Bài thơ mà ta chọn bình ở đây nếu kỹ tính chắc chưa thể ưng ý để gọi là một bài thơ hay theo nghĩa toàn bích. Tôi cũng nghĩ thế. Bài thơ còn ở dạng khá đơn giản (không phải là giản dị), các ý tưởng được trình bày trực tiếp bằng ngôn ngữ của tác giả nhưng chủ yếu chỉ là thứ ngôn ngữ khái niệm, ít hình tượng và các thủ pháp nghệ thuật. Với loại thơ không thông qua hình tượng và tứ thơ mà giãi bày trực tiếp như thế muốn thành công và tạo được ấn tượng mạnh thì phải được bảo lãnh hoặc là bằng dòng cảm xúc rất dào dạt đủ sức lôi cuốn người đọc, hoặc trình bày được những ý tưởng sâu sắc, có giá trị khám phá. Bài thơ Với anh của Phạm Thu Yến không tràn ngập cảm xúc, cũng không nói điều gì thật mới mẻ - điều chị đề cập đến ở đây thảng hoặc cũng đã có người nói tới, chẳng hạn Xuân Quỳnh. Tuy nhiên, phải công nhận rằng đây là một ý tưởng hay, lý thú và bổ ích nhãn tiền trong đời sống tình cảm gia đình, và với vẻ thành thực, dịu dàng rất phụ nữ, bài thơ đã đặt ra và giải quyết được một trong những tình huống, hay đúng hơn một tâm thế rất thường gặp trong quan hệ vợ chồng, người yêu đã từng làm đau đầu và thậm chí sức mẻ hạnh phúc của bao người mà không dễ gì giải quyết. Xét về phương diện ấy, có thể nói tác giả đã thành công, và như thế cũng đã là đủ cho một bài thơ.

Mở đầu bài thơ, tác giả nêu vấn đề:
Dẫu biết rằng anh rất yêu em
Vẫn có lúc lòng em trống trải
Yêu em đấy nhưng lòng anh e ngại
Trái tim đa cảm nơi em
“Trái tim đa cảm” - đúng thế. Ai đó đã nói: Phụ nữ là một sinh linh phức tạp. Nếu như điều đó góp phần làm nên sức cuốn hút của phụ nữ thì nó cũng kéo theo rất nhiều phiền phức, cho những người yêu họ và cho chính họ - anh thì “e ngại” khắc khoải, còn em thì “trống trải” và cô đơn. Điều khó khăn thường là ở chỗ: những người đang yêu, tức người trong cuộc thường không có được sự tỉnh táo - thì tình yêu vốn “như trái phá, con tim mù loà” mà lại. Họ có thể lú lẫn không nhìn ra cả những sự thật đơn giản mà nếu khi ở ngoài cuộc họ sẽ nhận ra ngay - chẳng hạn ở đây là cái tâm hồn giàu có dễ thương của người phụ nữ:
Biết làm sao em vẫn dễ vui buồn
Rưng rưng mãi trước một bài hát cũ
Một câu thơ hay trái tim nức nở
Khát khao nhiều trước mỗi binh minh
Thế đấy, nghịch lý là ở chỗ, hẳn chính vì là những nét đáng yêu ấy mà chàng trai đã đến với người con gái, nhưng khi có tình yêu rồi thì những phẩm chất ấy phải lùi lại, phải nhường bước cho những đòi hỏi không ngừng cao lên mãi. Nhưng thực ra chàng đã nhầm. Đi qua không có nghĩa là phủ nhận. Tất cả những biểu tượng tinh vi của tình yêu từ thuở ban đầu đều còn nguyên vẹn đấy, chẳng có gì mất đi hết. Đừng nghĩ đơn giản rằng một khi tình yêu đã lên đến tận đỉnh cao nhất của sự xẻ chia toàn bộ cuộc đời, từ hồn đến xác, thì những cung bậc của tình yêu nguyên sơ sẽ không còn đất sống để nhường bước cho những quan tâm tối giản và thường nhật. Ở đây, người phụ nữ làm thơ đã tỉnh táo hơn người yêu, để nhắc cho chàng hay về sự nhầm lẫn nguy hiểm ấy:
Em sẽ ra sao nếu chẳng là mình
Quên lãng hết ước mơ thời thiếu nữ
Nếu chỉ làm ăn, nuôi con, giặt giũ
Chắc chẳng còn đáng được anh yêu
Một chân lý quá giản dị và hiển nhiên! Câu thơ với những lời lẽ đơn giản ấy đã làm ta giật mình rằng sự thật thì không hề đơn giản chút nào và nếu ta đơn giản hoá sự thật thì nhất định sẽ phải trả giá. Vậy sự thật mà bài thơ nhắc nhở ta là gì vậy? Đó là những gì thuộc về bản chất của tình yêu muôn thuở. Xuân diệu từng viết: “Dầu tin tưởng một đời một mộng / Em là em, anh vẫn cứ là anh”, “Ta với tuy một mà hai”. Đúng là hoà nhập nhưng không hoà tan! Dẫu cho khi yêu nhau say đắm những người yêu những tưởng có thể trộn chung hai cuộc đời làm một, hoặc ra ít ra họ cũng vô hạn khát khao làm việc đó. Nhưng đó là một bi hài kịch, và nếu như họ được làm được việc đó thật thì tình yêu cũng đã bị thủ tiêu rồi, tình yêu chỉ còn đơn giản là sự xâm lược và chiếm đoạt toàn diện kiểu thú vật hay sự vị kỷ không cùng chẳng hứa hẹn một chân trời nào sáng sủa. Cao hơn sự chiếm đoạt và vị kỷ, hạnh phúc của tình yêu còn là sự đem cho, sự che chở và quyền tồn tại của những thế giới riêng. Tất cả những hành vi ấy làm cho tình yêu con người mang một phẩm chất cao thượng không gì sánh nổi, mở ra cho cuộc chung sống một sự hoà hợp thiêng liêng, vừa thực tế vừa thơ mộng, vừa sáng rõ vừa hư ảo như sức cuốn rũ của thứ rượu mạnh cất nhiều năm dưới đất có thể làm ta say ngất ngư từ cái nhìn thứ nhất cho đến tận lúc bạc đầu.

Với thông điệp ấy, bài thơ không những nhắc ta phải biết quý mến và trân trọng thế giới riêng cũng như bản sắc tâm hồn của người mình yêu mà còn phải khuyến cáo ta phải giữ lấy những nét riêng và bản sắc ấy cho mình trong suốt cả cuộc sống chung đôi, vì một trong những bản chất làm nên sức huyền diệu không cùng của tình yêu chính là sự bí ẩn của cả thể xác và tâm hồn, nhất là tâm hồn. Đánh mất sự bí ẩn ấy, tình yêu và cuộc sống lứa đôi chỉ còn là một hành vi nhàm chán và lăn đi như một thói quen nữa mà thôi.

Anh Ngọc (báo Hạnh phúc gia đình)