洋婦行

西洋少婦衣如雪,
獨憑郎肩坐清月。
卻望南船燈火明,
把袂喃喃向郎說。
一碗醍醐手懶持,
夜寒無那海風吹。
翻身更倩郎扶起,
豈識南人有別離。

 

Dương phụ hành

Tây Dương thiếu phụ y như tuyết,
Độc bằng lang kiên toạ thanh nguyệt.
Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh,
Bả duệ nam nam hướng lang thuyết.
Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì,
Dạ hàn vô ná hải phong xuy.
Phiên thân cánh thiến lang phù khởi,
Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly!

 

Dịch nghĩa

Người thiếu phụ phương Tây áo như tuyết
Tựa vai chồng dưới bóng trăng thanh
Nhìn thuyền người Nam thấy đèn lửa sáng
Kéo áo chồng thì thầm nói
Tay cầm uể oải một chén sữa
Đêm lạnh à đây gió biển thổi
Nghiêng mình đòi chồng đỡ dậy
Biết chăng có người Nam đang chịu cảnh biệt ly.


Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Lê Tư Thục

Thiếu phụ Tây Dương áo trắng phau,
Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu,
Ngó thuyền Nam thấy đèn le lói,
Kéo áo rì rầm nói với nhau.
Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay,
Gió bể đêm sương thổi lạnh thay!
Uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy,
Biết đâu nỗi khách biệt ly này?

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
73.57
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Thiếu phụ phương Tây áo trắng tuyết,
Vai chồng ngồi tựa dưới vầng nguyệt.
Nhìn thuyền Nam đến rực hoa đèn,
Kéo áo nói chồng câu nhỏ nhít.
Chén sữa thờ ơ cầm một tay,
Phải chăng gió biển lạnh đêm nay.
Nghiêng mình cô muốn chàng nâng dậy,
Có biết người Nam ly biệt đây.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Sửa chữ Hán

Các bác ơi, sửa giùm em mấy chữ Hán:
1. Câu 1: Tây dương (洋) không phải "Tây phương"
2. Câu 2: Thanh 清 nguyệt bác ạ, không phải "minh nguyệt"
Cám ơn các bác!

14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn

Thiếu phụ phương Tây áo màu huyết
Dưới trăng bên chồng ngồi ghé vai
Ngó sang thuyền Nam đèn nến sáng
Tay nắm áo chồng trò chuyện dài
Một li sữa cầm vẻ chểnh mảng
Đêm biển từ đâu gió lạnh về
Đứng lên lại có chồng nâng đỡ
Có biết người Nam nỗi biệt ly


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Hải Như

Cô đầm áo trâng tuyết in
Vai chồng khẽ ngả ngắm nhìn trăng trong
Thấy thuyền ta sáng - liếc trông
Lạ lùng cô kéo áo chồng líu lô
Cầm tay cốc sữa hững hờ
Lả người trước gió biển vừa chuyển đêm
Nũng chồng - đòi đỡ mình lên
Có hay ly khách thuyền bên đang buồn...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Hoàng Tạo

Cô gái phương Tây áo như tuyết
Ngồi kề vai chồng dưới ánh nguyệt
Nhìn sang thuyền ta đèn sáng choang
Níu áo, cùng chồng nói ríu rít
Uể oải cốc sữa biếng cầm tay
Gió bể chừng e đêm lạnh đây
Nhích lại còn đòi chồng đỡ dậy
Tình ta ly biệt có ai hay


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Văn Nhĩ

Thiếu phụ Tây Dương, áo như tuyết
Tựa vai chồng, dưới nguyệt đêm thanh
Nhìn đèn sáng bên thuyền Nam
Kề vai níu áo, ríu ran chuyện trò
Tay cầm chén sữa to, uể oải
Đêm lạnh sao chịu mãi gió khơi
Nghiêng mình đòi nâng dậy ngồi
Biết đâu thuyền khách có người biệt ly!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bình giảng bài thơ Dương phụ hành

Trong cuộc đời chìm nổi của mình, Cao Bá Quát có dịp đi lại nhiều nơi. Nhà thơ ở vào số ít các quan lại triều Nguyễn được ra nước ngoài. Đó là khoảng cuối năm 1841, hoặc đầu năm 1842, sau khi ông bị triều đình bắt giam vì tội sửa hộ bài thi của thí sinh. Chuyến đi ấy thật ra cũng chẳng có gì là vẻ vang, bởi phái đoàn của ông sang Indonesia và Campuchia nhằm mục đích đem đường đi bán để đổi lấy những thứ hàng xa xỉ về cho triều đình. Với Cao Bá Quát, có thể đây lại là dịp may, vì nhà thơ được có dịp ra khỏi một đất nước đang bế quan toả cảng, nhìn ngắm thiên hạ.

Trong chuyến đi ấy, Cao Bá Quát đã sáng tác khá nhiều thơ. Bài Dương phụ hành là một trong những bài được viết trong cuộc hành trình vất vả đó. Bài thơ thế hiện cái nhìn tinh tế, phóng khoáng của một vị quan phương Đông, vốn là nơi rất cổ hủ, khe khắt, đối với cảnh tình tự, âu yếm của một đôi vợ chồng trẻ Tây dương. Chính vì lẽ đó, có người đã xem đây như một “bài kí”.

Phiên âm:

Tây dương thiếu phụ y như tuyết,
Độc bằng lang kiên toạ thanh nguyệt,
Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh,
Bá duệ nâm nâm hướng lang thuyết.
Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì,
Dạ hàn vô ná hải phong xuy.
Phiên thân cảnh sảnh lang phù khởi,
Khởi thức Nam nhân hữu biệt li.

Dịch nghĩa:

Người thiếu phụ Tây dương áo tráng như tuyết,
Dựa vai chồng dưới bóng trăng thanh.
Nhìn thuyền người Nam thấy đèn lửa sáng,
Kéo áo nói rì rẩm với chàng.
Một cốc sữa hững hờ trên tay,
Gió bể thổi hơi lạnh ban đêm không chịu nổi.
Nghiêng mình đòi chồng nâng dậy,
Há có biết người Nam đang ở cảnh biệt li.
Đúng! Dương phụ hành là một bài kí bằng thơ kể chuyện vào một đêm thanh vắng, giữa biển cả, có một người phụ nữ (Tây dương) đang nũng nịu với chồng. Nàng có thấy ánh đèn sáng ở một chiếc thuyền gần đó (Nam thuyền). Song, mặc, bây giờ nàng chỉ biết có chồng. Gió bể thổi lạnh đến không chịu nổi (Dạ hàn vô ná hải phong xuy), nàng cùng mặc. Tình yêu khiến người ta có thể quên đi tất cả!

Câu chuyện kể ra cũng là thường tình. Cặp vợ chồng ấm êm nào, nhất là trong hoàn cảnh đang đi xa, lại không có được? Nhưng ở vào thời Cao Bá Quát và mãi về sau, cảnh ấy với người phương Đông lạ lắm. Ngay cả khi là vợ chồng, trước mặt người khác, mà tỏ ra ân cần, gần gũi đã khó chấp nhận, huống chi là âu yếm với nhau. Những kẻ có quyền cao, chức trọng là đấng “quân tử”, càng không thể, cho dù trong lòng anh ta có muốn đi chăng nữa. Vì thế, trong ca dao đã có lời giễu cợt: Ban ngày quan lớn như thần / Ban đêm quan lớn tần mần như ma, Hay như ông Tổng đốc Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiểu đã như ngây dại trước vẻ đẹp và tiếng đàn rỉ máu của Thuý Kiều, nhưng cảnh ấy cũng diễn ra kín đáo, trong phút chốc nên Nguyễn Du mới lấy làm lạ: Còn bình thường, quan Tổng đốc là “mặt sắt đen sì”, nghiêm trang, oai nghi lắm!

Vậy thì, có gì đáng nói ở cảnh trên Tây thuyền đêm ấy? Cái lạ là con người đang lặng lẽ ngắm nhìn, thậm chí tỉ mỉ nữa. Người ấy nhìn thấy tất cả mọi chi tiết của cảnh tượng kia: thiếu phụ là người Tây dương; nàng mặc chiếc áo trắng như tuyết; nàng tựa vai chồng dưới bóng trăng thanh; nàng nhìn sang Nam thuyền thấy đèn sáng trưng rồi kéo áo chồng ríu rít chuyện trò… Đến chi tiết nhỏ: người thiếu phụ cầm cốc sữa trên tay với dáng vẻ hờ hững, uể oải (sữa đối với nàng có quan trọng gì đâu!). Đã thế, nàng còn nũng nịu đòi chồng nâng mình dậy. Bài thơ như một cuốn phim quay chậm, từng chi tiết một hiện ra, không sót bất kì hình ảnh nào. Dù hai thuyền khác nhau, nhưng qua cách miêu tả, ta thấy gần lắm. Cặp uyên ương kia dường như chẳng để ý tới ai. Và, cái người đang lặng lẽ nhìn ngắm kia mới lặng lẽ, kín đáo làm sao! Người ấy quan sát tỉ mỉ chứ không phải tò mò. Đôi mắt ông không hề xoi mói. Trái lại, cảnh ấy như là chuyện đương nhiên, bình thường ở trên đời. Đây mới chính là cái lạ của bài thơ. Cao Bá Quát là nhà nho lẽ ra phải “khó chịu” với cảnh đó, nhưng nhà thơ lại nhìn chúng bình thường chẳng phải là điều rất lạ sao?

Song, vấn đề đâu chi là nhìn ngắm một cặp uyên ương đang tình tự. Đấy còn là một quan niệm sống, một cách nhìn đời. Cách nhìn đời đó hoàn toàn trái ngược với “chính thống”. Cho rằng Dương phụ hành thể hiện cái nhìn phóng khoáng, bao dung của Cao Bá Quát thì chưa đủ. Ánh mắt ấy thể hiện một tư tưởng, tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, đề cao hạnh phúc trần thế của con người, đối lập quyết liệt với tư tưởng, đạo đức phong kiến mà đến thời Cao Bá Quát đã trở thành gông xiềng ghì siết lấy con người. Nói vui, triều đình Huế gồm rất nhiều ông quan hay chữ, kể cả Tự Đức cũng là một ông vua khá hay chữ. Lẽ ra, sau chuyến Cao Bá Quát xuất dương hiệu lực, họ nên đọc thơ ông thì hẳn sẽ không có một Quốc sư của Lê Duy Cự trong cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (1853)! Mà chẳng phải đến bài thơ Dương phụ hành tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa mới bộc lộ mạnh mẽ ở Cao Bá Quát.

Bài thơ có 8 câu thì 7 câu đầu là miêu tả cảnh trên tàu Tây dương, thể hiện khách thể. Qua sự miêu tả ấy, ta hiểu tư tưởng của Cao Bá Quát. Nhà thơ chỉ dành có một câu để nói về mình:
Khởi thức Nam nhản hữu biệt li.
(Biết đâu nỗi khách đang sầu biệt li)
Chỉ có một câu thơ thôi nhưng người đọc giật mình, thảng thốt. Hoá ra, con người suốt từ đầu đến giờ cứ lặng lẽ ngắm nhìn đôi uyên ương kia đang đau đớn nhường nào! Câu thơ ấy cung xoá đi ý nghĩ cho rằng con người đó nhìn đôi uyên ương khá tò mò. Không! Mắt ông đang nhìn chăm chú, không bỏ sót chi tiết nào nhưng lòng lại nghĩ về hướng khác, hướng của quê nhà, nơi mịt mù xa cách. Như đã nói, cả bảy câu thơ trên bộc lộ một tư tưởng, còn chỉ một câu thơ cuối lại bày ra cả một nỗi lòng. Thế là, tất cả trên kia đều đối lập với nó. Nào là bầu trời cùng ánh trăng thanh, nào là cảnh thiết tha thân mật, nào là những cơn gió bể buốt lạnh… Khi nào cũng vậy Cao Chu Thần luồn đối lập, luôn một mình trơ trọi trên thế gian. Không một ai có thể chia sẻ cùng ông!

Câu thơ cuối trở thành câu thơ hay nhất của bài Dương phụ hành. Chúng ta khâm phục, chia sẻ với những khát vọng nhân đạo chủ nghĩa ở nhà thơ. Chúng ta càng đau đớn với tấm lòng giàu tình yêu thương của ông. Cao Bá Quát sừng sững một khí phách và cũng biết bao ân tình của một trái tim dào dạt, mềm yếu!

Một điều cũng nên lưu ý. Đó là cấu trúc của bài thơ. Nhiều tập thơ Cao Bá Quát in liền như là một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Sách giáo khoa Văn học II (NXB Giáo dục, 2004, tr.20) in thành hai khổ, mỗi khổ bốn câu. Lẽ thường khi tách ra như thế phải đánh số (1 và 2), bài thơ có hai thủ. Tuy nhiên, Dương phụ hành không giống với những bài thơ hai thủ khác. Bốn câu đầu có vần “uyết” bốn câu sau là vần “i”. Song, Dương phụ hành không thể tách ra thành hai bài thơ tứ tuyệt độc lập, dù chỉ tạm thời vì hình tượng thơ thống nhất. Nếu tách ra, không ai hiểu gì cả! Như vậy sự chia cắt, phân bố có vẻ rõ ràng kia chỉ là bề ngoài, mang tính hình thức. Chắc chắn “thánh thơ” Cao Bá Quát khá rành rè về cấu trúc, âm luật của thể thơ Đường. Ông làm như thế hẳn là cố tình. Cả bài thơ có nhiều sự đối lập (và ngay cả hình thức!). Vì thế, nỗi lòng của người đang ôm nỗi sầu “biệt ly”, dù được miêu tả rất ít (có một câu thơ) nhưng nó như chiếc neo đã thả xuống biển, và biết bao năm rồi nỗi sầu ấy không tan!


(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)
tửu tận tình do tại
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Thiếu phụ người tây áo như tuyết
Ngồi tựa vai chồng dưới bóng nguyệt
Nhìn sang thuyền nam sáng ánh đèn
Kề vai kéo áo chuyện liên miên
Hờ hững tay nâng cốc sữa lớn
Đêm lạnh chịu sao cơn gió lộng
Uốn mình nũng nịu đòi chồng nâng
Có biết thuyền nam khách sầu không

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Thiếu phụ Tây dương áo tuyết pha,
Tựa vai chồng dưới bóng trăng xa.
Nhìn thuyền đèn lửa người Nam sáng,
Kéo áo chồng lời lẻ thiết tha.
Uể oải tay cầm một chén sữa,
Đêm nay gió biển lạnh nhiều mà!
Nghiêng mình chồng đỡ nàng đòi dậy.
Chẳng biết người Nam buồn nhớ nhà.

25.00
Trả lời

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối