Trúc cũng như bậc hiền nhân, vì sao vậy? Gốc trúc vững, vững để lập đức, người quân tử trông gốc trúc, thì nghĩ đến việc tạo lập cho mình cái ý chí kiên định không dời. Tính trúc thẳng, thẳng để lập thân, người quân tử thấy tính trúc, thì nghĩ đến sự trung lập thẳng thắn, không thiên lệch. Lòng trúc rỗng không, rỗng không để thể nghiệm lẽ đạo, người quân tử thấy tấm lòng của trúc, thì nghĩ đến việc dùng cái tâm hư không mà dung nạp người. Đốt trúc cứng cỏi, cứng cỏi để lập chí, người quân tử thấy tiết của trúc, thì nghĩ đển việc mài giũa danh hạnh, dù qua khó khăn nguy hiểm vẫn thuỷ chung như nhất. Chính vì như thế, mà bậc quân tử thường trồng trúc đầy quanh sân nhà mình vậy.

Mùa xuân năm Trinh Nguyên thứ 19, Cư Dị tôi được chọn trong đám anh tài mà đỗ tiến sĩ, và được ban chức hiệu thư lang, mới đi tìm nơi ở nhờ ở Trường An, rồi tìm được chỗ ở đình Đông trong tư dinh quan tướng quốc họ Quan khi xưa ở làng Thường Lạc. Hôm sau, tôi dạo bước tới góc đông nam đình, chợt thấy có khóm trúc ở đó, cành lá xác xơ, không thanh không sắc. Hỏi thăm các bậc già lão họ Quan, thấy bảo: “Trúc này là trúc do chính tay tướng quốc trồng khi xưa. Từ khi tướng quốc dời đi, người khác đến ở nhờ, thì trúc bị bọn đan gùi giỏ đến chặt, bọn làm chổi rễ đến cắt. Khóm bị chém còn lại, lớn không quá một sải, đếm không đến trăm cây. Lại có đám cỏ hoang cây dại mọc bừa trong đó, um tùm rậm rạp, toàn giống chẳng có tâm như trúc.” Cư Dị tôi tiếc khóm trúc vốn là cây được tay bậc trưởng giả vun trồng, nay lại chỉ có con mắt của bọn tục nhân ngó tới, chặt phá như vậy, mà bản tính vẫn giữ nguyên. Bèn cắt hết cỏ rậm, nhặt sạch rác rưới, tỉa thoáng khóm cành, vun rào gốc rễ, chưa hết ngày thì làm xong. Thế là khi mặt trời mọc lại có bóng mát râm, lúc gió thổi về lại có tiếng vi vút. Lá cành vui nhởn nhơ, xanh mơn mởn, như cũng có cái tình cảm ngộ vậy.

Than ôi! Trúc là loài thực vật, sao có thể sánh với con người? Chỉ vì có những điểm giống bậc hiền nhân mà được người đời yêu mến vun trồng, huống nữa là bậc hiền nhân thực sự? Vả trúc ở trong đám cỏ cây, cũng như bậc hiền nhân trong đám người phàm. Ôi, trúc chẳng tự cho mình là khác, chỉ là con người thấy sự khác biệt đó thôi. Bậc hiền nhân chẳng tự cho mình là khác, chỉ có người biết dùng người hiền thấy sự khác biệt đó thôi. Nên tôi bèn làm bài “Dưỡng trúc ký” này, viết lên vách đình, để để lại cho người sau lại đến ở nơi này, cũng là muốn cho những người dụng hiền đời nay nghe lấy vậy.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.