Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu:
Ta về mình có nhớ ta
..........................
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Bài làm

Việt Bắc là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ được viết vào tháng 10/1954, khi Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác Hồ và cán bộ kháng chiến từ giã “Thủ đô gió ngàn” về với “Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình”. Cả bài thơ là một niềm hoài niệm nhớ thương tuôn chảy về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc rất gian khổ nhưng vui tươi hào hùng. Giữa trăm nghìn tình cảm nhớ thương tha thiết ấy, tác giả đặc biệt dành những cảm xúc đẹp nhất cho cảnh và người Việt Bắc:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Mở đầu đoạn thơ là hai câu thơ giới thiệu nội dung bao quát cảm xúc chung của đoạn thơ:
Ta về mình cố nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Câu hỏi tu từ mình có nhớ ta vừa là lời đối thoại vừa là cái câu nối xuống câu dưới và đấy cũng là cái cớ để bày tỏ tấm lòng, nỗi niềm của mình. Với Tố Hữu người cán bộ ra đi không chỉ nhớ đến những ngày tháng gian khổ “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” mà còn nhớ đến vẻ đẹp đáng yêu của “hoa cùng Người”. Từ xưa đến nay, trong văn chương nghê thuật, hoa và trăng là biểu tượng cho cái đẹp cua thiên nhiên tạo vật. Ở đây hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc. Hoa ở bên người để người mang gương mặt sắc màu của hoa. Người bên hoa để cho hoa mang hồn người. Hoa và người quấn quýt với nhau trong vẻ đẹp hài hoà đằm thắm để tạo nên cái nét riêng biệt, độc đáo của vùng đất này. Chính điều ấy đã tạo nên cái cấu trúc đặc sắc cho đoạn thơ. Trong bốn cặp lục bát còn lại, câu sáu dành cho nhớ hoa, câu tám dành cho nhớ người. Cảnh và người trong mỗi câu lại có những sắc thái đặc điểm riêng thật hấp dẫn.

Đọc đoạn thơ trên, chúng ta có cảm giác đoạn thơ được tác giả viết không hề trau chuốt mà như cứ tuôn chảy từ một tấm lòng nhớ thương da diết của người cán bộ về xuôi. Qua đây mà cảnh và người cùng những hoạt động của nó ở núi rừng chiến khu Việt Bắc cứ lần lượt hiện lên có đủ bốn mùa trong năm, mỗi mùa có một màu sắc, âm thanh chủ đạo tạo thành một bộ tứ bình đặc sắc: khi lắng dịu, khi rực rỡ chói chang, khi rộn ràng náo nức.

Ở đây ta thấy bức tranh mùa đông hiện về với màu xanh bát ngát bao la của cánh rừng, có điểm những bông chuối đỏ tươi như những bó đuốc thắp sáng rực tạo nên một bức.tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập, vừa hài hoà, vừa cổ điển vừa hiện đại. Cái màu “đỏ tươi” của bông chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp và như tiềm ẩn một sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá hiu hắt vốn có của núi rừng.

Cùng hiện lên với cái lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng chiến khu lên núi làm nương, phát rẫy sản xuất ra nhiều lúa khoai cung cấp cho kháng chiến. “Đèo cao nắng ánh dao cài thắt lưng”. Trước thiên nhiên bao la, con người dường như càng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng hơn. Ở đây nhà thơ không khắc hoạ gương mặt mà chớp lấy một nét thần tình rực sáng nhất. Đó là ánh mặt trời chớp loé trên lưỡi dao rừng ở ngang lưng. Con người như một tụ điểm của ánh sáng. Con người ấy cũng đã xuất hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất. Đấy là cái tư thế làm chủ đầy kiêu hành và vững chãi: Giữa núi và nắng, giữa trời cao bao la và rừng xanh mênh mang. Con người ấy đã trò thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.

Mùa đông qua đi thì mùa xuân lại về mang bao nhiêu điều tốt lành đến cho con người, báo hiệu những niềm vui, sức sống âm thầm đang trỗi dậy.

Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, trong trẻo, tinh khiết cua hoa mơ nơ khắp rừng. Ngày xuân mơ nở trắng rừng", “trắng rừng” được viết theo phép đổi trật tự cú pháp và từ trắng được dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc, màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, và làm bừng sáng cả khu rừng bởi sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Điều đó chứng tỏ đây là những giờ phút hoa mơ nở rộ nhất:
Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt (41)
Tráng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng, con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ
(Tố Hữu)
Nổi bật trên cái nền của hoa mơ nở trắng ấy, là hình ảnh con người với công việc của mùa xuân: đan nên những chiếc nón tình nghĩa gửi tặng bộ đội, dân công “nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay khéo léo, tài hoa, nhanh nhẹn, chăm chút và phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc.

Bức tranh trong nỗi nhớ của Tố Hữu không chỉ có màu đỏ tươi của hoa chuối, màu xanh ngắt của rừng, màu trắng muốt của hoa mơ, mà còn có cả màu vàng rực của rừng phách đang đổ “ve kêu rừng phách đổ vàng”. “Đổ vàng” có nghĩa là chuyển sang màu vàng nhưng nhiều và đậm hơn gợi cảm giác đột ngột. Màu của cây phách đổ vàng cả suối ngàn dường như làm cho ánh nắng của mùa hè và cả tiếng ve kêu râm ran kia nữa cũng trở nên óng vàng ra. Đây là một bức tranh sơn mài được vẽ lên bằng hoài niệm, nên lung linh ánh sáng, màu sắc và rộn rã âm thanh. Tố Hữu không chỉ có biệt tài trong việc miêu tả vẻ đẹp riêng của từng mùa, mà còn có tài trong việc miêu tả sự vận động đổi thay của thời gian và cảnh vật. Chỉ trong một câu thơ trên mà ta thấy được cả thời gian luân chuyển sống động: tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đến và cây phách ngả sang màu vàng rực rỡ. Đây chính là một biểu hiện đặc sắc của tính dân tộc.

Hiện lên trong cái thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp cho bộ đội kháng chiến: “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Hái măng một mình mà không gợi lên ấn tượng về sự cô đơn, hiu hắt như bóng dáng của người sơn nữ trong thơ xưa; mà trái lại rất trữ tình, thơ mộng, gần gũi thân thương tha thiết. Hình ảnh thơ cùng gợi lên được vẻ đẹp chịu khó chịu thương của cô gái. Đằng sau đó, ẩn chứa biết bao niềm cảm thông, trân trọng của tác giả.

Thu sang, khung cảnh núi rừng chiến khu như được tắm trong ánh trăng xanh huyền ảo lung linh dịu mát.
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát an tình thuỷ chung
“Trăng rọi hoà bình” là ánh tráng chiếu sáng không khí thanh bình nơi chiến khu kháng chiến. Những ai đã từng đi qua những tháng ngày “mưa bom bão đạn”, đi qua bao đêm “vầng trăng” cũng “quầng lên một vầng lửa máu”, thì mới thấy hết sự xúc động của lòng người trong những đêm trăng hoà bình đó. Vì vậy tả cảnh trăng rừng mà không thấy vắng lặng, lanh lẽo; mà trái lại đã gợi lên không khí rạo rực đắm say. Bởi giữa ánh trăng rừng ấy, đã vang lên tiếng hát mang đậm ân tình thuỷ chung của ai đó càng làm cho ánh trăng như sáng hơn và cùng lung linh, thắm đượm tình người Việt Bắc hơn.

Đây là đoạn thơ vừa sâu sắc về nội dung, vừa độc đáo về nghệ thuật. Nó xứng đáng là đoạn thơ hay nhất trong bài Việt Bắc. Đoạn thơ cũng thể hiện rõ phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình sâu lắng, tha thiết ân tình và mang đậm tính dân tộc. Những câu thơ lục bát đậm đà âm hưởng ca dao, nhịp nhàng, uyển chuyển; câu nọ gọi câu kia, ý nọ gọi ý kia cứ tuôn trào lên dào dạt cảm xúc qua cách xưng hô Mình – Ta, một cách xưng hô truyền thống thắm thiết tình nghĩa. Nhạc điệu dịu dàng trầm bổng khiến cho cả đoạn thơ mang to hưởng bâng khuâng êm ái như một khúc hát ru kỷ niệm. Đặc biệt từ “nhớ” được lặp lại nhiều lần, mỗi lần một khác và sắc độ cứ tâng dần làm cụ thể hơn tấm lòng của người ra đi đôi với cảnh và người Việt Bắc.

Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hoà hợp vói nhau tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gùi, thân quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.

(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)