Đoạn tuyệt gia đình với núi sông,
Phất cờ Đông học trẩy tiên phong.
Lục quân Nhật Bản tinh thao luyện,
Chiến địa Trung Hoa thoả vẫy vùng.
Bắc Hải vẫn ghi lời thoại biệt,
Long Xuyên bao xiết chuyện trùng phùng.
Thái Nguyên độc lập năm ngày trọn,
Cho biết tay đây cọp sổ lồng.


Năm 1914, Lương Ngọc Quyến ghé Nam Vang thăm cha (cụ cử Lương), mới được mấy ngày thì tung tích bại lộ (do tên phản quốc là Nguyễn Bá Trác mật báo cho Pháp) nên không dám đi thẳng qua Xiêm mà trở về Sài Gòn rồi qua Xiêm bằng đường Hương Cảng, nhưng bị cảnh sát Anh bắt ở Hương Cảng giao cho Pháp. Năm 1915, ông bị giải về Hà Nội, giam ở nhiều nơi, sau cùng ở Thái Nguyên. Tên công sứ Thái Nguyên lúc đó là Darbes, đứng đầu trong “tứ hung”, sai dùi bàn chân của ông để buộc xích sắt, khiến ông liệt hẳn một chân. Mặc dầu vậy, ông vẫn liên lạc được với viên đội khố xanh Trịnh Cấn (tức Đội Cấn). Năm 1917, Trịnh Cấn kéo cờ khởi nghĩa phá ngục chiếm đồn. Người ta cõng Lương Ngọc Quyến từ trong ngục ra để ông chỉ huy mọi việc. Nghĩa binh làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên từ 30-8 đến 5-9, dùng lá cờ năm ngôi sao làm quốc kỳ, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, công bố hai bài tuyên ngôn với quốc dân. Sau không chống cự nổi với quân Pháp, phải rút lui. Đội Cấn xếp đặt võng cáng để đưa ông đi, nhưng ông thấy như vậy chỉ thêm phiền cho anh em chiến sĩ, nên quyết định chết ở Thái Nguyên, nhờ Đội Cấn bắn một phát vào giữa ngực mình (5-9-1917).

Bài thơ này do Dương Bá Trạc làm sau khi được tin ông Quyến mất. Dương Bá Trạc là bạn thân với ông Quyến từ lúc còn đi học cho tới sau cùng nhau làm cách mạng. Trong thời gian ông Quyến bị bắt thì không Trạc bị người Pháp đưa đi an trí ở Long Xuyên.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]