Cụ Hoàng Cao Khải vốn người Hà Tĩnh, đậu cử nhân, nhờ công đánh dẹp các cuộc kháng Pháp của Văn thân mà bước công danh lên đến tột bậc. Con cháu đều làm quan to. Hai người con trai làm đến Tổng Đốc.

Kể cũng đã thật hiển hách.

Nhưng cũng như Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc, họ Hoàng từ xưa đến nay luôn bị búa rìu thanh nghị.

Cho nên đem sánh họ Hoàng cùng Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, là hai bậc trung thần đời Lý đời Trần, tài cao đức cả, danh thơm còn để muôn đời, thì chẳng khác khen một người sức trói gà không chặt, học chưa biết chữ nhất mấy ngang, là lực ngang Hạng Võ, tài sánh Đông Pha. Đó là mỉa mai, là châm chích, mỉa mai châm chích theo lối để sắc trắng bên sắc đen, đặt Dương Quí Phi cạnh Chung Vô Diệm.

Để cho độc giả dễ nhận thấy điểm dụng ý (lời xuôi ý ngược) trong câu thơ, tác giả dùng phép đảo ngữ: Lý Hiến Thành nói là Hiến Thành Lý, Trần Nhật Duật nói là Nhật Duật Trần.

Ý phúng thích ở câu luận lại càng sâu sắc hơn:

Pháp Nam hai nước một công thần.
Theo danh giáo thì Trung thần bất sự nhị quân. Thế mà họ Hoàng lại là công thần của hai nước Pháp Nam, thì lòng trung đâu còn là một? Mà lòng trung không duy nhất thì đâu còn có thể gọi là trung thần?

Câu này làm cho ý châm phúng trong câu trạng thêm rõ.

Con người như thế mà gọi là vỹ nhân, mà cầu chúc trời thêm tuổi thọ, thì thật là hài hước!

Cụ Hoàng Cao Khải là người giỏi thơ Quốc âm, đọc bài thơ Mừng thọ kia chắc là xốn xang tâm bào lắm, nhưng chắc cũng phải khen thầm là văn chương già dặn sâu sắc.


Nguồn: Quách Tấn, Hương vườn cũ, NXB Hội nhà văn, 2007
tửu tận tình do tại