Nói về văn tài ở nước ta từ trước đến nay ngoại trừ Nguyễn Du khó có thể tìm được một người thứ hai khả dĩ sánh vai được với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 (?)-1939). Văn chương của ông đa dạng và rất phong phú. Ông không những tinh thông Hán học mà còn có biệt tài về chữ quốc ngữ, tiếng nói của hơn tám mươi triệu dân Việt ngày nay. Với một tấm lòng yêu nước nhiệt thành ông luôn luôn tận tuỵ với tiếng nói của dân tộc. Ông làm chủ báo, viết xã luận, tiểu truyện, tin tức, phóng sự, và giảng dậy văn thơ trên mặt báo bằng chữ quốc ngữ. Ông cũng đã dịch sách Đại học, Kinh thi, Thơ Đường, và Liêu trai chí dị sang Việt ngữ. Nhưng đỉnh cao của văn tài này vẫn là thơ. Đọc thơ ông dù là thơ sáng tác hay phiên dịch, chúng ta cảm thấy thương ông, gần ông hơn vì âm điệu cũng như ý tưởng thuần tuý Việt Nam, không đài các, pha trộn, không phách lối, kiêu căng mặc dầu ông tự nhận hay có tính ngông. Nhưng ngông vì hoàn cảnh buộc ông phải ngông, cái ngông của một kẻ sĩ. Có tài mà không đạt thì phải ngông chứ còn làm gì khác hơn được.

Vì nhiều lý do những tác phẩm của Tản Đà đã không được phổ biến rộng rãi. Sở dĩ chúng ta còn được đọc sách của Tản Đà là nhờ công trình của hai người thân trong gia đình. Người thứ nhất là Nguyễn Mạnh Bổng, chủ nhân nhà xuất bản Hương Sơn. Nguyễn Mạnh Bổng là nội huynh hay anh vợ Tản Đà. Ngay sau khi ông mất nhà xuất bản Hương Sơn gom góp những bài vở ông viết đăng rải rác trong các sách báo và in ra thành sách lấy tên là Tản Đà vận văn toàn tập. Từ đó đến nay, mặc dầu còn nhiều thiếu xót cuốn sách này là sách duy nhất mà những người yêu chuộng văn thơ Tản Đà còn có thể tìm kiếm được. Phải chờ đến đầu năm 2002 chúng ta mới lại có dịp thưởng thức văn tài của Tản Đà qua năm cuốn sách in lại hầu hết những tác phẩm của ông, mỗi cuốn dầy trên dưới 500 trang, dưới tiêu đề tổng quát Tản Đà toàn tập do người con trai lớn của ông là Nguyễn Khắc Xương sưu tầm và biên soạn với sự cộng tác của học giả Hán-Nôm Nguyễn Quảng Tuân.

Bài viết dưới đây không có mục đích giới thiệu hay phê phán Tản Đà toàn tập. Người viết chỉ muốn nêu lên một nhận xét sau khi đọc bài thơ Chim hoạ mi trong lồng in trong sách này. Trước khi đi xâu vào vấn đề tôi xin mạn phép dài dòng trình bầy cùng quí độc giả lý do tại sao tôi lại nêu lên thắc mắc trên.

Lần đầu tiên tôi biết đến bài Chim hoạ mi là khi đọc cuốn sách Chơi chữ của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc cách đây cả trên hai chục năm. Cuốn sách này đã được xuất bản ở Saigon khoảng năm 1970. Sau này được in lại ở Hoa Kỳ năm 1978. Dưới đây là nguyên văn toàn thể bài thơ và lời ghi chú của Lãng Nhân:
Ở An Thái Hà nơi Hoàng Cao Khải hưu dưỡng, thường có mở ra những cuộc vui chơi, như chọi gà, đánh cờ người, chọi chim hoạ mi... Một buổi chọi chim đã làm đầu đề cho bài vịnh sau đây, ám chỉ gian thần:

Chim hoạ mi

Hoạ Mi, ai hoạ nên Mi,
Mã thì cũng đẹp, hót thì cũng hay.
Ai đưa Mi đến chốn này,
Nước trong, gạo trứng Mi rầy cứ sơi.

Lầu hồng gác tía thảnh thơi,
Mi ăn, Mi nhẩy, sướng đời nhà Mi.
Khen thay Mi cũng gặp thì,
Tổ xưa Mi có nhớ gì nữa không?

Ăn rồi rồi lại hót thong dong
Bởi thế nên Mi mắc phải lồng.
Gạo trứng nước trong Mi thú nhỉ
Vào luồn ra cúi có vinh không?
Lãng Nhân không ghi rõ ai là tác giả bài thơ trên và về phương diện văn chương bài này không có gì đặc sắc nên tôi cũng đọc để biết vậy thôi chứ không để tâm ghi nhớ.

Cách đây không lâu tôi mua được một cuốn sách viết bằng tiếng Anh trình bầy khá đầy đủ văn học Trung Quốc từ thời cổ tới đời nhà Đường. Tôi ham đọc sách này lắm vì nó là phương tiện duy nhất đối với những người như tôi muốn tìm hiểu văn thơ Trung Hoa mà lại không đọc được Hán tự. Khi đọc được một bài thơ nào tôi thích như Ly tao của Khuất Nguyên, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, hay Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu mà muốn biết xem bản gốc nói gì thì tôi lại đi tìm những sách viết bằng Việt ngữ phiên dịch những bài này. Thường thường những sách này mặc dầu không nhiều đều có bản chữ Hán đi kèm với lời dịch nghĩa sang tiếng Việt. Phương thức này đã giúp tôi học hỏi được nhiều lắm nhưng khá vất vả vì phải lội ngược dòng. Ở trang 879 của cuốn sách Anh ngữ tôi để ý đến bài thơ tứ tuyệt của Bo Juyi (Bạch Cư Dị) vịnh trường hợp một con chim hoàng anh từ An Nam gửi biếu. An Nam là nước Việt ta ngày nay khi đó rất xa lạ đối với Bạch Cư Dị. Thi nhân còn ngạc nhiên hơn nữa vì bộ lông quá đẹp của chim mà tiếng hót lại giống như tiếng người. Nhà thơ bèn nẩy ra ý tưởng so sánh chim hoàng anh với nhân tài, nếu nó quí và hiếm như thế thì đến bao giờ nó mới được hưởng tự do.

The red cockatoo (820)
Sent as a present from Annam

A red cokatoo.
Colored like the peachtree blossom,
Speaking with the speech of men.
And they did to it what is always done
To the learned and the eloquent.
They took a case with stout bars
Anh shut it up inside.

(Con vẹt đỏ
Từ An Nam có gửi biếu một con vẹt mầu đỏ

Lông đẹp như hoa đào,
Tiếng hót như tiếng người.
Rồi như người ta thường làm
Với những người uyên bác, tài hoa,
Lấy lồng nan chắc chắn
Nhốt nó lại.)
Tôi nghĩ nếu lời văn đẹp, ý tưởng cao xa, và bài thơ có liên hệ đến nước ta như thế thì thế nào cũng đã có người dịch từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Tra một số sách về thơ Đường và hỏi loanh quanh trong số các bằng hữu thông hiểu Hán học ở Hoa Kỳ thì không ai biết về bài thơ này. Với hy vọng cuối cùng tôi gửi bản tiếng Anh về nước cho học giả Nguyễn QuảngTuân nhờ tìm dùm. Một tuần sau tôi nhận được hồi âm với nguyên bản chữ Hán và bản phiên âm Hán-Việt, nhưng không có bản dịch sang thơ tiếng Việt. Dưới đây là bản phiên âm sang Pin-Yin, Hán-Việt, và dịch nghĩa của học giả Nguyễn Quảng Tuân:

Hóng ying wu (Pin-yin)

An Nán yuan jìn hóng ying wu
Sè sì táo hua yu sì rén.
Wén zhang biàn huì jie rú ci,
Lóng jiàn hé nián chu dé shen.

Hồng anh vũ (Hán-Việt)
An Nam viễn tiến hồng anh vũ,
Sắc tự đào hoa ngữ tự nhân.
Văn chương biện tuệ giai như thủ
Lung hạm hà niên xuất đắc thân.

Chim hoàng anh
Nước Nam xa tiến chim hoàng anh.
Sắc tựa hoa đào, tiếng tựa người.
Văn chương biện bạch đều tài giỏi,
Muốn thoát khỏi lồng, khó lắm thôi.
Theo bản tiếng Anh chúng ta thấy hai câu cuối đã không theo sát bản gốc với ý tưởng bóng bẩy mà có định ý dịch nghĩa một cách cụ thể hơn.

Sau khi đọc Chim hoạ miThe red cockatoo tôi không có một ý niệm gì về sự liên hệ giữa hai bài thơ này. Vì hai bài thơ tuy có những điểm tương tự như chim có bộ lông đẹp, tiếng hót hay, bị nhốt ở trong lồng, nhưng dụng ý của hai bài thơ thì lại khác hẳn nhau. Bài Chim hoạ mi ngụ ý chê bai Hoàng Cao Khải là một đại thần của Nhà Nguyễn mà lại cam tâm luồn cúi người Pháp diệt văn thân để đưọc hưởng vinh hoa phú quý. Còn bài của Bạch Cư Dị thì có tư tưởng cao đẹp sót thương cho số phận của những người có văn tài mà bị kìm hãm không được tự do bay nhẩy.

Phải đợi cho đến khi đọc Chim hoạ mi trong lồng và những lời chú thích kèm theo trong Tản Đà toàn tập tôi mới tự hỏi không biết có sự liên hệ gì giữa bài thơ của Bạch Cư Dị và bài của Tản Đà. Để tránh hiểu lầm và hy vọng lập luận của tôi sáng sủa hơn, tôi ghi lại dưới đây nguyên văn bài thơ và chú thích của Nguyễn Khắc Xương.

Chim hoạ mi trong lồng

Hoạ mi, ai vẽ nên mi?
Trông mi mi đẹp, hót thì mi hay!
Ai đưa mi đến chốn này?
Nước trong gạo trắng, mi ngày ăn chơi!

Lồng son cửa đỏ thảnh thơi,
Mi bay mi nhẩy sướng đời nhà mi!
Nghĩ cho mi cũng gặp thì,
Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không?

Bài này năm 1932, Tản Đà cho in ở Khối tình con III và chú trong mục là “Hữu thanh”. Chúng ta biết Hữu thanh hồi Tản Đà làm chủ bút là 1921.

Theo Tiên Sơn (Tạp chí văn học số 4-1970) thì: “Trước năm 1932, Tản Đà đã cho đăng bài này lên báo Nam phong dưới hình thức sưu tầm Một bài thơ cổ và không ký tên. Một lần sau đó, Tản Đà lại cho đăng bài đó trên Phụ nữ tân văn nhưng cũng chỉ ký XXX. Năm 1932, ông mới chính thức cho in bài Chim hoạ mi trong lồng vào Khối tình con thứ ba và ghi rõ cả thời gian sáng tác bài thơ.”

Bài này là một bài sáng tác tại chỗ trước mặt Hoàng Cao Khải trong cuộc thi thơ vịnh chim hoạ mi do Hoàng Cao Khải tổ chức. Tản Đà đi cùng cử nhân Ngô Thế Phổ (Tả Thanh Oai, dòng dõi Ngô Thời Sĩ); đọc xong bài này, cả hai ra xe tay thuê sẵn đi luôn (theo lời cụ Ngô Thế Hoằng, con cụ Ngô Thế Phổ).
So sánh hai bài thơ vịnh chim hoạ mi trên, một bài in trong Chơi chữ và bài in trong Tản Đà toàn tập, thì thấy giá trị của hai bài thơ xa cách nhau một trời một vực. Ngôn từ dùng trong bài Chim hoạ mi mà Lãng Nhân ghi lại có những lời văn gò bó, trúc trắc, thô thiển, đọc lên nghe như một bài vè chứ không nhuần nhuyễn, thuần Việt như bài thơ của Tản Đà. Hơn nữa bài của Lãng Nhân ngoài tám câu lục bát còn thêm phần tứ tuyệt tựa như ghép thêm một cái chân lỏng lẻo nữa vào cái kiềng ba chân vốn dĩ đã đủ vững vàng. Bốn câu này hình như chỉ được ghép thêm vào cho hợp với câu chuyện thi thơ vịnh chim hoạ mi đặt ra để phỉ báng Hoàng Cao Khải. Đọc kỹ tám câu lục bát tôi thấy bài thơ không có ám chỉ riêng một người nào. Nó chỉ chung chung nói đến một số người được ngoại bang cho hưởng giàu sang phú quý mà quên mất cội nguồn. Như vậy thì có biết bao nhiêu thượng thư, khâm sai đại thần dưới thời Nhà Nguyễn thuộc vào loại này chứ không riêng gì Hoàng Cao Khải. Sau khi đã chấp nhận bài thơ in trong Tản Đà toàn tập là bản dựa vào đó để nghiên cứu, tôi muốn xác định thời điểm xuất phát của bài Chim hoạ mi trong lồng, ai là tác giả, và tác giả đã sáng tác hay phóng tác bài thơ đó.

Hiện nay chưa có đủ tài liệu nghiên cứu để biết rõ Tàn Đà đã in bài Chim hoạ mi trong lồng trong những sách báo nào và mỗi lần in lại như thế có sửa đổi gì không. Dựa vào Tiên Sơn, như Nguyễn Khắc Xương đã ghi lại trong phần chú thích ở trên, thì Tản Đà đã cho in bài thơ đó trong báo Nam phong nhưng không ký tên, trong báo Phụ nữ tân văn dưới ẩn danh XXX, và trong Khối tình con III năm 1932. Đây là bản Nguyễn Khắc Xương cho in lại trong Tản Đà toàn tập. Trong bản này ông có nhắc đến báo Hữu thanh xuất bản năm 1921 mà ông là chủ bút. Nếu những gì Tiên Sơn viết là đúng thì bài thơ Chim hoạ mi trong lồng đã ra mắt công chúng tất cả là bốn lần. Và lần đầu tiên là bài in trong báo Hữu thanh năm 1921. Dương Quảng Hàm đã lầm khi ghi Tản Đà làm chủ bút Hữu thanh tạp chí năm 1924.

Điều đáng lưu ý là Tản Đà cho đăng bài thơ trong báo Nam phong dưới hình thức sưu tầm “Một bài thơ cổ” vô danh. Vậy bài thơ cổ đó là bài thơ gì nếu không phải là bài thơ Hồng anh vũ của Bạch Cư Dị ở thế kỷ thứ chín. Tôi tin rằng bài thơ Hồng anh vũ không qua mắt được các nhà nho ta. Nhưng vì ý tưởng phản nghịch quá rõ rệt, quá táo bạo nên không ai dám tự nhận dịch sang chữ quốc ngữ vì sợ hại đến thân hay ít lắm cũng ảnh hưởng đến con đường tiến thân. Do đó bài thơ đã được một người nào đó thông hiểu Hán học phóng tác vịnh chim hoạ mi và truyền miệng rộng rãi trong dân gian với mục đích thức tỉnh lòng yêu nước. Buổi đầu bài thơ truyền khẩu có lẽ còn ở trong trạng thái thô sơ tương tự như tám câu đầu ghi trong Chim hoạ mi của Lãng Nhân và rồi Tản Đà là ngưởi đã gọt rũa nó thành Chim hoạ mi trong lồng, trải chuốt, bóng bẩy như chúng ta biết đến ngày nay.

Lịch sử văn học Anh cũng có ghi một trường hợp không giống hẳn như vậy, nhưng cho thấy, trước khi văn thơ được thương mại hoá như bây giờ, tác giả nào khi đã sửa lại một bài thơ mà trước đó đã được phổ biến trong dân gian thì tự mình không muốn nhận quyền tác giả. Trong số người Việt biết tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc đã theo phong trào hướng đạo đều thuộc bài Auld lang syne (Tạm biệt) thường hát vào đêm tất niên dương lịch hoặc lúc chia tay sau kỳ họp bạn. Bài này là một bài hát đồng dao cổ ở miền núi Tô Cách Lan (Scotland) phổ biến dưới nhiều diện khác nhau. Tới năm 1788, nhà thơ Robert Burns (1759-1796) đã sửa lại bài hát đó thành một bài hát phô thông, nhưng không nhận quyền sở hữu. Ai ai cũng vẫn tưởi bài đó là một bài đồng dao vô danh cho đến khi tìm thấy lá thư của Robert Burns viết cho một Bảo Tàng Viện trong đó ông có ghi bài Auld lang syne của ông thì mọi người mới chính thức công nhận ông là tác giả của bài hát nổi tiếng thế giới đó.

Khi đã biết rõ nguồn gốc của bài thơ Chim hoạ mi trong lồng và thời điểm bài thơ đó lần đầu tiên được phổ biến trên báo chí, chúng ta cần xét xem có cơ sở vững chắc hay không lời tương truyền là bài thơ đó đã được sáng tác tại Thái Hà ấp trong một cuộc thi thơ do Hoàng Cao Khải tổ chức. Cả hai tác giả Phùng Tất Đắc và Nguyễn Khắc Xương đều nêu lên sự kiện trên mặc dầu Phùng Tất Đắc không nêu rõ tính danh Tản Đà.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết Hoàng Cao Khải (1850-1933) lập ấp ở Thái Hà, Hà Đông, trước khi Tản Đà ra đời. Sở dĩ tôi dám khẳng định như vậy dù không có tài liệu chắc chắn trong tay (tài liệu này cũng dễ tìm ở trong nước) vì biết rằng Tam Nguyên Yên Đổ đã nhận lời mời về dậy con cháu của Kinh lược sứ ở ấp này vào những năm 1891 đến 1893. Khi người Pháp bãi bỏ Nha Kinh lược Bắc Kỳ vào năm 1897, Hoàng Cao Khải, được triều đình Nhà Nguyễn triệu về Huế và trao cho chức Thượng thư Bộ Binh. Người Pháp lúc đó phải đương đầu với các thủ lĩnh văn thân đang chống đối mãnh liệt, trong số đó Phan Đình Phùng là một đối thủ đáng kể hơn cả. Có lần người Pháp đã dùng Hoàng Cao Khải, một văn tài thời bấy giờ, viết thư chiêu dụ họ Phan về hàng nhưng ông đã khảng khái cự tuyệt. Sau khi việc chiêu dụ không thành, người Pháp đã đề nghị với triều đình phong cho Nguyễn Thân làm Khâm sai đại thần đem quân vào Hà Tĩnh truy lùng nghĩa quân kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng. Năm đó là năm 1895. Cũng trong năm này Phan Đình Phùng bị bệnh mất trong chiến khu và phong trào cần vương theo đó dần dần tan rã. Để tưởng thưởng công lao cho Nguyễn Thân người Pháp đã cử y làm Phụ chính đại thần và triều đình Nhà Nguyễn cũng phong cho y tước Quận công. Trong triều như vậy có hai đại thần, cả hai đều được lòng người Pháp, đang tranh nhau quyền uy. Nhưng rồi trước sức chèn ép của Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải yếu thế phải lưu về Thái Hà ấp nghỉ hưu. Nguyễn Thân ít lâu sau đò cũng hồi hưu và chết vào năm 1914.

Vậy trong khoảng thời gian từ 1900, năm đó cậu Ấm Hiếu mới 12 tuổi, cho đến năm 1915 là năm Ấm Hiếu lấy vợ, liệu Ấm Hiếu có dịp nào diện kiến Quận Công Hoàng Cao Khải ở Thái Hà ấp không? Tôi nghĩ rằng không vì cậu còn quá trẻ và còn đang lo chuẩn bị thi Hương. Hơn nữa sau khi thử thời vận hai lần không được, người mà cậu thương trộm nhớ thầm mong đưọc võng anh đi trước võng nàng theo sau nếu chàng đậu cử nhân, cũng bỏ chàng đi lấy người khác. Đây là giai đoạn đau khổ nhất trong cuộc đời của Tản Đà. Sau khi thất tình, chàng đã bỏ về quê đi lang thang thăm chùa chiền cho vợi mối sầu.

Giai đoạn mà Tản Đà có thể đụng nhau với Hoàng Cao Khải hoặc nghĩ đến việc làm thơ phỉ báng họ Hoàng là thời gian ông bắt đầu nổi tiếng sau khi tập thơ (Khối tình con I, 1916; Khối tình con II, 1918) ra đời và có nhiều tiểu luận đăng trong Đông Dương tạp chí, và Nam phong. Đó là giai đoạn từ năm 1916, năm Nguyễn Khắc Hiếu lấy tự hiệu Tản Đà, cho đến năm 1921 là năm ông nhận làm chủ bút báo Hữu thanh và cũng là năm Chim hoạ mi trong lồng ra mắt công chúng lần đầu. Có thể nói đây là giai đoạn khởi sắc và vinh quang nhất của Tản Đà. Thi sĩ đi đâu cũng được trọng vọng, thù tiếp. Văn nhân thời bấy giờ coi ông như một thiên tài hy hữu và nếu có dịp được ông tiếp kiến thì xem như một đặc ân. Chúng ta hãy xem Phan Khôi nghĩ gì về Tản Đà: “Tôi biết ông Nguyễn Khắc Hiếu từ năm 1918, khi tôi bắt đầu ở Hà Nội viết cho tạp chí Nam phong. Một đêm mùa xuân lạnh ngắt, tôi đương nằm đọc sách ở cái gác của nhà báo ấy ở Hàng Bông, tức là ngụ sở của ông Nguyễn Bá Trác bấy giờ. Bỗng có khách vào. Ông Trác giới thiệu cùng tôi: Đây ông Nguyễn Khắc Hiếu. Tôi như có điện chạy trong người, ghê rợn, vùng đứng dậy!

Thật thế. Cái tên Nguyễn Khắc Hiếu bấy giờ không phải vừa, đối với tôi lại càng long trọng lắm. Tôi nghe mà rùng rợn lên, có thật thế.”

Lưu Trọng Lư kể lại cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của ông với Tản Đà: “...một buổi sáng tôi xin vào ‘yết kiến’ nhà thi sĩ mà bấy giờ tôi coi như là một vị sứ giời sai xuống, hay là bị đày xuống cõi trần gian để làm một ông nhà nho ngông, một nhà thi sĩ nghèo, một ông chủ báo phiêu bạt, làm cái ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, mà khắp trần gian đều khét tiếng... Tiên sinh tiếp tôi với cả sự xa vời, khách sáo. Hình như, thi nhân vẫn còn giữ cái vẻ cách biệt của một tiên ông đối với kẻ phàm trần...”

Riêng Tàn Đà thì ông đã tự coi mình là “Khổng Tử chi đồ” và là một “trích tiên” ưa ngao du sơn thuỷ, lấy thơ làm bạn, lấy rượu giải sầu. Một người với phong cách cao thượng như vậy thì không có lý nào lại hạ mình xuống làm một cử chỉ kiểu Ba Giai Tú Xuất để đối đầu với một người mà mình không ưa. Hơn nữa tuổi tác quá trênh lệch giữa Tản Đà và Hoàng Cao Khải không cho phép tôi nghĩ rằng nhà thơ đã dám vượt khỏi lễ giáo Khổng Mạnh thời đó, mặc dầu nho học không còn được tôn trọng như thời trước, đến trực diện phỉ báng một người mà quần chúng coi là có hành động hại dân, bán nước.

Những gì mà tôi trình bầy trên đây chỉ là luận cứ hơn là chứng cứ dựa vào đó để bác bỏ huyền thoại thi sĩ Tản Đà về Thái Hà ấp làm thơ chế giễu Quận công Hoàng Cao Khải. Nếu chấp nhận huyền thoại này, chúng ta đương nhiên đã chối bỏ nguồn gốc cao xa giữa bài thơ Hồng anh vũChim hoạ mi trong lồng đồng thời đã làm giảm giá trị thi phú của một nhà thơ hàng đầu nước ta. Trừ phi có bằng chứng xác đáng hơn, chúng ta không nên tiếp tục huyền thoại này trong các loại sách đứng đắn viết về Tản Đà, nhất là trong các loại sách giáo khoa nơi học sinh không có đủ kiến thức để phân biệt thế nào là huyền thoại thế nào là văn chương thực sự.

Đức Giang