Mưa Nguồn, tên sách là một từ ngữ, hình ảnh thông thường, như trong thành ngữ dân gian, chớp bể mưa nguồn.

Những trận mưa rừng núi là hiện tượng thiên nhiên quen thuộc, có lẽ Bùi Giáng đã nhiều lần chứng kiến cụ thể thời trai trẻ, khi chăn dê miền trung du Trung Phước, khoảng 1946. Đây là những trận mưa giông lớn, ào ạt đổ xuống rất nhanh, nhất là vào mùa hè, gây ấn tượng mạnh. Mưa Nguồn có thể hiểu theo nghĩa đen.

Lại thêm nghĩa bóng: mưa móc, ân sủng dội xuống nơi cội nguồn cuộc sống, ào tuôn, “giáng” xuống một lần rồi thôi, nhưng cũng có thể trở lại, trong lẽ tuần hoàn, như lời chờ mong của Tản Đà: “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn”, trong Thề non nước.

Cần hiểu thêm, chữ nguồn, ở quê Bùi Giáng, còn có nghĩa đời sống của dân tộc thiểu số ở miền trung du Trung Bộ, mà Bùi Giáng thường xuyên tiếp xúc. Họ thuộc nhiều chủng tộc, chủ yếu là người Gié Triêng và Ca Tu, mà cuộc đời hoang dã đã tạo ra và lưu lại nhiều ấn tượng sâu xa trong tâm thức Bùi Giáng. Cuộc trao đổi hàng hoá giữa hai miền xuôi ngược - ngày nay gọi là Kinh Thượng - đã để lại câu ca dao:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non chở xuống, cá chuồn chở lên
Nậu nguồn là những thương nhân chuyên môn buôn bán với Mạn Ngược. Và ở đây có thể phát âm hai vần ngùn/chùn theo giọng Quảng Nam của Bùi Giáng, cũng như Mưa Ngùn. Như vậy mới kết vần được hai câu ca dao địa phương khác, mà Tế Hanh hay Sơn Nam ưa tham chiếu:
Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên ngùn (nguồn) đốt than
Thơ Bùi Giáng, có khi cần phải phát âm theo giọng tác giả, mới thú vị:
Chén trà sương sớm bên thềm
Vừa chờ chim hót vừa thèm chim (chiêm) bao.
(Chén trà, Báo Thời văn, tr.24)
Chim hót đối ngẫu với chim (chiêm) bao.

Chữ Nguồn ở Bùi Giáng là một hình ảnh vừa quê mùa vừa uyên bác, tự nhiên mà tinh tế. Gốc Hán Việt là “nguyên”, là nguồn cội, là nguồn sống, là Sơ Nguyên Ngọn Suối: con chim điên vì nhớ Suối vô cùng. Suối cũ Suối xanh Suối bờ mọc cỏ. Suối võ vàng em có hai tay Suối mừng nhìn thấy. Suối khóc suốt đêm bây giờ suối nín... (Gió nguồn, Lá hoa cồn, tr.75).

Suối ở đây là Nguồn Xuân Tinh Thể. Nhưng nói vậy là nói lắp, vì Xuân đã là Nguồn, và Suối đã là Xuân. Tiếng Anh rất hàm súc khi dùng một từ Spring để chỉ Xuân và Nguồn. Trong thơ Bùi Giáng, Xuân đồng nghĩa với Nguồn, như trong tiếng Anh. Nó là cõi uyên nguyên có trước Trời Đất, là “cái cửa khe huyền diệu” - “huyền tẫn chi môn” theo lời Lão Tử. Chữ “tẫn” Ngô Tất Tố diễn dịch là khe, mà có người cắt nghĩa là giống cái, tức là mẹ đẻ của muôn vật. Đó cũng là một nghĩa”(1).

Có lẽ, từ đó hình ảnh khe, kết hợp với người Nữ, thường xuất hiện nơi thơ Bùi Giáng. Chữ môn nghĩa là cửa (nhân tạo), linh mục Dòng Tên, Claude Larre dịch là Porte (des secrètes merveilles)(2) có lẽ, về sau đã gợi ý cho Bùi Giáng làm đoạn thơ nổi tiếng bắt đầu với hai chữ ngõ và cửa:
Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài
Cửa xô còn vọng điệu tài tử qua
Niềm vui, nghĩa sống con người đã xô cửa bước ra từ cõi ban sơ ấy, và ngân dài, âm vọng qua lời thơ của người tài tử. Nhưng về sau lại lỡ từ lạc bước bước ra... và tác giả, hay độc giả có thể tuỳ nghi ráp nối nhiều câu lục bát khác vào đoạn trên, như Tuệ Sĩ đã gợi ý trong một bài báo rất uyên bác, trên Báo Văn 1973:
Ta về ngóng lại mưa sa
Giọt dài ly biệt nghe ra giọng chào
Hoặc:

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay
Vân vân... Như đã nói: toàn bộ tác phẩm Bùi Giáng có thể xem như là một bài thơ duy nhất, một nét chữ lên đàng quẩn quanh. Và người đọc lý thú, vì cảm giác tham dự vào cuộc chơi, thậm chí là đồng tác.

Người đời thường trích dẫn mấy câu thơ hay, bề ngoài đơn giản, nhưng kỳ thật là phức tạp:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
(Chớp biển, tr.132)
Hai câu đầu là một hình ảnh từ chương. Câu sau đã khó hiểu hơn: một, hai, ba nghĩa là gì? Hoặc ta cho là thơ cà chớn, không cần tìm hiểu; hoặc ta tìm hiểu và tham chiếu vào Đạo đức kinh, lời Lão Tử: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật”; ý thức con người đong đưa giữa cái nghi và cái diệu: không nghi thì không có diệu, không nhờ cái diệu thì không giải toả được cái nghi. Đo và Đếm là hai thao tác của Tâm và Tưởng để tiếp xúc và nhận thức ngoại giới: đo cái liên tục và đếm cái gián đoạn. Nhưng còn là, là gì? Là môi giới qua Lời Nói. Nhưng Lời Nói là gì? Chúng ta trở về vị trí đong đưa sóng biển giữa Diệu và Nghi.

Hiểu thơ Bùi Giáng không phải lúc nào cũng đơn giản. Mà không hiểu, chưa chắc đã đơn giản.

Bàn về một chữ Xuân mà phải dàn xa dặm dài, như vậy phải biết ngừng lời, vì:
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
(Chào Nguyên Xuân, Mưa nguồn, tr.25)

Đặng Tiến