Những nghĩ chim lồng chắp cánh bay,
Hoạ khi phận rủi có hồi may.
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Tổ bợm ai ngờ mắc phải tay.
Hai chữ tin hồng trao gác nguyệt,
Một roi vó ký tếch đường mây.
Mẫu đơn vùi vập cơn mưa gió,
Cái nợ yên hoa khéo đoạ đày.


Giai thoại kể rằng trong cuộc thi vịnh Kiều vào mùa xuân năm Ất Tị (1905) ở Hưng Yên, trong đó Chu Mạnh Trinh được giải nhất về thơ Nôm. Nguyễn Khuyến được mời làm chủ khảo, khi đọc bài này đã phê: “Rằng hay thì thật là hay, Nho đối với bợm lão này không ưa.” Chu Mạnh Trinh không bằng lòng, nên nhân ngày tết gửi tặng Nguyễn Khuyến một chậu trà với dụng ý bảo Nguyễn Khuyến đau mắt không thấy sắc đẹp. Nguyễn Khuyến làm bài Sơn trà gửi lại Chu Mạnh Trinh để mỉa mai.

Tuy nhiên trong sách Chu Mạnh Trinh - Thơ và giai thoại (NXB Văn hoá Thông tin, 2000), tác giả Lê Văn Ba đã đưa ra những cứ liệu thuyết phục để khẳng định rằng Chu Mạnh Trinh không phải là người tặng hoa trà cho Nguyễn Khuyến. Cũng có thuyết nói người tặng hoa trà là Dương Lâm, em Dương Khuê. Vì Nguyễn Khuyến không ưa Dương Lâm nên Dương cố ý tặng một chậu hoa hữu sắc vô hương để chơi xỏ, ý nói Nguyễn Khuyến không có mắt để nhìn người.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]