(Đọc tập thơ Vàng gieo đáy nước)

Tôi tiếp cận tập thơ Vàng gieo đáy nước với mục đích kiếm tìm những câu thơ hay, lạ như một thói quen săn lùng ngôn từ của mình cũng như của khá nhiều người đọc thơ. Tôi đã thoả mãn điều đó vì thơ Trịnh Thanh Sơn đã có rất nhiều câu thơ hay, phải suy ngẫm, phải phục cái tài của người làm thơ và đúng là những câu thơ Vàng gieo đáy nước.

Nhưng có một điều đã làm thay đổi hướng suy nghĩ, kiếm tìm của tôi đó là những mảng thơ viết về tình cảm của mình chiếm một phần không nhỏ trong tập thơ của ông. Với một hồn thơ hồn hậu, dung dị, ngôn từ trong sáng, bình dị, đã chiếm lấy tình cảm của tôi.

Trong số 131 bài thơ thì có trên dưới 13 bài viết về tình cảm gia đình, tình cảm mẹ con, vợ chồng, cha con, tình cảm với ông bà.

Tình cảm của gia đình luôn thường trực trong mỗi chúng ta. Nhất là người làm thơ, có lẽ nó còn là nỗi day dứt, ám ảnh đau đáu nhất. Trong các bài thơ viết về đề tài gia đình của ông đều toát lên thứ tình cảm hồn hậu. Dù dưới nhiều cung bậc tình cảm của các mối quan hệ trong gia đình.

Gửi mẹ của Trịnh Thanh Sơn mang cái hồn hậu của một người con va vấp cuộc đời chầy chật, điêu đứng trước cuộc đời bồi lở mà vẫn thốt lên từ đáy lòng với người mẹ nơi quê nhà.
Dẫu sống bao năm con vẫn là đứa trẻ lên ba trong mắt mẹ.
Đó phải chăng là cái khát khao được trở về vùi trong lòng mẹ, được mẹ chở che và cũng là lời một người con khi trải qua bụi đời mới thấy được cay đắng mẹ đã từng... Vì thế con dù có đổi thay được số phận của mình đi nữa, có đổi kiếp, có đi vòng quanh trái đất thì cũng chỉ như đứa trẻ lên ba trong mắt mẹ.

Lại chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi khắp phương trời lòng mẹ vẫn theo con
Nhớ về mẹ, về những nỗi lo truyền kiếp của người làm mẹ hay nhớ về một thời mẹ về làm dâu nhà họ Trịnh. Tần tảo ngược xuôi như thân cò trong bóng những câu ca dao để nuôi đàn con khôn lớn. Trong bài Mẹ và thơ:
Sáng mai chợ Hoàng sáng nay chợ Hói
Gót chân mòn qua chợ Bạch, chợ Si
Hay nhớ về mẹ nhớ về một Nơi ấy bình yên giường như cả đời nói với mẹ những lời yêu chưa đủ nên về già mượn lời nói ngô nghê chân thật của đứa trẻ “Nguyên Tường” để bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đã hơn 80 tuổi.
Mẹ ơi!
Con yêu mẹ nhất trần đời
Nhất trần gian
Nhất trần thứ ba nhất trần thứ bẩy.
Và tôi thấy rằng chẳng có một lời nào thật chân thành như những lời nói đó.

Tình cảm người cha trong câu thơ của Trịnh Thanh Sơn cũng hồn hậu như thế Những ngày đợi con ra đời có lời đề tặng cho Mai Nguyên, thể hiện tâm trạng cho người làm cha, của người đón đợi hòn máu của mình ra đời.
Trong vắt chảy giữa cỗi cằn khe núi
Suốt đời cha ngả bóng xuống lòng con
Nhớ về bà, Trịnh Thanh Sơn nhớ đế những trò đùa hồi nhỏ, những câu chuyện bà kể cho nghe, những lời ru còn thoảng trầu còn rơi vào giấc ngủ. Nhớ về ông ngoại, nhớ về những lời nói xưa đã vạch ra cả con đường đi cho nhà thơ, một con đường “dại”.
Những lúc túng quẫn lại nhớ ông ngoại.
Thầm trách ngày xưa ông đã xui dại
(Ông ngoại)
Nhưng tất cả đều xuất phát từ một tấm lòng chân thành, một tình yêu hồn hậu, hồn hậu như bờ tre, cánh cò.

Trong mảng đề tài gia đình ta nhận thấy bên cạnh nét hồn hậu còn là một nỗi lòng đau đáu của người cha, người chồng, người con hướng về gia đình. Dường như trong mỗi bài thơ ấy có một người luôn đi xa, luôn có một con người tiến về phía trước dẫu cái con đường ấy đầy dẫy những chông gai vẫn không thể trở về bên người thân được.
Con chẳng thể còn phân vân chọn lựa
Lại lên đường, lại hăm hở, lại đi
(Bài gửi mẹ)
Dù ở đằng sau là bà mẹ già, hằng ngày ngóng đợi, là người vợ “Làm thiếu phụ mới là việc khó bởi thiếu phụ một đời chỉ biết vọng phu”. Hay cả khi đứa con ra đời con người chỉ biết gửi về “khúc ru xa”.

Qua mảng đề tài gia đình trong Vàng gieo đáy nước còn thấy một Trịnh Thanh Sơn có nỗi đau về “những đứa con ngoài giá thú”. Một nỗi đau tinh tế, nhói buốt:
Những đứa con ngoài giá thú
Cũng được mẹ đưa tới trường
Chúng ngồi thu lu một góc
Chơi cùng bầy kiến trên tường.
Nỗi đau trước thái độ nhìn nhận của xã hội, ghẻ lạnh phân biệt đối xử len lỏi cả vào trong đầu óc những đứa trẻ. Vì thế đây là nỗi đau mang tính xã hội. Ngay trong cả “mua con” danh dự, tội lỗi được mua bằng tiền. Đồng tiền đi vào giá trị. đạo đức của con người đi vào nếp sống xã hội.

Dù cả tập thơ Vàng gieo đáy nước có rất nhiều câu thơ dùng ngôn từ mới nhưng tôi vẫn thích mảng ngôn từ trong sáng khi Trịnh Thanh Sơn viết về tình cảm gia đình. Những hình ảnh quá đỗi thân quen, hoa bưởi rụng, hoa gạo đỏ cuối trời, đến cả những lời ru ăn sâu vào tâm hồn người Việt ngàn đời.
Kìa một cánh mây chiều lẻ bóng
Đang nhẹ nhàng đậu xuống vành môi
(Khúc ru xa)
Hay hình ảnh về người bà thân yêu cũng gắn liền với câu thơ dung dị.
Trong giấc mơ tôi ẩn hiện bóng bà
Cắp rổ cá khoai dọc bờ sông vắng
(Bà tôi)
Có những câu thơ thưởng chừng như quá bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là cả một tấm lòng, một mảnh đời, mảnh hồn, một nỗi niềm khôn nguôi dành cho những người thân yêu.
Nếu có thể dùng thơ làm tã lót
Thì suốt đời cha sẽ đủ cho con
(Những ngày con ra đời)
cả đời người cha thơ đã là máu thịt, là niềm hoan hỉ đón đứa con ra đời. Thơ là tài sản duy nhất của riêng cha cũng dành cho con, tấm lòng của một người cha cả đời.
Suốt đời cha ngả bóng xuống lòng con
(Những ngày đợi con ra đời)
Dù ngôn từ trong mảng đề tài này có đôi chỗ không hợp cảm xúc toàn bài, như trong bài Mua con. Tình cảm của một người cha đang đau đáu thương về người con bị tống giam, đang lo lắng tìm mọi cách cứu con ra mà đột nhiên có câu thơ:
Đêm qua con còn xem bóng đá ở nhà
Đêm nay nhảy thẳng vào nhà giam mới là độc đáo
Từ “độc đáo” Không hợp văn cảnh. Hay trong bài Mẹ và thơ dòng cảm xúc chen giữa xưa và nay, ngôn từ giản dị mà chỉ với hai câu thơ:
Mẹ vẫn đứng như cây xoà bóng mát
Từ thế kỉ này vươn sang thế kỉ sau.
Dẫu biết là tình cảm dâng trào nhưng dù sao câu thơ đó cũng làm nhàm, làm nhạt đi phần nào cái hay của bài thơ.

Vàng gieo đáy nước của Trịnh Thanh Sơn đã để lại trong tôi cũng như người đọc bấu víu nhiều câu thơ đầy tình cảm gia đình để mà vực dậy những lúc tưởng chừng khó khăn nhất. Thơ bộc lộ tâm hồn của người viết ra nó, nên tôi tin vào một Trịnh Thanh Sơn hồn hậu đau đáu ngoài đời.

Lý Thu Hải Thảo