44.00
Thể thơ: Thơ mới tám chữ
Thời kỳ: Hiện đại
4 bài trả lời: 4 thảo luận
8 người thích
Từ khoá: thơ phổ nhạc (636)

Đăng bởi Vanachi vào 18/09/2005 03:12, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 15/05/2006 19:10

Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vu
Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam

Muốn gửi ra em một chút nắng vàng
Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy
Có tình thương tha thiết của trong này

Anh hiểu sức vươn của những cành đào
Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết
Như cây thông vững vàng trong giá rét
Em hãy làm cây thông xanh nghe em

Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm
Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất
Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất
Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em

Gửi nắng cho em, gửi nắng cho em
Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay


Sài Gòn, 12.1975

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời phổ nhạc cho bài thơ của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Gửi nắng cho em

Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam

Muốn gửi ra em một chút nắng vàng
Thương cái rét của thợ cày thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều ra ngoài ấy
Có tình thương tha thiết của trong này

Anh vẫn hiểu sức vươn của những cánh đào
Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết
Như cây thông vững vàng trong giá rét
Em hãy làm cây thông xanh nghe em

Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm
Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất
Cùng vào trận một ngày vui thống nhất
Hơn lúc nào anh thấu hiểu lòng em

Gửi nắng cho em gửi nắng cho em
Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Tiểu sử Bùi Văn Dung

Bùi Văn Dung sinh năm 1941(Tân tỵ)
Quê và chỗ ở hiện nay : Xã Thượng Trưng,huyện Vĩnh Tường,tỉnh Vĩnh Phúc.Trước 1975 anh đi Bộ đội chiến đấu ở trong Nam;tháng 12-1975 anh còn đóng Quân ở Sài Gòn,sắp tết:nhớ vợ nhớ quê tâm, hồn anh lính nông dân xứ Bắc trào lên thành một tứ thơ  "Gửi nắng cho em" với những câu thơ có cánh:
      Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
      Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ...
Bài thơ đăng báo,được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc,danh ca Đài TNVN hát...bài hát đi vào lòng người
dâng trào khắp nơi,anh Bộ đội miền Bắc Bùi Văn Dung thành Nhà thơ nổi tiếng.Sau đó anh về quê đi cày và tham gia công tác địa phương như bao nhiêu người chiến sĩ vô danh khác ! Năm1990 anh sáng tác bài thơ"Trăng nguyên" với ý thơ chia sẻ với thi sĩ quá cố Hoàng Hữu về "hai nửa vầng trăng" tuyệt tác mà định mệnh;Bài thơ được Nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc cũng vào loại hay,mức đặc sắc còn kém"Gửi nắng cho em"một bậc !Năm 2002 nxb Hội Nhà Văn in cho Bùi Văn Dung tập thơ "Gửi nắng cho em"- 74 bài.Thơ Bùi Văn Dung là hồn thơ của chàng trai quê có học:phong vị hàn lâm pha chút Nguyễn Bính,đọc rất vào !
      TẢN MẠN CHỢ QUÊ
Chợ quê đâu chỉ vịt gà
Con tôm,con tép,quả cà,mớ rau
Bà hàng xén đỏ môi trầu
Mấy người đến chậm giành nhau chỗ ngồi.
Chợ quê xây lại vừa rồi
Mấy tay buôn lạ về chơi chào hàng
Uống bia với đậu phộng rang
Dân chơi trong xóm vài chàng kết thân.
Chợ quê đã được thanh tân
Mấy tay đánh giậm chẳng cần vào trong
Bán rẻ món tép đòng đong
Mua bánh mì
          đứng nhai xong
                        là về.
              9-1996

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

nguyên tác bài "GỬI NẮNG CHO EM"

Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam.
Muốn gửi cho em một chút nắng vàng
Nghe đài báo rét kéo dài ngoài ấy
Mùa đã xong,còn chiêm xuân cày cấy
Bà con mình sẽ xoay sở ra sao ?
Anh hiểu sức vươn của những cành đào
Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết
Như cây thông vững vàng trong giá rét
Em hãy làm cây thông xanh nghe em.
Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm
Hai vựa thóc cũng nặng tình của đất
Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất
Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em.
Ở trong này anh chưa thấy mùa đông
thương cái rét của thợ cày thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy
Có tình thương tha thiết của trong này
Gửi nắng về sưởi ấm nhừng bàn tay.
       Sài Gòn 12-1975

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Người mở “tiệc nắng” giữa đời

Người mở “tiệc nắng” giữa đời
(Vũ Duy)

“Sài Gòn bây giờ ra sao, vừa rồi xem báo, nhìn tivi thấy người dân nô nức đi sắm áo lạnh, nắng Sài Gòn bây giờ có khác ngày xưa?” – nhiều câu hỏi dồn dập của ông trong buổi sáng giá rét của mùa đông xứ Bắc. Tác giả bài thơ Gửi nắng cho em cứ hoài niệm mãi về một Sài Gòn đầy nắng gió, ấm áp mà ông đã từng cảm nhận.

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng tại một làng quê trung du Vĩnh Tường (Phú Thọ). Ông Bùi Văn Dung, tác giả của bài thơ Gửi nắng cho em được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát cùng tên, cười tếu táo nói: “Mình có phải là nhà thơ, nhà văn gì đâu, chỉ là anh lính pháo binh, cảm nhận cái nắng của Sài Gòn mà ứng khẩu thôi!”

Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy

Ông Dung cho hay, ông nhập ngũ năm 1962, làm lính pháo binh, đến năm 1967, làm chính trị viên đại đội thì được vào chiến trường miền Nam chiến đấu liên tục đến ngày thống nhất đất nước.

“Đó là buổi trưa ngày 17.12.1975, Sài Gòn nắng lắm, nắng rực rỡ. Chúng tôi bận quần xà lỏn, áo may ô ăn cơm trưa. Ăn xong, ngồi xỉa răng, uống nước nghe bản tin dự báo thời tiết thấy miền trung du Bắc bộ bị ảnh hưởng gió mùa đông bắc, nhiệt độ xuống tới 5 độ C. Tôi nhớ đến nhà tôi, một nông dân tần tảo. Giờ này, chắc nhà tôi vẫn còn trên ruộng cấy. Chúng tôi cưới nhau năm 1965, tới năm 1967 thì tôi đi vào Nam và chưa một lần được về thăm nhà. Tôi bần thần… các câu thơ cứ bật ra dần dần…” Ông Dung nhớ lại.

Buổi trưa hôm ấy, tôi không ngủ. Đến giờ làm việc, tôi lên nhà ban chỉ huy, lấy điện thoại điện cho nhà báo Cung Văn (lúc đó làm cho tờ Sài Gòn Giải Phóng) nói rằng, tôi vừa nghĩ ra một bài thơ mà tôi rất tâm đắc. Cung Văn bảo tôi đọc qua điện thoại nghe. Nghe xong, Cung Văn bảo tôi đọc lại để Cung Văn chép. Tôi bảo để tôi chép ra giấy, mai đem qua toà soạn nộp. Cung Văn bảo: “Mai báo đăng luôn, ông không cần mang bản thảo đến làm gì cho mất thì giờ”.

Bài thơ Gửi nắng cho em được ra đời như thế. Và thượng uý Bùi Văn Dung cũng quên khuấy đi “đứa con tinh thần” của mình do công việc bộn bề của nhà binh. Một năm sau, thượng uý Dung ngồi uống càphê ở bến cảng Nhà Rồng vào một buổi chiều, bỗng người bạn đập vào vai nhắc khẽ: “Này, bài thơ của mày được phổ nhạc đang được hát trên loa truyền thanh kia kìa!” Bùi Văn Dung lắng nghe và vui mừng khôn xiết. “Tôi không ngờ, bài thơ, giờ lại được một nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên phổ nhạc”, ông Dung cười hóm hỉnh, kể lại.

Một lần nữa, Bùi Văn Dung lại có bài thơ Con kênh ta đào ông gửi đăng báo Tuổi Trẻ TP.HCM, mấy tháng sau, bài thơ này cũng được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc. Bài hát còn được báo Tuổi Trẻ TP.HCM in thành tờ rơi phát cho hàng vạn thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Năm 1978, biên giới phía Tây Nam nóng bỏng, từ Sài Gòn, Bùi Văn Dung được cấp trên điều động tăng cường mặt trận này rồi năm 1979, lại điều ra mặt trận phía Bắc. Thời gian này, Bùi Văn Dung làm khá nhiều thơ nhưng không gửi đăng báo nào. Thêm nữa, ông cũng buồn, khi nghe phong phanh chuyện bài hát Gửi nắng cho em có vấn đề chính trị. Trong hội nghị toàn quân khu lúc ấy họp tại Phú Thọ, ông còn nghe một vị thượng cấp nói: “Phải viết và sáng tác đúng định hướng, tránh để xảy ra tình trạng như vừa rồi có bài hát còn Gửi nắng từ Sài Gòn ra Bắc. Tại sao lại để “lọt lưới” thế được, Sài Gòn là nơi hơn 30 năm thực dân mới cai trị, vừa mới giải phóng lại “gửi nắng” ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa là sao?. “Nắng” là gì, là ánh sáng. Sao lại để có chuyện ánh sáng được gửi từ nơi đã từng được coi là vùng tăm tối một thời ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa được”. Ông Dung ngồi nghe phía dưới, lặng đờ người…

Một buổi tối mùa đông năm 1981, trong một dịp về Hà Nội họp, Bùi Văn Dung đã tìm gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên tại một căn nhà nhỏ tại phường Khương Thượng, quận Thanh Xuân. Đây là cuộc gặp đầu tiên của tác giả thơ và tác giả nhạc sau năm năm, khi ca khúc được phổ biến. Nhạc sĩ Phạm Tuyên vui mừng khôn xiết vì ông cứ nghĩ ông Dung phải là nhà thơ có tiếng trong… Sài Gòn. Rồi ông Tuyên nhìn trung tá Dung thở dài, nói: “Bài hát đã ngưng phổ biến, Dung có biết lý do gì không?” Ông Dung nói: “Em có nghe vì đã chạm đến vấn đề chính trị. Khổ quá, em viết thật lòng vì thương vợ em, thương những thợ cày, thợ cấy vất vả trong mùa đông xứ Bắc”. Ông Tuyên lẳng lặng vào buồng trong, lục tủ đưa cho Bùi Văn Dung một tập giấy, đó là những lá thư và đơn yêu cầu đài Tiếng nói Việt Nam ngưng phát bài hát Gửi nắng cho em.

Người viết sử làng

Năm 1986, ông Bùi Văn Dung nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Mới chân ướt chân ráo về quê nghỉ hưu được ba tháng, địa phương nơi ông ở đã đến tận nhà mời ông ra tham gia công tác hội cựu chiến binh xã. Làng quê trung du những năm đầu đổi mới bộn bề công việc, nhiều hợp tác xã kiểu cũ đã tan vỡ hoặc tự giải thể do lối làm ăn bao cấp, kế hoạch quan liêu. Ông Dung được mời làm chủ tịch hội cựu chiến binh rồi kiêm chủ nhiệm hợp tác xã toàn xã.
Năm 1996, sau khi đảm nhiệm hết hai nhiệm kỳ bí thư Đảng uỷ xã, ông Dung về nhà nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Có thời gian, ông đã hoàn thành cuốn sử làng, tiếp đến lại nhận lời mời làm cuốn lịch sử quân sự huyện, ông Dung cứ tất bật liên tục đi đến các làng xã xác minh các nhân chứng, sự kiện. Ở tuổi 70, tính tình vui vẻ, hóm hỉnh thêm với sức khoẻ dẻo dai, tác phong nhà binh nhanh nhẹn, khiến ông Dung cảm thấy ham thích việc viết lách.

Ông kể, mãi mới đây, ông đã gửi in tập thơ Gửi nắng cho em đến nhà xuất bản. Khi cầm tập thơ trên tay lần đầu ra với công chúng, ông đã làm một bữa “tiệc nắng” mời bà con xóm làng, anh em đồng chí đến… ăn mừng. Ngày mở “tiệc nắng”, vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lặn lội từ Hà Nội chúc mừng ông. Ông Dung mở hộc tủ, đưa cho tôi xem bản thảo của bốn cuốn tiểu thuyết dày cộm có các tựa đề: Phế nhân, Kiếp rừng, Làng chảy máu, Quá khứ khác. Tôi hỏi, sao ông không tìm nhà xuất bản để in ra cho công chúng xem. Ông Dung cười hóm hỉnh: “Chưa được, tôi nghe thời tiết vẫn chưa thuận”. Từ trong nhà, tôi cùng ông Dung trầm ngâm nhìn ra mảnh sân nhỏ trước cửa. Bỗng ông Dung ồ lên một tiếng và chỉ tay ra ngoài sân. Tôi ngỡ ngàng khi thấy giữa trưa mùa đông xứ Bắc, sân nhà ông Dung lấp lánh những vệt nắng dài!


Vũ Duy

Nguồn: Báo Sài Gòn tiếp thị ngày 10.2.2010

(do Vodanhthi gửi)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời