25.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn cổ phong
Thời kỳ: Trung Đường
4 bài trả lời: 4 bản dịch

Đăng bởi Vanachi vào 15/09/2007 15:30

縛戎人

縛戎人,縛戎人,
耳穿面破驅入秦。
天子矜憐不忍殺,
詔徙東南吳與越。
黃衣小使錄姓名,
領出長安乘遞行。
身被金創面多瘠,
扶病徒行日一驛。
朝餐飢渴費杯盤,
夜臥腥臊汚牀席。
忽逢江水憶交河,
垂手齊聲嗚咽歌。
其中一虜語諸虜,
爾苦非多我苦多。
同伴行人因借問,
欲說喉中氣憤憤。
自云鄉管本涼原,
大曆年中沒落蕃。
一落蕃中四十載,
遣著皮裘繫毛帶。
唯許正朝服漢儀,
斂衣整巾潛淚垂。
誓心密定歸鄉計,
不使蕃中妻子知。
暗思幸有殘筋力,
更恐年衰歸不得。
蕃候嚴兵鳥不飛,
脫身冒死奔逃歸。
晝伏宵行經大漠,
雲陰月黑風沙惡。
驚藏青冢寒草疎,
偷渡黃河夜冰薄。
忽聞漢軍鼙鼓聲,
路傍走出再拜迎。
遊騎不聽能漢語,
將軍遂縛作蕃生。
配向東南卑濕地,
定無存卹空防備。
念此吞聲仰訴天,
若爲辛苦度殘年。
涼原鄉井不得見,
胡地妻兒虛棄捐。
沒蕃被囚思漢土,
歸漢被劫爲蕃虜。
早知如此悔歸來,
兩地寧如一處苦。
縛戎人,
戎人之中我苦辛。
自古此冤應未有,
漢心漢語吐蕃身。

 

Phọc Nhung nhân

Phọc Nhung nhân, phọc Nhung nhân!
Nhĩ xuyên, diện phá, khu nhập Tần,
Thiên tử căng liên bất nhẫn sát
Chiếu tỉ đông nam Ngô dữ Việt.
Hoàng y tiểu sứ lục tính danh,
Lĩnh xuất Trường An thừa đệ hành.
Thân bị kim sang, diện đa tích,
Phù bệnh đồ hành nhật nhất dịch.
Triêu xan cơ khát phí bôi bàn,
Dạ ngoạ tinh táo ô sàng tịch.
Hốt phùng Giang thuỷ ức Giao Hà,
Thuỳ thủ tề thanh ô yết ca.
Kì trung nhất lỗ ngữ chư lỗ:
Nhĩ khổ phi đa, ngã khổ đa.
Đồng bạn hành nhân nhân tá vấn,
Dục thuyết hầu trung khí phẫn phẫn,
Tự vân hương quản bản Lương Nguyên,
Đại Lịch niên trung một lạc Phồn.
Nhất lạc Phồn trung tứ thập hải,
Thân trước bì cừu hệ mao đới.
Duy hứa chinh triêu phục Hán nghi,
Liễm y chỉnh cân tiềm lệ thuỳ,
Thệ tâm mật định qui hương kế,
Bất tử Phồn trung thê tử tri.
Ám tư hạnh hữu tàn cân cốt,
Cánh khủng niên suy qui bất đắc.
Phồn hậu nghiêm binh điểu bất phi,
Thoát thân mạo tử bôn đào qui.
Trú phục tiêu hành kinh đại mạc.
Vân âm nguyệt hắc, phong sa ác,
Kinh tàng thanh trủng hàn thảo sơ,
Thâu độ Hoàng Hà dạ băng bạc.
Hốt văn Hán quân bề cổ thanh,
Lộ bàng tẩu xuất tái bái nghênh,
Du kị bất thính năng Hán ngữ,
Tướng quân toại phọc tác Phồn sinh.
Phối hướng Giang Nam ti thấp địa,
Định vô tồn tuất không phòng bị,
Niệm thử thôn thanh ngưỡng tố thiên,
Nhược vi tân khổ độ tàn niên.
Lương Nguyên hương tỉnh bất đắc kiến,
Hồ địa thê nhi hư khí quyên.
Một Phồn bị tù tư Hán thổ,
Qui Hán bị hiếp vi Phồn lỗ.
Tảo tri như thử hối quy lai,
Lưỡng địa ninh như nhất xứ khổ.
Phọc Nhung nhân!
Nhung nhân chi trung ngã khổ tân.
Tự cổ thử oan ứng vị hữu,
Hán tâm Hán ngữ Thổ Phồn thân!

 

Dịch nghĩa

Người Nhung bị trói, người Nhung bị trói!
Tai thủng, mặt bầm tím, bị giải tới đất Tần.
Vua thương tình không nỡ giết,
Truyền dời đến vùng đông nam đất Ngô và Việt.
Sứ giả cấp nhỏ mặc áo vàng ghi tên họ,
Lãnh ra khỏi Trường An, giải đoàn tù ra đi.
Thân bị thương do vũ khí, mặt nhiều vết trầy,
Trong mình có bệnh vẫn phải đi mỗi ngày tới một trạm nghỉ.
Buổi sáng ăn uống không có bàn và chén,
Buổi tối nằm làm tanh hôi giường chiếu.
Chợt thấy sông Trường Giang mà nhớ sông Giao Hà,
Cả bọn thõng tay líu lo hát.
Trong đó có một người tù nói với bọn tù:
“Các bạn không khổ nhiều bằng tôi”.
Bạn tù đi cùng nhân đó hỏi dò,
Muốn nói mà khí uất dâng đầy trong cổ họng.
Tự thuật quê quán vốn ở Lương Nguyên,
Trong niên hiệu Đại Lịch lạc sang đất Phồn.
Từ khi sang đất Phồn đã trải bốn chục năm,
Thân mặc áo da, thắt lưng dây lông.
Chỉ hứa sáng đầu năm mới mặc đồ Hán,
Mặc quần áo chít khăn chỉnh tể mà lệ ngầm rơi.
Thề sẽ trở về cố hương, trong thâm tâm đã có kế hoạch,
Không cho vợ con ở Phồn biết.
Nghĩ thầm may mà còn chút gân cốt tàn,
Chứ để đến già e rằng sẽ không về quê được.
Lính Phồn canh gác nghiêm ngặt đến chim cũng không bay thoát,
Liều chết trốn chạy cũng thoát thân được.
Ngày núp, đêm đi xuyên qua sa mạc lớn,
Mây u ám, không trăng, gió cát dữ dội.
Kinh sợ khi ẩn trong mồ mả cỏ lạnh thưa thớt,
Đêm lén bơi qua sông Hoàng Hà đóng băng mỏng.
Chợt nghe tiếng trống của quân Hán,
Chạy tới bên đường bái lạy nghênh đón.
Lính cưỡi ngựa không hiểu được tiếng Hán ta nói,
Tướng chỉ huy sai trói ta lại như người Phồn
Cho nhập toán tù binh giải tới vùng Giang Nam ẩm thấp,
Chẳng có ai thăm hỏi, giúp đỡ.
Tới mức đó ngửa mặt nén tiếng kêu trời,
Thế là phải chịu đắng cay tới cuối đời.
Giếng làng Lương Nguyên chẳng thấy,
Vợ con bỏ suông trên đất Hồ.
Trong đất Phồn tù túng nhớ đất Hán,
Về Hán bị bắt ép làm tù binh Phồn.
Nếu sớm biết như thế này thì về làm chi,
Hai nơi cùng khổ thà ở một nơi.
Người Nhung bị trói!
Trong bọn người Nhung này ta đau khổ nhất.
Từ xưa nỗi oan này chưa từng có,
Tâm hồn Hán, nói tiếng Hán trong thân xác Thổ Phồn.


Bạch Cư Dị mô tả nỗi oan của một người Hán đương thời với ông. Trong niên hiệu Đại Lịch (766-780) đời Đường Đại Tông, vì kế sinh nhai mà trôi dạt sang đất rợ Thổ Phồn. Y lấy vợ Thổ Phồn sinh con, mặc đồ, nói tiếng Thổ Phồn. Được ít lâu, y nhớ quê quán, bỏ lại vợ con trốn về. Gặp đội biên phòng nhà Đường, y ra quỳ lạy mong được đưa về quê quán. Quân biên phòng nghe y nói tiếng Hán không chuẩn, bèn nghi là gián điệp, bắt làm tù binh giải về kinh đô. Vua truyền đày y ra vùng Giang Nam…

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Trói tù Phồn! Trói tù Phồn!
Tai thủng rách mặt dắt về Tần.
Vua thấy thương tình, không nỡ giết,
Lệnh truyền đem giải sang Ngô, Việt.
Sổ bộ ghi xong, cai áo vàng
Cho xe chở họ khỏi Trường An.
Mình mẩy bị thương mặt đầy vết,
Mang bệnh, mỗi ngày một trạm, lết.
Sớm ăn đói khát, bát mâm chi,
Tối ngủ máu me giường chiếu bết.
Gặp dòng sông bỗng nhớ Giao Hà,
Buông xuôi tay cùng nghẹ tiếng ca.
Một bác tù than cùng cả bọn:
Khổ anh đâu sánh khổ tôi mà!
Anh em xúm hỏi thăm nguồn ngọn,
Toan nói, uất cồn lên cổ họng.
Rằng: tôi quê vốn ở Lương Ngươn,
Đại Lịch sa chân đến Thổ Phồn.
Thổ Phồn bốc chục năm trôi nổi,
Mặc áo da cừu lông thắt dải.
Được mang Hán phục buổi đầu năm,
Khoác áo chít khăn lệ ứa thầm.
Định lẻ vợ con nơi đất Thổ,
Quê nhà tìm cách trốn về thăm.
Nghĩ bụng may còn đôi chút sức,
E nữa tuổi già về chẳng được.
Trời Phồn chim khó lọt vòng canh,
Trốn về liều chết thoát thân mình.
Đêm đi ngày nghỉ qua sa mạc,
Trăng tối mây mù đầy gió cát.
Nấp liều cỏ lạnh mộ Chiêu Quân,
Lẻn vượt sông Hoàng băng đóng lớp.
Bỗng nghe quân Hán trống chiêng dồn;
Chạy ra vái lịa đón bên đường.
Quân kị chẳng thèm nghe tiếng Hán,
Tướng truyền trói lại: "Mày quân Phồn!"
Đày đến Giang Nam miền nước độc,
Ma nào thăm hỏi, ai săn sóc!
Xót thân ngửa mặt lặng kêu trời,
Cay đắng ngày tàn bóp bụng thôi!
Quê cũ Lương Ngươn không được thấy,
Đất Hồ luống bỏ vợ con rồi!
Qua Phồn bị tù, nhớ đất Hán,
Về Hán làm tù Phồn mới chán!
Biết nông nỗi ấy nỏ về chi,
Khổ cả hai bên thà một chốn.
Trói tù Phồn!
Trong bọn, riêng tôi khổ quá chừng!
Từ trước oan này e chửa có:
Lòng Hán, tiếng Hán, lại thân Phồn!

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Anh Nguyên

Rợ tù này! Rợ tù này!
Vào Tần rách nát mặt mày khổ chưa.
Vua thương không giết còn chừa,
Đông nam Ngô Việt, chiếu vua cho vào.
Họ tên, sứ giả chép, sao,
Trường An lãnh khỏi, kéo nhau đi liền.
Mình thương tích, mặt buồn phiền,
Bệnh đi một trạm liên miên mỗi ngày.
Ăn không no, chén chẳng bày,
Đêm nằm, giường chiếu hôi ngay cả vào.
Gặp Trường Giang, nhớ sông Giao,
Cùng nhau cất tiếng nghẹn ngào hát ca.
Một tên rợ bỗng thốt ra,
‘‘Các anh đỡ khổ hơn là tôi đây’’.
Bạn tù muốn hỏi chuyện này,
Dù anh muốn nói, họng nay uất trào!
‘‘Lương Nguyên quê quán thuở nào,
Khoảng năm Đại Lịch lạc vào đất Phiên.
Đến nay, bốn chục năm liền,
Thắt lưng lông thú, khoác liền áo da.
Đầu năm, đồ Hán mặc qua,
Chít khăn, mặc áo, lệ sa đôi dòng.
Về quê, tính kế trong lòng,
Vợ con Phiên chẳng có hòng biết đâu.
May còn chút sức, phải mau,
Sợ khi già yếu sức đâu mà về.
Lính Phiên canh gác chặt ghê,
Thoát thân liều chết, chẳng nề đêm thâu.
Đêm đi, ngày nấp, quản đâu,
Mây, trăng u ám, bãi sâu gió gào.
Mộ xanh thưa cỏ, núp vào,
Sông Hoàng, đêm vượt, băng nào ngại chi.
Chợt nghe trống Hán, quân đi,
Bên đường, ra vội, lạy, quỳ đón thôi.
Không nghe tiếng Hán của tôi,
Tướng sai trói lại, tưởng người dân Phiên.
Giang Nam, tù giải, theo liền,
Chẳng ai giúp đỡ, không tiền bạc chi.
Kêu trời, nghẹn nói được gì,
Đắng cay đành chịu đến khi mãn đời.
Lương Nguyên, không thấy quê rồi,
Vợ con lại bỏ ở nơi đất người.
Phiên tù, nhớ Hán không nguôi,
Hán về, bị bắt, tưởng người dân Phiên.
Về chi, thêm hận thêm phiền!
Hai nơi đều khổ, thà yên không về.
Rợ tù à! rợ tù à!
Bọn ta, tôi quả thật là đắng cay.
Nỗi oan chưa có xưa nay,
Tiếng Hoa, lòng Hán, thân này Thổ Phiên!’’

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn phước Hậu

Người bị trói, người Nhung bị trói
Lổ tai soi, mặt tím, giải Tần
Vua thương không giết ra ân
Đày Ngô Việt phía đông nam, lệnh truyền
Sứ giã chép họ tên, vàng áo
Rời Trường An thiểu nảo đi ngay
Thân thương tích, mặt vết trầy
Trạm dịch mỗi ngày, bệnh nghỉ không cho.
Không bàn chén, chẳng no ăn sáng
Buổi tối nằm láng trạm giường dơ
Gặp Trường giang, nhớ Giao Hà
Xuôi tay cả bọn cùng ca nghẹn ngào.
Trong đó có kẻ rao đồng bạn:
“Các anh không khổ nạn bằng ta”
Bạn tù nhân đó hỏi tra
Định khai uất khí chận che cổ liền.
Tự thú thật Lương Nguyên gốc gác
Đại lịch năm đi lạc vào Phiên
Trải qua bốn chục năm liền
Lưng dây lông thú, thân tuyền áo da.
Sáng năm mới thay ra đồ Hán
Đầu chít khăn ráng nuốt lệ rơi
Về quê lòng định kế rồi
Vợ con Phiên chẳng một lời thông qua.
Giờ thầm nghĩ may ra gân cốt
E rằng không sức tốt về già
Phiên canh chim cũng khó qua
Liều thân trốn chạy may mà được nên.
Ngày núp trốn, đêm xuyên sa mạc
Mây mịt mờ gió cát không trăng
Mồ xanh cỏ lạnh ẩn tàng
Đêm bơi lén lút sông Hoàng đóng băng.
Chợt tiếng trống vang rần quân Hán
Chạy bên đường xấn lạy đón chào
Hán tôi nói, hiểu đâu nào
Tướng hô bắt trói liệt vào tặc Phiên.
Nhập tù giải Giang Nam ướt ẩm
Không lời thăm, giúp đở chẳng ai
Ngước trời uất nghẹn không lời
Thế là phải chịu cuối đời khổ đau.
Giếng Lương Nguyên chẳng thấy đâu
Lià con bỏ vợ âu sầu bên Phiên.
Ở Phiên quốc lòng nghiêng về Hán
Về Hán rồi gán tội tặc Phiên
Sớm hay về gặp luỵ phiền
Hai nơi đều khổ thà yên mợt bề.
Người Nhung hởi ê chề bị trói
Chỉ riêng tôi khổ nổi đắng cay
Oan này chưa có xưa nay
Tiếng Hoa, lòng Hán, xác thây Thổ Phồn.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Minh

Ôi người Nhung! Người Nhung bị trói!
Mặt tím bầm bị giải tới Tần
Vua thương không giết ban ân
Đày đông nam xứ, giam gần Việt Ngô
Sứ cấp nhỏ lo ghi tên họ
Rời Trường An, giải bọn tù đi
Thân thương tích, mặt sầu bi
Mỗi ngày một trạm, bệnh thì vẫn mang
Bữa ăn sáng không bàn không chén
Buổi tối nằm giường chiếu tanh tao
Thấy Trường Giang nhớ sông Giao
Thõng tay cùng hát líu lo cảm hoài
Trong đám tù có người chợt nói:
“Các bạn không khổ ải bằng tôi”
Bạn tù dò hỏi dò khúc nhôi
Người kia bèn nói, nghẹn lời tỉ tê:
Lương Nguyên mới chính quê nguyên quán
Đại lịch niên di tản sang Phiền
Trải qua bốn chục năm liền
Áo da thân mặc, lưng bền dây lông
Hứa chỉ mặc đầu năm đồ Hán
Quần áo dài khăn vấn chỉnh tề
Thề rằng sẽ trở về quê
Trong tâm đã định, không hề nói ra
Nghĩ thầm may mà còn gân cốt
Chờ đến già rốt cuộc không xong
Lính Phiền nghiêm ngặt canh phòng
Chim không bay thoát, vững lòng cũng qua
Ngày núp đêm đi xuyên sa mạc
Mây âm u gió cát mịt mù
Kinh hồn khi trốn trong mồ
Đêm qua sông lén, Hoàng Hà đóng băng
Chợt nghe tiếng trống vang quân Hán
Tới bên đường van vái đón nghênh
Lính chê tiếng Hán không rành
Tướng sai trói lại, làm tù binh Phiền
Rồi nhập Giang Nam miền ẩm thấp
Chẳng có ai giúp giập hỏi thăm
Cuối cùng nén tiếng thở than
Trọn đời phải chịu muôn vàn đắng cay
Giếng làng Lương Nguyên nay chẳng thấy
Vợ con đều bỏ bậy đất Hồ
Trong Phiền nhớ Hán buồn so
Hán về bị ép làm tù binh Phiền
Nếu sớm biết phiền hà như thế
Về làm chi cho khổ hai nơi
Người Nhung bị trói, than ôi!
Người Nhung khổ nhất trên đời là ta
Từ xưa nỗi oan gia thật hiếm
Thân Phiền, hồn Hán, tiếng Hoa lai.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời