Chưa có đánh giá nào
2 người thích
Từ khoá: đức tin (146) thiên duyên (243) chữ quốc ngữ (1) Xuân Diệu (1)
Đăng ngày 25/09/2015 11:55, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 26/09/2015 06:10, số lượt xem: 682

Ngày em về phơi tóc nắng quê cha
Vòm không gian mây kết khối tầng ngà
Nở hồn thơ anh quẫy tràn sông mẹ
Hí hửng mắt nhìn hồn vút khơi xa.


Nước Mặn* tổ tiên chữ được chia xa
Nôi Quốc ngữ thơm Đức Tin thánh hiến
Em ngắm đọc bao trang viết vị tha
Em uống từng Lời dẫn vào sự sống.

Đến Gò Bồi** em đón “Mùa Thu tới”
Vương tơ lòng kim cổ cứ chơi vơi
Khúc khích cười tung tăng quê Gò Thị
Ánh Kim Thông*** sáng toả rạng chân trời.


Vũ hoàn trường tồn bước chân truyền giáo
Lộng ra khơi neo câu chữ Tin Mừng
Cùng Mặc Tử trầm ru đón Tiếng gọi
Nắng Quy Hoà soi mắt biển rưng rưng.

Có một Làng Sông**** ngỡ ngàng nụ mới
Cánh đồng thơm nở hoa đời tận hiến
Theo Giêsu dâng Giêsu tất cả
Chọn Quê Trời miền đất hứa an vui.


Em đã về để lại cất bước đi
Mây trưởng thành cho một ngày gieo hạt
Loan Tin Vui mọi nẻo đường hướng thượng
Có Cha bên em khoe sắc Xuân thì.

Quy Nhơn ngày 20/9/2015, tặng “Cô Bé Ướt Áo”, cộng đoàn văn thơ Công Giáo, các văn sĩ Đường Trường 3, dịp hành hương theo dấu chân các nhà truyền giáo, cùng hồn thơ Hàn Mạc Tử, về cội nguồn khởi phát Chữ Quốc Ngữ.

* Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân nhấn mạnh về vai trò “chiếc nôi” quốc ngữ của cư sở Nước Mặn: “Nước Mặn, với tư cách là cảng thị, lại có cư sở của các giáo sĩ dòng Tên, thuở phồn vinh không chỉ là một trung tâm thương mại, trung tâm tôn giáo, trung tâm thiên văn mà còn là một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và cũng là nơi Latin hoá tiếng Việt”. Cư sở Nước Mặn cũng là “trường quốc ngữ” đầu tiên cho các thừa sai đến sau như linh mục Emmanuel Borges -1622, linh mục Gaspar Luis, linh mục Girolamo Majorica -1624...
** Gò Bồi (xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, Bình Định), còn được gọi thân thương là “Xứ Nẫu”, nơi gắn bó suốt tuổi thơ của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu.
*** Thánh Tử Đạo Anrê Nguyễn Kim Thông- Năm Thuông (1790-1855) quê Gò Thị, Bình Định.
**** Làng Sông: Chủng Viện Làng Sông được xây dựng từ năm 1864, cũng là nơi đặt nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) năm xưa, trở thành một trong ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài sách tiếng Latinh và tiếng Pháp, nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) đã in một số lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại như: Giáo lý, kinh thánh, giáo dục ấu học, trung học, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng, lịch, sách dịch. Nay là cơ sở Hội Dòng Nữ Tì Giêsu Tình Thương.