Xa cách

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng thương em.
Cái hơn người ở Nguyễn Bính là hồn quê. Điều này từ lâu đã trở thành hiển nhiên. Nhưng cứ giả định: chỉ viết riêng bằng hồn quê đó thôi, liệu Nguyễn Bính có như là Nguyễn Bính mà ta vẫn thấy nữa không? có khác một nhà ca dao không? Nguyễn Bính trước hết vẫn là một nhà Thơ mới. Tôi cho rằng: chính một sự hoà hợp nào đó giữa hồn Thơ mới và hồn quê mới làm nên tác giả Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Mây Tần (1942), Mười hai bến nước (1942), v.v... Cố nhiên, nói hoà hợp là đối với cả một hồn thơ, là thuộc cấu trúc bề sâu của một điệu tâm hồn. Còn ở từng bài, có thể bài này phong vị ca dao trội hơn, bài kia chất Thơ Mới lại đậm hơn là hoàn toàn thông thường. Trách Nguyễn Bính không “quê mùa hẳn”, cũng như coi yếu tố Thơ Mới chen vào làm mất tính cách thuần khiết ca dao là chỗ hỏng, chỗ đáng chê của Nguyễn Bính, e rằng oan cho cái tạng thơ ấy.

Trong một thi phẩm như Xa cách, cũng có thể thấy ít nhiều nét dáng của mối hoà hợp đó.

Thực ra, bài thơ này không có một tựa đề riêng. Theo Tuyển tập Nguyễn Bính (Nxb Văn học, 1986), thì nó là bài thứ tư trong chùm thơ Vài nét rừng gồm bốn bài tứ tuyệt viết năm 1938 tại Phú Thọ:

Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em.
Tự dưng, bài thơ xui người đọc liên tưởng đến một bài ca dao quen thuộc:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua
và một dị bản của nó:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Nói riêng về những bài này, người ta có thể tán rằng: việc lặp lại ba lần từ “mấy” đã tỏ rõ quyết tâm vượt qua mọi cách ngăn, ngáng trở. Nhưng phần riêng, tôi thấy, việc thu vén các số từ xác định mang mầu sắc kể lể (tam, tứ, thất, bát, tứ cửu, tam thập lục...) vào trong một số từ không xác định là “mấy” (bao nhiêu) đã làm giảm lòng yêu của tôi đối với bài ca dao thứ hai đi nhiều lắm. Bởi cái mãnh liệt bồng bột mà mộc mạc đã theo lối thu vén kia mà “xuống cấp” rồi. Nếu nằm yên định ở câu ca dao sau là một cái tâm “đạm” (ít ra cũng bằng lòng với khuôn khổ 6-8 thông thường của câu lục bát), thì ở bài trước lại là một cái tâm bội phần “nồng” hơn. Vẻ xốc nổi, bất chấp mọi ngáng trở, đầy thanh niên tính của nó cứ bốc dần lên theo “cấp số nhân” của những số từ đã hết sức xác định lại còn pha lối Hán Việt, đến nỗi đã phá vỡ luôn cả cái khuôn khổ mực thước của đôi câu lục bát... Đấy hẳn phải là chàng trai đặc sệt ca dao! Và Nguyễn Bính cũng đã từng đặc sệt ca dao khi viết: “Cách mấy mươi con sông sâu / Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh” - một kiểu dùng số từ theo lề lối quê, bằng những lời quê.

Nghĩ thế, tôi đã yên trí: yếu tố Thơ mới của Xa cách là cách nói ngược. Cũng nói chuyện cách trở sơn khê, ca dao thì nghiêng về lối nói thuận theo chiều tăng tiến, còn ở đây, Nguyễn Bính lại ngả về lối nói nghịch theo đà lui giảm chăng? Tôi đã nhầm. Nguyễn Bính vẫn rất ca dao ở lối nói nghịch như vậy. Một người chị xa xưa của cô gái kia chẳng từng nói nghịch như thế để giấu lòng mình và nhân đó mà ướm lòng người đấy sao?

Nhà em có bụi mía mưng
Có con chó dữ, anh đừng lại qua.
Hoá ra là một cách giả đò - nét tâm lí dường như đã thuộc hẳn về thiên tính nữ. Ca dao Nam Bộ cũng đã rất tinh trước kiểu “giả đò” đó:

Thò tay mà bứt ngọn ngò [1]
Thương anh đứt ruột giả đò ngó ngơ
Vẻ “thật như đếm” của chàng trai phăng phăng lặn lội kia, cũng như điệu bộ giả đò của hai cô gái này, đằng thì nói thuận đằng thì nói nghịch, cả hai đều hoàn toàn chân quê, nghĩa là vẫn mộc mạc giản đơn.

Khác xa với những chị em ruột trong ca dao, cô gái trong Xa cách của Nguyễn Bính “phức tạp” và “rắc rối” hơn nhiều.

Nếu nghe vào những trở ngại mà nàng nêu ra cùng với cái giọng than van, tuồng như không thể thống thiết hơn đó, dễ tin rằng: mong anh đừng yêu em là hoàn toàn thực lòng. Một niềm tin như thế thật... ngây thơ, thật dễ... bị lừa. Tình thật của người nói được giấu kín trong cái trình tự giảm dần của các số từ: “bốn” xuống “ba”, rồi xuống “hai” (đôi), cuối cùng lại biến thành “quá chừng”. Thì ra đây không phải “tổng số” những cách trở, mà là “cấp số lùi” của những ngáng trở. Anh không hiểu em ư? Tuy 4 quả đồi nhưng chỉ có 3 ngọn suối, rồi chỉ có 2 (đôi) cánh rừng thôi! Chữ “đôi” là biến thể của 2 này không chỉ bởi nhu cầu gieo vần. Tinh vi hơn, trong đó còn chứa đựng cái ý giảm thiểu hơn nữa so với 2. Bởi “đôi” trong trường hợp này gần với “vài”, với “đôi chút” nghĩa là ít ỏi chả đáng kể gì... Có cái gì đó như oái oăm, lại như điệu đà, nhưng ẩn chứa một điều ngang trái, trớ trêu có thật nào đấy trong mối duyên này. Đó phải là cái rắc rối của một cô gái vốn chân quê giờ đã hít thở bầu không khí của Thơ mới. ẩn náu trong lồng ngực cô giờ đây không còn là trái tim đơn giản thuần phác nữa. Trong nhịp đập của nó đã chứa đầy những rạo rực, băn khoăn không yên định, đầy trăn trở của Thơ mới. Nó làm nên một cõi lòng đa đoan: băn khoăn mà thắm thiết, ái ngại mà đầy khích lệ, chối từ mà không nguôi gắn bó, tuyệt vọng mà khắc khoải hi vọng... Tóm lại là một nỗi khổ sở, bất an rất Thơ mới. Thì nó chính là Nguyễn Bính, chừng mực hơn, cái tôi của cô gái kia chính là sự phân thân của Nguyễn Bính, sự phân thân của cái khối tình lỡ, với đầy rẫy những lỡ làng, lỡ bước, lỡ dở, lỡ duyên, Vâng từ ân ái lỡ làng, Để cả mùa xuân cũng lỡ làng... mà tác giả “Lỡ bước sang ngang” đã đem phổ vào hầu khắp các trang thơ của mình. Ở đây, Nguyễn Bính đã mượn cái “giả đò” truyền thống kia, rồi đẩy nó lên đến cực điểm để diễn tả một cái tôi phức tạp, éo le, nghịch tình, nghịch cảnh ấy.

Như thế, tôi muốn nói rằng: hồn thơ Nguyễn Bính là sự đồng thể theo một kiểu nào đó của hồn quê (yếu tố dân gian) với khối tình lỡ đầy uẩn khúc (yếu tố Thơ mới) đó. Sự hoà quyện này đã làm cho nỗi tủi hờn phổ biến trong các câu ca than thân thuở trước nhập vào nỗi tủi sầu hiện đại, nó cứ nghẹn ngào da diết suốt mọi tiếng thơ của nhà Thơ mới chân quê này.

Dầu sao, tôi không nghĩ đây là một điển hình cho sự hoà hợp giữa hai “nguyên tố” đó ở Nguyễn Bính. Vì Xa cách chưa phải bài thơ hay nhất của thi sĩ.

Bài này viết chung với Nguyễn Đăng Điệp. Đã in trên Văn nghệ Hà Nam Ninh, số 2-1991. Tên bài lúc đó tôi đặt là “Từ một bài thơ của Nguyễn Bính”, trình bày những suy nghĩ bước đầu về Nguyễn Bính từ bi kịch lỡ dở (lúc ấy tôi gọi là “lỡ làng”) đến phong cách thơ, nhất là sự kết hợp giữa yếu tố Thơ mới và yếu tố Dân gian, qua một thi phẩm cụ thể. Do cộng tác nghiên cứu, tôi có đồng ý cho Nguyễn Đăng Điệp được sử dụng một sỗ ý tưởng ở đây để triển khai trong bài “Khối tình lỡ của người chân quê”, Tạp chí Văn học số 5-1994.

[1] Ngọn ngò người miền Bắc gọi là rau ngổ.

Núi Bò, Xuân 1991
Chu Văn Sơn
(trích từ Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử, Kỳ 7: Thẩm bình thơ Nguyễn Bính, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003)