Dòng đời. Đôi lúc thật lạ, anh và tôi chả biết nhau lại thích tiếng khóc của mình - tiếng khóc của người đàn ông. Người tôi muốn nói là chàng nhà thơ Chiêu Dương - một thi sĩ thất tình.
Đúng vậy, thất tình là cái sướng nhất của thi ca; ở nhân thế, ai cũng phải có đôi lần tương tư, thậm chí bị lưới tình bao lấy như con cá không hề lối thoát.
Anh viết:
“Em đã khóc,
Như bao lần đã khóc
Nước mắt rơi,
Lem ướt tuổi xuân thì
Anh đã khóc,
Như bao lần đã khóc
Bất lực nhìn... Định Mệnh dắt em đi!”
nghĩa là cả tuổi xuân em chẳng có gì vui, đã từng khóc, khóc, khóc và chỉ biết khóc. Phải chăng người nữ nào khi va vào tình yêu cũng thế? Không, còn người nam, chính người nam cũng không kém phần yếu mềm. Nghệ thuật diễn đạt thơ anh ở câu: “Lem ướt tuổi xuân thì” làm người đọc xao xuyến, thấy tội nghiệp làm sao! Rồi anh và em cũng như nhau, có khác gì đâu, là khóc cho đã cái kiếp người đau khổ để hiểu hạnh phúc là gì. Có thể khẳng định ai chưa từng biết khóc thì chưa hiểu nụ cười và giá trị của nó. Đương nhiên, tôi không khuyến khích các bạn độc giả khóc để rồi bi luỵ, mà phải biết đứng lên từ biển máu đau thương đời mình hay chông gai mà kéo ra từng gai nhọn: rướm máu, chảy máu, văng máu và khô máu linh hồn. Sự lặp lại một trạng huống như Chiêu Dương và người yêu của anh có tác dụng “ép phê sự thống khổ” để than vãn, ta thán cho định mệnh trái ngang, mà định mệnh thì phải vậy mới gọi là định mệnh; chính chúng ta phải tập sống chung cùng nó. Anh kết:
“Anh đã khóc, / Như bao lần đã khóc/ Bất lực nhìn... Định Mệnh dắt em đi!”. Tôi cảm nghe như toàn cơ quan trên cơ thể anh bị động và thị giác đã hoá mù ngơ ngẩn: “Bất lực nhìn...”! Chao ôi, nỗi thống khổ này xin hãy dành cho những ai từng khóc.
Và bây giờ thơ đã là thơ, là tác phẩm rung động, cảm thông được ai đó.
Tôi hạnh phúc và xin phân ưu tình cảm anh. Chúc anh sẽ phát huy thơ tình cho mọi người xem!


Hàn Quốc Vũ
Cái Bè, Tiền Giang, 12-06-2015