Chiêu Quân: Vương Chiêu Quân 王昭君 còn gọi là Minh Phi 明妃 hay Minh Quân 明君 tên thật là Vương Tường 王嬙, nhũ danh Hạo Nguyệt 皓月, tự Chiêu Quân, là người đẹp được tôn vinh là một trong Tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Quốc, cùng với ba người kia là Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi. Nàng là người làng Tỷ Quy, huyện Nam Quận, nay là huyện Quỳ Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Theo
Hán thư, nàng nguyên là cung nhân của Hán Nguyên Đế từ năm 15 tuổi với thân phận là một gia nhân tử, tức hàng phi tần vô danh không có tước hiệu trong chế độ nhà Hán. Thời đó Hung Nô rất mạnh, thường xuyên quấy nhiễu trung nguyên, nhà Hán hằng năm vẫn phải cống vàng bạc, vải lụa, mỹ nhân, trâu ngựa theo sách lược hoà thân từ thời Lưu Bang. Năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà 呼韓邪 đến kinh đô Trường An để thần phục nhà Hán, đề nghị được trở thành con rể của Nguyên Đế. Hoàng đế thuận theo, ban cho cho 5 cung nhân trong hậu cung, và một trong số ấy là Vương Chiêu Quân. Sau khi làm vợ chúa Hung Nô, nàng được phong hiệu Ninh Hồ yên chi 寧胡阏氏, sinh được một con trai. Nàng mang trọng trách làm cầu nối giữa nhà Hán và Hung Nô thời đó. Đến đời Tấn, Tấn Vũ Để để tránh phạm huý cha mình là Tư Mã Chiêu, cho đổi gọi tên nàng là Minh Quân hay Minh Phi.
Theo một giai thoại chép trong
Tây Kinh tạp ký 西京雜記 được lưu truyền từ cuối đời Hán rằng do số phi tần của Hán Nguyên Đế quá đông, nên hoàng đế lệnh hoạ sư vẽ lại chân dung để dựa vào nhan sắc mà sẽ triệu hạnh. Các cung phi thường lo lót tiền cho hoạ công Mao Diên Thọ 毛延壽 để được vẽ cho đẹp, chỉ Vương Tường không đút lót nên chân dung không đến được hoàng đế. Khi Hung Nô đến chầu, xin mỹ nhân để làm yên chi, Nguyên Đế chọn trong số chân dung, thấy Chiêu Quân tầm thường, nên chọn để phái đi Hung Nô. Trước nàng diện kiến, thấy dung mạo không ai bì kịp, Nguyên Đế hối hận nhưng chuyện đã định nên không thể thay đổi, sai chém Mao Diên Thọ cùng các hoạ công khác. Một dị bản của giai thoại này là Chiêu Quân tự vẽ chân dung mình, nhưng bức tranh đó trước khi dâng lên vua bị Mao Diên Thọ điểm thêm nốt ruồi, thuật số thường gọi là tướng sát chồng.
Chiêu Quân trên đường tới Hung Nô, khi tới biên cương là một nơi hoang mạc rộng lớn, nàng ngồi trên ngựa buồn u uất mà cầm một cây tỳ bà đàn một khúc gọi là
Xuất tái khúc 出塞曲 và làm một số bái thơ ai oán, trong đó có bài
Chiêu Quân oán 昭君怨 được chép trong
Nhạc phủ thi tập. Một con nhạn bay ngang qua nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất, nên nàng được tôn vinh là người có khả năng làm chim sa cá lặn (trầm ngư lạc nhạn 沉魚落雁). Do giai thoại này, Chiêu Quân xuất tái 昭君出塞 trở thành một đề tài sáng tác phổ biển của thi ca, nghệ thuật ngày trước.
Truyện Kiều: “Quá quan này khúc Chiêu Quân, Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia”.
Năm 20 TCN, Hô Hàn Tà chết, nàng tiếp tục làm vợ của người con là thiền vu Phục Chu Luy 復株累 lên thay, theo tục của người Hung Nô, sinh thêm được hai con gái. Sử sách không chép về cái chết của nàng. Sách
Thông điển đời Đường chép sau khi mất tại Hung Nô, nàng được chôn ở bờ nam sông Đại Hắc gần Hồi Hột, nay thuộc Nội Mông. Ở đây mặc dù mùa thu cây cỏ đều tàn úa nhưng mộ nàng vẫn quanh năm xanh tươi như ở trung nguyên, nên người ta gọi là “thanh trủng” 青塚 (nấm mồ xanh).

Hình: Tranh Chiêu Quân xuất tái (cục bộ) của Cung Tố Nhiên 宫素然 đời Nam Tống