của nhà thơ Trần Lê Văn tôi tìm được từ cuốn Thơ hay có lời bình - 100 bài của nhiều tác giả do nhà thơ Vân Long tuyển chọn, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành đầu năm 2000. Và của nhà thơ Ngô Quân Miện là trong tuyển tập Xứ Đoài thơ (Nhà thơ Ngô Quân Miện chọn thơ) do Hội Văn học Nghệ thuât Hà Tây ấn hành năm 1994. Trong hai tập sách này đều đã chọn in toàn bộ Mắt người Sơn Tây.

Từ hai văn bản tin cẩn ấy đối chiếu ra thì so với lời phê của người đọc tôi chỉ sai có một nửa. Đó là câu “Về núi Sài Sơn…”, tôi lại ghi là “Lên núi Sài Sơn…”. Còn câu “…Chậm nguồn qua Phủ Quốc” thì tôi đúng như hai văn bản trên và nhiều văn bản khác nữa tôi đã được đọc. Dáng chảy thật của Sông Đáy cũng cho ta cảm quan vậy khi nó ở trong địa phận Quốc Oai. Bờ sông thì vẫn địa dư ấy nhưng dòng nước thì trôi về xuôi và ra biển cho dù nó chảy chậm vì đã có đập Đáy ngăn nước ở phía trên. Như vậy sông Đáy chỉ có thể “chậm nguồn qua Phủ Quốc” chứ không thể “chậm nguồn quanh Phủ Quốc” được. Nếu chảy quanh thì hẳn là con sông chảy vòng rồi mà điều này là không có thực.

Chính nhà thơ Trần Lê Văn trong lời bình về bài thơ Mắt người Sơn Tây cũng đã viết: “Nghĩ đến ngày chấm dứt chiến tranh, anh hình dung ra cảnh hân hoan. “Khúc hoàn ca” hào hùng tuyệt đẹp nhưng cũng “rớm lệ”, những giọt lệ của niềm vui tái ngộ. Anh cũng hình dung cảnh thanh bình sẽ tới của xứ Đoài với đồng lúa vàng dưới núi Sài Sơn, với sông Đáy ung dung chảy qua Phủ Quốc và đêm trăng trầm bổng tiếng sáo diều… (sách đã dẫn). Còn câu tôi trích sai thì đúng là gặp nhiều sách in “Về núi Sài Sơn…”

Tôi tìm đọc thêm nhưng vẫn chưa hề gặp một từ nào là lên núi cả. Tôi nhớ có một lần nào đó lâu rồi khi còn công tác trong Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây nhân buổi đàm đạo văn thơ chung có nhắc tới bài thơ Mắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng mọi người sôi nổi bàn tới câu thơ “Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng” và luận ra phải là “Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng” mới đúng.

Tôi cũng ngẫm ngợi và nghĩ rằng chỉ có “leo lên mới ngó xuống” và cảm thấy cách luận ấy là có lý và định tâm lúc nào đó gặp nhà thơ Quang Dũng hỏi cho ra nhẽ nhưng không có dịp và ấn tượng về chữ lên núi đó đã theo tôi mãi về sau để dẫn đến sự “trích sai” này. Tôi nghĩ như vậy bởi hai người bạn thân của nhà thơ Quang Dũng là nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Ngô Quân Miện khi tuyển chọn Mắt người Sơn Tây cũng đã dùng câu “về núi” chứ không “lên núi” theo như chủ quan tôi nghĩ…

Nhưng chưa phải đã hết về dị bản trong một số câu chữ khác của bài thơ nổi tiếng này. Ngay câu thơ ở đầu của bài thơ Mắt người Sơn Tây thì văn bản trong bài bình thơ của nhà thơ Trần Lê Văn viết:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Trong tuyển tập Xứ Đoài thơ do nhà thơ Ngô Quân Miện chọn thơ lại in là:
Em mới thành Sơn chạy giặc về
Và còn tiếp.

Bản của nhà thơ Trần Lê Văn in:
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Trong Xứ Đoài Thơ do nhà thơ Ngô Quân Miện chọn thơ thì câu thơ thứ tư có khác một từ. Đó là:
Khúc hoan ca rớm lệ
Tuyển tập Thơ Hà Tây thế kỷ XX do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây in năm 1997 và cả bản bình thơ của nhà thơ Trần Lê Văn nữa trong bài thơ Mắt người Sơn Tây đều in:
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Còn Xứ Đoài thơ lại in:
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Trong Tuyển tập thơ Quê hương của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2001 về bài Mắt người Sơn Tây có in câu thơ:
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Và:
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thì trong Thơ Hà Tây thế kỷ XX lại in:
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Và:
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Trong cuộc tìm kiếm và đọc Mắt người Sơn Tây này tôi còn bắt gặp những dị bản khác nữa in trên mạng:

Như:
Bao giờ trở lại làng Bương Cấn
Hoặc:
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Và:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Thành:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Bản thân nhà thơ Quang Dũng theo nhà thơ Trần Lê Văn cho biết thì ông cũng đã từng sửa chữa bài thơ này của mình. Tỷ như mới đầu bài thơ có tên là Đôi mắt người Sơn Tây sau vì muốn tính ảo và tính thực của bài thơ mở ra hơn nhà thơ đã bỏ đi chữ đôi và giữ lại bốn từ là Mắt người Sơn Tây.

Riêng tôi thì lại muốn đọc đề bài thơ như cũ là Đôi mắt người Sơn Tây vì nó có cảm giác gần gụi và đằm thắm hơn. Cũng theo nhà thơ Trần Lê Văn, trong bài thơ có câu thơ gắn liền với cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng về một đôi mắt thăm thẳm xanh có thật với gương mặt có pha chút hình dáng Tây Phương của người con gái ở phía non Đoài đã giúp cho thi sĩ có câu để đời là:
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Nhưng cũng có thời vì lo lắng nọ kia mà ông sửa câu này thành:
Mắt em như nước giếng thôn làng
Một câu thơ thứ cấp so với câu trên. Mắt em ví với nước giếng thôn làng làm sao có thể lung linh huyền diệu bằng cái dìu dịu buồn Tây Phương ấy được khi mà có thể chỉ là của nhà thơ Quang Dũng và những đứa con dứt ruột của Xứ Đoài mới nhận ra và thấu hiểu được cái vời vợi và sâu thẳm ấy của người thơ và nhân vật của câu thơ…

Lâu nay, Đôi mắt người Sơn Tây hay Mắt người Sơn Tây với hàm ý từ danh từ trở thành tính từ của cái đẹp. Tuy có từ nọ chữ kia đọc hoặc in khác đi nhưng hồn cốt của bài thơ vẫn nguyên vẹn trong tình yêu của người yêu thơ với bài thơ. Tình yêu ấy là tình yêu nằm lòng và thường được cất lên bằng cảm xúc riêng mỗi người.

Những sự có thể khác nhau ấy trong đôi ba từ ngữ của bài thơ tôi nghĩ phải chăng đó là điều thú vị và niềm hạnh phúc của những tác phẩm giàu tín đồ. Bởi bài thơ Mắt người Sơn Tây đã được rất nhiều người đọc và thuộc. Trong cái thuộc lòng ấy không tránh được cái cảm cái nhớ theo nỗi yêu của mỗi người mà dẫn đến những dị bản chữ nghĩa đáng yêu này!

Bạn học của tôi là nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp lúc sinh thời đã thuộc lòng Mắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng. Anh còn thuộc cả bài hát mang tên bài thơ này do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc nữa.

Mỗi lần bạn bè Sơn Tây gặp nhau nếu có Nguyễn Kế Nghiệp thường thường là chúng tôi yêu cầu anh đọc bài thơ này cho mọi người cùng thưởng thức. Như chạm phải mạch giếng trong vắt của những vùng đồi quê kiểng, mắt chàng trai Sơn Tây ấy như mê đi và anh cất giọng:
Em mới thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?

Tôi có biết chuyện một người ngày xưa đóng quân ở Sơn Tây. Chuyện rằng nhiều đồng ngũ của anh đã là con rể xứ Đoài, riêng anh chỉ được yêu mà không được lấy nên sinh buồn biết bao nhiêu ngày. Đến lúc chuyển quân đi chiến đấu, xa cái vùng quê dưới chân non Tản mỗi lần nhớ về người con gái mình yêu nơi ấy anh thường ngân nga những câu thơ này của nhà thơ Quang Dũng:
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Em có bao giờ em nhớ ta…
Tương truyền ở thành phố Sài Gòn ngày trước lưu hành rất rộng rãi bài thơ này. Nó quen thuộc và kỳ diệu đến mức những cô gái có đôi mắt đẹp của Sài Thành người ta thường gọi đó là Đôi mắt người Sơn Tây và nhà thơ Quang Dũng với thi phẩm này của mình cùng thi phẩm Tây Tiến… đã trở thành một thần tượng thơ của những người yêu văn học.

Với tôi lần đầu tiên khi vào miền Nam có một kỷ niệm khó quên với một người con gái miền Tây Nam Bộ. Em có một tiếng “dạ” làm người nghe dịu lòng vô cùng và một đôi mắt, đôi mắt thăm thẳm xanh trong im lặng mà chứa biết bao lời khiến tôi nhiều lần muốn ướm hỏi về cội nguồn của sự lay láy ấy trong cái nhìn rằng người sinh ra em có phải là người có quê gốc ở đất Bắc, sinh ở Xứ Đoài? Vân vi hoài điều ấy vì sợ rằng mình sẽ thành kẻ ngộ nhận nhưng rồi cũng có một lần không kìm được lòng mình tôi đã ý tứ thăm dò…

Và lần ấy em đã nói với tôi:

- Dạ, ba em bộ đội tập kết, má em người núi Tản sông Đà đó anh!

Kỳ lạ về bài thơ và đôi mắt ấy - Đôi mắt người Sơn Tây!

Phan Quế

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]