Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Đó là hai câu thơ với hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, được viết và sửa trong thời gian từ năm 1948 đến năm 1955.

Hãy chú ý đến từ chảy máu trong câu thơ thứ nhất. Tại sao tác giả không viết cánh đồng quê đẫm máu, ngập máu, loang máu, đầy máu? Viết như thế chỉ nói được máu người bị giặc giết loang trên đồng, ngập trên đồng. Nhưng viết “chảy máu” thì khái quát hơn, vừa nói được cánh đồng đẫm máu người bị giết, và sâu xa hơn, còn nói được chuyện cũng bị giặc giết, cánh đồng này cũng bị giặc tàn sát. Lũ giặc giết người đã ác, nhưng chúng còn giết cả những cánh đồng, chúng còn tàn sát cả thiên nhiên, đất đai, cây cỏ... Vì thế, cách viết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi có sử dụng nghệ thuật nhân hoá; sức gợi, sức khái quát của câu thơ lớn hơn nhiều.

Bây giờ ta thử hỏi vì sao nhà thơ lại chọn trời chiều? Vì sao không viết chẳng hạn “Dây thép gai đâm nát bình minh?”, “Dây thép gai đâm nát trời trưa?” Đây là thời gian hành quân của người chiến sĩ, tiếp sau đó là câu thơ “Những đêm dài hành quân nung nấu”.

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” bởi vậy thời gian chuyển từ chiều sang đêm gần gũi. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ bình minh lên hồng chân mây hay trời trưa trong trẻo sẽ không thích hợp với không khí cánh đồng chảy máu. Trời chiều thường có ráng đỏ, thường tím tái; khi dây thép gai đâm nát, gợi một không gian ứa máu. (trong Nhớ rừng, Thế Lữ cũng chọn thời gian và không gian chiều để diễn tả: “Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng. Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”). Cánh đồng quê chảy máu. Trời chiều bị dây thép gai đâm nát cũng ứa máu. Sự diễn tả như thế tạo ấn tượng mạnh mẽ về tội ác của kẻ thù, về những đau thương và mất mát của quê hương trong chiến tranh. Đây là một chứng cứ về sự tài hoa của ngòi bút Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực thơ ca.

(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)