Không phải vua Tự Đức chỉ để lại cho chúng ta những bài thơ “điêu trùng tiểu kỷ” chỉ dùng để gia vị cho những câu chuyện phong tao lúc trà dư tửu hậu. Trong số thơ lưu thế của nhà vua, vẫn có bài, có câu, ngoài đáng yêu, trong đáng trọng. Như trong bài Mừng được mưa, có câu:
Tràn đồng hạt ngọc nhờ no đủ,
Một giọt cân vàng thoả khát khao. [1]
Nhất là bài Khóc Bằng phi mà không mấy người không thuộc, có thể gọi là tuyệt tác:
Ớ Thị Bằng ơi! Đã mất rồi!
Ớ tình! Ớ nghĩa! Ớ duyên ơi!
Mưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi…
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn đứt càng thêm bận,
Lẽo đẽo theo hoài chẳng phút lơi. [2]
Văn thật là luyện, tình thật là thâm! Đọc lên lòng người nghe không sao giữ được khỏi rung cảm.

Trong bài hay nhất là cặp luận:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Nhưng có người chê là “có vẻ con nít” nhất là câu “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.

Vâng “có vẻ con nít thật”. Đọc câu ấy khiến những nhiều người nhớ lại những cảnh “rình bắt bóng sau gương” hoặc “lấy thúng úp mặt trăng dưới giếng” buổi thiếu thời. Song nên biết rằng thi nhân là kẻ “bất thất kỳ xích tử chi tâm”, như lời Viên Mai, tác giả Tuỳ Viên thi thoại, đã nói.

Thẩm Thạch Điều, đời Thanh, vịnh Lạc Ba, có câu:
Hạo kiếp tín ư kim nhật tận,
Si tâm nghi hữu biệt gia khai.
(Kiếp lớn những tin nay đã hết,
Lòng si lại tưởng nở vườn ai.)
Người đời Tống có câu:
Lão tăng chỉ khủng vân phi khứ,
Nhật ngọ tiên gia yểm tự môn.
(Tăng già chỉ sợ mây bay mất,
Đứng bóng lo sai đóng cửa chùa.)
Đề bức hoạ mỹ nhân ngồi xây lưng, Trần Sở Nam đời Thanh, có bài tuyệt cú rằng:
Mỹ nhân bối ỷ ngọc lan can
Trù trướng ba dung nhất kiến nan.
Kỷ độ hoán tha tha bất chuyển,
Si tâm dục trạo hoạ đồ khan.
(Người xinh ngồi tựa câu lan,
Mặt hoa mong thấy muôn vàn khó khăn.
Mấy phen kêu luống nhọc nhằn,
Hoạ đồ lật ngó mới bằng lòng si.)
Tác giả Tuỳ Viên thi thoại khen là “Diệu”, và “Diệu tại nơi lời nói như trẻ con” (Diệu tại giai hài tử ngữ giả).

Câu “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng” cũng thế.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Câu trên thì ngây câu dưới thì si. Mà si và ngây đều là tâm tính của khách đa tình vậy.

Nghe Hồ Xuân Hương khóc quan phủ Vĩnh Tường:
Nắm xương dưới ván cau mày khóc,
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười.
Thì thảm cho cảnh. Nghe vua Tự Đức khóc Bằng Phi thì thương cho tình! Bên cảnh bên tình khéo vấn vương! Cho nên đối với khách đa tình, những bài thơ có tình như thơ Khóc quan phủ Vĩnh Tường, Khóc Bằng Phi đều là những vần tuyệt diệu.

Nhưng có người bảo rằng câu “Đập cổ kính… Xếp tàn y…”, vua Tự Đức đã lấy của Ôn Như Hầu rồi sửa lại đôi chữ làm của mình. Câu của Ôn Như Hầu rằng:
Đập mảnh gương xưa tìm lấy bóng
Xếp manh áo cũ để dành hơi.
Và câu này đã dịch câu Hán văn của Trần Danh Án:
Phá tổi lăng ba tầm cựu ảnh,
Trùng phong khâm tử hộ dư hương.
Không biết những câu ấy vô tâm mà trùng hợp nhau, hay cố ý vay mượn của nhau.

Vô tâm mà trùng hợp nhau là chuyện thường có xưa nay. Như đời Thanh, Đào Hoàng Thôn, bài Ngẫu thành có câu:
Đa tình chỉ hữu tiêu tiêu trúc
Thời đới tà dương lục đáo song.
(Đa tình riêng ánh trúc hoa,
Ngày ngày đeo bóng dương tà vào song.)
Diêu Cơ Truyền cũng có câu:
Nhân tích bất như tu trúc ảnh
Mỗi tuỳ minh nguyệt đáo trung đình.
(Dấu người thua bóng trúc xanh,
Đêm đêm theo ánh trăng thanh vào thềm.)
Hai người tuy đồng thời, nhưng ở cách nhau ngàn trùng non nước và chưa hề quen biết nhau. Văn chương của hai người lúc bấy giờ cũng chưa được phổ biến. Nhờ có Mai Viên đi đây đi đó tình cờ thu thập được mới đem vào tập Tuỳ Viên thi thoại. Từ ấy nhiều người mới biết danh hai nhà thơ, và hai câu thơ mới được truyền tụng.

Đừng nói đâu xa, ở Việt Nam ta những cuộc “không hẹn mà gặp” vẫn không hiếm. Như Tương An Quận Vương, trong bài Hoài cổ có câu:
Bốn dây ứa máu tỳ bà.
Một câu thơ quỉ khốc thần kinh. Một câu thơ siêu thực xưa nay chưa từng thấy trong văn thơ Việt Nam. Ai cũng phải khen là tân kỳ. Nhưng có ngờ đâu một thi nhân bên trời Âu cũng có một câu tương tợ:
L’archet mord jusqu’au sang du violon.
Một người ở đầu thế kỷ thứ XIX, một người ở đầu thế kỷ thứ XX, và một người ở Âu một người ở Á. Thế hệ khác nhau, dân tộc tính khác nhau, mà ý tứ còn trùng nhau thế ấy, huống hồ vua Tự Đức, Ôn Như Hầu và Trần Danh Án.

Còn nếu cố ý mượn của nhau, thì người xưa cũng thường có. Tự Khương Nhạc có câu:
Thiên nham thạnh trở trích
Vạn hác thế oanh hồi.
(Ngàn núi thạnh ngăn chứa,
Muôn hố thế đoanh lộn.)
Lý Thái Bạch bình sanh rất thích họ Tạ, cũng có câu:
Thiên nham tuyền sái lạc
Vạn hác thọ oanh hồi.
(Nghìn núi suối tuôn xối,
Muôn hố cây đoanh lộn.)
Mà chẳng riêng gì Lý Thái Bạch, các đại thi gia khác cũng vậy. Như Đỗ Phủ tập thơ của Dũ Tử Sơn, Âu Dương Tu tập thơ của họ Hàn. Có người chê là “thâu đạo” tức “ăn trộm”.

Nhà văn hào Lưu Cống Phủ cười đáp:
- Du đạo nhưng không làm thiệt hại sự chủ. [3]

Câu nói ý vị làm sao!

Nhưng nếu kết tội “ăn trộm” thì quyển Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du còn có giá trị gì?

Còn ở đây, dù cố ý dù vô tâm, hai câu trong bài vua Tự Đức vẫn hay hơn những câu của Ôn Như Hầu, Trần Danh Án. Trong câu của Ôn Như Hầu, mấy chữ “mảnh gương” gợi ý “không tròn vẹn”, ý “đã sứt mẻ”; mấy chữ “manh áo” nghe tục vì gây cho người đọc người nghe một cảm giác rằng áo kia không được lành lẽ cũng không được sạch sẽ. Do đó câu thơ giảm tình tứ, kém “dung nhan”. Câu của Trần Danh Án, văn chương thanh nhã, nhưng bình thản quá, không đủ sức rung cảm lòng người.

Vua Tự Đức dùng chữ “cổ kính” chữ “tàn y” thật vừa nhã toàn vừa trang nhã. Lại thêm tiết điệu câu thơ thể hiện được nỗi lòng của tác giả: vế trên diễn tả niềm uất hận, vế dưới nói lên niềm thổn thức nghẹn ngào. Đọc lên, một vế thì gợi cho chúng ta thấy thái độ nóng nảy hấp tấp của tấm lòng bị ray rứt, một vế thì để lộ ra thái độ tiêu cực của tấm lòng tuyệt vọng sau khi hành động tích cực của mình không đem lại kết quả mong muốn.

Cả ba tác giả đều cùng nói một ý. Nhưng nhờ từ điệu mà câu thơ của vua Tự Đức thành công. Và bài thơ Khóc Bằng phi, nhất là hai câu ngũ lục, trở nên bất hủ.

Nhưng lại có người bảo rằng bài thơ thượng dẫn nhan đề là Khóc thị Bằng và đó là tác phẩm của Ôn Như Hầu chớ không phải của vua Tự Đức. Lời nói này tôi nhớ đã đọc trong một quyển sách hay một tờ báo nào đó mà lâu ngày quên tên. Sách hay báo ấy còn thêm rằng “Thị Bằng là một người hầu yêu quí của Ôn Như”. Chỉ nói trổng thế thôi, chớ không đưa ra bằng cớ chính xác, nên không dám tin.

Năm 1957, ra Huế gặp ông bạn Phan Văn Dật, tôi đem bài thơ ra chất chính. Phan quân cười:
- Thơ Nôm của vua Tự Đức dở “không thể chê” thì làm gì có được một bài thơ hay như thế. Huống nữa dưới triều Tự Đức không có người cung phi nào gọi là Thị Bằng. Cho nên nhất định bài Khóc thị Bằng không phải của vua Tự Đức. Phan Văn Dật là một thi nhân có biệt tài và thực học. Tánh người lại rất thận trọng. Thường thường không hề quả quyết một điều gì mà chính mình chưa biết tường tận. Bởi vậy nghe Phan quân nói, lòng tôi hết sức phân vân!
- Từ trước đến giờ phần đông những người yêu thơ đều bảo là thơ của vua Tự Đức. Các bậc tiền bối mình được hầu chuyện cũng đều xác nhận rằng quả là của nhà vua. Sao nay lại có chuyện bảo rằng “không phải”. Ai nói thì có thể không tin, chớ Phan Văn Dật nói thì không thể không tin được.

Từ ấy lòng thường nhủ lòng:
- Mình có cảm tình cùng vua Tự Đức do bài Khóc Bằng phi. Nếu thật sự bài thơ không phải của nhà vua, thì… uổng lắm!

Sau cuộc chính biến năm 1963, tình cờ gặp cụ Tôn Thất Hối tại nhà cụ Tôn Thất Toại ở Nha Trang, tôi “hâm” trở lại câu chuyện Thị Bằng. Cụ Tôn cho biết:
- Triều Tự Đức có hai cung phi được sủng ái là Bằng Phi và Thuý Phi. Nhưng sau xét ra thì Thuý Phi đối với nhà vua có ít nhiều liên hệ về huyết thống, nên nhà vua phải bấm bụng mà đoạn tình. Bởi vậy thời bấy giờ trong cung có câu “Duyên Bằng nợ Thuý”.

Hỏi về bài thơ, cụ đáp:
- Trong Hoàng gia vẫn truyền là của vua Tự Đức.

Cụ Tôn Thất Hối là một hưu quan triều Nguyễn lại một người trong Hoàng tộc. Lời nói của cụ về những việc trong cung vua không thể không chính xác.

Như thế nên tin lời cụ Tôn hay tin lời họ Phan?

Để dứt khoát tư tưởng tôi lấy “cân lòng” ra cân: Lời cụ Tôn cộng thêm những lời của các bậc tiền bối tôi đã được nghe trước kia thấy nặng hơn lời của họ Phan mà tôi luôn luôn yêu kính. Nên tôi cố giữ vững mối cảm tình cố hữu đối với nhà thơ Hoàng Đế cho đến lúc có bằng cớ đích xác chứng minh rằng bài Khóc Bằng phi không phải của Ngài.

[1] Trong tạp chí Thần kinh ở Huế thấy lục đăng nhiều bài khả ái. Tôi chỉ còn nhớ có một câu! Câu Mừng được mưa có người đọc: “Tràn đồng giọt ngọc vừa no đủ, Một giọt cân vàng khó ước ao.”
[2] Nhiều sách chép: “Lẽo đẽo theo hoài cứ chẳng thôi.”
[3] Viết theo Tuỳ Viên thi thoại.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]