Le petit Prince, một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất thế gian của nhà văn Pháp Saint Exupéry, cuốn sách được coi là bài thơ bất hủ ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người, bản dịch tiếng Việt đầu tiên của cuốn sách tuyệt vời đó là của Bùi Giáng với cái tên Hoàng tử bé. Hàng triệu người Việt Nam qua nhiều thế hệ đã yêu mến Hoàng tử bé qua ngòi bút hồn nhiên lãng đãng của Bùi Giáng.

Trong các năm từ 1966 trở đi, Bùi Giáng dịch rất nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài. Mảng sách này chiếm một tỷ lệ khá lớn trong những cuốn sách của Bùi Giáng. Ngoài các tác phẩm của Saint Exupéry, Bùi Giáng còn dịch các tác phẩm của Shakespear, Albert Camus, André Gide, các tác giả Trung Quốc và nhiều tác giả phương Tây khác. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và chữ Hán.

Trong những bản dịch của ông, một số ông dịch trung thành với nguyên bản, một số khác ông vừa thể hiện được tinh cốt của tác phẩm, vừa... sáng tạo. Và có một số tác phẩm ông không chịu dịch trọn cuốn sách mà vừa dịch vừa… cà rỡn.

Ta hãy đọc một cuốn tiểu thuyết dịch nửa chừng như vậy của Bùi Giáng. Cuốn Nhà sư vướng luỵ được Bùi Giáng dịch, Quế Sơn xuất bản lần đầu vào năm 1969. Đây là tác phẩm của một nhà văn Trung Hoa đồng thời cũng là một nhà sư tên là Tô Mạn Thù.

Thoạt đọc cuốn sách, ta bắt gặp cái giọng văn vừa khúc chiết vừa văn hoa của ông khi xưa, lúc ông viết “Một vài nhận xét…”: “Tại Bách Việt, về phía Nam bờ biển, có dãy Kim Nhân Sơn nguy nga dựng sững. Những lúc trời quang mây tạnh, ta có thể nhận thấy phía bên dưới sườn núi xanh um ẩn ẩn hiện hiện một mái ngói hồng lóng lánh, lập loè như lớp vảy con kình ngư. Đó là ngôi chùa Hải Vân, vẫn còn nguyên như thuở xưa, cái ngày nhà Tống sụp đổ”… “Cho tới ngày nay, nhìn sơn lĩnh ở xa xa cuối chân trời, vân khí sầm uất, bàng bạc chiều chiều như còn gợi mãi vang bóng triều đại xưa. Và thỉnh thoảng tiếng sóng vỗ bi thống còn khiến lữ khách ngậm ngùi, cúi đầu lặng lẽ, không dám gợi lại những bóng ma não nùng của quá khứ”.

Ta thích thú đọc tiếp những trang sau. Nhưng đọc khoảng hai ba chục trang nữa thì ta chợt thấy thấp thoáng một vài cụm từ “có vấn đề”, chẳng hạn: “Con xin trút giũ thảy thảy hết trở lại cho Như Lai, để suốt một bình sinh đi theo dấu chân liên tồn của Tuyết Mai tiên nữ”.

Tuy nhiên chúng ta vẫn còn đọc được thông suốt văn bản thêm khoảng bốn năm chục trang tiếp theo. Rồi cuối cùng ta đụng vào cái mớ rối bòng bong của Bùi Giáng. Lúc này, Bùi Giáng bắt đầu lên đồng: “Mặt hồ nguy nga nào tinh khiết thế, cho đến nỗi những ngư ông ngư phủ đã ngây thơ báo biểu rất mực rằng, nhìn đăm đăm vào ắt các anh sẽ thấy những Đô Thị Phiêu Bồng Huyền Thuyết Cổ Hy nhô lên bất chợt bởi thần thuật Đa Na Ô kỳ bí, ở diện tiền bọn người hì hục lao công, hồ ngọc ôi, ngươi quyến rũ dã man gì như thế, khiến hằng hằng mỗi mỗi cường quốc nọ cứ lăm le muốn chiếm hữu đất đai xứ sở kia cho bằng được”.

Từ lúc này trở đi, người ta không biết đâu là lời của tác giả nguyên bản đâu là lời của Bùi tiên sinh nữa. Lúc đó Bùi Giáng bắt đầu… múa bút. Ông vứt bỏ những tình tiết của tiểu thuyết ra ngoài để thay vào đó là những chuỗi dài từ ngữ dính chùm nhau, kéo từ trang này qua trang khác của ông, hết văn xuôi lại đến thơ.

“Hỡi ôi!/Lời tối hậu? Ý tuyệt trù /Bỗng dưng chắp nối cho sầu ma hoang/Lời thăm thẳm? Ý khôn hàn/Vì đâu riêng tụ về hàng thơ điên/Bán khai nhân vật diện tiền/Sương lung bán ẩn suốt miền cảo thơm”.

Nhưng chưa hết đâu. Bùi Giáng vẫn chưa thoả mãn khi đã đùa giỡn như thế. Cho nên ông đưa nàng Kim Cương của ông vào trong cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc: “Ôi em Kim Cương ngàn thu một thuở Nương Tử rất mực vô ngần Nam Diện cành Nam màu lan sơn thuỷ”. Chúng ta không thể bình luận gì được ở chỗ này nữa.

Cho đến lúc Bùi Giáng hoàn toàn quên luôn việc dịch tiểu thuyết khi ông nhảy vào trong bối cảnh để xưng là tại hạ và ngâm thơ hoặc là hát: “Anh đã hái ngành lá cây thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi/Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa/Mộng trùng lai không có được trên đời”.

Có lẽ nói sẽ không hết ý. Vì vậy nên trích vào đây một đoạn bản dịch tiểu thuyết Nhà sư vướng luỵ của Bùi Giáng:

“Nói xong nàng vén áo xiêm, chỉnh đốn quỳ một chân xuống, trang trọng đón chút quà mọn như đón tặng vật trời ban. Ôn tồn thuần hậu mà rằng:
- Kính tạ Tam Lang! Tam Lang từ nay đừng dùng tiếng “cô nương cô nưỡng cô nuồng” mà gọi tôi. Nghe có vẻ ra làm sao ấy. Chẳng thân thiết tí nào.

Tôi nói:
- Kính thưa cô nương. Tại hạ đồng ý là: tiếng cô nương nghe ra không có vẻ thân mật. Nhưng còn tiếng “cô nuồng” thì quả là thân thiết bịch bồ.

Tĩnh Tử hỏi:
- Hà dĩ kiến đắc?

Tôi đáp:
- Nhân vì tiếng “cô nuồng” có chứa chất âm thanh “uông uông uồng uồng” ngụ trong tính tình nên lời tuyệt diệu.

Tĩnh Tử hỏi:
- Tuyệt diệu như răng?

Tôi nói:
- Như rằng uông uồng chuồn chuồn thèm thuồng và ở truồng vân vân.

Tĩnh Tử phì cười:
- Tam Lang chớ có giỡn như thế em không có bằng lòng.

Tôi nói:
- Dạ vâng.

Nuồng bảo:
- Dạ, vâng cái chi. Tam Lang hãy dùng tiếng ừ vậy.

Tôi đáp:
- Nhiên.

Nuồng nói:
- Phải. Nhiên. Giờ đây em đã nhận tặng vật của anh, sớm hôm nhìn ngắm, em sẽ không quên con người sẽ không quên con người đã ban cho”.

Đến đây cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc coi như hoàn toàn biến mất trong bàn tay của một dịch giả tài hoa nhưng không bình thường này.

Trần Đình Thu